Khuyến tài, truyền thống và hiện đại

GS.TS Phạm Tất Dong
16:47 - 28/06/2022
Công dân & Khuyến học trên

Người tài có vai trò không thể thay thế trong việc phát triển quốc gia bền vững, đồng thời cũng hiểu tường tận rằng, không học thì sẽ không có được những tài năng như mong muốn. Do vậy, càng ít người tài, càng cần người tài thì sự học phải được coi trọng hàng đầu.

Năm Thuận Thiện 2 (1429), triều Lê mở khoa thi Minh kinh bác học. Đến năm Thiệu Bình 1 (1434), Lê Thái Tông đã xuống Chiếu, nói rõ rằng, "muốn có nhân tài, trước hết phải chọn người có học. Phép chọn người có học thì thi cử là đầu. Nước ta từ khi trải qua binh lửa, anh tài ít như lá mùa thu, tuấn sĩ thưa như sao buổi sớm. Thái tổ ta mới dựng ngay trường học, nhưng lúc mở mang chưa có khoa thi. Ta noi theo chí Tiên đế, muốn cầu được người hiền tài để thỏa lòng mong đợi. Nay định điều lệ khoa thi, hẹn tới năm Thiệu Bình 5 (1438) thì thi Hương ở các đạo, đến năm thứ 6 (1439) thì thi Hội ở Đô sinh đường" - Đó là ý chỉ nhà vua, nhưng cũng là mong mỏi của dân chúng mà nhà vua là người thể hiện mà thôi.

Cha ông ta trước đây và chúng ta ngày nay đang nỗ lực tìm kiếm những giải pháp làm nảy nở tài năng (Talent) trong nhân dân, coi việc làm đó là quốc sách hàng đầu - Thế giới càng phát triển, xã hội càng văn minh thì tài năng càng được tôn vinh, bởi tài năng có sức mạnh thần kỳ thúc đẩy sự phát triển xã hội.

Khuyến tài, truyền thống và hiện đại  - Ảnh 1.

Truyền thống trọng dụng tài năng của dân tộc Việt Nam

Trong cuốn sách "Các nhà khoa bảng Việt Nam 1075 - 1919" do Ngô Đức Thọ chủ biên (Nhà Xuất bản Văn học, 1993) có ghi lại 2896 vị thành đạt qua cuộc đời học hỏi nỗ lực. Ông Lê Văn Thịnh là người số 1, đỗ khoa Minh kinh bác học năm Ất Mão, niên hiệu Thái Ninh 4 (1075). Ông là người làng Đông Cửu, huyện Gia Định, nay là thôn Đông Cửu, xã Đông Cầu, huyện Gia Lương, Bắc Ninh; làm quan đến chức Thái học. Người cuối cùng của các khóa thi Nho học là ông Hoàng Yến, đỗ Cử nhân năm Mậu Ngọ (1918), Phó bảng năm Kỷ Mùi, niên hiệu Khải Định 4 (1919), được bổ nhiệm làm Tri huyện Bình Khê. Ông là người xã Minh Hương Vinh, huyện Hương Trà, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Như vậy, trải qua 844 năm với 183 khóa thi Đại Khoa, đất nước có được 2898 nhà khoa bảng - những bậc hiền tài của dân tộc - những người đã góp phần xây dựng nền văn hiến lâu đời của dân tộc Việt Nam.

Ngày nay, đến thăm Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), chúng ta được chiêm ngưỡng 82 bia đá đề danh tiến sĩ duy nhất trên thế giới có bài ký (văn bia). Trên các tấm bia đó có ghi danh các nhà khoa bảng từ triều Lê tới triều Mạc.

Với những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và thẩm mỹ đặc sắc, Ủy ban Chương trình ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO đã ghi danh 82 bia đá các khoa thi tiến sĩ triều Lê sơ - Mạc - Lê Trung Hưng và Danh mục ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Khuyến tài, truyền thống và hiện đại  - Ảnh 2.

Tham quan bia đá trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh Đức Anh

Chúng tôi xin trích một số đoạn trong mấy bài ký trên bia để giúp các vị độc giả chưa có cơ hội đọc sẽ hiểu biết thêm những tư tưởng khuyến tài của người xưa mà suy ngẫm.

