Không phải cứ vào trường tốt là có trò giỏi

Nguyễn Khanh
21:37 - 24/06/2023
Công dân & Khuyến học trên

Phụ huynh cho con học trường chuyên, lớp chọn tưởng chừng chắc chắn kết quả học tập tốt và con sẽ thi đậu vào lớp 10 công lập, sự thực không phải như vậy.

Sau khi sở giáo dục công bố điểm chuẩn của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, nhiều thí sinh, phụ huynh vui mừng nhưng cũng sẽ không ít thí sinh, phụ huynh thất vọng về điểm thi. Sự thất vọng sẽ được nhân lên nhiều hơn đối với một số phụ huynh từng đã gửi gắm cho mình suốt 2 cấp học vào những ngôi trường điểm, những trường có tiếng tăm trên địa bàn với hy vọng con mình sẽ học giỏi như thương hiệu của nhà trường.

Những điểm số được thầy cô tổng kết hàng năm cho học sinh có thể đúng và cũng có thể không đúng với năng lực thực sự của học trò vì nó có rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Vì thế, có nhiều học sinh có học lực giỏi, khá ở lớp đạt được điểm cao trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 và cũng không ít học sinh luôn được nhận danh hiệu học tập ở cuối năm học nhưng khi thi tuyển sinh 10 thì không thể đậu được nguyện vọng nào vào lớp 10 công lập.

Nghịch lý này bắt nguồn từ những suy nghĩ của không ít phụ huynh và đã có người phải ân hận vì cứ nghĩ gửi con vào những ngôi trường có tiếng tăm là con mình sẽ học giỏi. Chỉ đến khi biết điểm tuyển sinh vào lớp 10 thì mới nhận ra sự thật phũ phàng, chới với nhưng lúc này làm sao có thể thay đổi được kết quả điểm thi của con em mình.

Bất ngờ khi con thi rớt kỳ thi vào lớp 10

Một phụ huynh đang sinh sống tại một thành phố thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chia sẻ với chúng tôi rằng gia đình anh có một cậu con trai vừa thi tuyển sinh vào lớp 10 nhưng chỉ được 4,5 điểm Ngữ văn; 4,0 điểm; Anh; 3,5 điểm Toán. Tính điểm hệ số Văn, Toán nhân 2 thì tổng điểm mới đạt được 20 điểm. Trong khi, trường nguyện vọng 1 mà con anh đăng ký lấy điểm chuẩn 32 điểm; trường đăng ký nguyện vọng 2 lấy 27 điểm nên không thể đậu vào nguyện vọng nào hết.

Anh còn cho biết thêm, vì hộ khẩu gia đình không nằm ở những phường trung tâm của thành phố nên khi con vào tiểu học phải nhờ người xin vào một trường chuẩn quốc gia. Đến lúc vào học cấp trung học cơ sở cũng phải nhờ cậy xin vào một trường lớn, uy tín nhất của thành phố với hy vọng vào đó con mình sẽ gặp thầy cô giỏi, bạn giỏi để học tập được tốt hơn.

Vì công tác tại một ngân hàng, vợ là chủ doanh nghiệp nên anh cũng không tiếc tiền bạc đầu tư cho con mình. Ngoài học chính khóa ở trường, suốt mấy năm tiểu học luôn gửi ở nhà thầy cô chủ nhiệm lo trọn gói cả chuyện ăn trưa, học thêm trái buổi. Lên cấp trung học cơ sở cũng đưa đi học thêm ở nhà thầy cô đều đặn, có năm còn gửi trọn gói tại trung tâm gia sư của nhóm thầy cô giáo trong trường.

Vì thế, mấy năm tiểu học, con anh đều đạt danh hiệu Học sinh Xuất sắc; lên cấp trung học cơ sở thì 3 năm đầu đạt học lực Khá, năm lớp 9 đạt loại Giỏi khiến cho vợ chồng anh yên tâm về học lực của con. Vậy mà thi tuyển sinh 10 lại rớt và điểm thi của con mình cách xa điểm chuẩn của các trường đăng ký nguyện vọng.

Với kết quả không như mong muốn, vợ chồng anh đang tính cho con học ở một trường dân lập hoặc đường cùng thì học ở trung tâm giáo dục thường xuyên chứ vào lớp 10 công lập thì bây giờ chịu rồi. Lên cấp trung học phổ thông phải thi tuyển sinh vào lớp 10 đậu mới vào được công lập chứ cậy nhờ ai bây giờ mà có nhờ cũng không ai giúp được mình vì đây là kỳ thi do sở giáo dục đứng ra tổ chức. Điểm số, danh sách trúng tuyển của các trường trung học phổ thông công lập được niêm yết công khai.

