Không chỉ toàn tin xấu, báo chí giải pháp đang trở nên phổ biến và có hiệu quả
Khi ngành báo chí đang phải đối mặt với cuộc 'khủng hoảng niềm tin' về tính xác tín, bị công nghệ và mạng xã hội áp đảo, cùng thách thức về tài chính, báo chí giải pháp được xem là sẽ mang đến một cách mới để thu hút độc giả.
Tổ chức mạng lưới báo chí giải pháp (Solution Journalism Network) cho rằng nhiều hãng tin, tờ báo lớn đã đi đầu, mở ra các chuyên mục, chương trình với các thông tin tích cực và chú trọng đến yếu tố giải pháp cho các vấn đề xã hội.
Như vậy, báo chí giải pháp không né tránh tin tức tiêu cực, mà đưa tin về các vấn đề tiêu cực theo hướng xây dựng, tìm ra giải pháp khắc phục để đem lại kết quả tích cực hơn cho cộng đồng.
Mới đây, Viện Goethe Hà Nội đã tổ chức một hội thảo được các nhà báo và chuyên gia quan tâm: "vai trò của báo chí giải pháp trong phát triển bền vững". Tại đây, các chuyên gia đào tạo báo chí thế hệ mới có dịp đề cập sâu hơn về báo chí giải pháp - một hướng đi có thể coi là giải pháp của giải pháp - tức là lấy lại niềm tin của độc giả bằng những tác phẩm báo chí chuyên sâu.
Báo chí giải pháp là gì và tại sao nên quan tâm đến báo chí giải pháp?
Chuyên gia đào tạo Nhung Nguyễn (Mạng lưới báo chí giải pháp Việt Nam) chia sẻ: Báo chí giải pháp là cách đưa tin về các nỗ lực đang được thực hiện để giải quyết các vấn đề xã hội.
Trong báo chí giải pháp, các nhà báo đưa tin về các vấn đề và giải pháp đang diễn ra một cách chặt chẽ, dự báo bằng chứng mà không ca tụng.
Một tác phẩm báo chí giải pháp cần có đủ 4 thành tố/trụ cột: Giải pháp, Bằng chứng, Hạn chế và Bài học.
Một bài báo giải pháp tập trung vào hành động, những thay đổi mang tính hệ thống. Không mô tả giải pháp như một phép nhiệm màu mà tập trung vào thực tế giải pháp đó hiệu quả và cả không hiệu quả thế nào.
Những gì đề cập trong bài báo không phải là ý tưởng, lý thuyết mà là những gì đã và đang được thực hiện trên thực tế, tránh quảng cáo, hô hào mà nêu rõ những nỗ lực đang diễn ra, ưu nhược điểm của nó để người đọc tự suy ngẫm.
Báo chí giải pháp bao gồm phản ứng trước một vấn đề xã hội cấp bách, sau đó xem xét bằng chứng về cách can thiệp đang hoạt động. Nó thực sự mời bạn tìm hiểu cách một câu trả lời tiềm năng hoặc một phản ứng tiềm năng đang hoạt động hoặc có thể hoạt động như thế nào".
Báo chí Việt Nam hiện nay còn hiếm những bài báo chí giải pháp đáp ứng được đầy đủ bốn thành tố/trụ cột này. Phần lớn chỉ dừng lại ở giới thiệu nỗ lực và ý tưởng giải quyết vấn đề một cách đơn giản, thiếu thông tin phản biện và bài học.
Nhiều bài báo còn lạc vào việc ca ngợi quá mức cá nhân tham gia vào giải pháp cải cách vấn đề xã hội. Thực tế thì độc giả sẽ quan tâm đến giải pháp được thực hiện thế nào bởi hệ thống, và hiệu quả nó mang lại, thậm chí là bài học về những thất bại.
