Loại bỏ YouTube trên smart tivi tại Việt Nam nếu còn vi phạm

Dũng Minh
07:57 - 28/05/2023
Công dân & Khuyến học trên

Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Nguyễn Thanh Lâm, Việt Nam đang là quốc gia có tỷ lệ lạm dụng không gian mạng để gian lận và vi phạm luật cao nhất thế giới. Đây là một kỷ lục buồn, cho thấy nhiều nhà sáng tạo nội dung vẫn làm ăn bất chấp, không quan tâm đến bản quyền hay đạo đức.

Loại bỏ YouTube trên smart tivi tại Việt Nam nếu còn vi phạm - Ảnh 1.

YouTube không chặn,nội dung xấu độc, tin giả sẽ gây ảnh hưởng xấu đến xã hội đặc biệt là trẻ em. Ảnh minh họa/VOV

Ông Lâm cho biết, trong số 100 đồng tiền kiếm được từ hành vi gian lận trên YouTube, có 55 đồng của người dùng Việt Nam. Quốc gia đứng ở vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng cũng chỉ chiếm 5% thu nhập gian lận, bằng một phần mười Việt Nam.

Không chấp nhận việc doanh nghiệp chi tiền quảng cáo vào nội dung độc hại

Tại Hội thảo kết nối mạng lưới quản lý đa kênh (MCN) sáng 27/5 ở Thành phố Hồ Chí Minh, ông Lâm cũng chỉ trích các nền tảng như YouTube, TikTok, Facebook vì không kiểm soát được nội dung và người dùng trên nền tảng của họ. Thứ trường Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định, Nhà nước không làm khó doanh nghiệp muốn quảng cáo trên không gian mạng, nhưng cũng không thể chấp nhận việc doanh nghiệp vẫn chi tiền vào nội dung bẩn hay độc hại.

Trong khi đó, một số doanh nghiệp quảng cáo cho biết họ gặp khó khăn trong việc phân biệt được kênh nào được phép gắn quảng cáo và kênh nào không. Họ mong muốn có một danh sách những kênh "đã được xác thực" (White List) trên mạng để sử dụng cho hoạt động quảng cáo của họ.

Bộ Thông tin và Truyền thông đang xây dựng danh sách White List và Black List để quản lý các kênh nội dung trên mạng. White List là những kênh được phép hoạt động, còn Black List là những kênh bị cấm. Đây là một trong những biện pháp để hạn chế nội dung bẩn, độc hại trên các nền tảng xuyên biên giới như YouTube, TikTok.

Theo ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, cơ quan quản lý sẽ không cho phép những người làm nội dung bẩn kiếm tiền hay tiếp cận công chúng. Ông cho biết đã có trường hợp một tài khoản YouTube nổi tiếng bị xử lý vì vi phạm và hiện tại kênh này gần như "đã chết". Ông cũng nói rằng những người làm nội dung này sẽ không thể hoạt động nghệ thuật chính thống và đã có MC truyền hình nổi tiếng bị ngừng hợp đồng với nhà đài vì vi phạm.

Về vấn đề TikTok có bị cấm ở Việt Nam hay không, ông Do cho biết, điều này phụ thuộc vào thái độ và mức độ hợp tác của nền tảng. Ông khẳng định rằng quy định pháp luật sở tại cao hơn quy tắc cộng đồng của riêng nền tảng và nhiều nền tảng đã phải trả giá đắt khi không tuân thủ. Ông Nguyễn Lâm Thanh, đại diện TikTok Việt Nam, khẳng định ưu tiên hàng đầu của nền tảng là tuân thủ quy định pháp luật và đã có những hành động xóa kênh vi phạm khi nhận được báo cáo.

