Mọi nỗ lực để phục hồi thị trường chứng khoán
Kể từ thời điểm tháng 4/2022, một cú tác động lớn sau hàng loạt những vụ việc xử lý vi phạm, thị trường chứng khoán (TTCK) trong nước đã bước vào chu kỳ giảm sâu và cho tới giờ chưa có dấu hiệu hồi phục tích cực. Giải pháp nào để kéo lại "một thời vàng son"?
Sau một thời gian trầm lắng khá dài bởi nhiều yếu tố tiêu cực ảnh hưởng. Trên thị trường quốc tế, các yếu tố xung đột quốc tế giữa Nga – Ukraine; chính sách zero COVID của Trung Quốc; các Ngân hàng Trung ương đẩy nhanh qua trình thắt chặt chính sách tiền tệ để giảm lạm phát đã tác động mạnh tới thị trường trong nước.
Hàng loạt các "sự cố" liên quan đến quá trình điều tra sai phạm đối với một số cá nhân như và doanh nghiệp đã làm nhà đầu tư mất dần niềm tin và rời bỏ thị trường. Những cái tên như một tác nhân kích thích sự sụp đổ như FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát... đã khiến tạo ra một sự thận trọng bao trùm trên thị trường gây ra áp lực không nhỏ đối với quá trình phục hồi của nền kinh tế nói chung và TTCK nói riêng.
Chỉ số VN-Index liên tục giảm mạnh và sau đó là một khoảng thời gian dài diễn biến trong trạng thái "sideway". Có thể nói, chưa bao giờ, mọi thành phần tham gia vào thị trường lại có nhiều mong đợi khả năng hồi phục trở lại của thị trường chứng khoán Việt Nam đến vậy. Tuy nhiên, điều này đang được đánh giá là còn rất nhiều trở ngại và thách thức, ít nhất trong thời điểm đến hết năm 2023.
Nỗ lực nào để phục hồi được nền "kinh tế" chứng khoán?
Tại cuộc họp lần thứ ba của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về ổn định hoạt động thị trường chứng khoán (TTCK) và thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) được tổ chức sáng 31/3/2023 tại trụ sở Bộ Tài chính, ông Hồ Đức Phớc - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính - Tổ trưởng Tổ công tác chủ trì đã lắng nghe các ý kiến của các thành viên trong Tổ công tác cho dự thảo Báo cáo về tình hình thị trường TTCK và trái phiếu doanh nghiệp để báo cáo Chính phủ; đồng thời, kiến nghị các giải pháp đồng bộ để ổn định, phát triển TTCK, thị trường trái phiếu doanh nghiệp ngày càng minh bạch, hiệu quả, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.
Báo cáo về tình hình TTCK Việt Nam, ông Phạm Hồng Sơn - Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết, trong bối cảnh tình hình kinh tế trong và ngoài nước còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng trong quý I/2023, TTCK vẫn có những tín hiệu tích cực. Hoạt động của doanh nghiệp mặc dù có khó khăn nhưng đã số vẫn tăng trưởng ở hầu hết các nhóm ngành...
Dưới sự chỉ đạo và quyết tâm của Chính phủ, hoạt động giải ngân đầu tư công được đẩy mạnh. Quyết tâm của Chính phủ trong việc tìm ra giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật, cải cách thủ tục hành chính đã góp phần khôi phục niềm tin cho thị trường.
Với vai trò là cơ quan trực tiếp quản lý, giám sát TTCK, đảm bảo sự vận hành liên tục, thông suốt, ổn định, minh bạch của TTCK, UBCKNN đang và sẽ tiếp tục triển khai đồng các giải pháp nhằm tiếp tục ổn định TTCK trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch UBCKNN Phạm Hồng Sơn cho biết, UBCKNN đang rà soát tổng thể các quy định tại Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn nhằm khắc phục ngay những bất cập, vướng mắc. Trong đó quy định rõ phạm vi hoạt động và cung cấp dịch vụ của các công ty chứng khoán, bổ sung các quy định nhằm quản lý tốt hơn các nhà đầu tư, tăng cường các chế tài xử phạt vi phạm để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư...
Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tái cấu trúc TTCK, nâng cao sức cạnh tranh và chất lượng của các định chế trung gian thị trường thông qua việc tiếp tục thực hiện tái cấu trúc công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ theo đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng thời, UBCKNN sẽ tăng cường giám sát các công ty chứng khoán thực hiện đúng và đầy đủ vai trò là chủ thể giám sát tuyến đầu theo quy định tại Luật Chứng khoán 2019 và các văn bản hướng dẫn để kịp thời ngăn ngừa và phát hiện sớm các vi phạm trên thị trường...
UBCKNN sẽ tích cực phối hợp với các tổ chức quốc tế triển khai các giải pháp để sớm nâng hạng TTCK Việt Nam theo lộ trình đã đặt ra nhằm thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường Việt Nam.
"UBCKNN sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến của TTCK trong nước và quốc tế; phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan đẩy mạnh công tác giám sát hoạt động giao dịch trên TTCK, có cảnh báo sớm đối với nhà đầu tư về các rủi ro (nếu có) của TTCK; tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trên TTCK nhằm tăng tính răn đe, tăng cường kỷ cương, kỷ luật trên thị trường, hướng đến sự phát triển TTCK theo hướng minh bạch và bền vững", ông Phạm Hồng Sơn khẳng định.
Tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động, bảo đảm quyền lợi của nhà đầu tư
Giải pháp tăng cường nguồn lực, nhân sự cho các cơ quan thanh, kiểm tra của UBCKNN và Ngân hàng Nhà nước để quản lý giám sát và phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm quy định của pháp luật trên thị trường chứng khoán; Tăng cường cơ chế phối hợp, chia sẻ thông tin và giám sát liên thông giữa các Bộ, ngành về ngân hàng, chứng khoán và bất động sản... là một giải pháp đóng góp vai trò quan trọng trong việc ổn định thị trường.
Bên cạnh đó, công tác truyền thông cũng là một phần quan trọng trong quá trình phục hồi TTCK. Nêu ý kiến tại cuộc họp, ông Nguyễn Thanh Lâm - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay: "TTCK và thị trường trái phiếu doanh nghiệp là hai thị trường chịu tác động khá lớn từ vấn đề tâm lý, do đó, công tác truyền thông đóng vai trò rất lớn trong việc này. Thực tế hiện nay cho thấy, bên cạnh các kênh truyền thông chính thống thì các kênh truyền thông không chính thống cũng đã làm rất tốt việc tuyên truyền, củng cố niềm tin cho nhà đầu tư". Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm đề xuất Tổ công tác cần đánh giá và có giải pháp phát huy những mặt tích cực của các kênh truyền thông này trong góp phần ổn định thị trường.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm, nên địa phương hóa vấn đề truyền thông trong lĩnh vực chứng khoán và trái phiếu. Có nghĩa là trong thời gian tới, các địa phương cần chủ động nhận diện các vấn đề "nóng" thông tin để xử lý, phản ánh từ sớm, từ xa, hướng đến việc trấn an tâm lý các chủ thể tham gia vào thị trường một cách cụ thể chứ không phải nhưng thông tin chung chung.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết sẽ tiếp thu, tổng hợp các ý kiến trong cuộc họp để tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện báo cáo trình Chính phủ. Theo Bộ trưởng, cần nghiêm túc, quyết liệt chỉ đạo và thực hiện một số nội dung nhiệm vụ trọng tâm như: Tiếp tục theo dõi sát sao tình hình TTCK, tình hình trả nợ trái phiếu đến hạn; Tăng cường xây dựng hệ thống dữ liệu của TTCK...
Để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, Bộ trưởng đề nghị các bộ, ngành liên quan tham mưu với Chính phủ để đề xuất, tháo gỡ những khó khăn cho thị trường; khẩn trương có phương án sửa đổi, bổ sung hành lang pháp lý nhằm tạo điều kiện thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển...
Về công tác tuyên truyền, Bộ trưởng yêu cầu cần chủ động tăng cường công tác tuyên truyền, làm rõ phạm vi, trách nhiệm, quyền hạn của từng chủ thể tham gia thị trường; đẩy mạnh tuyên truyền những điển hình tốt...
Với những ý kiến đóng góp của các thành viên Tổ công tác, các giải pháp đề xuất nhằm ổn định TTCK và cho biết, Bộ Tài chính sẽ hoàn thiện để báo cáo Chính phủ.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google