Để triển khai một bài báo giải pháp, phóng viên cần tìm xem xã hội đang có giải pháp gì (thay vì vấn đề gì) và đến nơi kiểm chứng, phỏng vấn, thu thập dữ liệu để chứng minh về giải pháp đó hiệu quả đến mức nào (thay vì kiểm chứng vấn đề này có tồn tại và nghiêm trọng đến mức nào).
Mọi bản năng, kỹ năng nghề nghiệp của nhà báo vẫn có thể phát huy ở báo chí giải pháp. Quan trọng là nhà báo có chủ đích và chủ động đi tìm các giải pháp để viết, hay chỉ dừng lại ở bài phản ánh thông thường.
Nhà báo có thể khởi động bằng cách tìm kiếm xem những vấn đề mình hay đưa tin đang có những cố gắng giải quyết nào và đặt các câu hỏi như: Do ai làm? Tại sao họ chọn cách này? Nó có hiệu quả không và hiệu quả đến đâu? Làm sao tôi biết được nó hiệu quả thật (bằng chứng)? Có điểm nào giải pháp này chưa khắc phục được? Và nếu người/nơi khác muốn bắt chước, họ nên biết điều gì?
Và tập trung thông tin vào giải pháp đó một cách chính xác, không tâng bốc, phóng đại.
Việc triển khai báo chí giải pháp đòi hỏi sự thay đổi lớn từ phía các cơ quan báo chí và phóng viên. Đầu tư vào nguồn lực, đào tạo, và công nghệ, cùng với sự hỗ trợ và khuyến khích từ các tòa soạn, sẽ giúp báo chí giải pháp phát triển mạnh mẽ và mang lại giá trị thật sự cho xã hội. Nhà báo cần chuẩn bị sẵn sàng để đảm nhận vai trò phức tạp và đòi hỏi cao hơn trong bối cảnh báo chí hiện đại.
Để báo chí giải pháp phát triển, các cơ quan báo chí cần thực hiện một số biện pháp, như khuyến khích văn hóa làm báo giải pháp, bằng cách đào tạo chuyên sâu để nhà báo hiểu rõ cách tiếp cận và triển khai thể loại báo chí này; đưa vào chiến lược nội dung của tòa soạn, cung cấp nguồn lực tài chính-thời gian-công nghệ để phóng viên có thể thực hiện.
Bên cạnh đó là hợp tác với các tổ chức nghiên cứu, phi lợi nhuận, cộng đồng để tìm kiếm và xác minh các giải pháp hiệu quả, quảng bá mạnh mẽ các bài báo giải pháp qua các kênh truyền thông xã hội, bản tin email, và các sự kiện trực tuyến để thu hút độc giả, tạo các diễn đàn thảo luận và phản hồi từ độc giả để xây dựng cộng đồng quan tâm đến báo chí giải pháp.
Tất nhiên, lao động của nhà báo sẽ vất vả hơn nhiều khi triển khai báo chí giải pháp, nhưng cũng mang lại hiệu quả và ảnh hưởng lớn hơn. Để viết một bài báo theo hướng báo chí giải pháp, các nhà báo cần có khả năng nghiên cứu kỹ lưỡng, để tìm kiếm và xác minh các giải pháp đã và đang được triển khai thành công.
Nhà báo cần biết cách sử dụng các công cụ phân tích dữ liệu để hiểu rõ hiệu quả của các giải pháp. Nhà báo phải phỏng vấn không chỉ các chuyên gia và người thực hiện giải pháp mà còn cả những người hưởng lợi từ giải pháp đó để có cái nhìn toàn diện.
Nhà báo cũng có thể phải thực hiện các chuyến đi thực địa để quan sát trực tiếp và thu thập thông tin chính xác. Nhà báo phải thành thạo trong việc sử dụng công nghệ để tạo ra các nội dung đa phương tiện như video, podcast, và đồ họa thông tin, và phát triển kỹ năng kể chuyện để truyền tải thông tin một cách hấp dẫn và dễ hiểu...
