Lễ hội Đền Cửa Ông 2024 thêm nhiều hoạt động văn hoá, du lịch đặc sắc

TTH
13:24 - 03/03/2024
Công dân & Khuyến học trên

Lễ hội Đền Cửa Ông 2024 được tổ chức từ 12-13/3 (tức ngày 3-4 tháng 2 năm Giáp Thìn) gồm các nội dung chính: Lễ xin mở Hội Đền và Lễ Dâng hương xin rước kiệu; Lễ rước kiệu Đức Ông và các Nhân thần vi hành khu an ngự; tổ chức nhiều hoạt động văn hoá và trình diện Đền Cặp Tiên mới.

Lễ hội Đền Cửa Ông 2024 thêm nhiều hoạt động văn hoá, du lịch đặc sắc- Ảnh 1.

Quần thể di tích quốc gia đặc biệt - Đền Cửa Ông (thành phố Cẩm Phả, Quảng Ninh) bên bờ vịnh Bái Tử Long đã được quy hoạch trang trọng, sạch đẹp. Ảnh: TTH

Lễ hội đền Cửa Ông 2024 mở rộng thêm nhiều hoạt động du lịch

Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt đền Cửa Ông nằm trên một quả đồi hướng ra bờ vịnh Bái Tử Long. Lối lên đền lần lượt qua đền Hạ thờ Mẫu, đền Trung thờ Tướng quân Hoàng Cần, đền Thượng thờ Đức ông Trần Quốc Tảng, chùa thờ Phật, lăng mộ Đức ông và nhiều đền thờ các tướng quân, cận thần và gia thất nhà Trần. 

Sau cùng trên đỉnh đồi nhìn xuống Cửa Suốt là tượng đài Đức Ông Trần Quốc Tảng đặt trong quần thể di tích nhiều phù điêu, cây xanh cổ thụ và khu dân cư, cảng biển, phố thị đông đúc, xum vầy của thành phố Cẩm Phả, Quảng Ninh. 

Đền Cửa Ông nổi tiếng là ngôi đền thiêng, do đền thờ anh hùng dân tộc Trần Quốc Tảng, vị quan trấn ải Đông Bắc, con trai thứ 3 của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Mùa lễ hội Xuân 2024, Đền Cửa Ông được thành phố Cẩm Phả tiếp tục tu bổ sửa sang sạch đẹp nhằm để thành phố trở thành một điểm đến du lịch đặc sắc. Đặc biệt là trên lộ trình xây dựng thành phố Cẩm Phả thành đô thị triệu đoá hồng, khu vực Đền Cửa Ông được trồng nhiều hoa hồng hưởng nắng gió chan hoà của vịnh Bái Tử Long đơm bông khoe sắc. 

Năm 2024, tại quần thể di tích này, thành phố Cẩm Phả cũng tổ chức khai lễ Đền Cặp Tiên (thuộc di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Cửa Ông, thành phố Cẩm Phả và huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh) vào ngày 15/2/2024. Đây là đền thờ gia tộc nhà Trần vùng Đông Bắc nằm cạnh Cửa Suốt đã được nhiều thế hệ người dân Cẩm Phả, ngư dân biển đảo vùng Đông Bắc thờ phụng, kính lễ. 

Lễ hội Đền Cửa Ông 2024 thêm nhiều hoạt động văn hoá, du lịch đặc sắc- Ảnh 2.

Tượng đài Trần Quốc Tảng tại khu di tích lịch sử Đền Cửa Ông ngày nay. Ảnh: vinwonders

Trần Quốc Tảng là ai? 

Trần Quốc Tảng (1252-1313) là nhân vật lịch sử đặc biệt trong toàn bộ chiều dài lịch sử dân tộc. Trong dân gian, ông thường bị nhầm lẫn với Trần Quốc Toản, hay Trần Quốc Tuấn do ít được nhắc tới trong sử sách. Trong số ít lược sử ghi lại, ông là người xung khắc với cha là Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn trong đường lối chính trị quân sự nên bị cắt cử vĩnh viễn từ thái ấp nhà Trần ở Đông Triều ra miền Đông Bắc hoang dã để trông coi biên ải. 