Khi con thi rớt, anh mới nhận ra một sự thật là không phải cứ trường lớn, trường điểm là con mình sẽ học giỏi nếu không có năng lực thực sự. Những điểm số hằng năm con đạt được có lẽ một phần nhờ đi học thêm đều đặn với thầy cô đang dạy trên lớp và cả sự dễ dãi trong việc đánh giá, cho điểm của thầy cô bộ môn.

Chính vì thế, nhìn vào điểm số của con, không chỉ gia đình anh mà có lẽ nhiều phụ huynh khác vẫn ngỡ con mình học được và chuyện tham gia kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 không phải là quá tầm - dù đó là những trường thuộc địa bàn thành phố, nơi có tỉ lệ chọi cao hơn các khu vực khác.

Chủ quan vì tưởng trường tốt thì con mình sẽ học giỏi

Thực ra, những trường có uy tín, tiếng tăm ở các địa bàn thường là những trường đã được khẳng định qua thời gian. Tuy nhiên, không phải cứ trường lớn là tất cả các thầy cô đều dạy giỏi và có phương pháp giảng dạy tốt. Hơn nữa, cho dù thầy cô dạy tốt nhưng học sinh không có động lực học tập, khả năng học tập có hạn cũng rất khó có thể nắm bắt được những kiến thức mà thầy cô truyền đạt hàng ngày.

Học cùng bạn giỏi là lợi thế nếu như con mình cũng giỏi như bạn bè trong lớp nhưng nếu con em mình học yếu mà học chung với nhiều bạn giỏi thì đó là một điều bất hạnh cho những đứa trẻ. Thầy cô giảng dạy trên lớp có mấy chục học trò, không thể nào sâu sát từng em, nhất là khi các em đã qua tiểu học.

Trong khi, những lớp giỏi, thầy cô sẽ dạy nhanh và dạy nâng cao, mở rộng kiến thức nên những em học yếu sẽ không theo kịp và thụt lùi lại dần so với bạn bè. Những lỗ hổng về kiến thức ngày một lớn hơn mà rất khó khắc phục. Chuyện điểm số cao ở trên lớp bây giờ không khó nếu như phụ huynh luôn cho con học thêm ở nhà thầy cô giáo đang dạy con mình - đó là một sự thật - dù nói ra có phần phũ phàng.

Hơn nữa, khi kiểm tra trên lớp, cho dù nhà trường chủ trương gác chéo, hoặc xếp số báo danh theo thứ tự A,B,C… thì thầy cô trong trường bao giờ gác kiểm tra cũng nương nhẹ. Học sinh vẫn có thể trao đổi với nhau trong quá trình làm bài. Chính vì thế, tỉ lệ học lực giỏi, khá môn học nào bây giờ cũng cao, cũng đẹp long lanh.

Vậy nên, có những em đạt điểm cao là giỏi thực sự nhưng cũng có những em đạt điểm cao khi kiểm tra, tổng kết điểm trung bình môn chưa hẳn đã giỏi. Bởi vậy, khi tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 có nhiều em chới với không làm được bài và dẫn đến điểm số thấp, không trúng tuyển vào lớp 10 công lập.

Thực tế cho thấy, một số phụ huynh bây giờ quen biết rộng, kinh tế đủ đầy mà mỗi gia đình chỉ có 1-2 đứa con nên họ sẵn sàng tìm mọi cách để con mình vào học những trường tốt nhất, thậm chí vào những lớp tốt nhất để học với những giáo viên giỏi nhưng lại quên mất rằng năng lực học tập của con em mình còn có hạn chế.

Trong khi đó, nếu con mình có học lực bình thường, học ở những ngôi trường bình thường có lẽ sẽ phát triển tốt hơn vì đối tượng học trò có nhiều em tương đồng như vậy, thầy cô sẽ có những biện pháp giảng dạy phù hợp để nâng cao chất lượng. Hơn nữa, từ lớp 1 đến lớp 9, học sinh không phải trải qua kỳ thi lớn nào nên chuyện lên lớp, chuyện điểm cao hàng năm cũng chỉ phản ánh một phần trong học tập bởi bây giờ một số trường, bộ môn vẫn đang phải chạy theo bệnh thành tích, số liệu ảo.

Bởi vậy, phụ huynh cũng đừng quá kỳ vọng gửi gắm con mình vào những ngôi trường tốt, lớp chọn thì con em mình sẽ học giỏi. Trong khi, con mình chỉ có sức học trung bình, hoặc dưới trung bình. Vào những lớp chọn như vậy không những con em mình không học giỏi được mà vô tình đẩy các em vào một môi trường học tập với nhiều tủi hờn khi quá chênh lệch với sức học của bạn bè.