Nhà báo cần có kỹ năng phân tích và phản biện để đánh giá hiệu quả thật sự của giải pháp và tránh những cái nhìn hời hợt; luôn đặt câu hỏi và kiểm chứng thông tin để bảo đảm tính chính xác và trung thực của bài viết.
Vấn đề là nếu phóng viên phỏng vấn một chuyên gia về giải pháp, thì đó có thể coi là báo chí giải pháp hay không? Đôi lúc phóng viên cần phân biệt, việc các chuyên gia phát biểu về giải pháp họ đưa ra khác với việc giải pháp đó đã được thực hiện như thế nào, thành bại và bài học, tiến trình giải pháp đi vào đời sống.
Nếu chỉ viết chung chung thì lại rơi vào hô hào trên giấy và rốt cục không ai thực hiện và chịu trách nhiệm cả.
4 trụ cột của báo chí giải pháp
1. Câu chuyện báo chí giải pháp tập trung vào phản ứng đối với một vấn đề xã hội - và phản ứng đó đã hoạt động như thế nào hoặc tại sao nó lại không hoạt động.
2. Các bài báo giải pháp tốt nhất chắt lọc các bài học làm cho câu trả lời phù hợp và có thể tiếp cận được với những người khác. Nói cách khác, nó cung cấp góc nhìn sâu sắc hơn.
3. Báo chí giải pháp tìm kiếm sự biện chứng - dữ liệu hoặc kết quả định tính cho thấy hiệu quả (hoặc thiếu hiệu quả). Những câu chuyện về giải pháp được đưa ra trước khán giả về bằng chứng đó - những gì nó cho chúng ta và những gì nó không. Một phản ứng đặc biệt sáng tạo có thể là một câu chuyện hay ngay cả khi không có nhiều bằng chứng - nhưng phóng viên phải minh bạch về sự thiếu sót và về lý do tại sao phản hồi lại đáng tin.
4. Các câu chuyện về giải pháp cho thấy những thiếu sót của phản ứng. Không có phản ứng nào là hoàn hảo và một số hoạt động tốt cho một cộng đồng nhưng có thể thất bại ở những người khác.
Và công bằng thì nhà báo phải có trách nhiệm minh bạch những gì không hiệu quả về về vấn đề đã đề cập và đặt câu trả lời vào ngữ cảnh. Nói cách khác, nói về về giới hạn của giải pháp là điều cần thiết, giúp độc giả không nhìn một chiều.
10 câu hỏi khi viết bài báo chí giải pháp
Giám đốc điều hành SJN David Bornstein - Mạng lưới Báo chí giải pháp đã gợi ý 10 câu hỏi khi viết bài báo chí giải pháp như sau:
Những câu hỏi này không phải là một danh sách kiểm tra, mà là những yếu tố bạn cần cân nhắc để chắc chắn hướng đi của mình.
1. Câu chuyện của bạn có giải thích nguyên nhân của một vấn đề xã hội không?
Nếu công chúng đã biết rõ về vấn đề gốc, câu hỏi này có thể không cần thiết lắm. Nhưng nếu họ vẫn chưa hiểu rõ vấn đề, còn hiểu sai hoặc coi nhẹ, thì bài báo của bạn nên giải thích nguyên nhân gốc rễ của vấn đề đó, để làm rõ các cơ hội cho những giải pháp khác nhau có thể đạt được kết quả tốt hơn.
2. Câu chuyện có trình bày một giải pháp liên quan đến vấn đề đó không?
Bạn có thể dùng câu hỏi này như một phép thử cho bài báo của bạn: nếu câu chuyện không tập trung chủ yếu vào nỗ lực giải quyết một vấn đề, thì đó không phải là dạng bài mà chúng ta gọi là báo chí giải pháp.
