Khuyến học khơi mạch nguồn truyền thống hiếu học tại Hà Tĩnh

Thuỵ Văn
06:44 - 28/09/2022
Công dân & Khuyến học trên

Chắt lọc tinh túy tri thức dân gian của quê hương, thừa hưởng tố chất thông minh, truyền thống ham học, kiên trì và chịu khó của gia đình, dòng họ, các danh nhân khoa bảng, người Hà Tĩnh đã đóng góp to lớn vào nền văn hiến nước nhà.

Nâng đỡ giấc mơ đại học của học sinh nghèo

Khuyến học khơi mạch nguồn truyền thống hiếu học tại Hà Tĩnh - Ảnh 1.

Chủ tịch Hội Khuyến học Hà Tĩnh Đoàn Đình Anh.

Đã có nhiều thế hệ mới của con em Hà Tĩnh làm rạng danh truyền thống đất học Hồng Lam. Số học sinh đạt học sinh giỏi quốc gia, thủ khoa các kỳ thi đại học, đậu vào các trường đại học danh tiếng của thế giới gần đây ngày một nhiều hơn. Trong số này có nhiều em là con nhà nghèo, chật vật lo kinh phí ăn học. Từ thực tế này, Hội Khuyến học Hà Tĩnh đã tập trung vào tìm ra phương cách mở cánh cửa cho học sinh nghèo vào đại học. 

Quỹ "Hỗ trợ học sinh đạt điểm cao, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vào đại học" ra đời. Chủ tịch Hội Khuyến học Hà Tĩnh Đoàn Đình Anh chia sẻ: Quỹ "Hỗ trợ học sinh đạt điểm cao, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vào đại học" lần đầu tiên được triển khai, đã hiện thực hoá chương trình khuyến học, và có ý nghĩa sâu sắc cho sự phát triển tương lai nguồn nhân lực cũng như sự phát triển toàn diện của Hà Tĩnh. 

Hội Khuyến học Hà Tĩnh đã tham mưu với chính quyền địa phương sáng kiến thành lập quỹ để hỗ trợ các học sinh nghèo đỗ đại học. Việc này xuất phát từ truyền thống trọng khoa bảng, hiền tài của người Hà Tĩnh, bao bọc và khích lệ các tấm gương hiếu học cũng là bồi đắp nhân tài cho đất nước cho quê hương sau này. 

Tháng 8/2021, Hội Khuyến học Hà Tĩnh bắt đầu phối hợp với Văn phòng Tỉnh ủy Hà Tĩnh xây dựng dự thảo quy chế hoạt động của quỹ, vừa phối hợp với các ngành Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tỉnh đoàn để khảo sát cụ thể hoàn cảnh của 357 học sinh có kết quả 3 môn thi đạt 25 điểm trở lên, gặp hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. 

Năm 2022, Hội Khuyến học Hà Tĩnh tiếp tục tham mưu cho Bí thư Tỉnh uỷ gửi thư ngỏ tới các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp cơ quan đơn vị trên địa bàn, những người đồng hành, đồng hương xa gần yêu quý quê hương Hà Tĩnh. Mọi nguồn lực được huy động triệt để. Chủ trương nhân văn, ý nghĩa của Thường trực Tỉnh ủy Hà Tĩnh và Hội Khuyến học Hà Tĩnh đã được các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, nhà hảo tâm đã nhiệt tình ủng hộ.

Sau một năm hoạt động, Quỹ "Hỗ trợ học sinh đạt điểm cao, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vào đại học" tỉnh Hà Tĩnh đã nhận được nguồn ủng hộ và đăng ký ủng hộ từ nguồn xã hội hóa. Quỹ nhận được sự tài trợ của 56 cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân với số tiền gần 10 tỷ đồng, chưa kể quỹ các huyện, các đơn vị trực tiếp hỗ trợ. Hầu hết các em được Quỹ hỗ trợ đều nỗ lực phấn đấu, học tập, rèn luyện và đạt được những kết quả cao. 100 em đã có kết quả học tập năm học thứ nhất gửi về Quỹ cho thấy, có 8 em đạt thành tích học tập xuất sắc, 40 em đạt loại giỏi, 50 em đạt loại khá và 2 em đạt loại trung bình.

Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Hà Tĩnh Nguyễn Tiến Trình cũng chia sẻ, việc thành lập quỹ rất nhân văn, có ý nghĩa vô cùng to lớn, giúp cho các cháu học tập xuất sắc nhưng có hoàn cảnh khó khăn có cơ hội học đại học. Mong cho mô hình "Chắp cánh ước mơ" này lan rộng, nhiều em có hoàn cảnh khó khăn đỗ đại học có cơ hội được học và có cơ hội tích luỹ kiến thức, tri thức đóng góp xây dựng đất nước quê hương.

Sinh viên Nguyễn Thị Trà Giang, xã Đồng Môn, thành phố Hà Tĩnh là học sinh hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khi mồ côi cả bố lẫn mẹ, đạt điểm cao trong kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông. Trà Giang trúng tuyển vào Khoa Điều dưỡng, Đại học Y Hà Nội với số điểm 26,1 điểm ở tổ hợp khối B (Toán 8,4; Sinh 9; Hóa 8,5). Với số điểm này, theo quy chế của Quỹ "Hỗ trợ học sinh đạt điểm cao, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vào đại học", em đã được phê duyệt hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng. Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng cùng Hội Khuyến học tỉnh Hà Tĩnh, lãnh đạo Thành phố Hà Tĩnh đã đến tận nhà thăm hỏi, động viên em. Nhận thấy hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn và lắng nghe nguyện vọng của em, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng đề nghị Hội Khuyến học tỉnh Hà Tĩnh nâng mức hỗ trợ của quỹ cho Trà Giang lên 2,5 triệu đồng/tháng trong 4 năm học (theo mức hỗ trợ đối với sinh viên học ngành y) để em có điều kiện học tập tại Trường Đại học Y Hà Nội.

Khuyến học khơi mạch nguồn truyền thống hiếu học tại Hà Tĩnh - Ảnh 3.

Tỉnh uỷ, Ủy ban nhân dân Tỉnh Hà Tĩnh tôn vinh những tập thể cá nhân có đóng góp cho

công tác khuyến học của tỉnh Hà Tĩnh.

Trà Giang chỉ là một trong số hàng trăm em học sinh Hà Tĩnh đã có thể nối dài giấc mơ học tập của mình bằng quỹ khuyến học ý nghĩa này. Các học sinh được hỗ trợ đã thành lập hội nhóm riêng, chia sẻ khích lệ lẫn nhau, báo cáo thành tích học tập cũng như trao đổi nguyện vọng với các bộ Hội Khuyến học Hà Tĩnh. Bước vào năm học 2022-2023, Hội Khuyến học Hà Tĩnh lại tổ chức họp mặt, động viên, khen thưởng, khơi dậy và truyền lửa khuyến học, truyền thống hiếu học của quê hương khiến các em có thêm động lực học tập khi xa nhà. 

Sức mạnh từ huy động nguồn lực toàn xã hội

Hoạt động Khuyến học khuyến tài tại Hà Tĩnh được đẩy mạnh, trở thành phong trào rộng khắp từ gia đình, dòng họ thôn xóm đến cơ quan trường học, doanh nghiệp. Quỹ Khuyến học các cơ quan đơn vị, dòng họ thôn xóm, xã, huyện tỉnh không ngừng lớn mạnh.

