Kỷ nguyên của Trung Quốc là quốc gia đông dân nhất thế giới đã qua

Dũng Minh
19:24 - 14/04/2023
Công dân & Khuyến học trên

Báo cáo của Liên Hợp Quốc dự đoán rằng trong tháng 4 năm 2023, tổng dân số của Ấn Độ sẽ vượt qua Trung Quốc và trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới.

Kỷ nguyên của Trung Quốc là quốc gia đông dân nhất thế giới đã qua - Ảnh 1.

Liên Hợp Quốc ước tính rằng tổng dân số của Ấn Độ vào tháng 4 năm 2023 sẽ vượt qua Trung Quốc. Ảnh:PL


Trung Quốc và Ấn Độ chiếm hơn 1/3 dân số thế giới

Truyền thông Mỹ cũng dẫn phân tích của các nhà nhân khẩu học và dự đoán cụ thể rằng thời điểm Ấn Độ vượt Trung Quốc có thể rơi vào giữa tháng 4 năm 2023.

Báo cáo "Triển vọng dân số thế giới năm 2022" của Liên Hợp Quốc cho thấy dân số toàn cầu đạt 8 tỷ người vào tháng 11 năm 2022, Trung Quốc và Ấn Độ mỗi nước có dân số hơn 1,4 tỷ người, nghĩa là hơn một phần ba dân số thế giới là tập trung ở Trung Quốc và Ấn Độ. Dân số sẽ tiếp tục tăng ước đạt 1,67 tỷ người vào năm 2050 và đạt đỉnh vào năm 2064.

Trong vài thập kỷ qua, Trung Quốc đã thực hiện các chính sách kiểm soát dân số, như chính sách một con nhằm giảm tốc độ tăng, đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tăng dân số chậm lại hoặc thậm chí suy giảm.

Theo thống kê chính thức của Trung Quốc vào cuối năm 2022, tổng dân số của quốc gia này là 1,41175 tỷ người, giảm 850.000 người so với cuối năm ngoái, mức tăng dân số âm đầu tiên trong gần 61 năm.

Cứ 5 người dưới 25 tuổi trên toàn cầu thì 1 có người Ấn Độ

Đặc điểm của dân số Ấn Độ giai đoạn hiện nay là dân số trẻ. Số người dưới 25 tuổi tại nước này vào tháng 7/2023 chiếm khoảng 42,7%. Một phân tích của Trung tâm Nghiên cứu Pew của Mỹ cho thấy, cứ 5 người dưới 25 tuổi trên toàn cầu thì 1 có người Ấn Độ.

Một chỉ số đáng quan tâm khác là tỷ lệ sinh tại Ấn Độ hay số trẻ em do 1 người phụ nữ sinh ra. Năm 2022, tỷ lệ này tại Ấn Độ ước tính khoảng 2,01 so với mức 2,31 trên toàn cầu.

Dữ liệu của Khảo sát Y tế Gia đình Quốc gia mà Ấn Độ tiến hành cho thấy tỷ lệ sinh tại khu vực nông thôn và thành thị tại nước này đang giảm trong giai đoạn 5 năm qua.

Ngược lại, dân số Trung Quốc đang có xu hướng già hóa, theo thống kê chính thức, đến cuối năm 2021, số người trên 60 tuổi là 267 triệu người, chiếm 18,9% tổng dân số.

Các quốc gia đông dân còn lại là Hoa Kỳ xếp thứ 3, Indonesia chiếm vị trí thứ 4 và Pakistan vị trí thứ 5. Về dân số toàn cầu, tốc độ tăng trưởng tiếp tục chậm lại. Từ năm 1962 đến năm 1965, dân số thế giới tăng với tốc độ 2,1% mỗi năm, sau đó giảm mạnh xuống dưới 1% vào năm 2020. Đến năm 2050, tốc độ tăng dân số toàn cầu hàng năm có thể giảm xuống còn khoảng 0,5%.

Tính đến ngày 1/10/2022, dân số Nhật Bản là 124.947.000 người, giảm 556.000 người so với một năm trước đó và năm 2022 là năm thứ 12 liên tiếp dân số nước này giảm.

Báo cáo công bố ngày 12/4 của Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản cũng cho thấy số công dân Nhật Bản giảm 750.000 xuống 122.031.000 người - mức giảm lớn nhất kể từ khi số liệu này được thống kê vào năm 1950.

Cũng theo báo cáo trên, trong khi dân số thủ đô Tokyo tăng thì dân số toàn bộ 46 tỉnh khác đều giảm trong năm tính đến tháng 10/2022.

Thống kê của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản công bố ngày 28/2 cho thấy trong năm 2022, lần đầu tiên số trẻ được sinh ra tại quốc gia này dưới 800.000 trẻ/năm, mức thấp nhất từ trước đến nay.

Chính phủ Nhật Bản đang tìm cách tăng tỷ lệ sinh con, trong khi khuyến khích người dân chuyển về sống ở các khu vực ngoài thủ đô Tokyo nhằm hồi sinh các cộng đồng địa phương.

Tuy nhiên, các biện pháp do chính phủ áp dụng chưa phát huy hiệu quả, khi dân số nước này đã duy trì xu hướng giảm.


Nguồn: Tổng hợp
Bình luận của bạn

Bình luận