3. Câu chuyện có đi sâu vào quá trình giải quyết vấn đề và chi tiết cách thực hiện không?
Một trong những yếu tố khiến các câu chuyện về giải pháp trở nên đặc biệt là chúng đi sâu vào chi tiết phương thức giải quyết vấn đề.
Chúng giống như những câu chuyện trinh thám, khơi dậy trí tò mò của độc giả và dùng nó làm động cơ đưa đẩy câu chuyện - như một cuộc phiêu lưu chông gai giải quyết một thử thách.
Ví dụ nếu bạn viết một bài báo xem xét một loạt các phương pháp ở các trường trung học nhằm giảm bạo lực học đường. Câu hỏi quan trọng là: Phương pháp nào thực sự mang lại kết quả tốt hơn và chúng diễn ra trên thực tế như thế nào?
Các phương pháp mà các trường đang dùng như: tăng cường tình yêu thương, quan tâm học sinh, giải tán tổ cờ đỏ học sinh, theo dõi mạng xã hội của học sinh, tuyên truyền thường xuyên, thực hành đoàn kết, hoặc cuốn học sinh vào các hoạt động ngoại khoá khác... Thực tế các phương pháp này đã được áp dụng như thế nào? Có hiệu quả không? (Tạp chí Công dân và Khuyến học từng có nhiều bài phân tích kỹ lưỡng các vấn đề này).
Nếu nhà báo biết cách kể chuyện hay, độc giả sẽ bị cuốn hút bởi các câu hỏi như: làm thế nào? làm thế hiệu quả không, tác động lâu dài là gì?... Độc giả sẽ muốn hiểu “vụ án” đã được phá như thế nào. Xin nhắc rằng truyện trinh thám là một trong những hình thức kể chuyện phổ biến nhất trên hành tinh. Các nhà báo có thể tận dụng nó.
4. Liệu quá trình giải quyết vấn đề có là trọng tâm của mạch câu chuyện không?
Báo chí giải pháp, giống như tất cả các dạng báo chí, có các nhân vật vật lộn với thử thách, thử nghiệm, thành công, thất bại, rút ra bài học. Như đã lưu ý ở trên, nếu câu chuyện của bạn được dẫn dắt bởi hành trình giải quyết vấn đề đầy hấp dẫn và có ý nghĩa, thì câu chuyện có thể sẽ thu hút sự chú ý của khán giả.
Vậy “căng thẳng”/thế giằng co và cao trào trong câu chuyện đến từ đâu? Nó xuất phát từ cam go cố hữu trong quá trình giải quyết một thử thách nan giải - tức là tất cả những rào cản, trở ngại, chông gai khiến cho vấn đề trở nên khó giải quyết - chứ không phải đến từ những yếu tố như một cuộc xung đột bị đơn giản hoá thành nhị phân trắng-đen tà-chính, phe này nói gì phe kia cãi khác.
5. Có bằng chứng về kết quả liên quan đến báo chí giải pháp hay không?
Các nhà báo thường không thích phải đứng ra “chọn người chiến thắng” - và đúng là nên vậy. Tuy nhiên, nhà báo sẽ cần đưa ra lựa chọn nơi nào và khi nào nêu bật một giải pháp hơn những giải pháp còn lại.
Nếu bạn đang xem xét một lối tiếp cận mới trong cung cấp dịch vụ y tế cho những vùng thu nhập thấp hoặc một chương trình nhằm tăng khả năng tiếp cận đại học, thì câu hỏi có thể là: Đó có phải là một lối tiếp cận hấp dẫn? Nó có thực sự mới không? Nó có liên quan, phù hợp với khán giả của tôi không? Nó có đặt ra những câu hỏi hoặc lo ngại mới lạ thú vị không? Nó có hiệu quả về mặt chi phí không?
