Lợi nhuận ngành ngân hàng có dấu hiệu giảm tốc

Quang Minh
15:34 - 30/07/2023
Công dân & Khuyến học trên

Mặc dù các báo cáo 6 tháng 2023 của nhiều ngân hàng đều thể hiện nhiều chỉ số tăng trưởng ổn định, kết quả mang tính bền vững, tuy nhiên xét về lợi nhuận ngành ngân hàng đã có xu hướng giảm tốc so với trước đó.

Lợi nhuận ngành ngân hàng đang giảm tốc?

Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2023 với lợi nhuận trước thuế đạt 523 tỷ đồng, thu lãi thuần đạt 878,2 tỷ đồng, tăng 33,23% so với cùng kỳ năm 2022. Tỷ lệ nợ xấu là 2,6%, tuân thủ quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Hết quý II/2023, VietABank vẫn đảm bảo hoạt động an toàn, bền vững; tổng tài sản đạt 104.583 tỷ đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước. Huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư đạt 84.092 tỷ đồng, tăng 26,65% so với cùng kỳ năm 2022, hoàn thành 102,37% kế hoạch năm 2023. Dư nợ cho vay đạt 66.669 tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính, điểm sáng của VietABank là lãi thuần từ hoạt động dịch vụ trong 6 tháng đầu năm đạt 19 tỷ đồng, tăng 21,44% so với cùng kỳ năm trước. Thu lãi thuần đạt 878,2 tỷ đồng, tăng 33,23% so với cùng kỳ năm 2022. Tỷ lệ nợ xấu là 2,6%, tuân thủ quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Lợi nhuận trước thuế của VietABank đạt 523 tỷ đồng, giảm nhẹ 7,5% so với cùng kỳ năm trước. Do các chi phí liên quan đến hoạt động quản lý tăng mạnh như chính thức vận hành Core Banking phiên bản mới; Tăng cường nhân sự cấp cao cho hoạt động kinh doanh; Cải tạo, sửa chữa hệ thống các điểm giao dịch trên toàn hệ thống nên lợi nhuận trước thuế chưa đạt mục tiêu đề ra.

Dòng tiền thuần 6 tháng đầu năm cũng sụt giảm do ngân hàng tăng trưởng tín dụng hơn 3.500 tỷ đồng và chủ động giảm dòng tiền 5.500 tỷ đồng từ thị trường 2.

Quý II/2023, VietABank chính thức vận hành hệ thống ngân hàng lõi mới (Core Banking) theo phiên bản tiên tiến nhất của Oracle. Đồng thời, VietABank cũng là một trong số những ngân hàng đầu tiên "trình làng" thẻ tín dụng nội địa được sử dụng tại Việt Nam và một số quốc gia liên minh của Napas nhằm đáp ứng nhu cầu chi tiêu trước, trả tiền sau. 

Ngân hàng không ngừng đầu tư, củng cố hệ thống để quản trị và nâng cao trải nghiệm dịch vụ tài chính ngân hàng hiện đại dành cho các khách hàng.

BaoVietBank mới thực hiện được 26% mục tiêu trong 6 tháng

Mới đây, ngân hàng TMCP Bảo Việt (BaoVietBank) cũng có báo cáo tài chính quý 2/2023, với lãi trước thuế đạt gần 18 tỷ đồng và nợ xấu tại cuối quý 2 tăng 58% so với đầu năm.

Quý 2/2023, nguồn thu chính của Ngân hàng tăng trưởng mạnh, thu được hơn 413 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, gấp 2,5 lần cùng kỳ. Trong đó, thu nhập lãi cho vay khách hàng 1.098 tỷ đồng (gấp 2,5 lần), phát sinh thu nhập lãi từ nghiệp vụ mua bán nợ 209 tỷ đồng, cùng kỳ không ghi nhận.

Lãi thuần từ dịch vụ đạt hơn 33 tỷ đồng, gấp 3,3 lần, nhờ thu từ các công cụ tài chính phái sinh tiền tệ gấp 4,4 lần (6,5 tỷ đồng). Hoạt động kinh doanh ngoại hối thu được khoản lãi gấp 3 lần cùng kỳ, đạt hơn 9 tỷ đồng. Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư cũng lãi hơn 44 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ gần 56 tỷ đồng. Chi phí hoạt động chỉ tăng nhẹ 3%, ghi nhận hơn 152 tỷ đồng. Do đó, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt gần 342 tỷ đồng, gấp 5,8 lần cùng kỳ.

