Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh - nơi các thế hệ người dân Việt Nam được tỏ lòng biết ơn Bác Hồ

Minh Châu
11:54 - 17/08/2023
Công dân & Khuyến học trên

Về Lăng viếng Bác, đối với mỗi người dân Việt Nam như một nhu cầu tình cảm, một phong tục tập quán mới, một sinh hoạt truyền thống biết ơn cội nguồn, hướng về gốc rễ trước mỗi bước đi lên.

Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh - nơi các thế hệ người dân Việt Nam được tỏ lòng biết ơn Bác Hồ - Ảnh 1.

Lăng Bác mãi trường tồn cùng dân tộc, là nơi hội tụ tình cảm, niềm tin của nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế. Ảnh: VGP

Xây dựng Lăng Bác là nhiệm vụ vô cùng trọng đại trước quá khứ, hiện tại và tương lai

Sau khi Bác Hồ muôn vàn kính yêu của dân tộc ta qua đời, thực hiện nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, ngày 29/11/1969 Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết, trong đó có đoạn: "Với tấm lòng kính yêu vô hạn và đời đời nhớ ơn Hồ Chủ tịch, chúng ta phải thực hiện đến mức tốt nhất nhiệm vụ giữ gìn thi hài Hồ Chủ tịch và xây dựng Lăng của Người…".

Ngày 18/6/1973 tại buổi lễ long trọng tháo gỡ lễ đài cũ để xây dựng Lăng Bác, thay mặt Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh đã phát biểu: "Công lao của Hồ Chủ tịch đối với dân tộc ta, Tổ quốc ta như trời như biển. Hồ Chủ tịch là nhà Mácxit Lêninit vĩ đại, là lãnh tụ vô cùng kính yêu của giai cấp công nhân và nhân dân ta, của toàn thể dân tộc Việt Nam, đồng thời là chiến sĩ lỗi lạc của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế và phong trào giải phóng dân tộc.

Cuộc đời của Hồ Chủ tịch là một tấm gương mãi mãi sáng ngời ý chí cách mạng kiên cường, tinh thần độc lập tự chủ, lòng yêu nhân dân tha thiết, đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, tác phong gần gũi quần chúng, khiêm tốn và giản dị.

Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đời đời nhớ ơn Hồ Chủ tịch, ra sức học tập tư tưởng, đạo đức và tác phong của Người. Kiên quyết thực hiện Di chúc thiêng liêng của Người và tiếp tục sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Người.

Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ quyết định giữ gìn lâu dài thi hài Hồ Chủ tịch và xây dựng Lăng Bác tại Quảng trường Ba Đình lịch sử để mọi người có thể đến viếng và chiêm ngưỡng…".

Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh - nơi các thế hệ người dân Việt Nam được tỏ lòng biết ơn Bác Hồ - Ảnh 2.

Các kiến trúc sư, Họa viên và Kỹ thuật viên của Viện Thiết kế Dân dụng đang hoàn thiện mô hình Lăng Bác. Ảnh: Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

"Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ mãi mãi là một công trình kiến trúc có ý nghĩa chính trị và tư tưởng to lớn, thể hiện tình cảm sâu sắc của nhân dân cả nước đối với Bác Hồ kính yêu. Đây là nơi nhân dân Việt Nam, từ thế hệ này đến thế hệ khác sẽ đến chiêm ngưỡng để tỏ lòng biết ơn Hồ Chủ tịch. Công trình này sẽ góp phần xứng đáng ghi lại công lao và sự nghiệp của Bác Hồ sẽ góp phần xứng đáng động viên, nhắc nhở mọi người dân Việt Nam tăng cường đoàn kết, ra sức phấn đấu làm tròn nhiệm vụ cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới. Công trình này sẽ là niềm tự hào và vinh dự của dân tộc Việt Nam ngày nay và muôn đời về sau".

Vì vậy, xây dựng Lăng Bác là nhiệm vụ vô cùng trọng đại trước quá khứ, hiện tại và tương lai.

Làm sao để Công trình Lăng Bác xứng đáng với thời đại. Thời đại rực rỡ, huy hoàng nhất trong lịch sử vinh quang của dân tộc ta xứng đáng với Bác Hồ, người anh hùng dân tộc vĩ đại nhất và cũng là người giản dị nhất, trong sáng nhất và thật là gần gũi. Đồng thời cũng làm sao cho Lăng Bác thể hiện được tấm lòng kính yêu vô bờ bến và đời đời nhớ ơn của nhân dân ta đối với Bác.

Trong Nghị quyết ngày 29/11/1969, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã nêu ra những yêu cầu cơ bản đối với công tác thiết kế và xây dựng Lăng Bác. Những yêu cầu này là phương châm chỉ đạo xuyên suốt trong quá trình thiết kế xây dựng Lăng Bác, Quảng trường Ba Đình và các Công trình về Bác sau này (Bảo tàng Hồ Chí Minh...).

