Một góc nhìn về thảm họa động đất kinh hoàng tại Đài Loan và Thổ Nhĩ Kỳ

Minh Phú
06:06 - 05/04/2024
Công dân & Khuyến học trên

Ngày 6/2/2023, Thổ Nhĩ Kỳ xảy ra trận động đất với cường độ 7.8 độ richter. Ngày 3/4/2024, động đất 7.5 độ richter xảy ra ở Đài Loan. Hãy cùng Tạp chí Công dân và Khuyến học nhìn lại tương quan và mức độ tàn phá của hai trận động đất này.

Một góc nhìn về thảm họa động đất kinh hoàng tại Đài Loan và Thổ Nhĩ Kỳ- Ảnh 1.

Một góc nhìn về thảm họa động đất kinh hoàng tại Đài Loan và Thổ Nhĩ Kỳ- Ảnh 2.

Một góc nhìn về thảm họa động đất kinh hoàng tại Đài Loan và Thổ Nhĩ Kỳ- Ảnh 3.

Một góc nhìn về thảm họa động đất kinh hoàng tại Đài Loan và Thổ Nhĩ Kỳ- Ảnh 4.

Một góc nhìn về thảm họa động đất kinh hoàng tại Đài Loan và Thổ Nhĩ Kỳ- Ảnh 5.

Một góc nhìn về thảm họa động đất kinh hoàng tại Đài Loan và Thổ Nhĩ Kỳ- Ảnh 6.

Một góc nhìn về thảm họa động đất kinh hoàng tại Đài Loan và Thổ Nhĩ Kỳ- Ảnh 7.

Một góc nhìn về thảm họa động đất kinh hoàng tại Đài Loan và Thổ Nhĩ Kỳ- Ảnh 8.

Một góc nhìn về thảm họa động đất kinh hoàng tại Đài Loan và Thổ Nhĩ Kỳ- Ảnh 9.

Những hình ảnh tương quan giữa hai trận động đất xảy ra cách nhau gần 1 năm tại hai quốc gia Đài Loan và Thổ Nhĩ Kỳ.

Đài Loan - Thổ Nhĩ Kỳ: Thảm hoạ động đất kinh hoàng

Vào ngày 6 tháng 2 năm 2023, một trận động đất mạnh 7,8 độ richter đã tấn công miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ, gây ra sự tàn phá trên diện rộng. Trận động đất kéo dài 85 giây và theo sau là hơn 570 dư chấn trong vòng 24 giờ, trong đó có một trận động đất mạnh 7,5 độ richter ở phía Bắc tâm chấn ban đầu tại tỉnh Kahramanmaras.

Thảm họa đã gây ra một hoạt động cứu hộ và viện trợ quốc tế quy mô lớn, với sự tham gia của hàng chục quốc gia và tổ chức.

Trận động đất này đã khiến gần như tất cả 22 tòa nhà trong một khu phức hợp cao tầng sụp đổ ở Kahramanmaraş (Thổ Nhĩ Kỳ), cướp đi sinh mạng của 1.400 người và hàng trăm người khác thiệt mạng.

Theo báo cáo của Tổ chức Nghiên cứu Chính sách Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ (Tepav), khu vực xảy ra động đất đã mất số lượng tòa nhà trong vài giây tương đương với lượng tòa nhà thường phải mất một thập kỷ để xây dựng.

“Trận động đất sẽ tạo ra nhu cầu tài chính khoảng 150 tỷ USD trong thời gian 5 năm. Chi phí tái thiết và phục hồi sẽ có tác động tiêu cực đáng kể và lâu dài đến nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ.”

Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng cường các quy định về xây dựng sau trận động đất ở Istanbul năm 1999. Theo The Guardian việc thực thi lỏng lẻo, quy hoạch kém và những cáo buộc bất thường kể từ đó đã góp phần làm trầm trọng thêm thảm họa năm 2023.