Tuy nhiên, Ngân hàng trích đến 324 tỷ đồng để dự phòng rủi ro trong quý 2, gấp 7,7 lần cùng kỳ, do đó chỉ còn lãi trước thuế gần 18 tỷ đồng, tăng nhẹ 1%. Lũy kế 6 tháng đầu năm, BaoVietBank lãi trước thuế gần 25 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ. Vì vậy, sau 6 tháng BaoVietBank mới thực hiện được 26% mục tiêu lãi trước thuế 95 tỷ đồng đề ra cho cả năm 2023.

Tính đến cuối quý 2, tổng tài sản xấp xỉ đầu năm ở mức 78.530.39 tỷ đồng. Cho vay khách hàng đạt 37.464,8 tỷ đồng, tăng tăng 13%; Tiền gửi của khách hàng đạt 46.394,57 tỷ đồng tăng 12% so với đầu năm 2023.

Đáng chú ý, tổng nợ xấu tính đến ngày 30/06/2023 ghi nhận ở mức 1.756,4 tỷ đồng, tăng đến 58% so với đầu năm 2023. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng mạnh nhất ghi nhận ở mức 1.523,65 tỷ đồng (gấp hơn 2 lần so với thời điểm đầu năm là 746,28 tỷ đồng) và chiếm đến 87% trong tổng nợ xấu; Nợ nghi ngờ ghi nhận ở mức 154,05 tỷ đồng (tăng 41% so với thời điểm đầu năm là 108,94 tỷ đồng). Kết quả, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ mức 3,34% lên mức 4,69%.

Khó khăn chung của nền kinh tế có thể khiến lợi nhuận tiếp tục giảm

Theo các chuyên gia, lợi nhuận nhiều ngân hàng 6 tháng đầu năm giảm do khó khăn chung của nền kinh tế dẫn đến tăng trưởng tín dụng thấp, NIM thu hẹp và nợ xấu tiềm ẩn tăng cao dẫn đến áp lực trích lập dự phòng rủi ro gia tăng.

Theo SSI Research, xu hướng chính sách sẽ là yếu tố cốt lõi tiếp tục định hướng hoạt động của hệ thống ngân hàng trong năm 2023, với tâm điểm vẫn là thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản.

Một trong những quy định chính có thể tác động đến triển vọng lợi nhuận của ngành ngân hàng là việc thông qua dự thảo sửa đổi Nghị định 65.

Còn theo VNDIRECT, việc ban hành Thông tư 06/2023 vào ngày 28/6/2023 sửa đổi một số điều về quy định hoạt động cho vay sẽ giúp hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho vay, hướng dòng vốn đến dự án an toàn, hiệu quả. Việc ban hành TT06/2023 là cần thiết khi lãi suất cho vay đang giảm khá nhanh nhưng sẽ làm chậm tăng trưởng tín dụng ngành trong ngắn hạn.

Bên cạnh đó, theo VNDIRECT, với việc Ngân hàng Nhà nước liên tục giảm lãi suất điều hành 4 lần trong 4 tháng gần đây, các ngân hàng thương mại cũng đều thực hiện các chính sách mạnh tay cắt giảm cho vay từ 0,5-1 điểm %, hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn. Điều này sẽ bổ sung vốn lưu động, hoặc vay mới phục vụ hoạt động kinh doanh sản xuất. 

Tuy nhiên, việc lãi suất cho vay giảm sâu trong thời gian qua tiềm ẩn rủi ro khi nguồn vốn giá rẻ có thể chuyển sang phục vụ cho các dự án/mục đích dưới chuẩn, tạo nên rủi ro bong bóng tín dụng cho nền kinh tế. 

Tính đến ngày 15/06/23 tăng trưởng tín dụng toàn ngành chỉ đạt 3,36% so với đầu năm – mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Vì vậy, VNDIRECT phân tích xu hướng còn lại của năm 2023 với kỳ vọng tăng trưởng tín dụng toàn ngành có thể đạt mức 10% – thấp hơn so với mục tiêu 14-15% của Ngân hàng Nhà nước.

Đại diện VietABank cho biết, bước sang năm 2023, ngân hàng tuân thủ các chỉ đạo, định hướng của Ngân hàng Nhà nước và chính phủ, giảm lãi suất huy động và cho vay, chủ động cắt giảm thu nhập để hỗ trợ các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn giúp hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế.

Tính đến cuối tháng 6/2023, tín dụng toàn hệ thống ghi nhận mức tăng trưởng 4,03%, thấp hơn đáng kể so với mức tăng trưởng 9,35% cùng kỳ năm 2022, do nhu cầu sử dụng vốn của doanh nghiệp và cá nhân yếu đi trong bối cảnh lãi suất cao, đơn hàng suy giảm, các thị trường đầu tư tài sản không thuận lợi. điều kiện cho vay thắt chặt đối với lĩnh vực bất động sản.