Môn khoa học hành chính trong giáo dục đại học: Cần đặt vị trí xứng tầm

Nguyễn Đức Hoàng – Phó Tổng thư ký Hội Trí thức Khoa học và Công nghệ Trẻ Việt Nam
06:00 - 19/01/2023
Công dân & Khuyến học trên

Vấn đề của mọi sinh viên đại học là không hề biết có môn khoa học hành chính rất hữu dụng trong đời sống hằng ngày. Không phải chỉ sinh viên mà rất nhiều người không biết soạn thảo một văn bản hành chính thông thường.

Tốt nghiệp đại học, việc đầu tiên với bất kỳ sinh viên nào khi làm hồ sơ xin việc là phải tự viết được cho mình một bản lý lịch tự thuật. Còn khi đã được chính thức tuyển dụng thì cũng phải biết soạn thảo công văn, quyết định và có thể cả là hợp đồng kinh tế cho nơi đã tuyển dụng mình. Tuy nhiên, điều tưởng chừng đơn giản ấy lại là thực tế không dễ dàng với số đông sinh viên.

Nguyên nhân vì trong chương trình đào tạo chính thức và cả ngoại khoá của tuyệt đại đa số các trường đại học và cao đẳng ở Việt Nam, môn học về Khoa học Hành chính lại không hề tồn tại. Do đó, những khái niệm cùng chuẩn mực tối thiểu về khoa học hành chính hoàn toàn không nằm trong nhận thức của sinh viên cũng là điều dễ hiểu.

Còn với số đông những người đã thạo công việc này thì về cơ bản là do va chạm thực tế chứ cũng ít người biết đến một địa chỉ rất đáng tin cậy để có thể chính thức học hỏi là Học viện Hành chính Quốc gia. Và vấn đề cũng không chỉ là riêng với kỹ năng xử lý văn bản hành chính mà còn cả về cấu trúc hệ thống của mọi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp…

Riêng với các đối tượng muốn khởi nghiệp, nếu không nhận thức được một cách nghiêm túc về khoa học hành chính thì cơ đồ của họ sẽ đứng trước rất nhiều nguy cơ và thậm chí lụi tàn hoặc không thể phát triển lớn mạnh được. Vì thế, theo không ít nhận xét thì cứ gọi là công ty cho oai chứ ở nhiều nơi thì lề thói làm việc của lãnh đạo có có lẽ không hơn cái hợp tác xã.

Chính vì những thực tế đó, nên chăng Khoa học Hành chính cần sớm trở thành một môn học chính thức hoặc không chính thức trong hệ thống giáo dục đại học và cao đẳng ở Việt Nam. Và ở tầm vĩ mô thì Chính phủ mà trực tiếp là Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Bộ Nội vụ cần phải sớm ngồi lại với nhau để bàn về thực trạng này nhằm đưa ra những lộ trình cần thiết cho Khoa học Hành chính.

Tuy nhiên, trong lúc các cơ quan nhà nước chưa chính thức vào cuộc cho một thực tế có thể không có gì quá khó nhưng lại đang bị coi thường ở các đại học và cao đẳng thì nên chăng, chính các tổ chức xã hội cần chủ động việc này. Và cũng rất mong báo chí, công luận có sự quan tâm, ủng hộ cho việc phải coi trọng, nhìn nhận đúng vị thế cho môn học về Khoa học Hành chính trong tổng thể của nền giáo dục nước nhà chứ không riêng gì với giáo dục đại học.