Một vài suy nghĩ về ứng dụng toán học cho mỹ thuật

Nguyễn Đức Hoàng - Phó Tổng thư ký Hội Trí thức Khoa học và Công nghệ Trẻ Việt Nam
06:00 - 17/01/2023
Công dân & Khuyến học trên

Đưa kiến thức Toán học vào mỹ thuật là phép lợi thế cho cả 2 chuyên ngành. Thậm chí đối với mỹ thuật ứng dụng, dốt toán là đồng nghĩa với sản phẩm ra đời thiếu tính thẩm mỹ.

Nói đến ngành mỹ thuật, lâu nay để có thể thi đỗ vào các trường đại học và cao đẳng của chuyên ngành này thì yếu tố năng khiếu là rất quan trọng và quyết định. Tuy nhiên, nếu đưa được các kiến thức toán học vào lĩnh vực này thì có thể khẳng định chắc chắn là cơ hội sẽ mở ra nhiều hơn cho các bạn trẻ đam mê mỹ thuật.

Một vài suy nghĩ về toán học ứng dụng cho mỹ thuật - Ảnh 1.

Sinh viên Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội trong giờ thực hành. Ảnh: Đại học Mỹ thuật CN

Vậy thì toán học cho mỹ thuật phải bắt đầu từ đâu vào theo lộ trình như thế nào? Trên thực tế là ngay cả với Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp thì bộ môn Toán học Ứng dụng cũng không hề tồn tại suốt từ khi thành lập từ những năm 1960 đến nay. Và thậm chí còn có một câu ca là của không ít bậc cha mẹ là: "Cháu nhà tôi dốt văn hoá nên cho nó thi vào trường mỹ thuật".

Tuy nhiên, nếu thiếu kiến thức toán học thì chắc chắn là các họa sĩ sẽ không thể thực hiện những tấm biển quảng cáo cỡ lớn ở thời kỳ chưa có đồ họa vi tính và máy in khổ lớn. Và đương nhiên, việc phóng hình cho các bức hoành tráng, tượng đài cũng không dễ thực hiện. Để làm được việc này, họ đã phải tự học hỏi rất nhiều từ xã hội mà chủ yếu là từ chính các chuyên gia toán học.

Chính vì thực tế đó, bản thân các trường mỹ thuật cần sớm tính đến việc đưa kiến thức toán học vào chương trình đào tạo. Tuy nhiên, đây là công việc không thể của riêng ngành mỹ thuật hay toán học mà cần có sự hợp tác vì những lợi ích mà cả hai bên cùng mong muốn và về cơ bản thì chỉ cần hệ thống hoá lại các kiến thức toán học trong chương trình phổ thông là hoàn toàn đủ.

Có thể lấy ra một thí dụ đơn giản như mảng màu chuyển tông từ đậm sang nhạt và ngược lại thì phương trình biểu diễn của nó là gì? Đây là câu hỏi mà ngay đến cả giáo sư Ngô Bảo Châu – người đã giành Giải thưởng Fields danh giá có lẽ cũng chịu thua (!). Tuy nhiên, khi nhìn vào đáp án thì thật không ngờ là nó quá ư đơn giản. Mảng màu chuyển tông là hình chiếu của chuyển động nhanh dần đều hoặc chậm dần đều tức là có dạng của một nhánh parabol và đương nhiên phương trình của parabol là bậc 2, tức là y = ax­2 + bx + c.

Không chỉ có vậy, ngay việc chia đều một đoạn thẳng thôi thì hẳn nhiều người đã quên mất Định lý Thales trong chương trình phổ thông. Đó cũng là điều dễ hiểu vì có lẽ đến 90% giáo viên dạy toán ở các cấp học phổ thông cũng không biết hay không để ý xem những kiến thức mà họ đang dạy có giá trị như thế nào để ứng dụng trong đời thực.

Chính vì thế, rất cần có những nghiên cứu chính thức để đưa kiến thức toán học ứng dụng vào ngành mỹ thuật. Trước mắt, chính ngành mỹ thuật và toán học cần bắt tay với nhau một cách không chậm trễ. Và nên chăng, chính các giảng viên và sinh viên ngành toán học của các trường sư phạm cần sớm quan tâm và bắt tay vào cuộc. Định hướng nghiên cứu náy cần là một đề tài quốc gia và cần được Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm, cấp kinh phí thực hiện. Kết quả đạt được là làm sao có được giáo trình để chính thức giảng dạy trong các trường mỹ thuật trên phạm vi toàn quốc.

Nếu thực hiện được việc này, số lượng thí sinh đam mê mỹ thuật chắc chắn sẽ có cơ hội rộng mở hơn. Thậm chí, bản thân các bậc thầy và họa sĩ đã ra nghề cũng cần được bổ trợ kiến thức toán học để phục vụ cho chuyên môn của chính mình.