Kiên định giữ gìn thước đo phẩm cách người làm báo thông qua đào tạo

Trương Thúy Hằng
17:12 - 17/06/2022
Công dân & Khuyến học trên

Nhà báo là nguồn nhân lực đặc biệt, đào tạo nghề báo cũng phải có phương pháp đặc biệt và yêu cầu khắt khe. Nhiệm vụ của các cơ sở đào tạo báo chí là phải tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đòi hỏi thực tiễn ở cả 3 yếu tố phẩm chất đạo đức, kiến thức, kỹ năng một cách toàn diện, chuyên nghiệp.

Kiên định giữ gìn thước đo phẩm cách người làm báo thông qua đào tạo - Ảnh 1.

Phóng viên trẻ được đào tạo thực tiễn tại Tạp chí Công dân và Khuyến học. Ảnh TTH

Đào tạo người làm báo: tích hợp nhiều kỹ năng

Mô hình chung hiện tại trong đào tạo báo chí truyền thông là gắn chặt giữa các lý luận nền tảng với thực hành nghề nghiệp và công nghệ đa phương tiện. Cơ sở đào tạo nỗ lực tìm cách rút ngắn khoảng cách giữa lý thuyết và thực tiễn trong công tác đào tạo, hầu hết là tăng thời lượng thực hành, thực tế, thực tập, ngoại khoá để nâng cao kỹ năng nghiệp vụ.

Mặt khác, đào tạo báo chí hiện nay không phân chia chuyên ngành theo từng loại hình như trước, mà chuyển qua hướng tích hợp, nghĩa là trang bị cho người học kiến thức và kỹ năng sản xuất trong tất cả các loại hình báo chí. Riêng Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia thành nhiều chuyên ngành nhỏ: báo in, ảnh báo chí, phát thanh, truyền hình, quay phim truyền hình, báo mạng điện tử để đáp ứng đầu ra có tính chuyên sâu, tuy nhiên chương trình đào tạo vẫn đảm bảo sinh viên được học kỹ năng tổng hợp. Đây cũng là cơ sở đào tạo muốn chọn lọc kỹ đầu vào bằng cách tổ chức thi năng khiếu báo chí bao gồm cả phần trắc nghiệm và tự luận, tự ra đề, tự chấm thi.

Khác với các loại hình đào tạo khác, đào tạo nghề báo cần rất nhiều kinh nghiệm truyền thụ từ thế hệ làm báo đã có kỹ năng và trực tiếp công tác trong nghề. Ở những "người thầy" này, tỉ lệ va vấp nghiệp vụ có thừa, khả năng lý luận nắm vững và quan trọng là họ truyền dạy theo phương pháp thực tiễn, học trên sản phẩm, để sinh viên thấy được thực tế người làm báo đang lao động nghề nghiệp như thế nào. Họ phải làm gì để đáp ứng được nhu cầu thực tế.

Kiên định giữ gìn thước đo phẩm cách người làm báo thông qua đào tạo - Ảnh 2.

Các phóng viên được dành riêng vị trí tác nghiệp trong các sự kiện lớn. Ảnh TTH

Cống hiến của nhà báo phải vượt ra ngoài con chữ 

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, một cây bút phóng sự nghề báo đã truyền dạy cho nhiều thế hệ sinh viên báo chí chân thành chia sẻ: "Các bạn trẻ làm báo bây giờ có nhiều thế mạnh, nhiều bạn trẻ giỏi và cũng khiến tôi ngưỡng mộ về những khả năng của họ. Nhưng cái thiếu của họ, rất nhiều khi, là một ngọn lửa nghề. Thiếu nữa là cách chúng ta động viên, kỳ vọng một cách có định hướng tốt hơn nữa cho các bạn trẻ trong nghề báo".

Kiên định giữ gìn thước đo phẩm cách người làm báo thông qua đào tạo - Ảnh 3.

Anh nói: "Tôi muốn nói đến một xu hướng trong đào tạo báo chí hiện nay, nhiều bạn trẻ có quá nhiều cơ hội tư lợi trên nền tảng tay nghề báo chí. Điều đó là con dao hai lưỡi. Chúng ta bị mất quá nhiều tâm huyết và chất xám (lẽ ra đã có thể có được) từ các nhà báo trẻ, dâng hiến cho nghề báo theo đúng nghĩa. Đó là một thực tế tôi cảm nhận sâu cay trong hơn 15 năm tham gia đào tạo (cầm tay chỉ việc) sinh viên báo chí.