"Hiền tài là nguyên khí của đất nước. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà vươn cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà xuống thấp. Bởi lẽ đó, các bậc thánh đế minh vương không ai không coi việc gây dựng nhân tài, tuyển chọn kẻ sĩ, bồi đắp nguyên khí làm việc quan trọng hàng đầu. Kẻ sĩ đối với nước nhà quan trọng như vậy, cho nên cái ý tôn sùng không biết thế nào là cùng. Không những yêu chuộng ban cấp khoa danh lại tôn sùng trao cho tước trật, ơn ban rất nhiều vẫn có thể là chưa đủ. Không những đề tên ở Tháp Nhạn, còn ban danh hiệu trên bảng vàng. Yến tiệc linh đình hoan hỉ, triều đình mừng được người tài. Mọi nghi lễ đều làm đến mức cao nhất".

(Trích bài ký ghi tên Tiến sĩ khoa Nhâm Tuất năm Đại Bảo 3, 1442, Thân Nhân Trung)

"Những kẻ sĩ may được ghi tên lên tấm bia này, làm sao để xứng với thực, sửa đức giữ mình như ông Văn Hiến, chớ theo Công Tôn làm điều bất chính. Đức thanh liêm phải như Triệu Duyệt Đạo, tính cương trực phải như Phạm Cảnh Nhân. Những người theo hầu phải nghĩ dâng được mưu hay. Những người nắm giữ kỷ cương phải làm cho chính sự trong sạch. Những người cai quản một phương lo làm sao để công đức nhà vua sáng tỏ và thấu tình đạt lý. Những người giữ quyền chăn dân làm sao lo cho dân no đủ, gốc nước được bền vững… Đức thánh Thiên tử khen thưởng thật có ý nghĩa sâu xa. Đó là sự kỳ vọng hết mực, sự quý trọng và khích lệ hơn cả xưa nay. Bởi lẽ, Ngài muốn được các bậc chân Nho giúp nền bình trị, và để lại kế hay cho con cháu đời sau. Vậy thì việc dựng bia ghi tên không chỉ là việc tốt đẹp cho đất nước tới muôn vàn năm sau, mà còn để lại phúc lành cho con cháu thần ức muôn năm không cùng".

(Trích văn bia khoa Quý Mùi, năm Quang Thuận 4, 1463).

"Đặt khoa thi chọn kẻ sĩ là khuôn phép thành nếp trong việc trị nước của đế vương, gây dựng bậc hiền sĩ là đạo vĩnh hằng từ xưa không đổi".

(Trích bia khoa Giáp Dần năm Thuận Bình 6, 1554).

"Đường lối trị nước không có gì quan trọng hơn là chọn nhân tài, mà nhân tài tiến thân ắt phải bằng con đường khoa cử. Xét từ đời Thanh, Chu đã có việc tuyển chọn tiến sĩ. Trải các đời Hán, Đường, Tống cũng đều dựa vào khoa cử tuyển lựa kẻ sĩ. Thế thì việc đặt khoa cử để lấy nhân tài có từ lâu rồi".

(Trích bia khoa Nhâm Dần năm Hoằng Định 5, 1602).

"…tưởng nhớ công lao, khắc vào bia đá, truyền lại lâu dài, để kẻ sĩ hiểu rõ văn chương là đáng trọng, khoa bảng là vẻ vang, còn gì ưu ái hơn thế. Người đời sau đến trước cửa Thánh, thấm nhuần giáo hóa, mắt nhìn tấm bia, miệng đọc bài văn, thấy người hiền phải nghĩ noi theo, thấy kẻ ác phải tự răn mình, trau giồi tiết hạnh, rèn giũa đạo đức để phù giúp nhà vua, tô điểm chế độ nhà chúa, giúp nền thái bình thịnh trị, bồi đắp nền tảng nước nhà vững chắc tới muôn vạn năm".

(Trích bia khoa Bính Thân, năm Thịnh Đức 4, 1656).

"Làm quan to, tước trật lớn phải lo không phũ phàng bia đá, phải đem ơn huệ cho dân, để dân vui vẻ yên hưởng thái bình; phải giữ trách nhiệm nặng nề, làm trụ cột nơi miếu đường, khiến cho nước nhà vững vàng như núi Thái Sơn. Được như thế thì tiếng thơm, công lớn mãi mãi được lưu truyền, không bao giờ phai mờ".

(Trích bia khoa Tân Sửu, năm Bảo Thái 2, 1721).

"Nhân tài là gỗ lim, gỗ sến của nhà nước. Cho nên đường lối tiến cử hiền tài chẳng có gì quý bằng sự hòa thuận: Người trên đối đãi hòa thuận với kẻ dưới, kẻ dưới ắt cũng ứng xử hòa thuận với bề trên. Cái thế phồn vinh, cái nguồn cổ vũ cũng nảy sinh từ đấy".