Ngoài ra, việc sử dụng vật liệu kém chất lượng và thiếu sự kiểm tra thích hợp trong bối cảnh bùng nổ xây dựng ở Thổ Nhĩ Kỳ trong những năm gần đây cũng được cho là đã làm tình hình trở nên tồi tệ hơn.

Những vụ án về xây dựng được xét xử tại toà án cho đến nay, thường tập trung vào các vấn đề hợp đồng mà tránh truy tố trách nhiệm của quan chức.

Trong khi đó, các chuyên gia cho biết Thổ Nhĩ Kỳ cũng không có sự chuẩn bị tốt hơn cho một trận động đất khác so với những năm trước đó. Sự sụp đổ ngay lập tức của rất nhiều tòa nhà ở một trong những khu vực thường xuyên xảy ra động đất nhất thế giới cho thấy lòng tham của các nhà phát triển bất động sản vô đạo đức và nạn tham nhũng của các quan chức đã ký hợp đồng với các dự án xây dựng không an toàn.

Các nhà phê bình cho rằng, hoạt động tìm kiếm và cứu hộ ở Thổ Nhĩ Kỳ đã bị trì hoãn, do đó, số người thiệt mạng cũng nhiều hơn. Cùng với đó là vấn đề chính trị, thời tiết khắc nghiệt, vô cùng lạnh giá, dẫn đến thảm họa càng trở nên thảm khốc.

Ở nhiều nơi tại đất nước này, đống đổ nát vẫn còn nguyên tại nơi nó rơi xuống. Trong khi đó, người dân phải vật lộn để sinh tồn trong lều và thùng chứa đúc sẵn dù trận động đất đã xảy ra được hơn 1 năm.

Khu vực bị ảnh hưởng vốn đã phải chịu áp lực kinh tế căng thẳng, là nơi sinh sống của một nửa trong số 3,7 triệu người tị nạn chạy trốn khỏi cuộc nội chiến ở nước láng giềng Syria.

Quay trở lại với tình hình tại Đài Loan, trận động đất xảy ra vào lúc 7h58 sáng ngày 3/4/2024 theo giờ địa phương, với tâm chấn nằm ở độ sâu 10km dưới lòng đất. Cơ quan giám sát động đất của Đài Loan đo được cường độ trận động đất là 7,2 độ richter, trong khi Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS) đánh giá là 7,4 độ richter.

Thiệt hại do trận động đất gây ra có thể nhìn thấy ở một số tòa nhà ở trung tâm Đài Bắc, trong đó có cả khách sạn Howard Plaza, nơi gạch ốp bên ngoài chỉ bị hư hại và một số chữ trên biển hiệu bị bong tróc. Các thiệt hại khác được báo cáo bao gồm 9 đoạn đường cao tốc địa phương và 11 con đường bị đá rơi hoặc mặt đường đứt gãy, sụt lún.

Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 1.011 người bị thương và 9 người thiệt mạng do trận động đất. 

Nhà điều hành đường sắt cao tốc của Đài Loan cho biết không có thiệt hại hay thương tích nào xảy ra trên các đoàn tàu trong trận động đất, mặc dù các dịch vụ sẽ bị trì hoãn để tiến hành kiểm tra lại công trình.

Nhà sản xuất chip Đài Loan TSMC , nơi cung cấp chíp bán dẫn cho các công ty như Apple, cho biết họ đã sơ tán nhân viên khỏi một số nhà máy ở Hsinchu, phía tây nam Đài Bắc. Chính quyền Tân Trúc cho biết nguồn cung cấp điện và nước cho tất cả các nhà máy trong công viên khoa học của thành phố vẫn hoạt động bình thường.

Sự hoảng loạn ban đầu nhanh chóng giảm bớt trên hòn đảo này. Đài Loan được coi là nơi luôn có những sự chuẩn bị kỹ càng và thường có các cuộc diễn tập tại trường học, các thông tin về động đất cũng như cách ứng phó cũng thường xuyên được cập nhật trên các phương tiện truyền thông và điện thoại di động.

