Làm rõ thông tin, xử lý nghiêm vụ việc nhà sư giả mặc pháp phục trong quán nhậu

Hồng Ngọc
17:08 - 27/07/2023
Công dân & Khuyến học trên

Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu các đơn vị làm rõ nhân thân Nguyễn Minh Phúc - người tự xưng "đại đức Thích Tâm Phúc" xuất hiện trong quán nhậu đang gây xôn xao dư luận những ngày qua.

Làm rõ nhân thân ông Nguyễn Minh Phúc 

Ngày 23/7, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip ghi lại cảnh công an kiểm tra quán nhậu có sự xuất hiện của một người đàn ông đầu trọc, mặc đồ giống nhà sư. Người này là ông Nguyễn Minh Phúc (trú tại huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh), nổi tiếng trên mạng với các clip mặc đồ nhà sư, ăn thịt, tự xưng Đại đức Thích Tâm Phúc.

Người mặc pháp phục tại quán nhậu không phải tu sĩ Phật giáo  - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Minh Phúc mặc áo giống nhà sư xuất hiện trong quán nhậu. Ảnh cắt từ clip

Liên quan đến vụ việc trên, theo VTC News, ngày 26/7, Văn phòng Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh Ngô Minh Châu về kiểm tra, làm rõ thông tin báo chí phản ánh ông Nguyễn Minh Phúc (sinh năm 1983) -  tự xưng "đại đức Thích Tâm Phúc" khiến dư luận xôn xao những ngày qua.

Văn bản được gửi đến Công an thành phố Hồ Chí Minh, Sở Thông tin và Truyền thông, Ban Tôn giáo thành phố Hồ Chí Minh và Ủy ban Nhân dân huyện Củ Chi, nơi ông Phúc sinh sống.

Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh giao Công an thành phố Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp Ban Tôn giáo thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban Nhân dân huyện Củ Chi cùng các bên liên quan khẩn trương kiểm tra, làm rõ nhân thân người có tên Nguyễn Minh Phúc nêu trên. Nếu người này có hành vi vi phạm pháp luật thì phải xử lý nghiêm theo quy định, báo cáo Thường trực Thành ủy và Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.

Làm rõ thông tin, xử lý nghiêm vụ việc "nhà sư giả" mặc pháp phục trong quán nhậu  - Ảnh 2.

Hình ảnh ông Phúc mặc pháp phục quay clip ăn thịt. Ảnh: VTC News

Bên cạnh đó, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp các cơ quan chức năng có liên quan tăng cường công tác quản lý nhà nước, chủ động phát hiện, xử lý theo chức năng, nhiệm vụ hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các trường hợp lợi dụng sự việc để xuyên tạc, gây ảnh hưởng tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.

Trước đó, cung cấp thông tin về ông Nguyễn Minh Phúc, Thượng tọa Thích Tâm Hải, Trưởng Ban Thông tin - Truyền thông Giáo hội Phật Giáo Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh khẳng định, tất cả giấy tờ chứng minh tu sĩ, quyết định bổ nhiệm, quyết định thành lập chùa, quyết định bổ nhiệm trụ trì của người này với danh nghĩa do Giáo Hội Phật giáo Việt Nam cấp đều là giả mạo.

Các cơ quan chức năng khẳng định ông Phúc còn giả mạo các huân chương, huy chương, bằng khen của lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ.

Ủy ban Nhân dân huyện Củ Chi cũng thông tin, ông Nguyễn Minh Phúc thường xuyên lợi dụng danh nghĩa tu sĩ Phật giáo để kêu gọi, vận động, quyên góp gây quỹ nhằm mục đích trục lợi cá nhân bất hợp pháp và tụ tập đông người tại nhà riêng. Đây là nhà tình thương do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện cấp cho mẹ của ông vì gia cảnh neo đơn.

Từ năm 2015 cho đến nay, chính quyền địa phương nhiều lần cử đoàn đến làm việc về những sự việc bất hợp pháp trên và nhiều lần mời ông Phúc đến làm việc nhưng ông đều vắng không có lý do.

Chính quyền địa phương cũng đã tổ chức họp dân thông báo việc ông Nguyễn Minh Phúc giả danh tu sĩ, đồng thời yêu cầu ông Phúc tháo gỡ tất cả các bảng hiệu có nội dung không đúng quy định, trong đó có bảng hiệu để tên gọi là Chùa Hoằng Pháp Trung ương.

Đủ cơ sở pháp lý để xử lý ông Nguyễn Minh Phúc   

Theo Báo Người Lao Động, Luật sư Lưu Tấn Anh Toàn (Giám đốc Công ty Luật Lưu Vũ) cho biết, với các giấy tờ mà ông Nguyễn Minh Phúc làm giả, các cơ quan chức năng có thể khởi tố tội "Làm giả, sử dụng con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức" được quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Ngoài ra, nếu ông Phúc giả mạo tu sĩ hoặc dùng các tài liệu giả mạo để lừa đảo thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015.

Ngoài ra, ông Phúc có thể bị xử lý hành chính về những hành vi sau:

Chủ động lưu trữ, truyền đưa thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân (có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 70 triệu đồng theo Điểm a Khoản 3 Điều 100 Nghị định 15/2020; sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 14/2022).

Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân (có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng).

Giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân (có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng)...