Lũng Vân – chợ phiên vui xứ Mường
Đến chợ phiên Lũng Vân thời điểm này, không chỉ thấy đậm đà bản sắc xứ Mường qua con người và hàng hóa "chốn tiên cảnh vùng cao", mà còn cảm nhận được sức hút đặc biệt của một phiên chợ tuy nhỏ nhưng rất nhộn nhịp, nhất là khi có thêm nhiều bước chân "khách nhí" rộn ràng xuống chợ sắm sửa hành trang đón năm học mới…
Đi chợ phiên Lũng Vân vui như đi hội
Sáng sớm, cô bé Ngân Thị Sinh hớn hở thức dậy lúc con gà ngoài chuồng cất tiếng gáy để theo mẹ Bùi Thị Hế xuống chợ phiên Lũng Vân. Không phải lúc nào Sinh cũng được xuống chợ, dịp này sắp bước vào năm học mới nên mẹ Hế cho theo để sắm quần áo mới, sách vở, bút mực mới và cả chiếc balo mới. Mẹ Hế bảo: "Sắm mới hết cho Sinh" - vì năm học vừa qua đã được nhà trường thưởng "cái giấy khen" cho thành tích học tập tốt.
Nhà Ngân Thị Sinh cách chợ Lũng Vân hơn 1 tiếng đi xe máy, trong lúc mẹ bán ít củ quả vườn nhà thì Sinh tha hồ ngắm chợ, chơi chợ. Lúc gặp Sinh, cô bé đang cùng mẹ chọn chiếc balo để đựng sách vở đi học, thay cho chiếc túi vải cũ dùng nhiều năm. Sinh vui lắm: "Mẹ bảo học mà được cái giấy khen là mẹ thưởng to như thế!".
Ngân Thị Sinh theo mẹ xuống chợ phiên Lũng Vân sắm sửa hành trang đón năm học mới. Ảnh: Trần Vũ
Cô học sinh có dáng vóc nhỏ bé năm nay lên lớp 9 Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Cao Sơn (Tân Lạc, Hòa Bình). Sinh chia sẻ: "Xuống chợ là điều em mong ngóng nhất, không chỉ vì được mua sắm đồ mới, mà còn được gặp gỡ bà con, được ăn nhiều món ngon, được thấy nhiều cái hay, cái lạ và được gặp gỡ trò chuyện với những du khách vui tính dưới miền xuôi lên chơi" – cô bé cười tươi qua đôi mắt trong veo.
Không có xe máy để xuống chợ như mẹ con Ngân Thị Sinh, sáng sớm tinh mơ, ông Bùi Văn Tỉnh dắt theo người cháu đi bộ từ lưng chừng đồi xuống chợ - cách hơn chục cây số. Cậu học sinh lớp 3 Trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Quyết Chiến vui sướng vì được ông tặng cho chiếc balo đựng sách vở và bộ quần áo mới cậu mặc luôn trên người. Lần xuống chợ này người ông dành gần hết số tiền có được để sắm trang phục mới cho cháu của mình. Hai ông cháu đều thấy phấn khởi vì có buổi chợ vui.
Cậu học sinh nhỏ được ông đưa xuống chợ sắm hành trang mới đón năm học mới. Ảnh: Trần Vũ
Nói buổi chợ vui vì chợ phiên Lũng Vân chỉ họp từ sáng sớm đến trưa, đầu giờ chiều là tan chợ, vắng teo.
Đây là thời điểm nhiều học sinh ở vùng cao Vân Sơn được theo người lớn xuống chợ. Đi chợ phiên Lũng Vân dịp này với các học sinh vùng cao như được đi hội. Niềm vui ngập tràn trong ánh mắt, nụ cười các em nhỏ vùng cao.
Rất nhiều bạn nhỏ được theo người lớn xuống chợ, sắm đồ dùng học tập cho năm học mới. Ảnh: Trần Vũ
Độc đáo chợ phiên Lũng Vân – nơi trao đổi nông sản đặc trưng xứ Mường
Xã Vân Sơn (huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình) trước đây gọi là Lũng Vân hay Thung Mây, xa xưa nữa gọi là Mường Chậm, tọa lạc ở độ cao chừng 1.200 mét so với mực nước biển. Người dân cho biết, gọi là Lũng Vân là vì nơi đây lọt thỏm trong thung lũng trù phú với bốn bề núi cao dựng đứng, quanh năm mây trắng bao phủ.
