Kinh tế thế giới thiệt hại 16 tỉ USD do động vật xâm lấn

PV
07:55 - 30/07/2022
Công dân & Khuyến học trên

Hai loài xâm lấn là ếch bò và rắn cây nâu từ Mỹ đã khiến thế giới bị thiệt hại 16 tỉ USD trong giai đoạn từ năm 1986 - 2020.

Theo nghiên cứu đăng trên tạp chí Scientific Reports ngày 28/7/2022, hai loài xâm lấn là ếch bò và rắn cây nâu từ Mỹ đã khiến thế giới bị thiệt hại 16 tỉ USD trong giai đoạn từ năm 1986 - 2020, khi chúng gây ra loạt vấn đề từ phá hoại mùa màng đến gây mất điện.

Với tên khoa học là lithobates catesbeianus, ếch bò có màu nâu và xanh lá, trọng lượng lên tới 0,9 kg. Đây là sinh vật ngoại lai gây ảnh hưởng lớn nhất tại châu Âu. 

Kinh tế thế giới thiệt hại 16 tỷ USD do động vật xâm lấn - Ảnh 1.

Ếch bò Mỹ. Ảnh: Reuters

Trong khi đó, rắn cây nâu, còn có tên khoa học là boiga irregularis, đang gia tăng số lượng không thể kiểm soát tại các đảo Thái Bình Dương, trong đó có Guam và quần đảo Marianna. Chúng đã theo các binh lính Mỹ đến đây trong Chiến tranh thế giới thứ 2. Có những thời điểm, rắn nhiều đến mức bò cả vào thiết bị điện và gây mất điện.

Nghiên cứu trên thu thập số liệu bằng cách tổng hợp chi phí liên quan đến 2 loài xâm lấn này trong các tài liệu hoặc các nghiên cứu được đánh giá có độ tin cậy cao. Dù vậy, con số 16 tỉ USD chủ yếu đến từ các ước tính hơn là các quan sát thực nghiệm.

Kinh tế thế giới thiệt hại 16 tỉ USD do động vật xâm lấn - Ảnh 2.

Rắn cây nâu. Ảnh: wikimedia.org

Nghiên cứu chỉ ra rằng đây là những dấu hiệu cho thấy cần phải đầu tư vào việc kiểm soát quá trình vận chuyển các sinh vật xâm lấn trên toàn cầu, để tránh phải tìm cách giải quyết hậu quả sau khi quá trình xâm lấn xảy ra. 

Ngày nay, việc buôn bán thú cưng là con đường chính giúp những sinh vật này di cư đến nơi khác. Do đó, nhóm nghiên cứu đề xuất cần liên tục cập nhật danh sách đen những loài bị cấm mua bán.

Động vật xâm lấn còn được gọi là loài ngoại lai xâm hại hoặc chỉ đơn giản là giống nhập ngoại. Loài ngoại lai là một cụm từ chỉ về những loài động vật được du nhập từ một nơi khác vào vùng bản địa và nhanh chóng sinh sôi, nảy nở một cách khó kiểm soát trở thành một hệ động vật thay thế, đe dọa nghiêm trọng đến hệ động vật bản địa và đa dạng sinh học.

Sự bành trướng của những sinh vật này là mối nguy hại cho sự tồn tại của môi trường hệ sinh thái bản địa. Mất mát đa dạng sinh học đã và đang là mối lo chung của nhân loại. Trong nhiều nguyên nhân gây tổn thất đa dạng sinh học, các loài sinh vật ngoại lai xâm hại được coi là một trong những mối đe doạ nguy hiểm nhất.

Các loài sinh vật xâm lấn gây hại khác 

Những con muỗi mang bệnh, các loài động vật gặm nhấm phá hoại mùa màng, những loại côn trùng đục gỗ, thậm chí cả mèo nuôi trong nhà đều là các loài xâm lấn đang gây thiệt hại ngày càng lớn đối với con người và môi trường tự nhiên.