Hội Khuyến học Hà Tĩnh đã có được kết quả xây dụng các mô hình học tập đáng tự hào: "Gia đình học tập": 330.873/ 372.971 hộ, tỷ lệ: 89,37%; "Dòng họ học tập": 4796/5845, tỷ lệ: 82,02%; Tố thôn/tổ dân phố "Cộng đồng học tập": 1.808/1.977, tỷ lệ: 91,75%; "Đơn vị học tập": 714/745, tỷ lệ: 95,84%.
Nguồn: Hội Khuyến học Hà Tĩnh

Về huy động quỹ, chỉ tính năm 2022 đến 31/8/2022, toàn tỉnh Hà Tĩnh đã vận động được: 36.464 triệu đồng, trong đó: cấp tỉnh huy động: 10.390 triệu, cấp huyện: 5.627 triệu, cấp cơ sở trên 20.447 triệu. Một số đơn vị có cách làm sáng tạo trong vận động quỹ và đạt kết quả cao như: Can Lộc, thị xã Kỳ Anh, Đức Thọ, Thạch Hà... 

Tổng số dư Quỹ đến 31/8/2022: 106.856 triệu đồng; bình quân quỹ 70.030 đồng/người dân. Gần đây nhất huyện Hương Sơn đã thành lập và ra mắt quỹ khuyến học Lê Hữu Trác chỉ trong thời gian ngắnn đã huy động được gần 1,8 tỷ vào quỹ.

Hiện, Hội Khuyến học Hà Tĩnh đang quản lý 2 quỹ là: Quỹ Khuyến học khuyến tài Nguyễn Du với số dư tài khoản tại ngân hàng 16,5 tỷ. Quỹ hoạt động theo nguyên tắc bảo toàn vốn. Quỹ được gửi ở ngân hàng Bưu điện Liên việt (nhà tài trợ chính cho Quỹ). Hàng năm theo quy chế Quỹ sẽ rút lãi khoảng 1 tỷ đồng để thưởng học sinh giỏi các cấp và hỗ trợ học sinh giáo viên có hoàn cảnh khó khăn giảng dạy và học tập tốt.

Bên cạnh đó, Quỹ khuyến học khuyến tài Đất Hồng Lam cũng hoạt động hiệu quả, trong đó có Quỹ "Hỗ trợ học sinh đạt điểm cao, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vào đại học". Hiện tại, Quỹ có số dư tại ngân hàng khoảng 20 tỷ. Năm học 2021-2022 là năm đầu tiên đã hỗ trợ 101 em trong số 137 em toàn tỉnh, riêng năm 2022 Quỹ đã hỗ trợ 67 em.

Năm 2021 có 53 tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp ủng hộ, chuyển trực tiếp về Quỹ 8,7 tỷ đồng. Hỗ trợ trực tiếp cho 10 em với số tiền 1,8 tỷ đồng. Số tiền cam kết chuyển hàng năm khoảng 3 tỷ đồng. Năm 2022 có 34 tổ chức cá nhân ủng hộ Quỹ với số tiền 8,2 tỷ đồng.

Đối tượng được Quỹ hỗ trợ là các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đạt tổng điểm 3 môn thuộc khối đăng ký xét tuyển đại học từ 25 điểm trở lên trong kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông hoặc thủ khoa trường đại học đăng ký xét tuyển, khối đăng ký xét tuyển toàn quốc; có kết quả học tập đạt loại Khá, Giỏi; rèn luyện đạt loại Tốt của các năm học trung học phổ thông; con mồ côi cả cha và mẹ.

Quy chế cũng quy định trong các kỳ học đại học, sinh viên phải đạt loại Khá trở lên mới được hỗ trợ các kỳ tiếp theo. Đối với các em đạt tổng điểm 3 môn thuộc khối đăng ký xét tuyển đại học từ 28 điểm trở lên hoặc thủ khoa trường đại học đăng ký xét tuyển, khối đăng ký xét tuyển toàn quốc được chi mức hỗ trợ: Học sinh học đại học ngành y: 2.500.000 đồng/tháng; Học sinh học các trường đại học thuộc khối Công an, Quân sự, Biên phòng đã được nhà nước cấp kinh phí, hỗ trợ: 500.000 đồng/tháng; Học sinh học tại các trường đại học khác: 2.000.000 đồng/tháng.