Nội dung tử tế vẫn sống được, thậm chí là sống tốt

Về công tác quản lý nhà nước trên không gian mạng, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho biết, các biện pháp đang được triển khai đồng bộ và hiệu quả. Một trong những biện pháp đó là việc định danh người dùng mạng viễn thông và tài khoản ngân hàng. Theo Luật Viễn thông đang được sửa đổi, nếu tổ chức hoặc cá nhân sử dụng mạng viễn thông để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, họ có thể bị nhà mạng ngừng cung cấp dịch vụ Internet. Điều này có nghĩa là máy điện thoại của họ vẫn gọi điện, nhắn tin nhưng không thể kết nối Internet. Với việc định danh theo SIM, mọi hành vi trên mạng đều được truy vết.

Bên cạnh đó, việc đồng bộ định danh tài khoản ngân hàng sẽ giúp nhà chức trách theo dõi dòng tiền quảng cáo trên mạng. Ví dụ, nếu có quảng cáo cờ bạc xuất hiện trên mạng, cơ quan chức năng có thể xác định được tài khoản, thẻ tín dụng nào đã thanh toán cho quảng cáo đó và xử lý lực lượng vi phạm theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cũng đang làm việc với 5 nhà sản xuất tivi lớn tại Việt Nam, gồm: Samsung, LG, Sony, TCL, Casper… để yêu cầu họ không cài đặt ứng dụng vi phạm pháp luật trên tivi thông minh. Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm khẳng định: "Nếu YouTube không chặn, hạ nội dung xấu độc, tin giả mà cứ để trẻ em, người già ở nhà, bấm xem thì không nên đưa YouTube lên smart tivi. Cần vô hiệu hóa nút bấm YouTube trên điều khiển tivi...".

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cũng nhấn mạnh rằng, cơ quan quản lý không coi xử lý, xử phạt là biện pháp chính trong công tác quản lý nhà nước. Mục tiêu của cơ quan quản lý là đấu tranh với những cái sai, thông tin xấu độc trên không gian mạng và tác động tới xã hội bằng niềm tin và sự tử tế. 

Ông Nguyễn Thanh Lâm cho biết: "Một trong những khẩu hiệu của kênh truyền hình Disney (chuyên sản xuất nội dung cho trẻ em) là "Lòng tốt có thể bán được". Họ chỉ làm chuyện cổ tích, những câu chuyện thần tiên và truyền đi thông điệp rằng, xã hội vẫn luôn có chỉ dấu niềm tin vào những điều tử tế. Họ làm nội dung tử tế vẫn sống được, thậm chí là sống tốt".

Bộ Thông tin và Truyền thông đã yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới, điển hình là Facebook, Google, TikTok, Apple, Netflix phải thực hiện ngăn chặn, gỡ bỏ những nội dung xấu độc, tin giả, tin sai sự thật, quảng cáo sai, phản cảm…

Đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội xuyên biên giới như Facebook, Google (YouTube), TikTok... ngăn chặn, gỡ bỏ hàng chục ngàn nội dung vi phạm.

Gỡ bỏ các hội, nhóm (group) có nội dung không lành mạnh, độc hại với trẻ em. Gỡ bỏ 11 tài khoản giả mạo các cá nhân, tổ chức; ngăn chặn các kênh YouTube phản động không cho truy cập từ lãnh thổ Việt Nam…

Kết quả từ 1/1 đến 29/3, Facebook đã chặn, gỡ bỏ hơn 1.096 bài viết có nội dung thông tin xấu độc (tỉ lệ 93%); Google đã gỡ 1.670 video vi phạm trên YouTube (tỉ lệ 93%). TikTok gỡ 323 link vi phạm, khóa 47 tài khoản, kênh thường xuyên đăng tải nội dung xấu độc (tỉ lệ 91%).

Ngoài ra, bộ thực hiện vận hành cổng tingia.gov.vn tiếp nhận hơn 5.500 phản ánh. Trong đó, có 1.642 tin có thể kiểm chứng; 880 tin phản ánh về tin xấu độc; 962 tin báo tin sai, tin không đúng nội dung phản ánh, không đúng thẩm quyền xử lý; 933 tin báo về lừa đảo tài chính qua mạng.