Lịch nghỉ lễ Quốc khánh 2/9/2023 và các địa điểm vui chơi ở Hà Nội nhân dịp nghỉ lễ
Dịp lễ Quốc khánh 2/9/2023, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động sẽ được nghỉ 4 ngày liên tiếp, từ ngày 1-4/9. Nếu bạn và gia đình đang sinh sống ở Hà Nội hoặc gần Hà Nội, bạn có thể lựa chọn các điểm đến dưới đây để vui chơi, trải nghiệm trong dịp này.
Nghỉ lễ Quốc khánh 2/9/2023 từ ngày 1/9-4/9/2023
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ra thông báo nêu rõ: Công chức, viên chức nghỉ lễ Quốc khánh năm 2023 từ thứ Sáu ngày 1/9/2023 đến hết thứ Hai ngày 4/9/2023 Dương lịch.
Như vậy, đợt nghỉ này bao gồm 2 ngày nghỉ lễ Quốc khánh, 1 ngày nghỉ hằng tuần và 1 ngày nghỉ bù ngày nghỉ hằng tuần theo quy định của Bộ luật Lao động.
Dịp lễ Quốc khánh 2/9/2023, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động sẽ được nghỉ 4 ngày liên tiếp, từ ngày 1/9-4/9/2023.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị các cơ quan, đơn vị thực hiện lịch nghỉ lễ Quốc khánh năm 2023 lưu ý thực hiện: Bố trí, sắp xếp các bộ phận làm việc hợp lý để giải quyết công việc liên tục, đảm bảo tốt công tác phục vụ tổ chức, nhân dân.
Các cơ quan, đơn vị không thực hiện lịch nghỉ cố định thứ Bảy và Chủ Nhật hằng tuần, sẽ căn cứ vào chương trình, kế hoạch cụ thể của đơn vị để bố trí lịch nghỉ cho phù hợp.
Đối với người lao động không phải là công chức, viên chức, người sử dụng lao động quyết định lựa chọn phương án nghỉ lễ Quốc khánh năm 2023.
Theo đó, người lao động được nghỉ thứ Bảy ngày 2/9/2023 và lựa chọn 1 trong 2 ngày là thứ Sáu ngày 1/9/2023 hoặc Chủ nhật ngày 3/9/2023 Dương lịch.
Nếu ngày nghỉ hằng tuần trùng với ngày nghỉ lễ, tết thì người lao động được nghỉ bù ngày nghỉ hằng tuần vào ngày làm việc kế tiếp theo quy định của Bộ luật Lao động.
Địa điểm vui chơi ở Hà Nội dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9/2023
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh - Quảng trường Ba Đình
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh – Quảng trường Ba Đình là địa điểm du lịch ở Hà Nội mà bạn không nên bỏ qua trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 năm nay. Nơi đây là trung tâm chính trị của cả nước với nhà Quốc hội, Phủ Chủ tịch, Bảo tàng Hồ Chí Minh…
Lăng Bác là nơi lưu giữ thi hài của chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ kính yêu của cả dân tộc. Về Lăng viếng Bác, đối với mỗi người dân Việt Nam như một nhu cầu tình cảm, một phong tục tập quán mới, một sinh hoạt truyền thống biết ơn cội nguồn, hướng về gốc rễ trước mỗi bước đi lên.
Lễ viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh được tổ chức vào các buổi sáng: Thứ Ba, Thứ Tư, Thứ Năm, Thứ Bảy, Chủ Nhật. Khi vào viếng lăng Bác, bạn chú ý ăn mặc chỉnh tề, không đem theo các thiết bị điện tử ghi hình và giữ trật tự trong Lăng.
Lăng Bác mãi trường tồn cùng dân tộc, là nơi hội tụ tình cảm, niềm tin của nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế. Ảnh: VGP, dangcongsan.vn
Từ ngày mở cửa Lăng 29/8/1975 đến nay, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đón tiếp, phục vụ gần 70 triệu lượt đồng bào và khách quốc tế; trong đó có hơn 10 triệu lượt khách nước ngoài; tạo ấn tượng tốt đẹp và tình cảm sâu sắc trong lòng nhân dân và bầu bạn quốc tế.
Quảng trường Ba Đình là quảng trường lớn nhất Việt Nam, nằm trên đường Hùng Vương và trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Quảng trường này còn là nơi ghi nhận nhiều dấu ấn quan trọng trong lịch sử Việt Nam.
Đặc biệt, vào ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đây cũng là nơi diễn ra các cuộc diễu hành nhân dịp các ngày lễ lớn của Việt Nam và cũng là một địa điểm tham quan, vui chơi, dạo mát của du khách và người dân Hà Nội.