Các yêu cầu là:

"Bảo đảm giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh nguyên vẹn và lâu dài, chống được các biến động có hại của khí hậu, thời tiết, có kế hoạch giữ gìn an toàn phòng chiến tranh, phòng địch phá hoại.

Thể hiện được tính hiện đại mà vẫn giữ được màu sắc dân tộc, trang nghiêm nhưng giản dị.

Bảo đảm được sự thuận tiện cho nhân dân, cán bộ và khách nước ngoài đến viếng đông và liên tục; bảo đảm sự kiên cố, bền vững của công trình.

Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh - nơi các thế hệ người dân Việt Nam được tỏ lòng biết ơn Bác Hồ - Ảnh 3.

Quang cảnh xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1973. Ảnh: Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ở khu Ba Đình lịch sử và sớm xây dựng xong Lăng để đồng bào ta có thể viếng và chiêm ngưỡng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong năm 1971…"

Tuy nhiên, do phải chuẩn bị kỹ về các mặt, hơn nữa năm 1972, đế quốc Mỹ lại mở lại cuộc chiến tranh phá hoại ra miền Bắc dùng máy bay B52 đánh vào Hà Nội, Hải Phòng một cách ác liệt, nên Bộ Chính trị đồng ý tạm dừng xây dựng Lăng.

Tháng 3/1973, Hiệp định Pari được ký kết, công việc lại được tiến hành.

Trải qua thời gian xây dựng và hoàn thiện, ngày 19/8/1975, toàn bộ công trình đã được nghiệm thu quốc gia.

Ngày 29/8/1975, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được khánh thành.

Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh - nơi các thế hệ người dân Việt Nam được tỏ lòng biết ơn Bác Hồ - Ảnh 4.

Những mốc thời gian về thiết kế, xây dựng Lăng Bác.

Bảo đảm giữ gìn lâu dài thi hài Bác, thuận tiện cho số lượng lớn Nhân dân và khách nước ngoài đến viếng Bác liên tục

Chức năng quan trọng nhất của Lăng là bảo đảm giữ gìn lâu dài thi hài Bác, bảo đảm thuận tiện cho số lượng lớn Nhân dân và khách nước ngoài đến viếng Bác liên tục. Đồng thời Lăng cần phải bảo đảm an toàn phòng chiến tranh, phá hoại.

Để bảo đảm các nhiệm vụ trên, ngoài việc tạo ra môi trường lý tưởng nhờ công trình kiến trúc, còn có các hệ thống thiết bị hiện đại có độ dự phòng cao hoạt động liên tục suốt ngày đêm để bảo đảm môi trường không khí tinh khiết, đặc biệt là giữ ổn định nhiệt độ và độ ẩm theo yêu cầu của công tác y tế giữ gìn thi hài Bác.

Lăng Bác nằm trên quảng trường rộng, xung quanh là những công trình có tầm cao cả về lịch sử và kiến trúc. Theo tập quán của dân tộc ta, Phòng Bác nằm được đặt cao hơn lễ đài của các vị đại biểu đứng vào những ngày lễ lớn. Mặt khác khi xây dựng Lăng nước ta chưa xây dựng các Công trình thủy điện ở Sông Đà, nên vào mùa mưa lũ, nước sông Hồng dâng cao, có nguy cơ vỡ đê, nước tràn vào Hà Nội. Với những yếu tố đó đòi hỏi Lăng phải có tầm cao tương xứng.

Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh - nơi các thế hệ người dân Việt Nam được tỏ lòng biết ơn Bác Hồ - Ảnh 4.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong ngày đầu tiên. Ảnh: Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ở sau Lăng có hai bức tường cao ốp đá đỏ chạy song song với hai Lễ đài trái và phải, phía trước bức tường là sân rộng và có nhiều ô trồng hoa hồng. Bức tường này làm chức năng kết thúc không gian phía sau của Lễ đài trái và phải.

Lăng là công trình xây dựng được ốp đá, có đường nét kiến trúc giản dị, không trang trí rườm rà và đã đạt yêu cầu về tỷ lệ bố cục, màu sắc hài hòa tạo cho Công trình nỗi xúc động sâu sắc, có nội dung và hình thức hoàn chỉnh, thật sự đã mang ý nghĩa lớn lao về chính trị, văn hóa, nghệ thuật...

Nhìn toàn bộ Công trình Lăng, các khối kiến trúc chính, phụ, các mảng đặc tả, rỗng, sáng, tối được phân bố rõ ràng và gắn bó với nhau thành một khối cân đối, gọn gàng, vững chắc và trang nghiêm. Những đường ngang, nét đứng vuông thành sắc cạnh là những nét đơn giản, trong sáng và gọn gàng đã tạo cho Lăng hình dáng hiện đại và giản dị, trang nghiêm.