Ngoài câu chuyện xung đột với cha mình, cuộc đời của Trần Quốc Tảng không được nhắc đến nhiều trong Đại Việt ký sử toàn thư - tác phẩm lịch sử đầy đủ nhất về các thời đại - triều đại của Việt Nam. 

Tuy nhiên, có điều rõ ràng là tướng Trần Quốc Tảng với khí chất mạnh mẽ, dứt khoát, phóng khoáng chiếm được nhiều sự ủng bộ của bộ tướng nhà Trần. Ông đã chiến đấu cùng các anh em của mình dưới sự chỉ huy của cha là Trần Quốc Tuấn chống quân Mông Cổ xâm lược. Ông từng được thăng làm Thống đốc (Tiết độ sứ) sau khi đánh dẹp giặc. Sau đó, Trần Quốc Tảng tham gia nhiều chiến dịch quân sự quan trọng, dẹp loạn, siết lại bang giao quân sự và được phong làm Thái thừa tướng triều đình sau khi mất. 

Khu vực Đông Bắc, Quảng Ninh truyền tụng câu chuyện dân gian là Trần Quốc Tảng trực tiếp ra trận và tử trận ở cửa biển, được dân gian chôn cất ở khu vực Cửa Suốt chính là Đền Cửa Ông ngày nay. Ông gắn bó với sứ mệnh trấn ải vùng Đông Bắc và sống thác với vùng biển hiểm yếu này nên được dân gian suy tôn là vị Thánh thiêng bảo hộ cho cả vùng. 

Lễ hội Đền Cửa Ông 2024 thêm nhiều hoạt động văn hoá, du lịch đặc sắc- Ảnh 3.

Kiến trúc Đền Cửa Ông uy nghi trấn giữ nơi hiểm yếu trên biển trời Đông Bắc. Ảnh: vinwonders

Trần Quốc Tảng được vua sắc phong là Thượng Đẳng Phúc Thần, Hưng Nhượng vương và được thờ phụng vài nơi - nơi sinh, nơi diệt giặc và nơi hoá của ông. Nhưng nơi thờ tự chính là đền Cửa Ông. 

Tại đây có câu đối ngợi ca công đức của Trần Quốc Tảng: Giúp chiến thắng Bạch Đằng, tướng giỏi uy danh lừng đất Bắc/ Để dấu thiêng Đông Hải, anh hùng tâm sự gửi trời Nam. Câu đối của dân gian cũng có thể hàm ý rằng Trần Quốc Tảng cống hiến cả đời đánh giặc trấn giữ biên ải, nhưng không một lần nào được quay về gặp cha là Trần Hưng Đạo, bởi xung khắc đã bị cha từ mặt.

Điện chính thờ trong đền Cửa Ông có đủ hệ thống Trần triều không một đền thờ nơi nào có được. Đền Cửa Ông lưu giữ 34 pho tượng lớn, nhỏ được chạm trổ công phu với tư thế ngồi trong ngai, khám, long đình mang giá trị nghệ thuật cao. Mỗi pho tượng đều là các vị Trần triều, trong đó nhiều tướng quân lừng lẫy của triều Trần, bộ tướng, gia thất, hoàng thân quốc thích nhà Trần như: Yết Kiêu, Dã Tượng, Trần Khánh Dư, Phạm Ngũ Lão...

Cùng với những giá trị lịch sử, đền Cửa Ông còn mang giá trị về nghệ thuật, kiến trúc, văn hóa đặc sắc và trở thành địa điểm du lịch hấp dẫn thu hút rất đông khách du lịch đến tham quan, chiêm bái.

Lễ hội Đền Cửa Ông 2024 thêm nhiều hoạt động văn hoá, du lịch đặc sắc- Ảnh 4.

Cửa Suốt, cửa biển đẹp bên bờ Bái Tử Long cạnh khu di tích lịch sử Đền Cửa Ông. Ảnh: vinwonders

Bình luận của bạn

Bình luận