Động đất dồn dập ở huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum – cảnh báo quan trọng từ chuyên gia

Trần Vũ
07:07 - 09/07/2023
Công dân & Khuyến học trên

TS. Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu vừa trao đổi với Công dân và Khuyến học những cảnh báo quan trọng từ các trận động đất xảy ra dồn dập tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum những ngày gần đây.

Động đất dồn dập ở huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum – cảnh báo quan trọng từ chuyên gia - Ảnh 1.

TS. Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu. Ảnh: cand.com.vn

Hơn 20 trận động đất dồn dập trong 3 ngày qua tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum

CD&KH: Ngày 7/7/2023, trên địa bàn khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum xảy ra 14 trận động đất - con số kỷ lục từ trước đến nay về số trận động đất trong 1 ngày. Ông có thể thông tin thêm tình hình động đất tại khu vực này từ đó đến nay?

TS. Nguyễn Xuân Anh: Ngày 8/7, khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum tiếp tục xảy ra 4 trận động đất nữa.

Theo ghi nhận mới nhất của Viện Vật lý Địa cầu, ngày 9/7/2023 tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum hiện đã xảy ra 3 trận động đất, trong đó, trận động đất thứ nhất xảy ra vào 2 giờ 15 phút 3 giây (giờ Hà Nội), trận động đất có độ lớn 3.2 xảy ra tại vị trí có tọa độ (15.014 độ vĩ Bắc, 108.171 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 8 km, ấp độ rủi ro thiên tai cấp 0. Trận động đất gần nhất là vào 5 giờ 43 phút 16 giây (giờ Hà Nội), trận động đất có độ lớn 2.8 xảy ra tại vị trí có tọa độ (14.902 độ vĩ Bắc, 108.283 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 8.2 km, cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0.

Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu vẫn đang tiếp tục theo dõi trận động đất này.

Động đất dồn dập ở huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum – cảnh báo quan trọng từ chuyên gia - Ảnh 2.

Trận động đất gần nhất được ghi nhận vào 5 giờ 43 phút 16 giây ngày 9/7/2023.

CD&KH: Ông nhận định như thế nào về việc xảy ra 14 trận động đất trong 1 ngày - điều chưa từng ở xảy ra ở Kon Plong - nơi hiện nay ghi nhận thường xuyên xảy ra động đất?

TS. Nguyễn Xuân Anh: Năm ngoái (2022) động đất tại khu vực này cũng dồn dập như thế. Nguyên nhân đã được xác định là động đất kích thích do thủy điện hồ chứa. Theo quan trắc, quy trình động đất theo một chuỗi được ghi nhận xảy ra vài năm nay, hồ thủy điện cứ tích nước một thời gian là xảy ra động đất.

CD&KH: Như ông vừa trao đổi, về nguyên nhân được xác định là động đất kích thích, xảy ra do hồ chứa thủy điện tích nước, như  vậy, có thể hiểu động đất dồn dập vừa qua ở huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum không phải động đất do đới đứt gãy tự nhiên như ở các khu vực phía bắc?

TS. Nguyễn Xuân Anh: Động đất kích thích là hiện tượng vẫn xảy ra. Khi làm thủy điện luôn xác định sẽ có động đất kích thích, bởi trước khi làm thủy điện đã phải thực hiện đánh giá độ nguy hiểm động đất ở khu vực ấy. Tuy nhiên, việc đánh giá hiện tượng động đất thông thường sẽ thực hiện đo đạc, quan trắc trước lúc tích nước khoảng 2 năm.

Tất cả các hồ thủy điện lớn thông thường đều có đều xảy ra động đất kích thích, nhưng động đất thường ở mức nhỏ và không ảnh hưởng, như thủy điện Sơn La, thủy điện Lai Châu, thủy điện Hòa Bình đều đã xảy ra động đất kích thích.

CD&KH: Việc đánh giá độ nguy hiểm động đất được thực hiện như thế nào, thưa ông?

TS. Nguyễn Xuân Anh: Khi phát triển kinh tế xã hội đất nước thì phải nghiên cứu điều kiện tự nhiên, xây dựng những bản đồ phân vùng động đất để xác định rõ chỗ nào mạnh, chỗ nào yếu, trên cơ sở đó mới xây dựng các công trình quan trọng. Đối với công trình quan trọng đó, một lần nữa phải đánh giá độ nguy hiểm động đất để tránh nguy hiểm có thể xảy ra.

Về khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, khu vực ấy từ khi tích nước hồ chứa thủy điện mới bắt đầu mới có hiện tượng động đất, trước đây vẫn có nhưng rất ít. Kể từ năm 2021 thực hiện tích nước thủy điện thì xảy ra động đất liên tục. Qua quan sát, đánh giá, phát hiện nguyên nhân động đất kích thích do hồ chứa.

Trước đó có khi cả trăm năm xuất hiện một số trận động đất, nhưng khi có hồ chứa thì vài năm xảy ra mấy trăm trận.

