Lương hưu, trợ cấp tăng 15%, ngân sách Nhà nước dự kiến chi 16.200 tỉ đồng

Trang Linh
11:09 - 24/06/2024
Công dân & Khuyến học trên

Dự kiến tổng kinh phí bố trí tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng nửa cuối năm là hơn 16.200 tỉ đồng.

tăng lương hưu

Dự kiến từ ngày 1/7/2024, mức lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội được điều chỉnh tăng đến 15%. Ảnh: VGP

Dự kiến tăng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội lên đến 15%

Theo đề xuất của Chính phủ, dự kiến từ ngày 1/7/2024, mức lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội được điều chỉnh tăng đến 15%. Khi đề xuất được thông qua, đây sẽ là mức tăng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội cao nhất từ trước đến nay. 

Phạm vi áp dụng tới hơn 3,3 triệu người, bao gồm người đang hưởng lương hưu từ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc (khối Nhà nước, tư nhân) và người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. 

Cụ thể, Chính phủ đề xuất từ ngày 1/7/2024, điều chỉnh tăng 15% mức lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hiện hưởng (căn cứ trên mức hưởng tháng 6/2024). Đồng thời, đối với người đang hưởng lương hưu trước năm 1995, sau khi điều chỉnh mà có mức hưởng thấp hơn 3,2 triệu đồng/tháng thì điều chỉnh tăng 0,3 triệu đồng/tháng. Người có mức hưởng lương hưu từ 3,2 triệu đồng/tháng đến dưới 3,5 triệu đồng/tháng thì điều chỉnh bằng 3,5 triệu đồng/tháng. 

Tỉ lệ tăng này đã được các cơ quan quản lý tính toán kỹ lưỡng, đảm bảo công bằng, hợp lý, hài hòa, có sự chia sẻ giữa người đang hưởng lương hưu và người đang đóng bảo hiểm xã hội, giữa khu vực Nhà nước và khu vực ngoài Nhà nước, giữa các thế hệ tham gia và thụ hưởng chính sách cũng như đảm bảo khả năng cân đối Quỹ Bảo hiểm xã hội trong dài hạn. 

Về mục tiêu cụ thể, đến năm 2025, toàn quốc có khoảng 55% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hàng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội. Dự kiến năm 2030 con số này sẽ tăng lên 60%. 

Chính phủ đề nghị cho phép mở rộng phạm vi sử dụng nguồn tích lũy cải cách tiền lương của ngân sách Trung ương và địa phương để chi cho việc điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công, trợ cấp xã hội, chính sách an sinh xã hội và tinh giản biên chế. 

Bên cạnh đó, từ ngày 1/7/2024, Chính phủ cũng đề nghị tăng lương tối thiểu vùng thêm 6%. Thực hiện các đề xuất trên sẽ đảm bảo lương hưu của người lao động được đảm bảo tăng mang tính lâu dài với tính toán cân nhắc đến khả năng của doanh nghiệp và sự hỗ trợ của Nhà nước. 

Là cơ quan thuộc Chính phủ được giao thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội; chủ động, sẵn sàng thực hiện các thay đổi của chính sách từ Quốc hội, Chính phủ và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã sẵn sàng tập trung mọi nguồn lực để thực hiện khi đề xuất được Quốc hội thông qua.

Trong đó có việc triển khai đồng bộ các giải pháp, lên phương án, đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ thông tin; tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình chi trả; phối hợp giải quyết, xử lý dứt điểm các tình huống phát sinh, phản ánh kịp thời vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện nhằm đảm bảo tốt nhất việc chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội cho người thụ hưởng một cách kịp thời, hiệu quả. 

Dự kiến tổng kinh phí tăng lương hưu, trợ cấp nửa cuối năm là hơn 16.200 tỉ đồng

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng vừa trình Chính phủ đề xuất điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng, thực hiện cùng thời điểm tăng lương cơ sở. Cơ quan này đề xuất tỉ lệ tăng chung 15% trên mức hiện hưởng của tháng 6/2024. 

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, mức tăng 15% căn cứ Nghị quyết 104 tháng 11/2023 của Quốc hội về dự toán ngân sách Nhà nước, điều chỉnh lương hưu, các khoản trợ cấp, chính sách an sinh xã hội gắn với lương cơ sở, phù hợp chỉ số CPI cũng như cân đối ngân sách và nguồn Quỹ Bảo hiểm xã hội. 

Dự kiến tổng kinh phí bố trí tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng nửa cuối năm là hơn 16.200 tỉ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước chi 3.760 tỉ đồng cho hơn 1,3 triệu người; Quỹ Bảo hiểm xã hội đảm bảo hơn 12.500 tỉ đồng cho 2,36 triệu người.

Nghị định điều chỉnh lương hưu sẽ có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ký ban hành nhằm đảm bảo quyền lợi của người thụ hưởng, song các quy định được thực hiện kể từ ngày 1/7.

Trong dự thảo tờ trình nâng mức trợ giúp xã hội gửi Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đánh giá chuẩn hiện hành 360.000 đồng mỗi tháng rất thấp so với mức sống tối thiểu của người dân, chỉ bằng 24% chuẩn nghèo khu vực nông thôn giai đoạn 2021-2025, hiện tại 1,5 triệu đồng. 

Trong khi sắp tới lương cơ sở tăng 30%, chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công cũng tăng 26,5%. Giai đoạn 2021-2024, mức chuẩn ưu đãi người có công tăng trên 62%; lương cơ sở tăng 50,8%; CPI dự kiến tăng 14%. Do vậy, tăng mức chuẩn trợ giúp xã hội để đảm bảo đời sống cho người thụ hưởng là cần thiết.

Dự kiến ngân sách chi trả 6 tháng cuối năm hơn 4.700 tỉ đồng cho gần 3,4 triệu người đang được bảo trợ xã hội và 349.000 người hưởng kinh phí chăm sóc. Hiện cả nước có 3,4 triệu người (dự kiến đến 1/7 là 3,66 triệu) hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng. 

Mức hưu trí bình quân từ Quỹ Bảo hiểm xã hội đạt 5,6 triệu đồng, từ ngân sách Nhà nước 4,7 triệu đồng/người/tháng. Ngân sách Nhà nước mỗi năm chi hơn 27.000 tỉ đồng trợ giúp và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho gần 3,4 triệu người nhận bảo trợ xã hội. 

Trong đó 1,6 triệu người cao tuổi hưởng trợ cấp; 1,6 triệu người hưởng chế độ khuyết tật; 21.000 trẻ em mất nguồn nuôi dưỡng; 146.000 trẻ dưới 3 tuổi; 84.000 người đơn thân nuôi con dưới 16 tuổi và hơn 349.000 hộ gia đình đang chăm sóc các nhóm cần trợ giúp.

Bình luận của bạn

Bình luận