Không gian văn hóa đặc sắc Khmer Nam Bộ trong Lễ hội Oóc Om Bóc 2022
Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch Khmer Nam Bộ lần thứ 8 năm 2022 quy tụ hơn 1.000 nghệ nhân, diễn viên, vận động viên đến từ 12 tỉnh, thành phố Nam Bộ hội tụ ở Sóc Trăng. Sự kiện nổi bật là giải đua ghe ngo trong khuôn khổ sự kiện này đã tìm được đội vô địch:
Đội đua ghe của chùa WathPich và Pong Tứk Chăs trong lượt dua chung kết Giải Đua ghe Ngo Sóc Trăng, khu vực đồng bằng sông Cửu Long lần thứ V năm 2022.
Với chủ đề: “Bảo tồn, phát huy bản sắc bản sắc văn hóa đồng bào Khmer Nam bộ; Bình đẳng, đoàn kết, hội nhập và phát triển”, Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch đồng bào Khmer Nam bộ lần thứ 8 và Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng, khu vực đồng bằng sông Cửu Long lần thứ V năm 2022 đề cao và tôn vinh bản sắc văn hóa của đồng bào Khmer Nam Bộ.
Ngày hội đã góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần giới thiệu, quảng bá, lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer Nam Bộ tới người dân trong nước và bạn bè quốc tế. Quần chúng nhân dân các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đổ về Sóc Trăng thưởng thức các chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc của các đoàn nghệ thuật dân tộc Khmer đến từ các tỉnh, thành Nam Bộ, tham quan các ngôi chùa, mô hình du lịch và trực tiếp tham dự lễ cúng trăng, lễ hội Oóc Om Bóc.
Giải đua ghe ngo trong khuôn khổ Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe ngo Sóc Trăng khu vực đồng bằng sông Cửu Long năm 2022 diễn ra trên dòng sông Maspero, thành phố Sóc Trăng. Đây là giải đua ghe lớn nhất đồng bằng quy tụ 12 tỉnh có đông đồng bào Khmer sinh sống ở khu vực Nam Bộ.
Cuộc tranh tài thu hút 54 đội ghe ngo, trong đó 9 đội nữ và 45 đội nam đến từ các tỉnh: Sóc Trăng, Trà Vinh, Hậu Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Vĩnh Long. Chủ nhà Sóc Trăng tham dự 40 đội, với 37 đội nam và 3 đội nữ.
Giải diễn ra trong 2 ngày từ 7 đến 8 tháng 11. Đua ghe nam chia làm 11 bảng, với 66 trận đấu vòng loại, 16 trận đấu chéo, đến vòng 1/8 sau 16 trận các đội giành chiến thắng sẽ vào tứ kết, bán kết và chung kết. Ở nội dung nữ thi đấu vòng loại chọn 3 đội nhất, nhì, ba để vào bán kết và chung kết. Đội ghe ngo nam đoạt chức vô địch sẽ được trao tiền thưởng 200 triệu đồng, giải nhì là 150 triệu đồng, giải ba 100 triệu đồng và giải tư 80 triệu đồng. Đối với ghe ngo nữ, đội vô địch sẽ nhận được tiền thưởng 150 triệu đồng, giải nhì 100 triệu đồng, giải ba 80 triệu đồng, giải tư 50 triệu đồng. Mỗi đội tham gia thi đấu sẽ được hỗ trợ 20 triệu đồng.
Đội ghe Ngo chùa Wath Pich - phường Vĩnh Phước, thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng là đội có bề dầy thành tích, thuộc top các đội mạnh của tỉnh Sóc Trăng trong 10 năm trở lại đây. Năm nay, đội ghe Ngo của chùa chuẩn bị chu đáo, quy tụ hơn 120 vận động viên, tập luyện 1 tháng trước giải đấu với quyết tâm cao đã dành ngôi vô địch. UBND thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng hỗ trợ 200 triệu đồng để chùa Wath Pich đóng mới ghe ngo và tập luyện.
Ngày hội có sự lồng ghép hoạt động của Lễ hội Oóc om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng khu vực đồng bằng sông Cửu Long năm 2022. Ngoài hoạt động được mong đợi là đua ghe ngo còn phục dựng lễ cúng Trăng, trình diễn Lôi Protip (thả đèn nước) và ghe cà hâu, triển lãm lưu động ảnh, tư liệu tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo ở cơ sở năm 2022.
Tối 7 và 8/11, điểm nhấn đặc sắc văn hóa trong Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo khu vực đồng bằng sông Cửu Long năm 2022 là cuộc trình diễn Lôi Protip (thả đèn nước) và diễu hành ghe cà hâu trên đoạn sông Maspero khu vực trung tâm thành phố Sóc Trăng (Sóc Trăng). Các ngôi chùa Phật giáo Khmer nổi tiếng đều thực thi nghi lễ này và trình diễn ghe cà hầu riêng của chùa. Đây là nghi lễ cúng Thần nước, cầu an vào rằm tháng mười âm lịch của đồng bào Khmer.
Cùng dịp này, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng chủ trì, phối hợp với các ngôi chùa lớn tổ chức liên hoan, giao lưu văn hóa, văn nghệ quần chúng và trình diễn trang phục dân tộc. Hơn 2.000 nghệ nhân, diễn viên, vận động viên quần chúng tham gia thi diễn, giao lưu trong những ngày hội
Quần chúng nhân dân và du khách thập phương đã trải nghiệm những giai điệu dân ca, dân vũ, các điệu múa dân gian Răm vông, Saravan, múa trống Sadăm, nghệ thuật sân khấu Rô Băm và Dù Kê, dàn nhạc ngũ âm trong văn hóa truyền thống của người Khmer Nam Bộ.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google