Nhóm nghiên cứu đã lập danh sách sơ bộ 10 loài xâm lấn gây hại hàng đầu, trong đó có chuột ăn cây trồng và sâu bướm gypsy châu Á - hai loài đang tàn phá cây trồng ở khắp Bắc Bán cầu. Danh sách này cũng có loài muỗi vằn có nguồn gốc từ Đông Nam Á lây truyền các bệnh như chikungunya, sốt xuất huyết và Zika.

Kinh tế thế giới thiệt hại 16 tỷ USD do động vật xâm lấn - Ảnh 3.

Muỗi vằn cũng là một sinh vật ngoại lai gây hại. Ảnh: Medgroup

Theo các nhà nghiên cứu, mức thiệt hại trung bình hằng năm mà các loài xâm lấn gây ra tăng gấp 3 lần sau mỗi thập kỷ. Tuy nhiên, có một số bằng chứng cho thấy số lượng của các loài xâm lấn đã gia tăng "theo cấp số nhân" do hoạt động thương mại quốc tế ngày càng tăng, khi con người nhập khẩu nhiều loài sinh vật.

Tại Australia, các quần thể thỏ hoang dã có nguồn gốc châu Âu, lần đầu tiên được ghi nhận vào đầu những năm đầu thế kỷ XIX, đã trở thành loài xâm lấy gây tác hại lớn đối với sinh thái của quốc gia châu Đại Dương này trong 150 năm qua. Chúng sinh sản với tốc độ không thể kiểm soát được, tiêu thụ đất trồng, gây tổn hại các loài sinh vật bản địa, cũng như tàn phá mùa màng với thiệt hại lên tới hàng tỉ USD.

Tại đảo Guam, vùng lãnh thổ hải ngoại của Mỹ ở Thái Bình Dương, rắn cây nâu xâm lấn có nguồn gốc từ Australia và Indonesia đã "tàn sát" phần lớn quần thể chim và thằn lằn bản địa kể từ khi được vô tình đưa tới đây vào giữa thế kỷ XX. Chúng còn đe dọa con người và chui rúc vào các trang thiết bị, gây mất điện thường xuyên.

Trong các khu rừng ở Mỹ và gần đây là châu Âu, mọt gỗ sừng dài có nguồn gốc từ châu Á cũng đang tàn phá thảm thực vật, gây thiệt hại nghiêm trọng đối với hệ sinh thái.

Theo nghiên cứu, loài mèo nuôi trong nhà cũng nằm trong số 10 loài xâm lấn gây hại hàng đầu. Loài vật đã "du hành" khắp thế giới trong hàng trăm năm qua này hiện đã trở thành loài "xâm lấn ở hầu hết các hòn đảo trên thế giới," là thủ phạm "tàn sát" chim muông, bò sát và động vật lưỡng cư ở nhiều nơi trên thế giới.

Ban cố vấn khoa học về đa dạng sinh học (IPBES) của Liên hợp quốc cho biết, sinh vật xâm lấn nằm trong số 5 thủ phạm hàng đầu phá hủy môi trường trên toàn thế giới, cùng với những thay đổi về sử dụng đất, khai thác tài nguyên, ô nhiễm và biến đổi khí hậu.

Với nghiên cứu trên, các nhà khoa học hy vọng rằng thông qua việc đưa ra một con số về thiệt hại mà các loài xâm lấn gây ra, người dân cũng như nhà chức trách các nước sẽ nâng cao nhận thức về mức độ nghiêm trọng của các loài xâm lấn.

Việc phát hiện sớm, dữ liệu tốt kết hợp các biện pháp phòng ngừa có thể giảm đáng kể thiệt hại mà các loài xâm lấn gây ra. Các nhà nghiên cứu cũng hy vọng vấn đề này sẽ được đưa vào danh sách các thách thức môi trường nghiêm trọng của nhân loại để nhận được nhiều sự quan tâm hơn.

Nguồn: TTXVN