(Trích bia khoa Quý Mùi năm Cảnh Hưng 24, 1763).

Chiếu cầu hiền của Lê Lợi

Sử gia Ngô Sĩ Liên viết về công lao khuyến học, khuyến tài để chấn hưng đất nước của Lê Lợi như sau:

"Thái tử từ khi lên ngôi đến nay thi hành chính sự, thực rất khả quan như ấn định luật lệ, chế tác lễ nhạc, mở khoa thi, đặt cấm vệ, xây dựng quan chức, thành lập phủ huyện, thu thập sách vở, mở mang trường học…cũng có thể gọi là có mưu kế xa rộng, mở mang cơ nghiệp".

Để hiểu hơn tư tưởng khuyến học và cầu hiền của Lê Lợi, ta hãy đọc "Chiếu cầu hiền" của ông.

"Trẫm nghĩ: muốn thịnh trị phải được người hiền tài, muốn được người hiền tài phải do tiến cử. Cho nên, người hàng đầu thiên hạ phải lo việc ấy trước tiên.

Thời đại thịnh trị xưa kia, người hiền ở triều rất đông đúc, người nọ nhường người kia. Cho nên ở dưới không sót tài, ở trên không bỏ việc, làm nên thịnh trị yên vui.

….Nay Trẫm gánh vác trách nhiệm nặng nề, sớm khuya kính cẩn lo sợ, như đứng bờ vực thẳm chỉ vì chưa kiếm được người hiền tài giúp đỡ trị nước. Vậy ra lệnh cho đại thần văn võ, công hầu đại phu từ tam phẩm trở lên, mỗi viên tiến cử lấy một người, ở trong triều hay ngoài thôn dã, đã làm quan hay chưa làm quan. Nếu người nào có tài năng, tri thức văn võ, có thể cai trị dân chúng thì Trẫm sẽ tùy tài bổ dụng.

…Tuy vậy, nhân tài ở đời cố nhiên là không ít nên đường lối tìm người cũng không phải chỉ có một phương. Nên ai ôm ấp tài lược kinh bang tế thế nhưng vẫn phải chịu khuất ở hàng quan thấp, không có người tiến cử cho, cũng là những người hào kiệt còn bị vùi dập ở bụi bờ, hay lẫn lộn trong quan ngũ, nếu không tự đề bạt thì Trẫm làm sao biết được. Từ nay về sau, các bậc quân tử, ai có muốn theo ta, đều cho tự tiến cử. Xưa kia Mao Toại lộ mũi dùi mà đi theo Bình Nguyên Quân, Ninh Thích gõ sừng trâu mà cảm ngộ Tề Hoàn Công, nào có câu nệ tiểu tiết đâu?

…Khi chiếu này ban ra, các quan hãy đem hết lòng thành, lo việc tiến cử. Còn những kẻ hàn vi ở chốn hương thôn, cũng chớ cho thế là phải đem ngọc bán rao mà hổ thẹn, để Trẫm phải thở than vì thiếu nhân tài".

Chiếu cầu hiền của Nguyễn Huệ

Nguyễn Huệ gắn liền cuộc đời với trận mạc: Khi họ Trịnh chuyên quyền trên đất Bắc, Nguyễn Huệ đem quân ra Thăng Long, lật đổ họ Trịnh, tôn phò vua Lê. Sau đó, ông trở về miền Trung.

Năm Mậu Thân (1788), vua Lê Chiếu Thống bỏ kinh thành, chạy ra ngoài. Nguyễn Huệ ra Bắc lần thứ hai để xếp đặt lại chính sự, lập Lê Duy Cận làm Giám quốc, giao cho các danh sĩ như Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích, Trần Bá Lãm, Võ Huy Tân cai quản quân quốc và 11 trấn trên đất Bắc.

Không đầy 6 tháng sau, Lê Chiêu Thống dẫn quân Mãn Thanh vào Thăng Long, Nguyễn Huệ cho hành quân thần tốc ra Bắc, đánh tan 29 vạn quân Thanh, sau đó, ông lên ngôi Hoàng đế, hiệu là Quang Trung.

Có một điều mà ông chưa kịp làm là phục hưng giáo dục mà trong đó, vấn đề người tài là cốt lõi trong suy nghĩ của ông. Tâm tư ấy ông đặt vào nội dung "Chiếu cầu hiền" dưới đây:

"Từng nghe: người hiền ở trên đời cũng như sao sáng trên trời. Sao tất phải chầu về Bắc Thần; người hiền tất phải do Thiên Tử sử dụng. Nhưng bằng dấu mình ẩn tiếng, có tài mà không để cho đời dùng, thì đó không phải là ý trời sinh ra người hiền tài.

