Cần cải cách giáo dục quyết liệt, triệt để, đồng bộ

Trần Quang Quý
11:15 - 23/06/2022
Công dân & Khuyến học trên

Dân tộc ta vốn là một dân tộc hiếu học và trọng những tài năng. Bởi đấy là con đường khai phóng, mở mang dân trí, nâng cao tri thức phục vụ cho quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước về sau.

Cần cải cách giáo dục quyết liệt, triệt để, đồng bộ - Ảnh 1.

Đã đến lúc làm quyết liệt để giáo dục Việt Nam vừa có tính kế thừa truyền thống, vừa nhanh tiếp cận các nền giáo dục tiến bộ của thế giới. Ảnh minh họa, nguồn blog.vitanavis

Thân Nhân Trung (1418 - 1499), nguyên phó soái Tao đàn văn học do vua Lê Thánh Tông sáng lập, đã thể hiện sự quan tâm chú ý bồi dưỡng các nhân tài của nhà Lê, bằng tư tưởng trọng hiền tài mà ông viết và khắc trên bia tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám để ghi nhớ công ơn của các bậc hiền tài: 

"Hiền tài là nguyên khí quốc gia… nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu rồi xuống thấp". 

Tiếp thu tưởng lớn về sử dụng nhân tài, ngay sau nhà nước cách mạng non trẻ Việt Nam giành độc lập năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận động, kêu gọi hàng loạt trí thức lớn người Việt trong các ngành khoa học và ngành y bỏ cuộc sống phồn hoa của Paris và các nước khác, theo chân Bác về tham gia kháng chiến giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước...

Cũng ngay sau khi Việt Nam giành được độc lập, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phát động phong trào xóa nạn mù chữ, quyết tâm giải quyết "giặc dốt" của 95% dân số, chỉ sau "giặc đói" cấp bách lúc đó, do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng về Bình dân học vụ. 

Lớp học hướng dẫn giáo viên Bình dân học vụ mang tên Hồ Chí Minh ra đời tại Hà Nội. Vì quá nghèo, quá thiếu thốn nguồn lực, các lớp học phải dùng phấn, gạch, vôi viết xuống đất, viết trên nong, nia, phên, mẹt, cánh cửa, ván mộc… ở khắp mọi nơi. 

Bác nói: "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu". Đó là những truyền thống và tiền đề vô cùng quan trọng, sâu sắc, cấp thiết cho phát triển giáo dục những giai đoạn về sau.

Đảng, nhà nước ta coi "Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu". Tư tưởng ấy được đưa ra từ Nghị quyết số 04-NQ/TW Hội nghị lần thứ tư BCHTW Đảng (khoá VII) về tiếp tục đổi mới sự nghiệp giáo dục và đào tạo (14/01/1993). Nghị quyết đánh giá dù có những tiến bộ và phát triển, nhưng cũng chỉ ra thực trạng khó khăn, yếu kém cơ bản của nền giáo dục so với yêu cầu phát triển đất nước. 

Đó là: "Nhiệm vụ bồi dưỡng nhân tài chưa được chú trọng đúng mức… Chất lượng và hiệu quả giáo dục còn thấp. Trình độ văn hoá, nghề nghiệp, năng lực thực hành, hiểu biết về xã hội, nhân văn của học sinh còn yếu. Một bộ phận đáng kể học sinh yếu kém về nhận thức chính trị, đạo đức, lối sống. Thể lực học sinh giảm sút. Số học sinh, sinh viên khá giỏi, xuất sắc có tăng lên nhưng số học sinh yếu kém, chất lượng thấp lại tăng nhanh hơn… Đại bộ phận đội ngũ giáo viên chưa được đào tạo và bồi dưỡng tốt, bất cập với yêu cầu đổi mới giáo dục. Đời sống của giáo viên khó khăn, nhiều người phải làm thêm, "dạy thêm" để sinh sống. Truyền thống tôn sư trọng đạo bị xói mòn, vị trí xã hội của người thầy bị hạ thấp. Ngành giáo dục không thu hút được người giỏi. Hệ thống các trường sư phạm rất yếu, chất lượng thấp". 

Nguyên nhân chủ yếu là bản thân ngành giáo dục chậm đổi mới và kinh tế đất nước nghèo nàn, chậm phát triển, ngân sách dành cho giáo dục còn quá hạn chế…

Nguyên nhân chủ yếu là bản thân ngành giáo dục chậm đổi mới và kinh tế đất nước nghèo nàn, chậm phát triển, ngân sách dành cho giáo dục còn quá hạn chế…

Trải nhiều năm sau chiến tranh chống Mỹ, kinh tế Việt Nam vẫn vô cùng khó khăn do bị Mỹ và nhiều nước phương Tây bao vây cấm vận, do cơ chế quan quan liêu, bao cấp… đè nặng. Sau Đổi mới 1986, đến những năm đầu 1990 Chính phủ còn phải thường trực điều động gạo miền nam ra cứu đói cho nhiều tỉnh ở miền bắc, lác đác đây đó còn có cảnh nông dân kéo cày thay trâu… mới biết việc đầu tư cho giáo dục cũng buộc phải "tằn tiện" thế nào. 