Vùng này là một trong 4 cái nôi văn hóa lớn và cổ xưa nhất ở xứ Mường Hòa Bình, với cộng đồng người Mường định cư lâu đời, sống tập trung trên các triền đồi, tứ phía là núi rừng và các thửa ruộng, không khí thoáng đãng, trong lành. Một ngày ở đây có tới 4 mùa: sáng mát mẻ như mùa Xuân, trưa hửng nắng như mùa Hạ, chiều se lạnh như mùa Thu và đêm rét buốt như mùa Đông - nhiều người ví von Lũng Vân như "Đà Lạt của tỉnh Hòa Bình".
Chợ Lũng Vân tọa lạc ngay tại trung tâm xã, nằm sát đường giao thông, thuận tiện thông thương, giao lưu, trao đổi nông sản, hàng hóa thiết yếu. Với địa thế nằm ở phía tây nam huyện Tân Lạc, phía đông giáp xã Ngổ Luông, phía tây giáp huyện Mai Châu, phía nam giáp tỉnh Thanh Hóa, phía bắc giáp xã Quyết Chiến - chợ Lũng Vân không chỉ phục vụ bà con Vân Sơn mà còn là nơi hội tụ của bà con ở các xã, huyện "láng giềng"…
Là một trong những chợ phiên nổi tiếng nhất chốn Mường Bi, chợ Lũng Vân nhỏ nhưng đông đúc nhộn nhịp từ ngoài chợ đến trong chợ, người dân họp chợ cả hai bên đường, từ đỉnh dốc gần Ủy ban nhân dân xã Vân Sơn, kéo dài xuống đường vào xóm Chiến, trường THCS và THPH Lũng Vân, thậm chí tràn cả vào sân vận động của xã.
Kinh tế ở đây chưa phát triển, đời sống người dân còn nghèo, nên chợ Lũng Vân là nơi bà con vùng cao chủ yếu đến trao đổi, mua bán nông sản của địa phương, nhiều người chỉ đi chơi chợ, có người tới chợ chỉ vài nghìn đồng lận thắt lưng.
Bà con có gì gùi xuống chợ bán nấy: rau nhà, lá vườn, thuốc trên rừng, củ quả trên nương. Ảnh: Trần Vũ
Dịp này, chợ phiên Lũng Vân nhộn nhịp hơn vì người dân kết hợp xuống chợ sắm đồ dùng học tập cho con em mình. Những gian hàng phục vụ học sinh luôn đông khách mua hơn các hàng khác. Gọi là gian hàng nhưng đó là một khoảnh nhỏ chừng 5-10 mét, người dân trải miếng bạt xuống nền đất, bên trên bày kín đồ dùng học tập và nhiều loại nhu yếu phẩm thiết yếu. Ở gian hàng này, hầu hết bạn nhỏ nào đi qua cũng kéo tay bố mẹ dừng lại, tần ngần nhìn những chiếc bút chì, thước kẻ, cục tẩy, hộp chì màu… chỉ thứ này, trỏ thứ kia, năn nỉ bố mẹ mua.
Những gian hàng bán balo cặp sách trong chợ cũng hút nhiều "khách nhí", các em đã được bố mẹ cho chọn những chiếc balo hiện đại, với quai đeo vai tiện dụng và nhiều ngăn chứa đồ - thuận tiện hơn cho việc mang đồ dùng học tập đến trường, thay cho những chiếc túi vải quàng qua người trước đây.
Một em nhỏ chọn trang phục truyền thống cho dịp trọng đại: Bước vào lớp 1. Ảnh: Trần Vũ
Những gian hàng bán quần áo trong chợ dịp này cũng luôn tấp nập kẻ bán người mua, đông khách nhất thường là hàng bán trang phục dân tộc Mường, vì nơi đây đại đa số người Mường sinh sống. Các em nhỏ xúng xính thử các bộ váy áo truyền thống - trang phục không thể thiếu trong hành trang của các em khi bước vào năm học mới. Một người mẹ chia sẻ: Trong một tuần sẽ có một ngày các học sinh mặc trang phục của dân tộc mình đến trường, nên các con được theo xuống chợ chọn trang phục cho vừa vặn, nhà nào bán được nhiều nông sản sẵn sàng mua cho con 2 bộ trang phục dân tộc để mặc trong những dịp trọng đại.
