Một gia đình ba thế hệ, bốn nhà văn tên tuổi

Nguyễn Năng Lực
01:53 - 30/05/2022
Công dân & Khuyến học trên

Đó là gia đình Nhà văn Lương y Nguyễn Tử Siêu (1887 -1965) với người con thứ, Nhà văn Nguyễn Thiên Lương; con rể, Nhà văn Hoài An và cháu ngoại, Nhà văn Nguyễn Như Phong

Một gia đình ba thế hệ, bốn nhà văn tên tuổi - Ảnh 1.

Từ trái sang phải: Nhà văn, Nguyễn Tử Siêu, Nhà văn Hoài An, Nhà văn Nguyễn Thiên Lương

Nhà văn, Lương y Nguyễn Tử Siêu ( 1887-1965 ) bút danh Nguyễn An Nhân, Liên Tâm lão nhân, Hoa Cương. Nguyên quán xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất, Hà Nội.

Một gia đình ba thế hệ, bốn nhà văn tên tuổi - Ảnh 2.

Nhà văn Lương y Nguyễn Tử Siêu (1887-1965)

Xuất thân trong  gia đình nho học, bản thân đã qua tam trường vào năm cuối chế độ thi cử cũ, chuyển sang thi cử bằng quốc văn.Trong 20 năm ( 1925-1945 ) cụ đã xuất bản hơn 20 cuốn, cổ vũ lòng yêu nước, chống cường quyền ngoại xâm, tiêu biểu như cuốn Tiếng sấm đêm đông, Hai bà đánh giặc, Vua bà Triệu, Vua Bố Cái, Đinh Tiên Hoàng, Việt Thanh chiến sử, Trần Nguyên chiến kỷ.... Có những cuốn bị thực dân Pháp và chính quyền đương thời tịch thu, cấm lưu hành, tác giả bị quản thúc ở nguyên quán. Trong thời gian bị quản thúc, cụ vừa viết văn, vừa dạy học, vừa làm nghề Đông Y và viết, dịch hơn 20 cuốn sách Đông Y mang bút danh Nguyễn An Nhân. Tiêu biểu như các bộ: Y học tùng thư, Sách thuốc trẻ em, Sách thuốc phụ nữ, Châm cứu sơ bộ thực hành và các sách dịch như Hoàng Đế nội kinh, Ngoại cảm thông trị, Khôn hoá Thái chân, Tân châm cứu học... Cuốn Tử Siêu Y Thoại là tác phẩm cuối cùng của tác giả. Cụ từng là Chủ tịch Mặt trận Liên Việt tỉnh Sơn Tây, Phó Chủ tịch Uỷ ban Hành chính kháng chiến tỉnh Sơn Tây, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Đông Y Việt Nam các khoá 1 và 2 ( 1957- 1965 ).

Một gia đình ba thế hệ, bốn nhà văn tên tuổi - Ảnh 3.

Bốn bộ tuyển tập của bốn nhà văn thuộc ba thế hệ trong một gia đình

Nhà văn Hoài An là cây bút chuyên viết bút ký, phóng sự, từng nhiều năm làm biên tập ở Báo Văn nghệ. Ông tham gia cách mạng từ năm 1945. Năm 1952, ông làm phóng viên báo Đại đoàn Quân Tiên phong (Sư đoàn 308). Từ năm 1954 đến 1960, ông làm phóng viên báo Quân đội Nhân dân, sau đó chuyển về báo Văn nghệ. Nói về ông, Nhà văn Võ Khắc Nghiêm cho rằng văn chương Hoài An vạm vỡ như sức vóc con người ông và cũng phong lưu như cuộc sống “quý tộc nghèo” của ông.  Nhà văn Hoài An là tác giả của nhiều bài bút ký nổi tiếng một thời như Tủa Chùa, miền đất lạ; Bí mật củ sắn, con lợn ở làng Đại Lâm; Đồng cỏ Mộc Châu";  Bông Nà Sản…

Nhà văn Nguyễn Thiên Lương (1932 – 2010) là thứ nam của Nhà văn, Lương y Nguyễn Tử Siêu. Ông đi giao liên từ năm 14 tuổi. Năm 1954, ông được điều lên Tây Bắc tham gia chiến dịch Trần Đình (bí danh của Điện Biên Phủ) với chức vụ  Tiểu đội trưởng bộ binh Tiểu đội I, Đại đội 261, Trung đoàn 102, Đại đoàn 308. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, ông đã in bước chân trên  khắp các cánh rừng Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, đóng quân lâu nhất ở đèo Mang Yang. Ông là tác giả của bộ sách thiếu nhi nổi tiếng Thú rừng Tây Nguyên và cuốn ký sự Cao nguyên thất thủ…

Một gia đình ba thế hệ, bốn nhà văn tên tuổi - Ảnh 4.

Nhà văn Nguyễn Như Phong

Đại tá Nguyễn Như Phong, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Công an nhân dân là nhà văn, nhà báo nổi tiếng xông xáo, ham đi, ham viết. Ông khởi nghiệp văn chương bằng những truyện ngắn trên báo Văn Nghệ từ năm 1978 khi còn là lính công binh ở bên Lào. Năm 2010, ông làm Tổng biên tập báo Năng lượng Mới. 

 Ông xuất bản bộ Tuyển tập Nguyễn Như Phong gồm 14 tập, trong đó có 1 tập bút ký, 2 tập phóng sự và 11 cuốn tiểu thuyết. 5 cuốn thiểu thuyết đã được chính tác giả chuyển thể thành kịch bản phim truyền hình nhiều tập: Cổ cồn trắng, Bí mật những cuộc đời, Chạy án, Đồng tiền quỷ ám, Bí mật Tam giác Vàng.

Một gia đình ba thế hệ, bốn nhà văn tên tuổi - Ảnh 5.

Bạn đọc với tác phẩm của gia đình Nhà văn Nguyễn Tử Siêu.

“Trong sự khác biệt về phong cách, về đề tài nhưng cả 4 nhà văn, qua nhiều thế hệ, trong một khoảng thời gian dài, từ thế kỷ XIX đến thế kỷ XXI, luôn có một sợi dây xuyên suốt, là chủ nghĩa nhân văn, là những câu hỏi cần được trả lời về số phận, cách sống của một con người trong một gia đình, trong một cộng đồng, trong một quốc gia...". (Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam)


Nguồn: Báo Công an Nhân dân