Vì vậy những yếu kém, hạn chế cơ bản vẫn còn kéo dài, có nhiều vấn đề còn trầm trọng hơn, đặc biệt là sự vô cảm, suy thoái đạo đức, lối sống, văn hóa học đường xuống cấp… Giáo dục, nhà trường gặp quá nhiều vấn đề làm xã hội lo lắng. Việc thông đồng nâng điểm thi cho học trò của giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục; việc thầy "lộ đề thi" tốt nghiệp; việc "chạy" vào trường tốt, trường trái tuyến; việc độc quyền in sách giao khoa, nhồi nhét kiến thức, in sách tham khảo, dạy thêm vô tội vạ, nhất là hệ phổ thông kéo dài. 

Hình ảnh những đứa trẻ xệ vai đeo ba lô đầy sách, học sớm học chiều, không còn thời gian nghỉ ngơi, vui chơi là phổ biến. Có câu chuyện, một đứa trẻ mới lớp một đã biết xin mẹ 5 - 10 ngàn đồng "lo lót" cho lớp trưởng để bạn này không ghi tên mình gửi cô giáo chủ nhiệm về "hay mất trật tự". Mẹ hỏi sao lại làm thế, bé trả lời thấy các bạn khác cũng làm. Ôi tâm hồn trẻ thơ…! 

Chả trách nạn ăn hội lộ, bảo kê cho đối tác thành vấn nạn giặc nội xâm mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phải nhóm lửa "đốt lò". Đến cả các quan chức lớn cấp Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng như hai ông Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long vừa bị bắt để xử lý nghiêm về pháp luật còn nóng hổi việc "đốt lò" kia. Chưa kể, tình trạng bạo lực học đường, học trò đánh lại thầy cô, học trò tổ chức đánh hội đồng bạn mình, trong đó có nhiều vụ nữ học sinh túm tóc, lột quần áo, đấm đạp, đập ghế bạn gái khác… trong khi có những bạn trai thản nhiên quay video rồi tung lên mạng, thật đáng sợ.

Mới đây nhất, trong kỳ học quốc hội vừa diễn ra, có đại biểu một lần nữa đã lên án về những bộ sách giáo khoa, nhất là sách tham khảo sau thời gian "nằm im" đang tái trở lại để tung ra thị trường trục lợi, thu hút sự quan tâm đặc biệt. Có đại biểu còn cho rằng phải đưa những vấn đề này vào diện "đốt lò". 

Chính phủ cũng nêu 8 nhiệm vụ trọng tâm của Bộ và ngành giáo dục, cũng như những tháo gỡ khó khăn. Các chuyên gia hàng đầu về giáo dục cũng nêu những vấn đề cấp bách hiện nay mà dư luận đã biết, Bộ giáo dục đã biết, không cần phải nhắc lại. 

Vấn đề là đến lúc phải làm thực, làm quyết liệt, triệt để, đồng bộ và toàn diện. Phải tập trung mọi tinh lực, các nhà làm luật, các chuyên gia giáo dục, kể cả các chuyên gia các nước có nền giáo dục tiến tiến trợ giúp, để giáo dục Việt Nam vừa có tính kế thừa truyền thống vừa nhanh tiếp cận các nền giáo dục tiến bộ của thế giới.

Nhưng cải cách thế nào chăng nữa thì các chuyên gia cũng nêu, việc cấp bách nhất với giáo dục hiện nay là chấn chỉnh lại văn hóa học đường. "Nó phải trở thành các chuẩn mực đạo đức trong nhà trường và giúp hình thành nên những phẩm cách cần có của một công dân trong xã hội văn minh" (Nguyễn Sóng Hiền). 

"Tiên học lễ, hậu học văn", các cụ ta đã nói - không học đạo đức, lối sống, học làm người thì có ích gì?

Nhìn lại các nước láng giềng như Nhật Bản, Singapore có nền văn hóa tương đồng, gần gũi với Việt Nam nhưng hai quốc gia này cùng có một "bí quyết", một phương châm: Giáo dục theo khoa học kỹ thuật phương tây, học tập sự tiến bộ của phương tây và lựa chọn các giải pháp phù hợp để áp dụng cho nước mình. Trong đó Nhật thực hiện cải cách hệ thống giáo dục theo hình mẫu các nước Âu - Mỹ rất sớm, ngay sau cuộc cách mạng Minh Trị Duy Tân (1868). Các tài liệu cho biết mỗi năm từ 1875 - 1885, nước Nhật đưa khoảng 250 lưu học sinh kể cả ngân sách quốc gia và tư nhân du học các nước phương tây. Những người này về nước có thể thay thế các chuyên gia nước ngoài và "đóng vai trò quan trọng trong các cơ quan chính phủ, cũng như góp phần đào tạo lớp trí thức mới, tầng lớp đóng vai trò thúc đẩy quá trình tiến bộ của Nhật Bản". 

Đây có là bài học đáng để chúng ta suy ngẫm và áp dụng cho mô hình giáo dục Việt Nam không, dù rất chậm trễ?