Hàng bán trang phục truyền thống dân tộc Mường luôn có khách dừng chân. Ảnh: Trần Vũ
Trang phục truyền thống dân tộc Mường có rất nhiều nét cuốn hút, đặc biệt là trang phục của phụ nữ Mường. Thường là chiếc áo pắn cánh ngắn mầu trắng, đỏ, nâu, tím... với ống tay dài, bên trong mặc áo yếm dệt tỉ mỉ các hoa văn độc đáo gắn liền với chiếc váy dài màu đen chạm tới mắt cá chân, ngoài ra còn chiếc khăn trắng hoặc xanh đội đầu. Trong bộ y phục của phụ nữ Mường bắt mắt nhất có lẽ là phần yếm váy và chiếc dây lưng được dệt, trang trí hoa văn rất tinh tế và mang màu sắc rực rỡ. Một số người bán hàng cho biết, rất nhiều du khách đến chợ phiên thường hay mua dây thắt lưng đủ sắc màu của người Mường rồi sử dụng làm khăn quàng cổ trông ấn tượng, đẹp mắt.
Tuy nhiên, theo chia sẻ của một số người dân địa phương, hiện nghề thêu, dệt truyền thống ở nơi đây bị mai một, nên phần lớn trang phục được cung cấp từ nơi khác mang đến chợ bán.
Quần áo là mặt hàng dịp này được người dân vùng cao xuống chợ Lũng Vân mua sắm nhiều. Ảnh: Trần Vũ
Chợ Lũng Vân vốn chủ yếu cung cấp hàng nông sản, mùa nào thức nấy, người dân ở các bản làng khu vực xã Vân Sơn và các xã lân cận mang đồ nông sản do chính mình sản xuất đến bày bán, chủ yếu là các loại rau củ quả. Đất Vân Sơn vốn nổi tiếng có đặc sản quýt cổ Nam Sơn trồng nhiều ở khắp các sườn đồi dọc các xóm Tớn, Bương, Rồ, Xôm… Nhưng mùa này bà con gùi xuống chợ Lũng Vân nhiều măng trúc, rau rừng, su su, ngô, bí, ớt, chuối, nhãn,… để bán cho khách.
Có một thứ hàng hóa được coi là "đặc sản" không thể không nhắc đến ở chợ Lũng Vân, đó là thảo dược. Những bó lá thuốc xanh tươi hay những gói thuốc được sao khô bày bán ở mọi nơi trong chợ, được người dân giới thiệu là trị bệnh dạ dày, trị đau xương khớp, dành cho phụ nữ sau sinh, giúp ăn ngon, ngủ tốt… Lâu nay, người ta truyền miệng nhau, lá thuốc ở Vân Sơn có nhiều công dụng rất tốt cho sức khỏe, vì thế, Vân Sơn được mệnh danh là "thung lũng tiên", "thung lũng trường thọ" - nơi có nhiều cụ già trên dưới 100 tuổi vẫn minh mẫn, mạnh khỏe, vẫn giúp con cháu việc nhà, thậm chí vẫn đeo gùi lên rừng tìm lá thuốc về để phục vụ gia đình và đem ra chợ bán…
Theo người dân nơi đây, cùng với những phong tục, tập quán riêng của vùng Mường cổ, người dân ở Vân Sơn tự hào vì có những bài thuốc quý với những loại lá cây rừng đặc trưng, có thể mang lại sức khỏe tốt để sinh tồn mạnh mẽ trên vùng núi cao.
Đến chợ Lũng Vân cũng có thể thưởng thức nhiều món ăn bản địa, trong đó có con chôm, chấu muỗm bắt trên rừng, con hề hoạch thuộc dòng chuột bay trên cây… được bày bán nhiều trong chợ, có thể nướng ăn tại chỗ hoặc mua về chế biến các món ăn rất ngon và bổ dưỡng.