Tuy nhiên, về cốt lõi mà nói, câu hỏi quyết định phải là: Liệu giải pháp đó có thực sự tạo ra kết quả không? Và nếu vậy thì làm sao chúng ta biết được? Câu trả lời là: dựa vào bằng chứng. Có nhiều dạng "bằng chứng" - bằng chứng mềm như những quan sát hoặc câu chuyện, trải nghiệm cá nhân, và những dạng đáng tin cậy hơn, như những nghiên cứu có kiểm soát ngặt nghèo. Câu chuyện về giải pháp phải làm rõ bằng chứng liên quan đến tất cả những hiệu quả, tác dụng được nêu trong câu chuyện.
Vì báo chí thường đưa tin trong thời gian thực, khi sự việc đang diễn ra, nên chúng ta đôi khi sẽ không có ngay bằng chứng vững chắc về nhiều câu chuyện mà mình đang viết. (Chúng ta thường chỉ có bằng chứng đáng tin cậy về một sự việc nào đó sau một thời gian nhất định, và chỉ có bằng chứng thực sự thuyết phục sau một khoảng thời gian đáng kể).
Phần lớn, bằng chứng mà các nhà báo có trong tay khi tác nghiệp chỉ là tạm thời, khiêm tốn hoặc không đầy đủ. Chúng ta chỉ có thể làm tốt nhất với những gì mình có. Quan trọng là không được nói quá, cường điệu: hãy cho khán giả hiểu mức độ bằng chứng hiện có tại thời điểm này - dù yếu hay mạnh - và tiếp tục theo dõi và đưa tin khi có thêm bằng chứng xác đáng hơn, bất kể là nó hỗ trợ hay gây nghi ngờ về các tuyên bố ban đầu trong câu chuyện.
6. Câu chuyện có giải thích được những hạn chế của giải pháp không?
Trên đời không có lời giải hay giải pháp cho một vấn đề xã hội mang tính triệt để.
Mọi nỗ lực giải quyết, ứng phó với vấn đề đều có những hạn chế, những bất định, chi phí cơ hội (người ta luôn có thể dành những nguồn lực này cho một việc khác hay cách làm khác), những hạn chế về chính trị và tài chính...
Đôi khi, “giải pháp” hiệu quả nhất lại là phiên bản hoành tráng siêu đắt đỏ của một chương trình không thể mở rộng quy mô; đôi khi một chính sách đúng đắn có thể giúp ích ở một số lĩnh vực nhưng lại gây ra thụt lùi ở những lĩnh vực khác hoặc tạo ra những tác dụng phụ ngoài ý muốn.
Cuộc sống rất phức tạp và không có câu trả lời dễ dàng. Điều thú vị về báo chí giải pháp là những câu chuyện này có thể nêu bật và “người hóa” những nỗ lực giảm thiểu vấn đề trong thế giới thực - cho thấy việc khắc phục mọi thứ khó đến mức nào và ta có thể học được gì từ những nỗ lực cẩn thận chu đáo, cho dù chúng có thành công hay không.
Điều này có thể nâng cao hiểu biết cho những chuyên gia làm việc tại văn phòng chính phủ, doanh nghiệp hoặc các tổ chức công, như bệnh viện hoặc trường học, để chúng ta biết khi nào nên buộc họ phải chịu trách nhiệm về hiệu quả hoạt động yếu kém, sơ suất và gây thiệt hại, khi nào cần nêu bật những lợi ích có ý nghĩa và khi nào cần thừa nhận một cách hợp lý rằng những nỗ lực có mục đích tốt thường không phải lúc nào cũng mang lại kết quả như mong muốn.
7. Câu chuyện truyền tải được hiểu biết sâu sắc nào hay bài học nào không?
Yếu tố khiến báo chí giải pháp thu hút và thuyết phục nhất là nó đem lại cơ hội khám phá thực sự - cơ hội đưa người đọc hoặc người xem bước vào một hành trình khám phá sâu phương cách thế giới vận hành và, nếu có thể, cách để nó vận hành tốt hơn.
