Đào tạo giáo viên âm nhạc, mỹ thuật sẽ ngày càng đòi hỏi cao

06:00 - 11/12/2022
Công dân & Khuyến học trên

Tại buổi làm việc với cán bộ, giảng viên Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, ngày 10/12, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: Trách nhiệm đào tạo giáo viên âm nhạc, mỹ thuật sẽ ngày càng đòi hỏi cao, đòi hỏi nhiều, đòi hỏi lớn.

Do đó, sự phát triển đào tạo giáo viên nghệ thuật trước mắt và sau này phải là nhiệm vụ trọng tâm của nhà trường, không được phép rời xa, không được phép nghi ngờ.

Đào tạo giáo viên âm nhạc, mỹ thuật sẽ ngày càng đòi hỏi cao - Ảnh 1.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu trong buổi làm việc với Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương. Ảnh: Giaoducthoidai.vn

Phân tích cụ thể về lộ trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, khi phải cần nhiều năm nữa để đào tạo đủ số lượng, chất lượng đội ngũ giáo viên dạy các môn nghệ thuật, Bộ trưởng cho rằng: Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương cần định vị được mình đang ở đâu, ở vị trí nào trong hệ thống đào tạo, nghiên cứu nghệ thuật của Việt Nam và thế giới; nhìn nhận đầy đủ sở trường, sứ mệnh, thuận lợi, cũng như thách thức đặt ra cả trong trước mắt và lâu dài. Từ đó, phân tích nhìn thấy cơ hội, đặt ra tầm nhìn cho 10 - 20 năm sau.

Chia sẻ về xu thế đổi mới giáo dục lấy phát triển con người làm trọng tâm, về bối cảnh đổi mới giáo dục phổ thông đang diễn ra mạnh mẽ với việc các môn mỹ thuật, âm nhạc thành môn học chính thức và bối cảnh của đất nước khi kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, Bộ trưởng cho rằng, đó chính là miền đất cho các trường đào tạo nghệ thuật.

Trong định hướng phát triển lâu dài, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn lưu ý, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương cần xác định sở trường là lĩnh vực nghệ thuật và lấy việc rèn nghề là định hướng lớn. Trong đó, cần tiếp tục mở rộng ngành nghề để bao phủ hết lĩnh vực nghệ thuật, tăng cường hàm lượng nghiên cứu và học thuật có tính hàn lâm, đồng thời, nâng cao chất lượng đào tạo, phục vụ nhu cầu xã hội.

Trước thực tế còn nhiều khó khăn, song với quan điểm “thống nhất tầm nhìn”, Bộ trưởng kỳ vọng, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương sẽ đặt ra những ý tưởng lớn, nghĩ đến một hệ thống có tầm vóc để phát triển, từng bước thoát ra khỏi hiện trạng thiếu thốn, manh mún về cơ sở vật chất hiện nay. Theo Bộ trưởng, đối với hệ thống đại học, đổi mới sáng tạo trường nào cũng cần, nhưng đối với một trường nghệ thuật, tính đổi mới, sáng tạo càng cần thiết. Vì vậy, nhà trường cần xác định con đường đi phù hợp nhất, thể hiện được lợi thế của mình, đi bằng đúng sở trường để đi xa nhất và thành công nhất. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ còn có các cuộc làm việc tiếp theo với Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương về định hướng phát triển của trường.

Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương được thành lập năm 2006 trên cơ sở nâng cấp Trường Cao đẳng Sư phạm Nhạc - Hoạ Trung ương. Trường có sứ mệnh đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục nghệ thuật, đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và hội nhập quốc tế.

Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Đăng Phượng, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương cho biết: Nhà trường hiện đang đào tạo 13 ngành/chuyên ngành đại học, 4 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ, 2 ngành đào tạo tiến sĩ và 1 mã ngành đào tạo trung cấp, với 5.265 học viên, sinh viên, trong đó có 4.997 sinh viên hệ đại học, 242 học viên cao học, 26 nghiên cứu sinh.

Mục tiêu phát triển của Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương là trở thành trung tâm đào tạo theo hướng ứng dụng và nghiên cứu khoa học chất lượng cao về lĩnh vực văn hoá, giáo dục nghệ thuật, được xếp hạng trong nước, khu vực và quốc tế; thực hiện tốt trách nhiệm kết nối vì sự phát triển cộng đồng. Xây dựng và phát triển các chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra theo nhu cầu xã hội và phù hợp với năng lực của nhà trường; hướng tới hiện đại hóa trong đào tạo, hội nhập với khu vực và quốc tế; mở các mã ngành đào tạo, hiện đại hóa các chương trình đào tạo; hàng năm tăng quy mô đào tạo từ 20 đến 30%.

Tại cuộc làm việc, những vấn đề khó khăn hiện nay của nhà trường như thiếu thốn cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn lực tài chính hạn hẹp, hoạt động khoa học, công nghệ nhỏ bé… đã được đại diện nhà trường chia sẻ, từ đó kiến nghị, đề xuất những chính sách, hỗ trợ từ phía Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Nguồn: TTXVN
Bình luận của bạn

Bình luận