Một số lưu ý khi làm thẻ căn cước cho trẻ dưới 6 tuổi

Đoàn Trang
07:00 - 11/08/2024
Công dân & Khuyến học trên

Từ 01/7/2024, sau khi Luật Căn cước 2023 chính thức có hiệu lực pháp luật trẻ em dưới 6 tuổi cũng có thể được làm thẻ căn cước nếu có nhu cầu. Theo đó, phụ huynh cần lưu ý những điều sau khi làm thẻ căn cước cho trẻ dưới 6 tuổi.

Trẻ dưới 6 tuổi có bắt buộc phải làm thẻ căn cước từ 01/7/2024

Theo Điều 19 Luật Căn cước 2023, người được cấp thẻ căn cước bao gồm:

- Người được cấp thẻ căn cước là công dân Việt Nam.

- Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên phải thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước.

- Công dân Việt Nam dưới 14 tuổi được cấp thẻ căn cước theo nhu cầu.

Như vậy, theo quy định nêu trên, trẻ em dưới 6 tuổi không bắt buộc làm thẻ Căn cước từ 01/7/2024 mà chỉ thực hiện khi có nhu cầu, theo đó, người đại diện hợp pháp sẽ thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước thông qua Cổng dịch vụ công/ứng dụng định danh quốc gia VneID.

Do đó, khi làm thẻ căn cước cho trẻ dưới 6 tuổi thì phụ huynh chỉ cần chứng minh mình là người đại diện hợp pháp của trẻ. Ngoài ra, trẻ em dưới 6 tuổi sẽ không phải cung cấp thông tin nào khác.

Những thông tin có trên thẻ căn cước của trẻ dưới 6 tuổi

Thông tin trên thẻ căn cước của trẻ em dưới 6 tuổi được quy định tại Điều 3 Thông tư 16/2024/TT-BCA, theo đó, mẫu thẻ dành cho công dân từ 0 - 6 tuổi sẽ không có ảnh trên căn cước.

Trong đó, các thông tin trên thẻ căn cước bao gồm:

- Mặt trước thẻ căn cước: (Từ trái qua phải, từ trên xuống dưới)

Một số lưu ý khi làm thẻ căn cước cho trẻ dưới 6 tuổi - Ảnh 1.

Mặt trước thẻ căn cước cho trẻ dưới 6 tuổi. (Ảnh: IT).

+ Hình Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

+ Dòng chữ CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM, Độc lập - Tự do - Hạnh phúc; SOCIALIST REPUBLIC OF VIET NAM, Independence - Freedom - Happiness;

+ Dòng chữ CĂN CƯỚC; IDENTITY CARD

+ Biểu tượng chíp điện tử

+ Số định danh cá nhân/Personal identification number

+ Họ, chữ đệm và tên khai sinh/Full name

+ Ngày, tháng, năm sinh/Date of birth

+ Giới tính/Sex; Quốc tịch/Nationality.

- Mặt sau thẻ căn cước: (Từ trên xuống dưới, từ trái qua phải)

Một số lưu ý khi làm thẻ căn cước cho trẻ dưới 6 tuổi - Ảnh 2.

Mặt sau thẻ căn cước cho trẻ dưới 6 tuổi. (Ảnh: IT).

+ Nơi cư trú/Place of residence

+ Nơi đăng ký khai sinh/Place of birth

+ Chíp điện tử

+ Mã QR

+ Ngày, tháng, năm cấp/Date of issue

+ Ngày, tháng, năm hết hạn/Date of expiry

+ BỘ CÔNG AN/MINISTRY OF PUBLIC SECURITY

+ Dòng MRZ.

