Lào Cai ưu tiên nguồn lực xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia ở vùng khó khăn
Giai đoạn 2020-2025, tỉnh Lào Cai tập trung ưu tiên nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất và thiết bị dạy và học cho các trường học, nhất là ở địa bàn khó khăn, vùng cao, vùng sâu, nhằm bảo đảm sĩ số chuyên cần và nâng cao chất lượng dạy và học ở địa phương.
Tập trung xây dựng phòng học, nhà ở bán trú học sinh và công trình phụ trợ ở vùng cao, vùng sâu
Chúng tôi đến Trường Mầm non Tân Tiến, thuộc vùng sâu của huyện Bảo Yên. Nhớ lại vài năm trước, cô Phùng Thị Trại, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tân Tiến, chia sẻ: "Chúng tôi vốn có một trường chính và 5 điểm trường lẻ, học sinh chủ yếu là con em của bà con các dân tộc Mông, Dao, Tày, học tập trong điều kiện tường nhà bong tróc, mái proximăng xuống cấp, trần nhựa bục, thủng. Có những điểm trường muốn lên học phải đi nhờ qua gầm nhà sàn của người dân, mà thói quen buộc trâu, bò khiến cho khu vực này vô cùng mất vệ sinh.
Thầy cô không ai quên được con đường ở điểm Trường Nậm Bắt vào những ngày mưa, bùn ngập bánh xe, phải nhờ người dân hò nhau đẩy xe giúp mới lên được đến nơi và thường xuyên phải ngủ lại. Chế độ ăn của trẻ cũng chỉ có duy nhất nguồn tiền hỗ trợ 160.000 đồng/tháng/cháu (chưa đến 10.000 đồng/ngày/cháu)".
Từ thực tế đó, Đảng bộ xã Tân Tiến xác định việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị gắn với việc xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Cùng với nguồn vốn của tỉnh và huyện, chính quyền xã Tân Tiến đã tập trung tuyên truyền, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, huy động người dân đóng góp trên 1.000 ngày công lao động, tiền mặt, vật liệu, hiện vật..., ước tính trên 700 triệu đồng, để xây mới lớp học, sửa chữa, bổ sung, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo nhu cầu dạy, học của nhà trường.
Bước vào năm học 2023-2024 này, các cháu mầm non đã được học tập, sinh hoạt trong ngôi trường kiên cố, khang trang, có đầy đủ các khu chức năng: phát triển thể chất, góc bản sắc dân tộc cho trẻ trải nghiệm, góc thư viện, khu bé chơi với thiên nhiên... Tỷ lệ huy động trẻ 3-5 tuổi ra lớp đạt 100%; tỷ lệ trẻ 0-2 tuổi trước chỉ huy động được 30% thì nay tăng lên 32,5%. Bữa ăn dinh dưỡng cho trẻ cũng chất lượng hơn khi người dân tự nguyện hỗ trợ 5.000-7.000 đồng/ngày/phụ huynh. Việc đến trường mỗi ngày đã trở thành niềm vui, hạnh phúc, tự hào của các cháu học sinh và người dân, trong ngôi trường đầu tiên trên địa bàn xã được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia.
Ở huyện vùng cao Bắc Hà, Huyện ủy xác định xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia gắn với xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ quan trọng của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, đoàn thể ở địa phương.
Chúng tôi đến các trường học như: Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Hoàng Thu Phố 1, Trường tiểu học Na Hối, Trường mầm non Bản Phố. Đây là những trường học vừa được đưa vào sử dụng trước ngày khai giảng năm học 2023-3024, với tổng vốn đầu tư 34 tỷ đồng, bao gồm 24 phòng học, 6 phòng chức năng và công vụ cho giáo viên, 13 phòng ở bán trú cho học sinh; các khu vui chức năng vui chơi; tất cả các trường đều có vệ sinh khép kín và bếp ăn tập thể. Đặc biệt, ở Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Hoàng Thu Phố 1, khu nhà ở bán trú cho 173 em học sinh là con em đồng bào dân tộc Mông khang trang, sạch đẹp, có đầy đủ giường tầng, chăn đệm, hệ thống phòng cháy chữa cháy tại chỗ, bảo đảm cho các em ổn định cuộc sống, yên tâm học tập.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Hà Chu Thị Dương, từ năm 2022 đến nay, Bắc Hà đã đầu tư hơn 188 tỷ đồng, xây dựng 18 danh mục công trình giáo dục, chủ yếu là xây dựng phòng học, nhà ở bán trú cho học sinh; hiện đã đưa 16 công trình vào phục vụ học tập và ăn ở cho học sinh. Toàn huyện đến nay không còn phòng học tạm, tỷ lệ phòng học đáp ứng tốt yêu cầu dạy học 1 phòng/lớp, tỷ lệ lớp học kiên cố đạt trên 80%. Toàn huyện có 61 trường học và 1 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, với 813 lớp trên 22 nghìn học sinh, học viên. Tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia đạt 88,5%.
