Lưu ý về ứng dụng định danh điện tử VNeID để đảm bảo an toàn
Tài khoản định danh điện tử có độ bảo mật cao. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn trước các đối tượng tội phạm công nghệ cao, người dân không nên cài đặt ứng dụng lạ hay chia sẻ thông tin tài khoản, đồng thời chú ý bảo mật cho thiết bị đang sử dụng ứng dụng định danh điện tử.
Triển khai Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), Bộ Công an tiếp tục thực hiện cấp tài khoản định danh điện tử cho công dân trên phạm vi toàn quốc.
Tài khoản định danh điện tử là tập hợp gồm tên đăng nhập (chính là mã số định danh cá nhân của công dân), mật khẩu (được gửi qua tin nhắn SMS cho mỗi cá nhân) hoặc hình thức xác thực khác được tạo lập bởi hệ thống định danh và xác thực điện tử của Bộ Công an. Tài khoản này được quản lý và xác thực trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNeID), do Bộ Công an phát triển.
Một số lưu ý về ứng dụng định danh điện tử
Tài khoản định danh điện tử không thể sử dụng đồng thời trên nhiều thiết bị di động. Theo quy định, tài khoản định danh điện tử của công dân chỉ có thể đăng nhập trên một thiết bị duy nhất tại một thời điểm. Vì vậy, công dân không thể sử dụng tài khoản định danh điện tử trên nhiều thiết bị khác nhau cùng thời điểm.
Nếu điện thoại vô tình chứa các ứng dụng độc hại thì dữ liệu cá nhân được hiển thị trên ứng dụng VNeID cũng không thể bị truy cập bất hợp pháp. Các dữ liệu về định danh điện tử không lưu trữ trên thiết bị di động đã cài đặt ứng dụng VNeID của công dân nên các ứng dụng lạ khó có thể truy cập vào thiết bị để lấy cắp thông tin.
Chỉ khi công dân đăng ký truy cập mới được hiển thị lên ứng dụng và công dân hoàn toàn biết được chính xác việc xuất trình để hiển thị thông tin cho đối tượng khác (nếu cần). Việc xuất trình (hiển thị) thông tin tương tự như xuất trình các loại giấy tờ và thẻ cứng vật lý.
Khi cán bộ chức năng có yêu cầu kiểm tra thông tin cá nhân, giấy tờ của công dân thì công dân phải “cho phép” tức là cấp quyền kiểm tra thì cán bộ chức năng mới có thể xem được thông tin trong phạm vi được phép.
Khi bên thứ 3 (bên cung cấp dịch vụ như ngân hàng, ví điện tử…; y tế, bảo hiểm, hệ thống dịch vụ công…) có nhu cầu sử dụng dữ liệu của công dân trong dịch vụ của mình thì cũng phải được sự đồng ý của công dân. Tùy vào yêu cầu về mức độ xác thực và bảo mật của bên thứ 3, thông tin công dân sẽ được ký số (chống thay đổi, chống chối bỏ), và được mã hóa. Hệ thống của các bên thứ 3 khi kết nối với hệ thống định danh và xác thực điện tử đều phải được xác thực bảo mật.
Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn trước các đối tượng tội phạm công nghệ cao, công dân không nên cài các ứng dụng lạ, độc hại, không chia sẻ thông tin tài khoản của mình cũng như chú ý đến việc bảo mật cho thiết bị của mình đang sử dụng ứng dụng định danh điện tử.
VNeID có quyền truy cập danh bạ, hình ảnh trong điện thoại. Trong một số dịch vụ cần truy cập đến danh bạ và hình ảnh có trong điện thoại thì ứng dụng Định danh điện tử Quốc gia sẽ thông báo yêu cầu công dân cung cấp quyền truy cập để có thể tiếp tục sử dụng dịch vụ.
Để đảm bảo an toàn cho tài khoản định danh điện tử của mình, người dân cần chú ý:
- Không chia sẻ thông tin tài khoản cho người khác;
- Đăng xuất tài khoản khi cho người khác mượn thiết bị di động đang sử dụng;
- Luôn cập nhật các thông tin về ứng dụng để nắm được các tin tức - thông báo mới nhất về các hướng dẫn an toàn thông tin;
- Trong trường hợp mất thiết bị đang sử dụng tài khoản định danh điện tử, người dân cần liên hệ cơ quan công an để được hỗ trợ khóa tạm thời tài khoản nhằm đảm bảo an toàn cho dữ liệu cá nhân.
Tại sao có căn cước công dân gắn chip vẫn cần tài khoản định danh điện tử?
Bộ Công an cho biết, hiện nay việc định danh và xác thực cá nhân khi thực hiện các giao dịch ngoài đời thực chủ yếu dựa trên một số giấy tờ nhân thân đã được quy định như chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân, hộ chiếu.
Tuy nhiên, việc giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử hiện nay vẫn cần cơ chế để định danh, xác thực thông tin người dùng bảo đảm tính chính xác, đồng nhất, có kiểm chứng. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ hành chính công trực tuyến.
Ngoài ra, việc ứng dụng định danh và xác thực điện tử đối với cá nhân còn đáp ứng yêu cầu quản lý đối với giao dịch điện tử trên môi trường mạng nhằm hạn chế hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín gây mất an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.
Người dân có thể thực hiện nhiều dịch vụ công trực tuyến (đã được tích hợp trên ứng dụng định danh điện tử) mà không cần phải trực tiếp đến trụ sở các cơ quan nhà nước. Với việc sử dụng danh tính điện tử, hệ thống sẽ tự động điền thông tin của người dùng mà không cần khai báo thông tin nhiều lần như trước đây.
Việc này giúp tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí cho các loại biểu mẫu kê khai, giảm nhiều khâu thủ tục cần giải quyết.
Bên cạnh đó, người dân có thể thay thế căn cước công dân và các loại giấy tờ mà người dân đăng ký tích hợp hiển thị trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia như: giấy phép lái xe, đăng ký xe, thẻ bảo hiểm y tế...
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google