Ngoài ra, màu sắc của các thông tin trên thẻ căn cước được quy định như sau:

- Màu xanh tím đối với các dòng chữ:

+ CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM, Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

+ SOCIALIST REPUBLIC OF VIET NAM, Independence - Freedom – Happiness

+ IDENTITY CARD

+ Số định danh cá nhân/Personal identification number

+ Họ, chữ đệm và tên khai sinh/Full name

+ Ngày, tháng, năm sinh/Date of birth

+ Giới tính/Sex; Quốc tịch/Nationality

+ Nơi cư trú/Place of residence

+ Nơi đăng ký khai sinh/Place of birth

+ Ngày, tháng, năm cấp/Date of issue

+ Ngày, tháng, năm hết hạn/Date of expiry

+ BỘ CÔNG AN/MINISTRY OF PUBLIC SECURITY

+ Biểu tượng chíp điện tử

- Màu đỏ đối với dòng chữ CĂN CƯỚC

- Màu đen đối với: Thông tin về số định danh cá nhân; thông tin của người được cấp thẻ căn cước; thông tin về ngày, tháng, năm cấp; thông tin về ngày, tháng, năm hết hạn; mã QR; dòng MRZ.

Quy định về hình dáng, kích thước, chất liệu thẻ căn cước của trẻ dưới 6 tuổi thế nào?

Căn cứ theo Điều 5 Thông tư 16/2024/TT-BCA quy định về hình dáng, kích thước, chất liệu thẻ căn cước như sau:

- Thẻ căn cước hình chữ nhật, chiều rộng 53,98mm, chiều dài 85,6mm, độ dày 0,76mm, bốn góc được cắt tròn với bán kính 3,18mm.

- Thẻ căn cước được sản xuất bằng chất liệu nhựa. 

Thủ tục cấp thẻ Căn cước cho trẻ em từ ngày 01/7/2024

Khoản 2 Điều 23 Luật Căn cước 2023 quy định về thủ tục cấp thẻ Căn cước cho trẻ em dưới 6 tuổi từ ngày 01/7/2024 như sau:

Trong trường hợp thông thường: Việc cấp thẻ căn cước cho các trường hợp trẻ em từ 0 - 6 tuổi sẽ thông qua người đại diện hợp pháp, cụ thể người đại diện hợp pháp thực hiện thủ tục thông qua Cổng dịch vụ công/ứng dụng định danh quốc gia VneID.

Trong trường hợp trẻ dưới 06 tuổi chưa đăng ký khai sinh: Người đại diện hợp pháp thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước thông qua các thủ tục liên thông với đăng ký khai sinh trên Cổng dịch vụ công/ứng dụng định danh quốc gia VNeID hoặc trực tiếp tại cơ quan quản lý căn cước.

Lưu ý: Cơ quan quản lý căn cước không thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học đối với người dưới 06 tuổi;

Thủ tục tích hợp, cập nhật, điều chỉnh thông tin trên thẻ căn cước cho trẻ dưới 6 tuổi

Khoản 5 Điều 20 Nghị định 70/2024/NĐ-CP quy định thủ tục tích hợp, cập nhật, điều chỉnh thông tin trên thẻ căn cước cho trẻ dưới 6 tuổi như sau:

Trình tự, thủ tục tích hợp thông tin vào thẻ căn cước đối với trường hợp người dưới 6 tuổi đề nghị cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an, ứng dụng định danh quốc gia thực hiện như sau:

- Công dân hoặc người đại diện hợp pháp của người dưới 6 tuổi lựa chọn thông tin cần tích hợp gửi kèm hồ sơ đề nghị cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước;

- Cơ quản lý căn cước của Bộ Công an thực hiện kiểm tra, đối chiếu, xác thực thông tin đề nghị tích hợp thông qua Cơ sở dữ liệu căn cước, cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành và thực hiện tích hợp đối với các thông tin xác thực thành công;

- Cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an thông báo kết quả tích hợp thông tin khi trả thẻ căn cước cho công dân;

- Công dân hoặc người đại diện hợp pháp của người dưới 6 tuổi thực hiện thanh toán lệ phí tích hợp, cập nhật, điều chỉnh thông tin trên thẻ căn cước và phí dịch vụ chuyển phát theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.

Làm thẻ căn cước cho trẻ dưới 6 tuổi để nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi của trẻ em, phục vụ cho công tác quản lý của Nhà nước được dễ dàng hơn, hướng tới nền kinh tế số, xã hội số. Không chỉ vậy, làm căn cước cho trẻ dưới 6 còn giúp thay thế các loại giấy tờ như hộ chiếu, thẻ bảo hiểm y tế,... thuận tiện hơn cho quá trình thực hiện các thủ tục khác có liên quan sau này.

Bình luận của bạn

Bình luận