Khối chính bao quanh có hàng cột đỡ mái, tỷ lệ tương xứng, hình khối chắc khỏe, màu sắc đậm, nhạt khác nhau, cho ta cảm thụ về tầm cao, độ lớn của Lăng, biểu hiện độ vươn cao của Công trình.

Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đón tiếp, phục vụ gần 70 triệu lượt đồng bào và khách quốc tế

Từ ngày mở cửa Lăng 29/8/1975 đến nay, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đón tiếp, phục vụ gần 70 triệu lượt đồng bào và khách quốc tế; trong đó có hơn 10 triệu lượt khách nước ngoài; tạo ấn tượng tốt đẹp và tình cảm sâu sắc trong lòng nhân dân và bầu bạn quốc tế.

Đặc biệt, vào những dịp Lễ, Tết Nguyên đán, ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày Quốc khánh 2/9, số lượng khách luôn tăng cao, có ngày đến 32.000 lượt người. Tại Khu Di tích K9, từ năm 1998 đến nay, đã đón tiếp hơn 3 triệu lượt người đến tưởng niệm Bác Hồ và tham quan Khu Di tích.

Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh - nơi các thế hệ người dân Việt Nam được tỏ lòng biết ơn Bác Hồ - Ảnh 7.

Dù thời tiết oi nóng nhưng dòng người vẫn xếp hàng ngay ngắn, chờ đợi để được vào Lăng viếng Bác, ngày 19/5/2023. Ảnh: dangcongsan.vn

Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh - nơi các thế hệ người dân Việt Nam được tỏ lòng biết ơn Bác Hồ - Ảnh 5.

Chiến sỹ Đoàn 275, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng luôn sẵn sàng và tận tình phục vụ các vị khách có hoàn cảnh đặc biệt về Lăng viếng Bác. Ảnh: Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Về Lăng viếng Bác, đối với mỗi người dân Việt Nam như một nhu cầu tình cảm, một phong tục tập quán mới, một sinh hoạt truyền thống biết ơn cội nguồn, hướng về gốc rễ trước mỗi bước đi lên. Từ cụ già đến các cháu thiếu nhi; từ người dân bình thường đến cán bộ, công chức nhà nước, tuy mỗi người có một tâm trạng khác nhau nhưng khi về bên Bác đều thấy thanh thản, bình yên. Nhiều người nước ngoài khi đến Việt Nam, đứng trước Lăng của Người đã có cảm nhận: Hiếm có lãnh tụ nào trên thế giới được nhân dân mến mộ như Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ngoài hoạt động phục vụ thăm viếng, trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quảng trường Ba Đình còn diễn ra các sinh hoạt văn hoá, chính trị. Những lễ báo công, giao ước thi đua, kết nạp Đảng, kết nạp Đoàn... và những năm gần đây, nam nữ thanh niên đã hình thành nên phong tục tập quán mới đó là đặt hoa trước Lăng Bác trong ngày cưới.

Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh - nơi các thế hệ người dân Việt Nam được tỏ lòng biết ơn Bác Hồ - Ảnh 6.

Lễ thượng cờ sáng ngày 1/9/2022. Ảnh: Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Từ ngày 19/5/2001, nghi lễ chào cờ hàng ngày đã được tiến hành trang trọng trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hình ảnh của Tổ quốc với lãnh tụ được hòa quyện vào nhau, càng tôn thêm giá trị văn hoá, tinh thần và ý nghĩa chính trị của công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thời gian tổ chức lễ viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Lễ viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh được tổ chức vào các buổi sáng: Thứ Ba, Thứ Tư, Thứ Năm, Thứ Bảy, Chủ Nhật.

Thứ Hai và Thứ Sáu không tổ chức lễ viếng.

Mùa nóng (từ ngày 1/4 đến ngày 31/10):

Thời gian từ 7 giờ 30 phút đến 10 giờ 30 phút.

Thứ Bảy, Chủ Nhật và ngày lễ từ 7 giờ 30 phút đến 11 giờ.

Mùa lạnh (từ ngày 1/11 đến ngày 31/3 năm sau):

Thời gian từ 8 giờ đến 11 giờ.

Thứ Bảy, Chủ Nhật và ngày lễ từ 8 giờ đến 11 giờ 30 phút.

Ngày 19/5, 2/9 và Mồng 1 Tết Nguyên đán nếu trùng vào Thứ Hai hoặc Thứ Sáu, vẫn tổ chức lễ viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong bài có sử dụng thông tin tư liệu, hình ảnh từ Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Báo điện tử Chính phủ và báo điện tử Đảng Cộng sản.