Liệu có xảy ra thảm họa lương thực toàn cầu vào năm 2023?

Trúc Phong
23:23 - 09/06/2022
Công dân & Khuyến học trên

Nguy cơ mất an ninh lương thực toàn cầu đang là vấn đề nóng, liên tục được Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) đưa ra cảnh báo trong những tháng gần đây.

Báo động khủng hoảng lương thực toàn cầu

Theo Báo cáo Toàn cầu về khủng hoảng lương thực, số người bị đói trên thế giới năm 2021 đã lên tới gần 193 triệu, tăng 40 triệu người so với năm 2020 và dự kiến còn tiếp tục tăng trong năm nay.

Liệu có xảy ra thảm họa lương thực toàn cầu vào năm 2023? - Ảnh 1.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres phát biểu trong cuộc họp báo ở Vienna, Áo ngày 11/5/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong giai đoạn 2018-2021, số người bị đói ở các quốc gia, mà xung đột là nguyên nhân chính, đã lên tới 139 triệu người (tăng 88%). Năm 2020, có khoảng 811 triệu người bị suy dinh dưỡng, nhiều  hơn 161 triệu người so với năm 2019. Theo các dự báo mới nhất của FAO, xung đột có thể làm tăng số người bị suy dinh dưỡng mãn tính thêm 18,8 triệu vào năm 2023.

Những nước nằm trong danh sách có nguy cơ cao về mất an ninh lương thực là những nước thường xuyên phải đối mặt xung đột, bạo lực.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh cuộc xung đột tại Ukraine, cùng với các cuộc khủng hoảng khác, đang đe dọa gây ra "một làn sóng đói kém chưa từng có, kéo theo sự hỗn loạn về kinh tế và xã hội". "Không một quốc gia nào có thể thoát khỏi vòng xoáy của cuộc khủng hoảng giá sinh hoạt hiện nay".

Báo cáo chung "Các điểm nóng về nạn đói: Cảnh báo sớm của FAO-WFP về nguy cơ mất an ninh lương thực giai đoạn tháng 6 - tháng 9/2022" cho thấy: Tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng có thể sẽ còn tồi tệ hơn nữa ở 20 quốc gia trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 9/2022. Trong số đó tình trạng các nước Ethiopia, Nigeria, Nam Sudan, Yemen, Afghanistan và Somalia là nặng nề nhất.

Liệu có xảy ra thảm họa lương thực toàn cầu vào năm 2023? - Ảnh 3.

Hàng triệu người dân châu Phi thường xuyên thiếu thực phẩm. Ảnh: AP/VTV

Từng được biết đến là quốc gia đạt nhiều tiến bộ lớn trong cuộc chiến chống đói nghèo, nhưng trong hai năm qua, số người thiếu ăn ở Brazil đã tăng 73%. Báo cáo của Mạng lưới nghiên cứu An ninh lương thực Brazil công bố ngày 8/6 cho biết, nước này có khoảng 33,1 triệu người sống trong cảnh thiếu ăn, tăng so với mức 19,1 triệu người ghi nhận vào năm 2020, tương đương 15,5% số hộ gia đình ở quốc gia có 213 triệu dân.

Trong 3 tháng qua, Chỉ số Giá lương thực của FAO (FFPI), thước đo giá các loại thực phẩm cơ bản, đã ở mức cao nhất từ trước đến nay.

Người đứng đầu Hội nghị Liên hợp quốc về Phát triển Thương mại và Xuất khẩu Rebeca Greenspan quan ngại: "Cuộc khủng hoảng lương thực hiện nay có thể nhanh chóng biến thành thảm họa lương thực toàn cầu vào năm 2023".

Giám đốc Chương trình Lương thực thế giới (WFP) David Beasley cảnh báo rằng, thế giới "đang phải đối mặt với một cơn bão không chỉ gây tổn thương cho những người nghèo nhất, mà còn cho cả hàng triệu gia đình lâu nay vẫn phải vật lộn với sinh kế".

Tình hình hiện nay tồi tệ hơn nhiều so với thời kỳ "mùa Xuân Arab" năm 2011 và cuộc khủng hoảng giá lương thực năm 2007-2008. Những gì đang xảy ra ở Indonesia, Pakistan, Peru và Sri Lanka chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm".

Nguyên nhân dẫn đến gia tăng nghèo đói và khủng hoảng lương thực

Một tập hợp các yếu tố đan xen đang cùng tác động khiến những thành tựu mà thế giới đạt được được trong cuộc chiến chống đói nghèo, bảo đảm an ninh lương thực đang bị tuột đi.