Cho nên, cái cần nhất ở đây là truyền cảm hứng về tình yêu nghề. Về giá trị đích thực của báo chí với cộng đồng (nhất là trong thời buổi mạng xã hội và các hình thức truyền thông khác đang có dấu hiệu "lấn lướt" báo chí). Ta cần đào tạo nhà báo chuyên nghiệp, coi báo chí là nghề, là nghiệp, là nơi để họ chấp nhận vất vả để có được cái vinh quang của nghề cầm bút thật sự. Dù cơ hội kiếm tiền, kiếm địa vị ở nơi khác nhiều hơn, họ vẫn chung thủy với nghề. Họ thấy trân trọng chữ nghĩa, thấy thiêng liêng cho cái quyền lực thứ tư trong xã hội (quyền thông tin báo chí).

Khi họ chỉ coi nghề báo là nghề kiếm cơm, thì cơ hội đánh mất mình, chuyển nghề, bỏ nghề, phụ bạc lại nghề sẽ cao hơn rất nhiều so với khi họ nghĩ nghề là nghiệp. Tận hiến, đổ mồ hôi trên trang viết và vươn tới những tác phẩm báo chí toàn bích, một tầm nhìn cao rộng, đôi khi vượt ra khỏi biên giới quốc gia; đôi khi, tâm huyết và cống hiến của họ vượt ra ngoài con chữ, thước phim. Họ là một nhân cách, một người tham gia vào hoạt động xã hội và có ảnh hưởng tích cực tới cộng đồng.

Tóm lại, ta cần có một thế hệ nhà báo trẻ được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp hơn nữa; bút sắc lòng trong hơn nữa; một thế hệ: biết coi thước đo cao quý nhất cho phẩm cách của một nhà báo, chính là việc họ đã làm được gì cho một xã hội và cộng đồng tích cực hơn. Có được sự hạ quyết tâm ấy, định hướng kiên định ấy, mọi thứ chúng ta sẽ làm dễ dàng hơn nhiều.

Cần kiên định trong giữ gìn thước đo phẩm cách của người làm báo – Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng khẳng định.
Nhu cầu của đào tạo nghề báo đi cùng nhu cầu xã hội 

"Thời nào cũng vậy, đào tạo nghề báo là việc khó. Trong thời đại công nghệ 4.0 công việc này càng khó hơn" – Nhà báo Nguyễn Đức Mạnh, Phóng viên, Biên tập viên Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh nhiều năm qua tham gia vào giảng dạy và đào tạo nghề báo trong các trường đào tạo và môi trường nghề báo khu vực phía Nam cho hay.

Nhà báo Nguyễn Đức Mạnh nhận định: "Cơ sở đào tạo báo chí phải xem xét "đặt hàng" từ phía người học, từ nhu cầu xã hội hoặc cách mà xã hội đó đang chuyển mình"

Kiên định giữ gìn thước đo phẩm cách người làm báo thông qua đào tạo - Ảnh 5.

"Hiện nay, có những đơn vị đào tạo báo chí đang áp dụng các nội dung và giáo trình của hơn 10 năm trước đã lạc hậu. Nhiều trường hợp, người dạy làm báo không theo kịp người học về công nghệ. Điều này càng nguy hiểm hơn khi báo chí hiện nay là báo chí đa phương tiện, báo chí tích hợp. Người làm báo thời nay không chỉ biết về một thứ mà phải biết về nhiều thứ để độc lập tác chiến, sản xuất nội dung và hình thức tác phẩm phải phù hợp với các phiên bản báo chí khác nhau của một tòa soạn. Chưa kể, mỗi tòa soạn lại có đặc thù riêng.

Nhiều bạn trẻ đến với nghề báo bởi hấp lực bên ngoài chứ chưa hẳn đã hiểu về đặc thù lao động nghề báo. Để gắn bó đường dài với công việc làm báo, đòi hỏi người làm nghề phải vững về tư tưởng chính trị, có lượng kiến thức tổng hợp, kiến thức nền trước, sau đó là kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực theo đuổi". – Nguyễn Đức Mạnh nói.

Thực tế, có nhiều sinh viên có tư duy tốt, tích cực cộng tác với các cơ quan báo chí ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, nhanh chóng thích ứng với môi trường báo chí hiện đại. Đồng thời, hoạt động đào tạo báo chí tại các trường nói chung vẫn tồn tại những điểm yếu cho khả năng của sinh viên: khả năng tác nghiệp chưa chuyên nghiệp; khả năng làm chủ và ứng dụng công nghệ chưa cao; thiếu các kỹ năng mềm: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm…; trình độ tin học, ngoại ngữ chưa đáp ứng tốt yêu cầu công việc.

Vì vậy, chính công tác đào tạo nghề báo cũng phải nâng cấp, đổi mới và kiên định với mục tiêu của mình.

Bình luận của bạn

Bình luận