Liên tục 4 trận động đất ở Kon Plông, Kon Tum trong 3 giờ đồng hồ

Trần Vũ
09:46 - 22/09/2023
Công dân & Khuyến học trên

Theo Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu, liên tục từ 5 giờ 4 phút đến 8 giờ 35 phút sáng nay 22/9, có 4 trận động đất xảy ra ở Kon Plông, Kon Tum.

Liên tục 4 trận động đất ở Kon Plông, Kon Tum trong 3 giờ đồng hồ - Ảnh 1.

Trận động đất lúc 07 giờ 45 phút 47 giây sáng nay có độ lớn 4.4 - người dân có thể cảm nhận được sự rung lắc.

Động đất có độ lớn 4.4 - người dân có thể cảm nhận được sự rung lắc

Cụ thể, vào lúc 05 giờ 04 phút 29 giây ngày 22/09/2023 (giờ Hà Nội), tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum động đất xảy ra ở toạ độ 14.819 N - 108.263 E; Độ sâu khoảng 8.1 km; Độ lớn M = 2.7; Cấp độ rủi ro thiên tai: 0.

Tiếp tục đến 07 giờ 45 phút 47 giây ngày 22/09/2023 động đất xảy ra ở toạ độ 14.883 N - 108.303 E; Độ sâu khoảng 8.0 km; Độ lớn M = 4.4; Cấp độ rủi ro thiên tai: 0.

Vào lúc 08 giờ 02 phút 32 giây ngày 22/09/2023 (giờ Hà Nội),trận động đất tiếp theo xảy ra ở toạ độ 14.889 N - 108.310 E; Độ sâu khoảng 10 km; Độ lớn M= 2.7; Cấp độ rủi ro thiên tai: 0.

Gần đây nhất, lúc 08 giờ 35 phút 58 giây ngày 22/09/2023 (giờ Hà Nội), động đất xảy ra ở toạ độ 14.901 N - 108.334 E; Độ sâu khoảng 10 km; Độ lớn M= 2.8; Cấp độ rủi ro thiên tai: 0.

Với trận động đất có độ lớn đến 4.4 lúc 7 giờ 45 phút, người dân có thể cảm nhận được sự rung lắc.

Hiện Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu vẫn đang tiếp tục theo dõi các trận động đất ở khu vực này, cung cấp kịp thời các bản tin động đất để cơ quan chức năng và nhân dân chủ động ứng phó.

Trước đó, trả lời phỏng vấn Công dân và Khuyến học, TS. Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu cho biết, năm ngoái (2022) động đất tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum cũng dồn dập như thế. Nguyên nhân đã được xác định là động đất kích thích do thủy điện hồ chứa. Theo quan trắc, quy trình động đất theo một chuỗi được ghi nhận xảy ra vài năm nay, hồ thủy điện cứ tích nước một thời gian là xảy ra động đất.

Động đất kích thích là hiện tượng vẫn xảy ra. Khi làm thủy điện luôn xác định sẽ có động đất kích thích, bởi trước khi làm thủy điện đã phải thực hiện đánh giá độ nguy hiểm động đất ở khu vực ấy. Tuy nhiên, việc đánh giá hiện tượng động đất thông thường sẽ thực hiện đo đạc, quan trắc trước lúc tích nước khoảng 2 năm.

Tất cả các hồ thủy điện lớn thông thường đều có đều xảy ra động đất kích thích, nhưng động đất thường ở mức nhỏ và không ảnh hưởng, như thủy điện Sơn La, thủy điện Lai Châu, thủy điện Hòa Bình đều đã xảy ra động đất kích thích.

Về trận động đất khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum vừa qua có độ lớn nhất là 4.4, theo TS. Nguyễn Xuân Anh, thông thường, độ nguy hiểm được xác định do quá trình theo dõi, quan trắc, đưa ra cảnh báo, theo đó, độ lớn dưới 5 khó có khả năng gây thiệt hại; độ lớn từ 5-6 là mức trung bình, gây thiệt hại; độ lớn 6-7 là động đất mạnh, gây thiệt hại lớn...