Trước đây, thời gấp vận cùng, trung châu lắm việc, người hiền ở ẩn, cố giữ tiết tháo như da bò bền; người tài ở triều đường không dám nói năng như hàng trượng mã. Cũng có người đánh mõ gõ cửa, ra bể vào sông, chết đuối trên cạn mà không tự biết, chỉ lo trốn tránh, hầu đến trọn đời.

Trẫm đương để ý lắng nghe, sớm hôm mong mỏi. Thế mà những người tài cao học rộng chưa ai đến. Hay Trẫm là người ít đức không xứng phò tá chăng? Hay đương thời loạn lạc, họ chưa thể phục sự vương hầu chăng?

Đương khi Trời còn thảo muội, là lúc quân tử thi thố kinh luân. Nay buổi đầu đại định, mọi việc còn đương mới mẻ. Mối giềng triều đình còn nhiều thiếu sót, công việc biên ải chính lúc lo toan. Dân khổ chưa hồi sức, đức hòa chưa thấm nhuần. Trẫm chăm chăm run sợ, mỗi ngày muôn việc lo toan. Nghĩ rằng sức một cây gỗ không chống nổi tòa nhà to, mưu lược một kẻ sĩ không dựng được cuộc thái bình. Hỏi rằng trong nước, một ấp mươi nhà hẳn có người trung tín, huống chi trong cõi đất rộng lớn đến thế này, há lại không có người xuất kiệt hơn đời, để giúp chính sự buổi đầu cho Trẫm ư?

Vậy ban Chiếu xuống, quan liêu lớn nhỏ và dân chúng trăm họ, ai có tài năng học thuật, mưu hay giúp ích cho đời, đều cho phép được dâng thư tỏ bày công việc. Lời có thể dùng được thì đặc cách bổ dụng. Lời không dùng được thì để đấy, chứ không bắt tội vu khoát. Những người có tài nghệ gì có thể dùng cho đời, cho phép các quan văn võ được tiến cử; lại cho dẫn đến yết kiến, tùy tài bổ dụng. Hoặc có người tứ trước đến nay giấu tài ẩn tiếng, không ai biết đến, cũng cho phép được dâng thư tự tiến cử, chớ ngại thế là "đem ngọc bán rao".

Ôi, "Trời, Đất bế tắc thì hiền tài ẩn náu". Xưa thì đúng vậy. Còn nay Trời, Đất thanh bình, chính lúc người hiền gặp gỡ gió mây. Những ai tài đức, đều nên gắng lên để được rõ ràng chốn vương đình, một lòng cung kính để cùng hưởng phúc tôn vinh. Bố cáo gần xa, để cùng nghe biết".

Tư tưởng cầu hiền của Hồ Chí Minh

Về tư tưởng "Cầu hiền" của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ai cũng nghĩ ngay đến việc Người mời các trí thức người Việt thành danh ở nước ngoài về tham gia kháng chiến cứu nước. Đó là sự kiện diễn ra sau khi Hội nghị Fontainebleau không thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời 4 người cùng về nước, bao gồm Phạm Quang Lễ (Trần Đại Nghĩa), Trần Hữu Tước, Võ Quý Huân và Võ Đình Quỳnh. Tiếp sau đó là Nguyễn Khắc Viện, Trần Đức Thảo, Phạm Huy Thông. Họ đã từ bỏ cuộc sống sung túc, giàu sang, đi vào kháng chiến vô cùng gian khổ.

Xin ghi lại một vài người trong số họ:

Trần Đại Nghĩa (13/9/1913 - 9/8/1997)

Xuất thân là kỹ sư Viện Nghiên cứu máy bay Paris, sau đó là kỹ sư xưởng chế tạo máy bay và Viện nghiên cứu vũ khí của Đức. Ông là tác giả của súng bazooka, đại bác không dật (SKZ) bom bay và nhiều loại vũ khí khác. Ông được mệnh danh là "Vua vũ khí". Đại tướng Võ Nguyên Giáp gọi ông là "Ông Phật chế tạo bom".

Trần Đại Nghĩa là Viện sĩ, Thiếu tướng Quân đội nhân dân Việt Nam, Anh hùng lao động, người có công đầu xây dựng ngành Quân giới Việt Nam.