Những món ăn bản địa được bày bán ở chợ phiên Lũng Vân. Ảnh: Hồng Minh
Như bao phiên chợ vùng cao khác, bà con xuống chợ vẫn thích mua về những chiếc đài chạy pin để mang bên mình nghe mọi lúc có thể, những đôi ủng giúp leo nương lội suối khi mưa, hay những chiếc gùi đặc trưng để gùi nông sản…
Điểm độc đáo của chợ phiên Lũng Vân là chỉ họp vào thứ ba hàng tuần, nên may mắn cho những ai đến xã miền núi Vân Sơn trùng với thời điểm họp chợ, có cơ hội chơi chợ. Khách du lịch lên Vân Sơn dịp cuối tuần thì không có cơ hội ấy.
Người dân nơi đây lí giải, chợ phiên chỉ họp thứ ba vì các ngày còn lại trong tuần là họp chợ phiên các xã khác. Ví dụ thứ hai, thứ sáu họp chợ phiên xã Đông Lai; thứ tư, thứ bảy họp chợ Ngọc Mỹ; thứ năm, chủ nhật họp chợ Thanh Hối... Ở vùng cao, các xã chọn họp chợ phiên trùng ngày thì người bán hàng khó sắp xếp để mang hàng đến bán, vì thế, chợ phiên Lũng Vân họp vào ngày thứ ba hàng tuần.
Bà Bùi Minh Hồng, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Tân Lạc cho biết: Vân Sơn là 1 trong 4 vùng Mường lớn của tỉnh Hòa Bình, rất giàu tiềm năng để phát triển du lịch khi sở hữu bản sắc dân tộc Mường độc đáo được lưu giữ không chỉ ở cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, cuốn hút, khí hậu trong lành, mà cả trong sinh hoạt, sản xuất, đời sống… Những năm gần đây, huyện Tân Lạc đã có nhiều giải pháp cụ thể để khai thác tiềm năng, phát triển du lịch ở Vân Sơn. Tuy nhiên, 3 xã trọng điểm du lịch vùng cao là Vân Sơn, Quyết Chiến, Ngổ Luông mặc dù đã được đầu tư, nhưng đến nay cơ sở hạ tầng, đường giao thông đã xuống cấp, ảnh hưởng không nhỏ đến việc khai thác tiềm năng du lịch tại nơi này.
Cùng với việc cần thiết đầu tư vào hạ tầng, Vân Sơn cũng rất cần đa dạng hóa các loại hình trải nghiệm cho du khách khi đến với "chốn tiên cảnh vùng cao”, trong đó có việc thay đổi thời gian tổ chức chợ phiên Lũng Vân. Theo bà Bùi Minh Hồng, hiện đang dự kiến sẽ thay đổi thời gian tổ chức chợ phiên Lũng Vân chuyển từ thứ ba hàng tuần sang chủ nhật hàng tuần.
"Việc tổ chức chợ phiên Lũng Vân vào sáng chủ nhật rất phù hợp cho du khách lên Vân Sơn du lịch, sau khi trải nghiệm các loại hình du lịch độc đáo xứ Mường sẽ ghé chợ phiên Lũng Vân mua sản phẩm nông sản mang về làm quà. Sự chuyển đổi này là cần thiết và phù hợp với mục tiêu phát triển các loại hình du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch phục vụ du khách, nâng cao cuộc sống người dân gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá tốt đẹp của địa phương" – bà Hồng nói.
Người dân Vân Sơn chia sẻ, họ luôn ngóng chờ đến chợ phiên Lũng Vân, được bước chân xuống chợ là niềm vui của họ sau những lúc leo nương, lội ruộng, lên rừng, băng suối.
Còn với du khách, sẽ là một chuyến trải nghiệm ý nghĩa trong hành trình đến Vân Sơn, đứng trên “nóc nhà của xứ Mường Bi” ngắm cảnh sắc vùng cao kỳ vĩ với thác nước, ruộng bậc thang, cây xanh, mây trắng, thư giãn dưới núi Nàng Tiên, thăm di tích lịch sử Đồn Bò, săn mây trên đỉnh Thung Mây, chinh phục thác Thung, khám phá động Nam Sơn, hang núi Kiến,… và nhất định nên ghé bước chân đến chợ Lũng Vân – phiên chợ vui xứ Mường.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google