Kinh doanh sản phẩm và dịch vụ khoa học công nghệ Việt Nam trong bối cảnh mới

Trang Linh
16:53 - 17/05/2023
Công dân & Khuyến học trên

Hưởng ứng Ngày Khoa học Công nghệ Việt Nam, ngày 17/5, Hội Trí thức Khoa học và Công nghệ Trẻ Việt Nam (VAYSE) kết hợp cùng Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông (IAMES) tổ chức tọa đàm “Kinh doanh sản phẩm và dịch vụ khoa học công nghệ Việt Nam trong bối cảnh mới”.

Tại tọa đàm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Phước Minh (Chủ tịch Hội Trí thức Khoa học và Công nghệ Trẻ Việt Nam kiêm Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông) nhận định, khởi nghiệp đang là một trào lưu của giới trẻ trên cả nước. Tuy nhiên, để khởi nghiệp thành công bên cạnh những yếu tố liên quan đến khoa học công nghệ, việc tìm ra giải pháp kinh doanh sản phẩm trí tuệ và đổi mới sáng tạo cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Vì vậy, lý tưởng nhất là các nhà khoa học đảm nhận hai vị trí, vừa là nhà nghiên cứu nắm giữ khoa học kỹ thuật, vừa là người hiểu thị trường và có tầm nhìn kinh doanh.

Kinh doanh sản phẩm và dịch vụ khoa học công nghệ Việt Nam trong bối cảnh mới - Ảnh 1.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Phước Minh (ở giữa) chủ trì tọa đàm. Ảnh: Trang Linh

Đồng tình với quan điểm của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Phước Minh, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thường Lạng (Giảng viên cao cấp Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) đã chỉ ra thực trạng nghiên cứu khoa học và tình hình kinh doanh sản phẩm và dịch vụ khoa học công nghệ tại Việt Nam hiện nay. Theo thống kê, năm 2022, Việt Nam xếp hạng thứ 48 về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu.

Kinh doanh sản phẩm và dịch vụ khoa học công nghệ Việt Nam trong bối cảnh mới - Ảnh 2.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thường Lạng chỉ ra thực trạng nghiên cứu khoa học tại Việt Nam. Ảnh: Trang Linh

Những năm qua, thị trường khoa học và công nghệ có nhiều tiềm năng phát triển cả về sản phẩm cũng như dịch vụ khoa học và công nghệ. Từ đó hình thành nên trật tự cung - cầu, giá cả. Nhà nước đã có sự quan tâm đầu tư kịp thời, trong đó có việc hoàn thiện thể chế, đầu tư phát triển cho các đối tượng sở hữu công nghệ, xây dựng cơ chế khen thưởng cho lĩnh vực khoa học. Đặc biệt là thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia. 

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đang dần tìm thấy trọng tâm đổi mới sáng tạo để có những bước đi phù hợp, coi trọng phát triển sản phẩm và dịch vụ khoa học. 

Tuy nhiên, số doanh nghiệp khoa học và công nghệ chưa phát triển tương xứng với sự đầu tư và kỳ vọng. Dịch vụ khoa học và công nghệ thương mại hóa, giải mã công nghệ, môi giới, ứng dụng đại trà chưa thực sự phát triển theo hướng chuyên nghiệp hóa.

Vì vậy, các nhà khoa học cần tiếp tục nâng cao nhận thức về vai trò của khoa học công nghệ cũng như tác động của lĩnh vực này đối với sự phát triển kinh tế của đất nước. Từ đó vận dụng các công thức phù hợp để phát triển ổn định, kích hoạt thị trường sản phẩm và dịch vụ khoa học công nghệ. Ngoài ra, Nhà nước cần thúc đẩy giao lưu khoa học và công nghệ theo cả chiều ngang và chiều dọc, tăng năng suất, xây dựng văn hóa đổi mới sáng tạo.

Các bộ, ban, ngành cần rà soát, tăng đầu tư nghiên cứu và phát triển khoa học lên mức 1,5-2% GDP, tương đương mức trung bình của các nước trên thế giới, thành lập mạng lưới, “thung lũng” khoa học công nghệ và cơ chế định giá. 

Để làm được điều đó, Việt Nam cần xây dựng đội ngũ các nhà khoa học đầu ngành. Đồng thời xây dựng môi trường trọng dụng và hỗ trợ trí thức trẻ, cho phép học sinh phổ thông xuất sắc tham gia vào các dự án khoa học, công nghệ cùng các nhà khoa học. Để từ đó, học sinh được học hỏi, cùng giải mã các lĩnh vực công nghệ như chất bán dẫn, AI….

Kinh doanh sản phẩm và dịch vụ khoa học công nghệ Việt Nam trong bối cảnh mới - Ảnh 3.

Các hội viên thảo luận về thực trạng kinh doanh sản phẩm và dịch vụ khoa học công nghệ. Ảnh: Trang Linh

Tại tọa đàm, các hội viên của Hội Trí thức Khoa học và Công nghệ Trẻ Việt Nam cũng đã thảo luận sôi nổi về thực trạng kinh doanh sản phẩm và dịch vụ khoa học công nghệ.