Võ Quý Huân (7/11/1912 - 1967)

Xuất thân: Kỹ sư cơ điện, đúc - luyện kim, đảng viên Đảng Cộng sản Pháp.

Về nước, ông nghiên cứu sản xuất thép phục vụ kháng chiến, đặt nền móng cho sự nghiệp đào tạo ngành đúc - luyện kim, thành công trong chế tạo hợp kim Fero Silic. Ông được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất. Hiện nay, ở Hà Nội có đường phố mang tên Võ Quý Huân.

Hồ Chí Minh có nhiều bài viết về vai trò, vị trí của những tri thức, những nhà tài - đức, những bậc hiền tài. Xin ghi lại 2 bài dưới đây mà nhiều người làm công tác nghiên cứu gọi là "Chiếu cầu hiền của Hồ Chí Minh".

Tìm người tài đức

Nhà nước cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người tài đức.

E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bực tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận.

Nay muốn sửa đổi điều đó, và trọng dụng những kẻ hiền nǎng, các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân, thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết.

Báo cáo phải nói rõ: tên tuổi, nghề nghiệp, tài nǎng, nguyện vọng và chỗ ở của người đó.

Hạn trong một tháng, các cơ quan địa phương phải báo cáo cho đủ.

Chủ tịch Chính phủ Việt Nam

HỒ CHÍ MINH

Nhân tài và kiến quốc

Sau 80 năm bị bọn Pháp thực dân giày vò, nước Việt Nam ta cái gì cũng kém cỏi, chỉ có lòng sốt sắng của dân là rất cao. Nay muốn giữ vững nền độc lập thì chúng ta phải đem hết lòng hăng hái đó vào con đường kiến quốc. Kháng chiến phải đi đôi với kiến quốc. Kháng chiến có thắng lợi thì kiến quốc mới thành công. Kiến quốc có chắc chắn thành công thì kháng chiến mới mong thắng lợi. Kiến thiết cần có nhân tài. Nhân tài nước ta chưa có nhiều lắm nhưng chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển, càng thêm nhiều.

Chúng ta cần nhất bây giờ là:

Kiến thiết ngoại giao

Kiến thiết kinh tế

Kiến thiết quân sự

Kiến thiết giáo dục

Vậy chúng tôi mong rằng đồng bào ta ai có tài năng và sáng kiến về những công việc đó lại sẵn lòng hăng hái giúp ích nước nhà thì xin gửi kế hoạch rõ ràng cho Chính phủ. Chúng tôi sẽ nghiên cứu kế hoạch ấy kĩ lưỡng, có thể thực hành được thì sẽ thực hành ngay.

Hồ Chí Minh

Mấy lời bàn về nhân tài hiện nay

1. Để tuyển chọn người tài, cha ông ta làm việc này hết sức chặt chẽ. Qua 183 khoa thi từ năm 1075 đến năm 1919, chỉ có 2898 người được phong tiến sĩ. Tính ra, trung bình mỗi năm đất nước chỉ có thêm 3,5 tiến sĩ. Theo thông báo của Thanh tra Chính phủ, mỗi năm Viện Hàn lâm khoa học xã hội tuyển 200 người để đào tạo tiến sĩ và 1000 người để đào tạo thạc sĩ. Như vậy, chỉ cần 2 năm, Viện Hàn lâm khoa học xã hội cho ra "lò" số lượng đào tạo bậc cao gần bằng công sức đào tạo của người xưa trong 844 năm.

2. Số lượng thí sinh dự thi tiến sĩ thời Nho học khá đông: Khoa thi năm 1613 có 1000 người; năm 1529: 4000 người; năm 1604: 5000 người; năm 1640: 6000 người.

Tỷ lệ trúng tuyển thường từ 1/105 đến 1/300; riêng năm 1604, tỷ lệ đó là 1/714.

Trong khi đó, hiện nay, hầu như những người đã trong danh sách tuyển nghiên cứu sinh và học viên cao học đều thành công trong bảo vệ luận án hay luận văn của mình.

Sự dễ dãi quá đáng này đã dẫn đến hiện trạng chất lượng tiến sĩ và thạc sĩ ngày càng "tụt dốc".

3. Người xưa đào tạo và sử dụng những bậc Hiền Tài, theo Hồ Chí Minh, đó là những người Đạo đức trong sáng, Năng lực vượt trội. Cha ông ta coi "Hiền tài" là nguyên khí quốc gia; cụm từ Hiền Tài không phải là dùng để nói xuôi miệng, mà là sự coi trọng chữ Hiền như một yêu cầu hàng đầu đối với con người. Hiền là đạo đức, là sự ứng xử tốt đẹp với con người, là sự tử tế trong lối sống, là phẩm chất trung với nước, hiếu với dân.