Hồ Gươm
Hồ Gươm hay hồ Hoàn Kiếm là một trong những địa điểm tham quan, du lịch nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội. Nơi đây gắn với truyền thuyết vua Lê Lợi trả gươm báu cho Rùa thần. Mặt hồ như tấm gương lớn soi bóng những cây cổ thụ, những rặng liễu thướt tha tóc rủ, những mái đền, chùa cổ kính, tháp cũ rêu phong, các tòa nhà mới cao tầng vươn lên trời xanh.
Bước từng bước chậm rãi một vòng quanh Bờ Hồ giữa những ngày thu về Hà Nội, bạn sẽ cảm nhận rất rõ một Hà Nội cổ kính nhưng vẫn đầy nét hiện đại. Bên cạnh Hồ Gươm là những công trình kiến trúc như tháp Bút, đài Nghiên, cầu Thê Húc dẫn vào đền Ngọc Sơn, tượng đài vua Lý Thái Tổ…
Văn Miếu – Quốc Tử Giám
Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám nằm ở phía Nam kinh thành Thăng Long xưa và đã được Thủ tướng chính phủ công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt tại Quyết định số 548/QĐ-TTg ngày 12/5/2012.
Văn Miếu - Quốc Tử Giám là một quần thể kiến trúc văn hóa hàng đầu và là niềm tự hào của người dân Thủ đô khi nhắc đến truyền thống ngàn năm Thăng Long – Hà Nội.
Văn Miếu - Quốc Tử Giám là một quần thể kiến trúc văn hóa hàng đầu và là niềm tự hào của người dân Thủ đô khi nhắc đến truyền thống ngàn năm Thăng Long – Hà Nội. Ảnh: Văn Miếu – Quốc Tử Giám
Khuê Văn Các tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám được chọn là biểu tượng của Thủ đô theo Luật Thủ đô được. 82 tấm bia Tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu và ghi vào danh mục Ký ức thế giới toàn cầu. Những điều này đã cho thấy, Văn Miếu - Quốc Tử Giám không chỉ là tài sản quý giá của Thủ đô, của Việt Nam, mà nó đã trở thành tài sản, di sản văn hóa của nhân loại.
Phố cổ Hà Nội
Phố cổ Hà Nội là một trong những địa điểm du lịch đầy thú vị và hấp dẫn với du khách xa gần. Phố cổ Hà Nội nằm ở phía Tây và phía Bắc của hồ Hoàn Kiếm. Nơi đây tập trung đông dân cư sinh sống với 36 phố phường. Mỗi con phố ở đây chủ yếu tập trung bán một loại mặt hàng nhất định.
Muốn tìm hiểu về cuộc sống, văn hóa và con người Hà Nội xưa thì bạn đừng bỏ qua Phố cổ. Lang thang ở khu phố và thưởng thức ẩm thực Phố cổ như phở Bát Đàn, chả cá Lã Vọng, bún chả hàng Mành, mì vằn thắn Đinh Liệt, bún ốc nguội Ô Quan Chưởng… sẽ khiến kỳ nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9 của bạn thêm ấn tượng.
Nhà thờ lớn Hà Nội
Nhà thờ lớn là một trong những điểm đến thú vị ở Hà Nội, nơi lui tới không chỉ của các tín đồ theo đạo mà còn là địa điểm quen thuộc của giới trẻ và khách du lịch xa gần.
Nhà thờ lớn Hà Nội. Ảnh: Wikipedia
Nhà thờ lớn nằm ở 40 phố Nhà Chung, phường Hàng Trống, được thiết kế theo phong cách kiến trúc Gothic trung cổ châu Âu với những bức tường xây cao, có mái vòm và nhiều cửa sổ.
Bảo tàng dân tộc học Việt Nam
Bảo tàng dân tộc học Việt Nam là nơi lưu giữ tất cả các giá trị văn hóa, công trình nhà ở, phong tục tập quán, nghi thức truyền thống của các dân tộc Việt Nam. Địa điểm du lịch này nằm ở số 1 Nguyễn Văn Huyên, phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội,
Bảo tàng dân tộc học Việt Nam gồm 2 khu trưng bày: ngoài trời và trong nhà. Sự đa dạng và độc đáo trong các khu trưng bày thực sự hấp dẫn bất kì du khách nào nếu có dịp ghé thăm. Nơi đây sẽ mang đến cho bạn những trải nghiệm vô cùng ý nghĩa về đời sống vật chất và tinh thần của các dân tộc Việt Nam.
