Lễ hội truyền thống chùa Tây Phương năm 2023 diễn ra trong 10 ngày

06:30 - 19/04/2023
Công dân & Khuyến học trên

Lễ hội truyền thống chùa Tây Phương năm 2023 sẽ được UBND huyện Thạch Thất (Hà Nội) tổ chức theo quy mô cấp huyện trong thời gian 10 ngày, từ ngày 20/4 đến ngày 29/4/2023 (tức từ ngày 1/3 đến hết ngày 10/3/2023 âm lịch).

Lễ khai hội chùa Tây Phương được tổ chức vào sáng ngày 3/3 âm lịch.

Lễ hội truyền thống chùa Tây Phương năm 2023 diễn ra trong 10 ngày - Ảnh 1.

Lễ hội truyền thống chùa Tây Phương (Nguồn: Internet)

Lễ hội truyền thống chùa Tây Phương gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ với các nghi lễ trang trọng, tôn nghiêm. Phần hội có các hoạt động: Múa lân sư rồng, biểu diễn trống hội, ca múa nhạc, múa rối nước; đồng thời diễn ra các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, giới thiệu sản phẩm của các làng nghề truyền thống như: Đồ gỗ mỹ nghệ xã Canh Nậu; cơ kim khí xã Phùng Xá; nhà kẻ chuyền gỗ xã Hương Ngải; quạt xã Chàng Sơm; mây giang đan xã Bình Phú; chuồn chuồn tre, chè lam, bánh tẻ xã Thạch Xá; chè kho xã Đại Đồng…

Để đảm bảo việc tổ chức Lễ hội truyền thống chùa Tây Phương diễn ra trang nghiêm, an toàn, các cơ quan chuyên môn, các xã, thị trấn, thành viên Ban Tổ chức Lễ hội sẽ thực hiện nhiệm vụ được giao trên tinh thần trách nhiệm cao nhất. 

Đặc biệt đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá; quan tâm đến công tác trang trí khánh tiết; phân công lực lượng đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm… trong suốt thời gian diễn ra Lễ hội. Qua đó nhằm giáo dục truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", thể hiện lòng yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào dân tộc; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch trên địa bàn huyện.

Chùa Tây Phương còn được biết đến với tên gọi khác là Tây Phương Cổ Tự, chùa Tây Phương được biết đến là ngôi chùa cổ thứ 2 ở Việt Nam (sau chùa Dâu Bắc Ninh). Vì vậy, vào năm 2014, Chính phủ đã công nhận chùa Tây Phương là Di tích Quốc gia đặc biệt về giá trị kiến trúc nghệ thuật. Chùa tạo lạc tại đỉnh đồi Câu Lâu, thôn Yên, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, Hà Nội.

Năm 1632, vào đời vua Lê Thần Tông, chùa xây dựng thượng điện 3 gian và hậu cung cùng hành lang 20 gian. Khoảng những năm 1657-1682, Tây Đô Vương Trịnh Tạc lại cho phá chùa cũ, xây lại chùa mới và tam quan. Đến năm 1794 dưới thời nhà Tây Sơn, chùa lại được đại tu hoàn toàn với tên mới là “Tây Phương Cổ Tự” và hình dáng kiến trúc còn để lại như ngày nay.