Làm bài thi Ngữ văn dễ đạt điểm trung bình trở lên

Ngọc Trân
08:47 - 28/06/2023
Công dân & Khuyến học trên

Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông hằng năm chỉ có môn Ngữ văn là đang chấm thực hiện tự luận và các tỉnh chấm thi cũng thường nhẹ nhàng, không quá khắt khe nên điểm số năm nào cũng khá cao.

Hiện nay, các cấp học phổ thông có 2 kỳ thi tập trung lớn nhất, đó là kỳ thi tuyển sinh 10 do các Sở Giáo dục chủ trì và kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào phối hợp với các địa phương đứng ra tổ chức hằng năm. Trong hai kỳ thi này, đề thi môn Ngữ văn bao giờ cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt.

Tình trạng đoán đề, tủ đề vẫn xảy ra đối với nhiều thí sinh dự thi và thực tế việc đoán đề thi Ngữ văn khá phổ biến trước mỗi kỳ thi. 

Vì vậy, đoán đề có thể "trúng tủ" sẽ được điểm cao nhưng cũng có khi "lệch tủ" sẽ khiến nhiều thí sinh "ăn trái đắng".

Vì thế, nếu thí sinh thi tốt nghiệp trung học phổ thông nắm vững các đơn vị kiến thức, kĩ năng phân tích đề, làm bài thì việc đạt điểm Ngữ văn ở mức 6-7 điểm dễ dàng và đạt được điểm 5 cực dễ. 

Thế nhưng, hằng năm vẫn có nhiều thí sinh có điểm dưới trung bình, thậm chí là điểm 0.

Dễ dàng đạt được điểm 5 môn Ngữ văn trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông

Trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, cứ đủ điểm là đậu tốt nghiệp, sau đó lấy kết quả để xét tuyển đại học hoặc chỉ làm tiêu chí xét tốt nghiệp mà thôi. Thực tế, nhiều thí sinh chỉ thi tốt nghiệp rồi đi làm, những thí sinh tiếp tục học đại học thì bây giờ cũng không quá nặng nề điểm số như trước đây vì nhiều em đã thi đánh giá năng lực, hoặc xét tuyển đại học bằng học bạ nên đã trúng tuyển từ khi chưa thi tốt nghiệp.

Vì thế, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông hàng năm chỉ có môn Ngữ văn là đang chấm thực hiện tự luận và các tỉnh chấm thi cũng thường nhẹ nhàng, không quá khắt khe nên điểm số năm nào cũng khá cao.

Gần đây nhất, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 có 981.407 thí sinh tham gia thi bài thi Ngữ văn nhưng có tới 52.307 bài thi đạt 8,0 điểm; 2.326 bài thi đạt 9,5 điểm, 172 thí sinh đạt 9,75 điểm và 5 thí sinh đạt điểm 10. Điểm trung bình môn Ngữ văn là 6.51 điểm (điểm Khá); điểm thí sinh đạt được nhiều nhất là 7,0 điểm; chỉ có 11.6% bài thi đạt điểm dưới điểm trung bình.

Việc điểm thi môn Ngữ văn có tỉ lệ điểm trên trung bình cao có nhiều nguyên nhân. Trong đó, có việc cả nước thực hiện đề thi chung, các địa phương chủ trì phần chấm thi nên yếu tố "địa phương" vẫn ít nhiều bị chi phối. Hơn nữa, cấu trúc, câu hỏi đề thi môn Ngữ văn thường được các giáo viên ôn khá kĩ lưỡng cho học trò trước khi thi.

Phần đề Ngữ văn có 2 phần: phần đọc hiểu (3,0 điểm) và phần làm văn (7,0 điểm - viết ngắn 2,0 điểm; bài văn 5,0 điểm). Trong đó, phần đọc hiểu và phần viết ngắn (2,0 điểm) có nhiều câu hỏi khá dễ để thí sinh lấy trọn điểm. Các câu hỏi "xác định thể thơ"; "xác định phương thức biểu đạt"; "xác định biện pháp tu từ"; "nêu nội dung chính"… dễ ghi điểm.

Có năm đáp án của Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố có câu hỏi chỉ cần chép lại một vài câu văn của đề bài là có điểm tuyệt đối. Câu 2,0 điểm thì học sinh cũng thực hành nhuần nhuyễn nhiều lần trong quá trình ôn tập nên thí sinh chỉ cần kĩ năng đọc hiểu sẽ đều có điểm ở các câu hỏi.

Phần làm văn (bài văn hoàn chỉnh được 5,0 điểm) mấy năm gần đây đề ra cũng khá nhẹ nhàng. Có thể là đoạn thơ, có thể là một đoạn văn trong một tác phẩm trong sách giáo khoa Ngữ văn. Cơ bản là đều có ngữ liệu sẵn cho thí sinh làm bài. Thí sinh nào có khả năng cảm thụ tốt thì đạt điểm cao, những thí sinh yếu chỉ cần diễn xuôi lại nội dung đoạn thơ, đoạn văn xuôi, nêu thêm vài ý nghệ thuật và trình bày theo bố cục của một bài văn là đều có thể đạt từ 1-2 điểm trở lên đối với phần này.

Nhiều thí sinh đoán đề, tủ đề và bị điểm thấp

Những thí sinh lấy kết quả điểm thi môn Ngữ văn để xét tuyển đại học, nhất là vào các trường đại học, học viện lớn thì bao giờ cũng đầu tư để có thể đạt được điểm càng cao càng tốt. Và thông thường, những thí sinh này đầu tư cho môn học suốt cả một chặng đường dài.

Tuy nhiên, cũng có nhiều thí sinh không yêu thích môn Ngữ văn nhưng vì đây là môn thi bắt buộc nên đã xảy ra tình trạng tủ đề. Vì thế, khi ôn thi những em này sẽ làm các phương pháp loại trừ những năm gần đây đề đã ra những tác phẩm nào, tác phẩm nào lâu rồi chưa ra đề nhằm ôn tập kĩ lưỡng hơn.

Việc đoán đề, tủ đề thường có 2 mặt, có thể "trúng tủ" nhưng cũng có thể "lệch tủ". Nếu trúng tủ điểm sẽ rất cao nhưng lệch tủ có thể chỉ viết được một số đoạn vu vơ, chung chung khiến cho bài văn khó đạt được điểm cao. Trong khi, nếu được đầu tư đồng đều cho các tác phẩm văn học và rèn luyện kĩ năng tiếp cận, khai thác đề và triển khai bài viết thì việc lấy điểm từ 6,0 điểm trở lên không hề khó.

Chuyện tủ đề thường xảy ra với những học sinh yếu môn Ngữ văn và chưa có sự đầu tư nghiêm túc cho môn học. Vì thế, sau mỗi kỳ thi vẫn nhiều thí sinh đạt được mức điểm khá thấp, thậm chí bị điểm liệt. Trong khi, đề thi bao giờ cũng có những câu hỏi "cho điểm" để chống liệt cho thí sinh.

Chỉ cần không may "lệch tủ" sẽ khiến cho nhiều thí sinh ân hận, thậm chí phải chờ đợi thêm một năm nữa…