Làng cổ Đường Lâm
Làng cổ Đường Lâm ở thị xã Sơn Tây, Hà Nội. Nếu muốn tham quan, vui chơi ở ngoại thành Hà Nội trong dịp Nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 này, bạn có thể di chuyển đến đây.
Làng cổ Đường Lâm với nhiều nét đẹp xưa là điểm du lịch văn hóa vô cùng hấp dẫn. Ảnh: Minh Châu
Làng cổ Đường Lâm với nhiều nét đẹp xưa là điểm du lịch văn hóa vô cùng hấp dẫn. Ngôi làng quy tụ rất nhiều nét đẹp của một làng quê Bắc Bộ với cổng làng, cây đa giếng nước sân đình, đền chùa… cùng những ngôi nhà bằng đá tổ ong, mái gạch nung mang đậm nét kiến trúc phong kiến xưa.
Làng gốm Bát Tràng
Nằm ở huyện Gia Lâm, Hà Nội, làng Gốm Bát Tràng cũng là một sự lựa chọn thú vị cho bạn và gia đình để có những kỷ niệm thú vị đáng nhớ trong dịp Nghỉ lễ Quốc khánh 2/9.
Đây là làng nghề truyền thống nổi tiếng về các sản phẩm bằng gốm sứ. Gốm Bát Tràng được đánh giá cao về chất lượng, có nhiều kiểu dáng đẹp và màu sắc độc đáo.
Đặc biệt, tại đây có Bảo tàng gốm Bát Tràng có địa chỉ tại thôn 5, xã Bát Tràng. Đây là công trình kiến trúc có quy mô lớn với thiết kế độc lạ vô cùng đẹp mắt. Bảo tàng gốm Bát Tràng nổi bật với kiến trúc được lấy cảm hứng từ bàn xoay - một dụng cụ làm gốm của người dân làng Bát Tràng. Trong thời gian gần đây, bảo tàng trở thành địa điểm thu hút du khách trong và ngoài nước bởi các hoạt động trải nghiệm thú vị và không gian check-in mới lạ.
Vườn Quốc Gia Ba Vì
Vườn Quốc gia Ba Vì cũng là một địa điểm du lịch trải nghiệm và khám phá thú vị cho bạn và gia đình trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 năm nay.
Vườn quốc gia Ba Vì được thành lập theo Quyết định số 17-CT ngày 16/01/1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ). Hiện nay, Vườn có tổng diện tích gần 9.702,41 ha, thuộc địa giới hành chính 15 xã, 5 huyện: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai của Thành phố Hà Nội, Kỳ Sơn, Lương Sơn của tỉnh Hòa Bình.
Vườn Quốc Gia Ba Vì được thiên nhiên ưu đãi ban tặng bức tranh sơn thủy hữu tình, hệ sinh thái phong phú, thảm thực vật đa dạng. Ảnh: Vườn Quốc Gia Ba Vì
Vườn quốc gia Ba Vì là nơi có khí hậu trong lành, mát mẻ, có nhiều cảnh quan thiên nhiên ngoạn mục với nhiều con suối bắt nguồn từ núi rừng Ba Vì quanh năm nước chảy như Thiên sơn – Suối ngà, Ao Vua, Khoang Xanh, Hồ Tiên Sa.
Nơi đây có nhiều di tích lịch sử, văn hóa như: đền Thượng, đền Trung, đền Hạ đền thờ Bác Hồ, tháp Báo Thiên, động Ngọc Hoa.. Chính những điều kiện trên đã tạo nên cho Vườn quốc gia Ba Vì từ lâu đã thành một nơi nghỉ mát vùng núi cao lý tưởng của cả nước.
Theo VGP, dự báo lượng khách du lịch sẽ tăng mạnh trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 sắp tới. Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của khách du lịch khi sử dụng các dịch vụ du lịch, Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có một số khuyến cáo đối với khách du lịch.
Cụ thể, khách du lịch cần tìm hiểu kỹ các thông tin về các gói du lịch đặc biệt là các chương trình du lịch, phòng khách sạn với mức giá rẻ hơn bình thường, lựa chọn các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ du lịch đảm bảo điều kiện theo quy định pháp luật: Có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa, quốc tế, Quyết định công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch, văn bản thông báo kết quả kiểm tra điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ của cơ sở lưu trú du lịch được cấp bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Chủ động xác nhận lại các thông tin trong hợp đồng du lịch (xác nhận đặt phòng, chất lượng, giá dịch vụ, thời gian, chương trình du lịch, hướng dẫn viên du lịch; cơ sở vật chất đối với cơ sở lưu trú du lịch...).
Chủ động tìm hiểu thông tin của các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch tại website: http://csdl.vietnamtourism.gov.vn.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google