Ngày nay, rất nhiều cử nhân, bác sĩ, kỹ sư, lãnh đạo trung, cao cấp lâm vào vòng lao lý, vậy thì ở họ không có chữ Hiền hoặc đã đánh mất chữ Hiền.

"Ta là cán bộ chuyên môn, có chuyên môn mà không có chính trị giỏi thì học giỏi mấy dạy trẻ con cũng hỏng. Chính trị là linh hồn, chuyên môn là cái xác. Có chuyên môn mà không có chính trị thì chỉ còn cái xác không hồn. Phải có chính trị trước rồi có chuyên môn. Chính trị là đức, chuyên môn là tài. Có tài mà không có đức là hỏng. Đức phải có trước tài".

Ý kiến trên đây của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho ta thấy, ở con người, nhất là những người được đào tạo ở bậc học cao, bản lĩnh chính trị và phẩm chất đạo đức sẽ là tiêu chí hàng đầu trong đánh giá nhân cách của họ.

4. Sự thành đạt của con người chỉ có được nhờ vào việc học tập suốt đời. Những người học để có học hàm, học vị như một mục đích tối thượng thì trước sau sẽ đánh mất sự thích ứng với xã hội.

Không ít người khi đã đạt trình độ tiến sĩ đã ngừng ngay việc học tập. Họ sử dụng những điều đã học vào giải quyết toàn bộ công việc trong cuộc sống còn lại của họ.

Rất nhiều người được giao trọng trách nhưng đã làm dân thất vọng về lời nói và việc làm của họ. Hiện tượng này đã là phổ biến trong xã hội.

5. Theo một tài liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ta thấy:

Năm học 2016 - 2017, số người tốt nghiệp sau đại học là 35.918 người (1234 tiến sĩ, 33.684 thạc sĩ);

Năm học 2017 - 2018, số người tốt nghiệp sau đại học là 38.021 (1545 tiến sĩ; 36.476 thạc sĩ);

Năm học 2018 - 2019, quy mô đào tạo sau đại học là 108.134 (11.000 nghiên cứu sinh; 97.134 học viên cao học).

Việc đào tạo ồ ạt và tiếp theo là những bài báo đăng về hiện tượng "nhân bản" luận án tiến sĩ, "lò ấp" các tiến sĩ, các Hội đồng chấm luận án tiến sĩ chớp nhoáng (mỗi luận án tiến sĩ được Hội đồng thông qua với tốc độ 8 luận án/ngày) v.v… đã gây nên một tâm trạng hoài nghi chất lượng thực của việc đào tạo bậc cao: Đào tạo nhiều thế mà nhân tài vẫn ít như lá mùa thu, tuấn kiệt vẫn thưa như sao buổi sớm!

6. Tôi cho rằng, để có được những hiền tài cho quốc gia thời hiện đại, cần thực sự cách mạng hệ thống đào tạo hiện nay:

Dẹp ngay những cơ sở đào tạo tiến sĩ theo kiểu nhà máy, sản xuất các luận án được bảo vệ không mang lại cái mới, cái sáng tạo trong khoa học mà chỉ như các bản sao chép.

Thực hiện nghiêm nguyên tắc "Chỉ có người hiền tài mới được dùng vào việc đào tạo hiền tài cho quốc gia".

Tiến cử những bậc hiền tài trong lĩnh vực giáo dục, sư phạm phụ trách Bộ Giáo dục và Đào tạo và cơ quan quản lý đào tạo sau đại học.

Xóa bỏ những quan niệm lỗi thời trong công tác nhân sự: Đào tạo tiến sĩ để dùng vào việc quản lý hành chính, phong giáo sư cho những vị lãnh đạo chính quyền các cấp v.v…

Thu hồi những luận văn tiến sĩ, luận văn thạc sĩ khi phát hiện không bảo đảm trình độ theo quy định.

Xóa bỏ triệt để nạn mua bán bằng cấp, viết thuê luận án và bài báo khoa học, chạy chọt ủy viên phản biện và mua chuộc chủ tịch Hội đồng chấm luận án.

Những hiện tượng này ngày càng tăng, giống như cái nhọt bọc, nếu không trích nặn và  không dùng kháng sinh mạnh thì sẽ nguy hiểm cho sự nghiệp trồng người.