Đối với các em đạt tổng điểm 3 môn thuộc khối đăng ký xét tuyển đại học từ 25 điểm đến 27 điểm nhưng hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và các em mồ côi cả bố lẫn mẹ, Ban quản lý Quỹ đã xem xét và quyết định mức hỗ trợ: 1.000.000 đồng/tháng.

Thời gian hỗ trợ 10 tháng/năm; không quá 6 năm đối với sinh viên học đại học ngành y; không quá 5 năm đối với sinh viên học tại các trường khối kỹ thuật, công an, quân sự; không quá 4 năm đối với sinh viên học tại các trường đại học còn lại.

Bắt đầu từ năm học 2022, Quỹ nâng mức hỗ trợ cho các em từ 25 điểm đến 27 điểm lên 2 triệu đồng/tháng.

Khuyến học khơi mạch nguồn truyền thống hiếu học tại Hà Tĩnh - Ảnh 5.

Hội Khuyến học Hà Tĩnh thảo luận bàn bạc với các cơ quan, ban ngành, lực lượng vũ trang, huy động

sức mạnh từ nhiều nguồn để thực hiện công tác khuyến học.

Khơi dậy niềm tự hào của người làm khuyến học

Có thể nói, Hội Khuyến học tỉnh Hà Tĩnh đã nỗ lực tìm được nhiều giải pháp để xã hội hóa việc huy động nguồn lực, trọng tâm là công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền về các chủ trương, chính sách trong việc thực hiện xã hội hóa. Sự quan tâm của lãnh đạo đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy chính quyền giữ vai trò quyết định thành công trong việc kêu gọi nguồn lực từ xã hội hóa.

Hội phối hợp với các cơ quan ban ngành nhất là các cơ quan truyền thông trong việc tuyên truyền những chủ trương, chính sách của đảng và nhà nước về công tác khuyến học khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Tạo sự lan tỏa rộng trong xã hội, thu hút sự quan tâm của mọi người tới hoạt động của công tác khuyến học khuyến tài.

Đa dạng hóa các hình thức huy động, ngoài hỗ trợ bằng tiền, hiện vật thì tùy vào hoàn cảnh cụ thể để tiếp nhận sự hỗ trợ như cung cấp thông tin để các cá nhân và tổ chức đỡ đầu trực tiếp. Phải để cho người đóng góp vào công tác khuyến học có được niềm tự hào khuyến học. 

Hội khuyến khích và luôn động viên ghi nhận sự vào cuộc của các quỹ tư nhân cũng như các cơ quan đoàn thể tham gia vào hoạt động khuyến học, khuyến tài như các quỹ JiFa Nhật Bản, quỹ học bỗng Phú Tài Đức, quỹ xã hội Phan Anh, quỹ Nguyễn Đăng Xớn, Quỹ bà giáo Hồng, các quỹ ở huyện Can Lộc, Cẩm Xuyên, quỹ của các cơ quan truyền thông, các đoàn thể như Hội Phụ nữ, tỉnh Đoàn, Bộ đội Biên phòng, quỹ các nhóm nhân ái từ thiện như quỹ Nhân ái Hồng Lam, quỹ cùng em đến trường… Hàng năm, các nguồn quỹ này tham gia hoạt động khuyến học, khuyến tài ngày càng lớn và một nguồn lực quan trọng.

Điều quan trọng nữa là luôn thực hiện tốt công tác thành lập và quản lý quỹ, đảm bảo nguyên tác công khai, minh bạch, đúng mục đích, đối tượng, từ đó tạo được niềm tin đối với các nhà tài trợ và các đối tượng, cũng như trong các từng lớp nhân dân, tạo sự lan tỏa và hiệu ứng tích cực trong toàn xã hội.