Cần thực hiện đánh giá độ nguy hiểm động đất khi xây dựng thủy điện

CD&KH: Khi xây dựng thủy điện ở khu vực này việc đánh giá độ nguy hiểm động đất được thực hiện như thế nào?

TS. Nguyễn Xuân Anh: Về cơ bản nếu vẫn phải phát triển thủy điện, hay thực hiện bất kỳ công trình nào thì phải chọn được vị trí thích hợp. Trước lúc chọn, cùng với việc đảm bảo nhiều tiêu chí khác thì phải đánh giá độ nguy hiểm động đất để xây dựng hồ đó kháng chấn đủ mức an toàn. Tuy nhiên khu vực này thì việc đánh giá đó lại chưa thực hiện. Dù lí do đưa ra có thể là không sai, nhưng với một công trình như vậy và với thực tế đã xảy ra thì có 2 điều cho thấy sự cần thiết phải có đánh giá độ nguy hiểm động đất: một là phải cảnh giác; hai là phải cập nhật số liệu thường xuyên để có cảnh báo kịp thời.

Một là, phải đưa ra bản đồ phân vùng hoạt động động đất, thực hiện quan trắc, sau một thời gian có đánh giá, để trên cơ sở đó thực hiện việc kháng chấn cho công trình. Hai là, đối với những công trình đặc biệt quan trọng thì phải thực hiện riêng về đánh giá nguy hiểm động đất.

TS. Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu

Với các công trình trên địa bàn cả nước, Viện Vật lý Địa cầu khuyến cáo phải xây dựng bản đồ phân vùng hoạt động động đất, vài năm phải cập nhật số liệu mới. Bản đồ này xác định rõ các khu vực khác nhau thì mức độ hoạt động động đất khác nhau, tuy không dự báo được cụ thể thời điểm xảy ra chính xác, nhưng biết được động đất khu vực nào mạnh, khu vực nào yếu. Ví dụ Tây Bắc Việt Nam thì có những khu vực xảy ra động đất rất mạnh, có những trận động đất độ lớn lên đến 7.

Như vậy, những công trình thủy điện phải có những quy định để đánh giá độ nguy hiểm trước khi xây dựng. Cũng giống như quy định về thiết kế kháng chấn cho nhà và công trình của Bộ Xây dựng vẫn được áp dụng, đối với từng công trình khác nhau thì yêu cầu mức khác nhau. Với công trình thủy điện, nên đánh giá nguy hiểm động đất trước.

CD&KH: Việc xảy ra mười mấy trận động đất/ngày dẫn đến không ít lo lắng của người dân về mức độ nguy hiểm từ động đất…

TS. Nguyễn Xuân Anh: Trận động đất khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum vừa qua có độ lớn nhất là 4.2 nên hiện xác định là mức động đất nhẹ, khó có khả năng gây thiệt hại. Thông thường, độ nguy hiểm được xác định do quá trình theo dõi, quan trắc, đưa ra cảnh báo, theo đó, độ lớn dưới 5 khó có khả năng gây thiệt hại; độ lớn từ 5-6 là mức trung bình, gây thiệt hại; độ lớn 6-7 là động đất mạnh, gây thiệt hại lớn... 

Tuy nhiên, vẫn phải thường xuyên theo dõi, quan trắc và nghiên cứu chi tiết về địa chất kiến tạo và chế độ địa chấn trong khu vực Kon Tum và lân cận.

Cần nâng cao hiệu quả của việc tuyên truyền và hướng dẫn các kỹ năng ứng phó khi động đất xảy ra cho nhà quản lý và người dân tại khu vực tỉnh Kon Tum và lân cận nhằm ứng phó và giảm thiểu thiệt hại khi động đất xảy ra. Việc tuyên truyền này góp phần thiết thực cho nhà quản lý và người dân tại khu vực tỉnh Kon Tum và lân cận để tránh bất ngờ và giúp ứng phó tốt hơn nếu có sự cố xảy ra.

CD&KH: Dự báo thời gian tới khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum có tiếp tục xảy ra động đất không thưa ông?

TS. Nguyễn Xuân Anh: Hoạt động động đất kích thích có quy luật của nó, cứ một thời gian lại xảy ra, quan trắc trong vài năm qua cho thấy, cứ tích nước hồ thủy điện lại xảy ra động đất. Như vậy, thời gian tới vẫn xảy ra kiểu động đất như thế. Cũng theo quan trắc thì mức động đất là dưới 5, có lúc 1-2 trận, có lúc rộ lên dồn dập như năm ngoái (2022) và năm nay.

Việc theo dõi quan trắc là cực kỳ quan trọng để khi phát hiện bất thường sẽ đưa cảnh  báo kịp thời cho người dân. Viện Vật lý Địa cầu vẫn đang tiếp tục theo dõi trận động đất này.

Hiện Viện Vật lý địa cầu đang đặt một số trạm quan trắc tại địa phương để đánh giá hoạt động động đất ở đây.

CD&KH: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Bình luận của bạn

Bình luận