Kinh tế Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ nhưng cần thận trọng

Li Lê
12:55 - 13/07/2022
Công dân & Khuyến học trên

Các nhà kinh tế cho biết nền kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi mạnh mẽ trong năm nay, nhưng tăng trưởng có thể bị kìm lại do gián đoạn chuỗi cung ứng và lạm phát.

Kinh tế Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ. Ảnh: VGP

Kinh tế Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ. Ảnh: VGP

Có thể dẫn đầu khu vực về tăng trưởng

Trong báo cáo về kinh tế Việt Nam 2022, bộ phận nghiên cứu thuộc Ngân hàng HSBC Việt Nam nhận định Việt Nam là quốc gia hiếm hoi duy trì được tăng trưởng 2 năm liên tiếp kể từ khi xảy ra đại dịch COVID-19. Việt Nam hiện đang được coi là điểm sáng trong khu vực do tiềm năng phát triển kinh tế vững vàng cùng khả năng phục hồi nhanh sau COVID-19.

HSBC đã nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam cả năm 2022 lên 6,9% (từ mức dự báo trước đó là 6,2% và 6,6%). 

Ngân hàng UOB của Singapore cũng điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam lên 7%, từ mức 6,5% trước đó.

Nhiều khả năng tốc độ tăng trưởng của Việt Nam sẽ dẫn đầu khu vực.

Cùng quan điểm, trên trang The Business Times, nhà kinh tế Chua Han Teng thuộc ngân hàng DBS lớn nhất Singapore, cũng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt 7% trong năm nay, đáp ứng mục tiêu đề ra. Hoạt động của lĩnh vực dịch vụ, đặc biệt là bán lẻ, đang phục hồi mạnh mẽ ở tất cả các ngành nghề.

Kinh tế Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ nhưng cần thận trọng  - Ảnh 1.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm các năm 2018 - 2022. Nguồn: Tổng cục Thống kê.

Cụ thể, theo Tổng cục Thống kê, Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm nay đạt 2.717 nghìn tỉ đồng và đạt tốc độ tăng 11,7%, cao hơn so với cùng kỳ trong vòng 5 năm trở lại đây. So với với 6 tháng đầu năm 2019, năm trước khi xảy ra dịch Covid-19, con số này đã tăng 14,4%.

Ông Chua Han Teng cho rằng lĩnh vực dịch vụ sẽ còn tăng trưởng mạnh mẽ trong bối cảnh đại dịch COVID-19 chuyển sang giai đoạn được coi là bệnh đặc hữu. 

Cũng theo ông Teng, Việt Nam đang nổi lên như là một quốc gia xuất khẩu mạnh mẽ về công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) và thị phần của Việt Nam có thể sẽ phát triển hơn nữa.

Ngoài ra, đà phục hồi ổn định, vững vàng của Việt Nam còn thể hiện qua số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đang gia tăng. Nếu tính cả số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động thì số doanh nghiệp tham gia thị trường 6 tháng đầu năm 2022 đạt 116,9 nghìn doanh nghiệp, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm trước.

Ngôi sao thị trường biên

Chia sẻ trên tờ The Business Times, ông John Palu Lech, Giám đốc đầu tư thuộc Quỹ đầu tư Matthews Asia, đánh giá: "Việt Nam là một ngôi sao thị trường biên. Mặc dù thường bị lu mờ bởi các đối thủ nặng ký của lục địa là Trung Quốc và Ấn Độ, hay các thị trường mới nổi lâu đời hơn như Indonesia và Malaysia, nhưng theo quan điểm của chúng tôi, Việt Nam là một trong những câu chuyện tăng trưởng cơ cấu tốt nhất trong thế giới đang phát triển". 

Kinh tế Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ nhưng cần thận trọng  - Ảnh 2.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 6 tháng đầu năm từ năm 2018 - 2022. Nguồn: Tổng cục Thống kê

Dù các thị trường cận biên nhìn chung nhỏ hơn, kém thanh khoản hơn và ít có khả năng tiếp cận vốn đầu tư nước ngoài, nhưng Việt Nam đã bắt kịp xu hướng. Theo số liệu được Tổng cục Thống kê công bố, trong 6 tháng đầu năm nay, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam ước tính đạt 10,06 tỉ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức vốn thực hiện cao nhất của 6 tháng đầu năm trong vòng 5 năm qua.

Lạc quan nhưng cần cẩn trọng 

Nhìn chung, sự lạc quan về tăng của kinh tế Việt Nam được củng cố bởi GDP quý II/2022 ước tăng 7,72% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng cao nhất trong hơn một thập kỷ qua. Mức này vượt xa ước tính trước đó là 5,9%.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương, kinh tế quý III/2022 sẽ có tốc độ tăng trưởng cao (do quý III năm trước âm hơn 6%) và nếu quý IV không có những biến cố lớn, dự báo kết quả tăng trưởng cả năm sẽ đạt và có thể vượt mục tiêu tăng trưởng đề ra 6-6,5%.

Tuy nhiên, chuyên gia HSBC cho rằng Việt Nam cần lưu ý đến những "cơn gió ngược chiều" cản trở tăng trưởng thương mại đang mạnh dần lên, như: Tiêu dùng thế giới đang dịch chuyển từ hàng hóa sang dịch vụ; gián đoạn chuỗi cung ứng ở Trung Quốc khiến các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam ngày càng gặp nhiều khó khăn trong việc bảo đảm nguồn nguyên liệu đầu vào phục vụ cho hoạt động xuất khẩu trong tương lai.

Ngoài ra, HSBC cũng cảnh báo lạm phát gia tăng sẽ khiến việc phục hồi cuộc sống diễn ra không đồng đều, các hộ gia đình thu nhập thấp sẽ chịu ảnh hưởng nặng hơn khiến tình hình bất bình đẳng trở nên nghiêm trọng hơn trong ngắn hạn.

Ngân hàng UOB dự báo tỉ lệ lạm phát chính của Việt Nam ở mức 3,7% vào năm 2022. Tuy nhiên, lạm phát có thể tăng lên 5% trong năm 2023, do phải đối mặt với nhiều rủi ro thách thức.

Đồng quan điểm, nhà kinh tế Yun Liu của Singapore đánh giá, dù đạt đà tăng trưởng khả quan, nhưng cuộc khủng hoảng năng lượng đã bắt đầu ảnh hưởng đến tăng trưởng của Việt Nam. Theo ông, Việt Nam cần lưu ý những rủi ro gia tăng đối với tăng trưởng, đặc biệt là từ giá năng lượng tăng cao.

Nguồn: Tổng hợp