Thứ nhất là tác động của biến đổi khí hậu. Hạn hán, lũ lụt, bão và lốc xoáy tàn phá hoạt động trồng trọt và chăn nuôi, khiến người dân phải rời bỏ nhà cửa và đẩy hàng triệu người đến bờ vực đói nghèo.

Thứ hai là cuộc xung đột Nga - Ukraine làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu và hậu cần, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc cung cấp lương thực. Cả Nga và Ukraine đều là những nước sản xuất ngũ cốc hàng đầu thế giới. Hai quốc gia này chiếm khoảng 30% sản lượng lúa mỳ và 17% sản lượng ngô xuất khẩu, 32% lúa mạch và 75% dầu hướng dương của thế giới.

Sự gián đoạn nguồn cung các sản phẩm nông nghiệp từ Nga và Ukraine làm trầm trọng thêm tình trạng an ninh lương thực của nhiều quốc gia.

Theo thống kê của Liên hợp quốc, giá nhiều mặt hàng chủ lực đã trở nên đắt đỏ hơn trong năm nay, ví dụ như giá sữa tăng 14%, giá dầu cọ tăng 38%. Giá lúa mì giao kỳ hạn thậm chí đã tăng tới 56%, trong khi lượng dự trữ toàn cầu được dự báo chỉ đủ dùng trong 10 tuần.

Phản ứng với tình trạng giá cả leo thang này, một số nước đã cắt giảm xuất khẩu và tích trữ tài nguyên để giữ an ninh lương thực quốc gia, tuy tuyên bố chỉ thực hiện trong ngắn hạn. Mở đầu với việc Indonesia cấm xuất khẩu dầu cọ có giá trị của mình vào tháng 4. Đến tháng 5, Ấn Độ tuyên bố bắt đầu hạn chế xuất khẩu lúa mì và đường. Malaysia cũng cho biết nước này bắt đầu cấm xuất khẩu thịt gà bắt đầu từ mùa hè năm nay.


Giá thực phẩm và nhiên liệu tăng đột biến đe dọa sự ổn định ở hàng chục quốc gia. Các cuộc khủng hoảng chồng chéo đang làm đình trệ hoạt động sản xuất và tiếp cận lương thực của nhiều người trên thế giới.

Thứ ba là tăng giá phân bón, thức ăn gia súc, nhiên liệu. Việc các yếu tố đầu vào của sản xuất nông nghiệp đồng loạt tăng giá cản trở gia tăng sản lượng lương thực trong mùa thu hoạch sắp tới, ảnh hưởng đến sự ổn định kinh tế tại tất cả các khu vực.

Trong khi giá thực phẩm đang ở mức cao kỷ lục, thì giá phân bón cũng tăng gấp đôi. Việc hạn chế xuất khẩu phân bón từ khu vực Biển Đen đồng thời với giá năng lượng tăng đã đẩy giá phân bón tăng nhanh hơn giá lương thực. Nếu không có phân bón, tình trạng giảm năng suất cây lương thực sẽ xảy ra trên diện rộng, ảnh hưởng tới cuộc sống của hàng tỷ người ở châu Á và Nam Mỹ.

Người đứng đầu Hội nghị Liên hợp quốc về Phát triển Thương mại và Xuất khẩu Rebeca Greenspan lưu ý rằng, nếu xung đột Nga - Ukraine vẫn tiếp tục và "giá ngũ cốc và phân bón cao cho đến vụ gieo trồng tiếp theo, cuộc khủng hoảng hiện tại có thể lan sang các loại cây trồng chính khác, bao gồm cả lúa gạo, ảnh hưởng đến hàng tỷ người."

Thứ tư, hậu quả của đại dịch COVID-19 gây những thiệt hại đáng kể về thu nhập của các cộng đồng nghèo nhất và hạn chế năng lực của các chính phủ trong việc tài trợ cho mạng lưới an sinh xã hội, các biện pháp hỗ trợ thu nhập và nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu.

Tình trạng khủng hoảng lương thực, nếu không được cải thiện, sẽ đe dọa trực tiếp đến việc đạt mục tiêu chấm dứt nạn đói vào năm 2030 theo Chương trình nghị sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

Trước tình trạng đó, ngày 22/5, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết kêu gọi hành động toàn cầu nhằm giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng an ninh lương thực hiện nay. Trong đó, kêu gọi cộng đồng quốc tế khẩn trương hỗ trợ các quốc gia chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng an ninh lương thực; thúc đẩy một hệ thống thương mại đa phương dựa trên nguyên tắc, cởi mở, không phân biệt đối xử và bình đẳng trong Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)./.