Stephen Gao, nhà địa chấn học và giáo sư tại Đại học Khoa học và Công nghệ Missouri (Hoa Kỳ)
Mức độ sẵn sàng của Đài Loan thuộc hàng tiên tiến nhất thế giới và bao gồm các quy định xây dựng nghiêm ngặt cũng như mạng lưới địa chấn đẳng cấp thế giới.

Đến trưa ngày 3/4, ga tàu điện ngầm ở vùng ngoại ô Beitou sầm uất phía bắc Đài Bắc lại nhộn nhịp người đi làm và người đến thăm suối nước nóng hoặc đi du lịch trên những con đường núi ở chân một ngọn núi lửa đã ngừng hoạt động.

Công ty điện lực Taipower cho biết hầu hết điện đã được khôi phục sau trận động đất và hai nhà máy điện hạt nhân trên đảo không bị ảnh hưởng.

Hãng thông tấn trung ương Đài Loan chính thức cho biết trận động đất này là trận động đất lớn nhất kể từ trận động đất mạnh 7,6 độ richter năm 1999 (khiến khoảng 2.400 người thiệt mạng, 10.000 người khác bị thương và làm hư hại hoặc phá hủy 50.000 tòa nhà). 

Chị Lại Huê - một người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Đài Loan cho biết: "Nơi chị ở cách không xa tâm chấn động đất, tin nhắn báo động đất đến trước cơn rung lắc 30 giây. Lúc đó, chị vẫn kịp tỉnh ngủ và chạy ra ngoài. Ở Đài Loan, các em bé mầm non đã được dạy về cách ứng phó khi động đất xảy ra. Các thông tin truyền thông cũng rất tốt. Thời gian người Đài Loan thi công nền móng nhà luôn mất nhiều thời gian và kỹ càng hơn xây một ngôi nhà. Bởi thế chất lượng công trình nhà ở thường rất kiên cố và chắc chắn. Đây cũng là lý do ít có thiệt hại về người khi xảy ra động đất."

Đài Loan nằm dọc theo "Vành đai lửa" Thái Bình Dương, đường đứt gãy địa chấn bao quanh Thái Bình Dương, nơi xảy ra hầu hết các trận động đất trên thế giới. Tuy nhiên, những con số trên cho thấy, Đài Loan đã có những biện pháp ứng phó đối với động đất để giảm thiểu con số thiệt hại ở mức ít nhất có thể. 

Xét về cường độ của trận động đất và con số thống kê về con người, tài sản, hạ tầng giao thông, có thể thấy thảm họa tự nhiên vô cùng tàn khốc, chỉ trong vài giây đến vài phút ngắn ngủi, có thể phá huỷ nỗ lực xây dựng vài thập kỷ của con người. Việc so sánh thiệt hại về người và của giữa hai trận động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ và Đài Loan là khiên cưỡng, tuy nhiên, cũng mang đến một góc nhìn về trách nhiệm của chính quyền về quy hoạch, xây dựng và kiểm soát chất lượng công trình. Thảm họa thiên nhiên là không thể ngăn cản nhưng con người vẫn có thể giảm bớt thiệt hại về người và của nếu như làm việc có trách nhiệm, quản lý minh bạch, công tâm.

Đây cũng là lời nhắc nhở nghiêm trọng về sức mạnh hủy diệt của thiên nhiên. Trong khi trận động đất ở Đài Loan gây ra thương vong và thiệt hại còn chưa thống kê hết, trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành một thảm kịch vô cùng đau thương, gây ra sự tàn phá trên diện rộng và nỗi đau kéo dài.

Những hình ảnh tương quan giữa hai sự kiện này cho thấy tầm quan trọng của việc chuẩn bị, ứng phó và phục hồi sau thảm họa, cũng như nhu cầu cấp thiết về quy định xây dựng nghiêm ngặt, thực thi có hiệu quả và sự hợp tác quốc tế để giảm thiểu tác động tàn khốc của động đất trong tương lai.