Sáu nguyên tắc phát triển nền kinh tế Nga

Trúc Phong
16:09 - 18/06/2022
Công dân & Khuyến học trên

Phát biểu tại phiên họp toàn thể của Diễn đàn Kinh tế quốc tế St.Petersburg (SPIEF) hôm 17/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đưa ra sáu nguyên tắc để phát triển nền kinh tế Nga.

Sáu nguyên tắc phát triển nền kinh tế Nga - Ảnh 1.

Tổng thống Nga V. Putin tại Diễn đàn Kinh tế quốc tế St.Petersburg. Ảnh: TASS

Bài phát biểu của Tổng thống V. Putin đề cập đến nhiều thách thức quan trọng đối với nước Nga và nền kinh tế thế giới, trong đó nhà lãnh đạo nhấn mạnh Nga phải bảo vệ chủ quyền chính trị và độc lập kinh tế của mình. 

Theo tin đã đưa của TASS, trong bài phát biểu dài hơn hai tiếng và bị gián đoạn bởi những tràng pháo tay của các đại biểu, Tổng thống Nga đã nêu sáu nguyên tắc cơ bản tạo nền tảng để đưa kinh tế Nga phát triển. Đó là:

Thứ nhất, cởi mở. Liên bang Nga "sẽ không bao giờ đi theo con đường tự cô lập và chuyên quyền". Theo Tổng thống V. Putin, cởi mở sẽ trở thành một trong những nguyên tắc then chốt cho sự phát triển của nền kinh tế Nga. "Các quốc gia có chủ quyền thực sự luôn dựa trên quan hệ đối tác bình đẳng, đóng góp vào sự phát triển toàn cầu. Ngược lại, những ai yếu đuối và bị phụ thuộc thường bận rộn tìm kiếm kẻ thù và nuôi dưỡng tư tưởng bài ngoại, hoặc hoàn toàn đánh mất bản sắc của mình...", ông Putin nói.

Tổng thống Nga cũng khẳng định, Nga sẵn sàng mở rộng sự hợp tác với tất cả những ai quan tâm hợp tác với nước Nga. "Có rất nhiều người như vậy" - Ông Putin nói.

Thứ hai, tự do kinh doanh. Mỗi sáng kiến cá nhân nhằm phục vụ lợi ích của Nga cần nhận được sự hỗ trợ lớn nhất và một không gian tối đa để hiện thực hoá.

Thứ ba, chính sách vĩ mô cân bằng. Nước Nga sẽ không "lặp lại kinh nghiệm đáng buồn của các đồng nghiệp phương Tây, những người đã tạo ra vòng xoáy lạm phát và mất cân bằng tài chính của họ".

Thứ tư, công bằng xã hội, xóa đói giảm nghèo và bất bình đẳng. Đó là nhu cầu đối với các sản phẩm trong nước, trên phạm vi cả nước. Từ đó giảm khả năng phát triển chênh lệch giữa các vùng. Tạo việc làm mới ở những nơi cần nhất.

Thứ năm, có tốc độ phát triển cơ sở hạ tầng vượt trội. Tổng thống V. Putin nhấn mạnh: "Chúng tôi đã tăng chi ngân sách trực tiếp cho việc tăng cường xây dựng các tuyến giao thông. Trong năm tới, sẽ bắt đầu triển khai trên quy mô lớn về xây dựng và sửa chữa mạng lưới đường trục liên bang và khu vực". Tổng thống Nga cũng tuyên bố khởi động một chương trình toàn diện mới để hiện đại hóa lĩnh vực nhà ở và dịch vụ xã hội.

Thứ sáu, chủ quyền về công nghệ. Tổng thống V. Putin nói: "Chúng ta cần đưa tất cả các lĩnh vực của đời sống lên một trình độ công nghệ mới về chất lượng".

Đề cập tới Liên minh châu Âu (EU), nhà lãnh đạo Nga cho rằng khối này đã mất đi "chủ quyền chính trị" của mình.

Trong bài phát biểu của mình, Tổng thống V. Putin cũng đề cập đến các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga và hậu quả của chúng. Theo Tổng thống Nga, đó là các biện pháp "thiếu lý trí, thiếu suy nghĩ" và "ngay từ đầu đã không có khả năng thành công". Ông Putin nói: "Từng bước, chúng tôi đang bình thường hóa tình hình kinh tế, trước tiên, là ổn định thị trường tài chính, hệ thống ngân hàng và mạng lưới giao dịch, sau đó bắt đầu cân đối nền kinh tế bằng thanh khoản và vốn lưu động để duy trì sự ổn định của các công ty, việc làm". Chứng minh cho nhận định đó, ông Putin nói các nhà chức trách nước này đã "ngăn chặn sự gia tăng của lạm phát", lạm phát đã giảm và đang tiếp tục giảm. Câu thần chú "một đô la cho 200 rúp" cùng những báo u ám về sự sụp đổ của nền kinh tế được tuyên truyền từ hồi mùa xuân, cho đến nay, đã không trở thành hiện thực. 

Thực tế, Nga ghi nhận thặng dư ngân sách trong tháng 5 cao gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Đưa ra các lệnh trừng phạt Nga, "... các chính trị gia châu Âu đã giáng một đòn nghiêm trọng vào nền kinh tế của họ. Chính họ đã làm điều đó, bằng chính bàn tay của họ" - ông Putin nói. "Chúng tôi thấy các vấn đề kinh tế và xã hội đã trở nên trầm trọng hơn như thế nào ở châu Âu, và cả ở Hoa Kỳ. Theo các chuyên gia, những thiệt hại trực tiếp, có thể tính đếm được của Liên minh châu Âu từ cơn sốt trừng phạt có thể vượt quá 400 tỉ USD trong năm tới...".

Kết luận bài phát biểu của mình, nhà lãnh đạo Nga khẳng định đất nước đang bước vào kỷ nguyên có chủ quyền mới và sẽ tận dụng mọi cơ hội để trở nên mạnh mẽ hơn nữa./.

Bài phát biểu của Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Diễn đàn kinh tế Saint Petersburg 2022 (SPIEF 2022) dự kiến diễn ra lúc 14h00 (giờ địa phương) đã bị hoãn lại một giờ do các cuộc tấn công từ chối dịch vụ (DDoS) nhằm vào hệ thống dữ liệu đăng ký của diễn đàn này.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, các cuộc tấn công mạng nhằm vào cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin của diễn đàn bắt đầu từ ngày 16/5, khiến hệ thống đăng ký bị vô hiệu hóa.