Nhờ vậy, nhiều trường học ở vùng cao có cơ sở vật chất tốt, cảnh quan xanh - sạch - đẹp; số trường học đạt chuẩn quốc gia tăng là cơ sở để nâng cao chất lượng giáo dục ở địa phương.
Bảo đảm trang thiết bị dạy học và đời sống học sinh bán trú
Bên cạnh việc xây dựng cơ sở vật chất trường học, tỉnh Lào Cai quan tâm đầu tư đồng bộ trang thiết bị, sách giáo khoa phục vụ dạy và học theo tiêu chí trường chuẩn quốc gia. Tại huyện vùng cao Bắc Hà, năm 2023, ngân sách giao dự toán 8,4 tỉ đồng để mua sắm trang thiết bị dạy học, nhờ đó trang thiết bị dạy học (tối thiểu) được trang bị cơ bản đầy đủ; các trường chuẩn quốc gia có đủ thiết bị, phòng học, phòng thực hành thí nghiệm (mức tối thiểu theo yêu cầu chung) đáp ứng tốt yêu cầu dạy và học cũng như triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Chính vì vậy, chất lượng giáo dục toàn diện luôn ổn định, đi vào chiều sâu và có sự bứt phá rõ rệt. Năm học 2022-2023, các em học sinh trong toàn huyện đã giành được 752 giải cấp tỉnh, quốc gia, quốc tế tăng 172 giải so với năm học 2021-2022 (trong đó có 2 giải toán FMO quốc tế; cấp quốc gia 159 giải tăng 108 giải; 591 giải cấp tỉnh tăng 66 giải) không chỉ tăng về số lượng, chất lượng giải ngày càng được nâng cao.
Cuộc thi "Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp" do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức; dự án "Kinh doanh trà râu mèo"của nhóm học sinh trường Trung học cơ sở Bản Liền (Bắc Hà) là đại diện duy nhất của tỉnh Lào Cai tham gia và đạt giải Ba. Đây là dự án nhằm quảng bá dược liệu quý tại Bắc Hà, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của các em học sinh, với niềm đam mê phát triển sản phẩm tạo thương hiệu riêng, góp phần nâng cao đời sống kinh tế của gia đình và địa phương.
Đặc biệt, Bắc Hà là địa phương duy trì và phát triển hiệu quả các mô hình trường học bá trú, như: Trường học nông trại, trường học đa văn hóa gắn với cộng đồng, trường học gắn với phát triển du lịch, trường học gắn với bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống được triển khai giúp đưa các kiến thức gần với thực tiễn, học sinh tiếp thu kiến thức tốt hơn, các nét văn hóa đặc sắc địa phương được giữ gìn và phát huy hiệu quả tích cực.
Năm 2023, tổng kinh phí giao là 198 tỷ đồng, hiện tại các đơn vị đã mở thầu mua sắm đủ trang thiết bị phục vụ dạy học, bảo đảm theo kế hoạch đề ra. Chính từ đó, chất lượng dạy và học trong các nhà trường được cải thiện, nâng lên, nhất là ở địa bàn vùng cao, vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm 2023, Lào Cai có 44 học sinh đạt giải, trong đó có 2 giải Nhất, 7 giải Nhì, 17 giải Ba; 1 học sinh được chọn vào Đội tuyển Olympic quốc tế môn Sinh học. Lào Cai xếp thứ nhất trong Cụm thi đua 7 tỉnh miền núi, trung du phía Bắc, xếp thứ 18 trong toàn quốc.
Theo bà Dương Bích Nguyệt, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lào Cai, khó khăn nhất hiện nay là còn đến 1.213 điểm trường lẻ, toàn tỉnh thiếu 1.451 biên chế giáo viên. Để đạt mục tiêu xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, Lào Cai tiếp tục qui hoạch lại mạng lưới trường, lớp học; đưa học sinh về trường chính nhằm giảm số lượng trường và điểm trường có qui mô nhỏ; giảm học sinh và số lớp ở điểm trường lẻ để nâng cao hiệu quả đầu tư và chất lượng giáo dục toàn diện. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa, khuyến khích các tổ chức, cá nhân phát triển hệ thông các trường ngoài công lập; huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho giáo dục.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google