Thông thường, những hiểu biết sâu sắc này được bộc lộ trong câu chuyện kể về hành trình giải quyết vấn đề, qua những chi tiết tưởng chừng như nhỏ nhặt. Một chương trình ở các trường công lập nhằm hỗ trợ những học sinh gặp khó khăn về tâm lý và cảm xúc có thể tạo ra những kết quả đáng chú ý vì giáo viên bắt đầu hiểu được khác biệt giữa “lưu ý” hay “lưu tâm” tới những học sinh này.
Tỷ lệ lây nhiễm ở bệnh viện giảm do nhân viên học được thói quen dán băng dính màu vàng lên tường để nhắc nhở nhau về cao độ nâng cao giường phù hợp cho bệnh nhân cao tuổi dùng máy thở. Từ những chi tiết này, người ta có thể rút ra các mô hình, công thức, hoặc nguyên tắc - đôi khi người ta có thể từ tiểu tiết suy rộng những hiểu biết sâu sắc hữu ích về hành vi của con người hoặc cách điều chỉnh các hệ thống để chúng hoạt động tốt hơn.
8. Câu chuyện trong bài báo chí giải pháp có giống bài quảng cáo hay tán tụng quá đà không?
Cái bẫy tiềm ẩn lớn nhất của báo chí giải pháp là nó có thể bị biến thành một loại bài “ấm lòng" hoặc “tin tốt lành”, hơn là một nguồn kiến thức về cách giải quyết vấn đề được xem xét bằng các biện pháp nghiệp vụ báo chí kỹ lưỡng, nghiêm túc, phản biện. Tuyệt đối không nên lợi dụng dạng báo chí này để phác hoạ một ai là “anh hùng” hay “những người có tầm nhìn”, hoặc nhằm ủng hộ hay tôn vinh những mô hình, tổ chức hoặc ý tưởng nào.
9. Câu chuyện có dựa trên những nguồn tin, nhân vật có trải nghiệm thực địa hay chỉ dựa vào những đánh giá chuyên môn trên cao?
Báo chí về giải pháp trở nên sống động khi nó được tạo dựng trên những quan sát, hiểu biết sâu sắc về cách thực hiện (how-to) từ những người làm việc ngoài “mặt trận", họ là những người có kiến thức và trải nghiệm thực tế cũng như biết chi tiết về cách triển khai.
Như đã đề cập ở trên, chính những chi tiết này - những thông tin sâu về quá trình giải quyết vấn đề - là yếu tố khơi tò mò, dẫn dắt câu chuyện đi tiếp và thường mang lại những hiểu biết thú vị và liên quan nhất cho khán giả.
10. Câu chuyện có tập trung vào nỗ lực giải quyết hơn là vào nhân vật lãnh đạo/người đổi mới/người làm điều tốt không?
Một lần nữa, chúng ta dị ứng với những thứ gọi là “tin tốt lành”. Những câu chuyện “tin tốt lành, ấm lòng” có xu hướng tôn vinh các cá nhân và những hành động truyền cảm hứng. Điều này có thể làm suy yếu vai trò báo chí bằng cách thúc đẩy những kỳ vọng phi thực tế, đơn giản hóa quá mức những khó khăn hoặc xuyên tạc chân dung và những đòi hỏi của thay đổi xã hội thực chất.
Đó là lý do tại sao các tin bài “tin tốt” nhàn nhạt thường phát và đăng vào các buổi chiều thứ Sáu hoặc quanh kỳ nghỉ lễ.
Ngược lại, báo chí giải pháp là một phần gắn liền với tin tức hàng ngày, về những hoạt động phản hồi, phản ứng thường nhật mà xã hội cần liên tục tự điều chỉnh. Nó nói về cách mọi người đang cố gắng thích ứng với những vấn đề mới và đáp ứng những nhu cầu thay đổi liên hồi, cũng như những bài học có thể học được từ những nỗ lực đó.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google