Ghe ngo và nhịp sống đồng bằng

Thúy Hằng
06:00 - 31/10/2022
Công dân & Khuyến học trên

Lễ hội Ok Om Bok - Đua ghe ngo của dân tộc Khmer diễn ra hằng năm chính là nhịp đập văn hóa tiêu biểu của cả miền đồng bằng sông Cửu Long. Lễ hội liên quan mật thiết đến thời điểm trăng tròn tháng 10 âm lịch, nước dâng cao nhất cùng với khát vọng trị thủy của miền đất khẩn hoang Nam Bộ.

Ngày hội Văn hóa - Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer Nam Bộ lần thứ VIII và Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo Sóc Trăng, khu vực đồng bằng sông Cửu Long lần thứ V năm 2022 sẽ diễn ra từ ngày 6 - 8/11/2022 với chủ đề “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa đồng bào Khmer Nam Bộ; bình đẳng, đoàn kết, hội nhập và phát triển”.

Ngày hội có sự tham gia của nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, vận động viên, quần chúng đồng bào Khmer 12 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam (Sóc Trăng, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Trà Vinh, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Cà Mau, Tây Ninh, Bình Phước, thành phố Cần Thơ, thành phố Hồ Chí Minh). 

Riêng Lễ Đua ghe ngo được mong đợi đã có 56 đội đăng ký tham gia, trong đó có 45 đội ghe ngo nam và 11 đội ghe ngo nữ. 

Ghe ngo và nhịp sống đồng bằng  - Ảnh 1.

Kỳ lễ đua ghe ngo Ok Om Bok năm nay được dự đoán là dịp bùng nổ niềm vui. Ảnh TTH

Trong các bản lược sử về miền đất Tây Nam Bộ, các sử gia đều ghi lại và thừa nhận rằng Lễ hội Ok Om Bok - Đua ghe ngo của dân tộc Khmer diễn ra hằng năm chính là nhịp đập văn hóa tiêu biểu của cả miền đồng bằng sông Cửu Long. 

Trong kỳ lễ hội lớn nhất trong năm của người Khmer là  tín ngưỡng đón Tết Ok Om Bok mà đua ghe ngo chỉ là một trong số rất nhiều hoạt động văn hóa tôn giáo. Đây là dịp lễ cúng trăng, nuốt cốm dẹp rằm tháng mười của người Khmer. Trong tín ngưỡng của bà con, mùa trăng là mùa nước, cúng trăng là cúng thần nước, bà mẹ của các vị thần ban cho mùa màng và đời sống ấm no. 

Ghe ngo và nhịp sống đồng bằng  - Ảnh 2.

Ghe ngo là tài sản quý của các ngôi chùa và chỉ hạ ghe vào mùa lễ hội Ok Om Bok. Ảnh TTH

Thông lệ hằng năm, Tỉnh Sóc Trăng, địa phương quy tụ nhiều nhất đồng bào Khmer sinh sống cũng là nơi tổ chức lễ hội Ok Om Bok - Đua ghe ngo lớn nhất đồng bằng. Ban đầu, lễ hội chỉ dành cho đồng bào Khmer Sóc Trăng, sau này tiếng vang vượt ra khỏi quy mô một tỉnh thành, trở thành lễ hội mang tính khu vực, các tỉnh có người Khmer sinh sống đều tham gia. Dịp này trở thành ngày hội đông đúc, náo nhiệt bậc nhất ở vùng đồng bằng, kéo theo niềm hứng khởi của các dân tộc anh em, mọi thành phần, tầng lớp nhân dân. 

Đầu tháng 10 âm lịch, các chùa đều hạ ghe ngo xuống kênh để tập luyện, chuẩn bị ngày hội và thi đấu vòng ngoài cấp huyện, cấp tỉnh rồi mới vào vòng chung kết khu vực. Cả đồng bằng đều chờ đợi và háo hức chuẩn bị cho kỳ lễ hội này, kéo theo đó là hàng loạt hoạt động thương mại, du lịch, văn hóa xã hội. 

Lễ hội đồng thời là một cuộc biểu dương lực lượng lao động trẻ hùng hậu, khỏe mạnh và lối sống đậm màu bản sắc của đồng bằng sông Cửu Long. Sức vóc, sự vươn lên mạnh mẽ của vùng đất giàu tiềm năng tự nhiên, có chiều sâu văn hóa cũng hội tụ cả vào trong một kỳ lễ hội được tổ chức vào mùa trăng linh nghiệm nhất trong năm, thường rơi vào 14, 15, 16 tháng 10 âm lịch.

Ghe ngo và nhịp sống đồng bằng  - Ảnh 3.

Các đội đua ghe bổ sung lực lượng, tập luyện rất sớm cho mùa lễ hội. Ảnh TTH

Ngoài cuộc đua ghe ngo được đón đợi thì Tết Ok Om Bok còn đi kèm nhiều hoạt động ca, múa nhạc, sân khấu Dù kê, sân khấu Rô băm, nhạc Ngũ âm… và nhiều loại hình hoạt động văn hóa dân gian khác. Thời gian qua, rất nhiều ngôi chùa xây mới, tu bổ và khánh thành cũng không được tổ chức lễ kiết giới (khánh thành và an vị), không hoạt động tín ngưỡng và tôn giáo tập trung tại chùa. 

Sau vài mùa lễ hội Ok Om Bok không được tổ chức, hoặc bị hạn chế phòng dịch COVID-19, kỳ lễ đua ghe ngo Ok Om Bok năm nay được dự đoán là dịp bùng nổ niềm vui và cũng là dịp lấy lại nhịp sống bình thường của đồng bằng. 

Ngày từ đầu tháng 10/2022, đội đua chùa Tumnup (huyện Châu Thành, Sóc Trăng) với thành tích nhiều năm vô địch đua ghe đã ra quân tập luyện nhằm giữ vững ngôi vị của mình. Ngôi chùa có 2 kỷ vật được các phật tử và nhân dân rất trân quý giữ gìn là chiếc ghe ngo và ghe cà hâu được đóng từ một thân cây gỗ quý. 

Hai chiếc ghe này được đóng từ đặt đóng trong nhiều tháng, vận chuyển theo đường sông hơn một thời gian rất dài mới về được tới chùa, trải qua nhiều kỳ đua ghe và đã tồn tại đã hơn 300 năm. Hiện nay, rất nhiều những ngôi chùa có những chiếc ghe kỷ vật lâu đời như vậy. Bà con giữ lại và xây riêng các nhà bảo quản, sơn sửa hằng năm, còn chiếc ghe mang ra đua và tập thì cứ vài năm lại được đóng mới, chi phí rất đắt đỏ. Chuẩn bị cho mùa đua ghe và tập luyện, rất nhiều ngôi chùa đã đóng ghe mới. 

Ghe ngo và nhịp sống đồng bằng  - Ảnh 4.

Sông Maspéro chảy qua thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng, nơi diễn ra các kỳ đua ghe ngo toàn đồng bằng. Ảnh TTH

Hoạt động văn hóa, lễ hội tín ngưỡng càng mở rộng để tạo ra sức hút, sản phẩm du lịch đặc trưng để phát triển miền đồng bằng. Các chùa cạnh tranh thanh thế, khao khát chiến thắng, và đằng sau đó cũng thể hiện sự tôn kính với các vị thần, tinh thần sùng đạo và cầu mong may mắn trong cuộc sống, trong phum sóc. 

Bình luận của bạn

Bình luận