Khối ngoại xuống tiền mạnh trên sàn chứng khoán
Những đà giảm sâu gần đây của thị trường chứng khoán ảnh hưởng mạnh tới tâm lý nhà đầu tư trong nước, ngược lại thị trường đã trở nên hấp dẫn với các nhà đầu tư ngoại, đặc biệt là các quỹ quốc tế.
Động lực từ sự trở lại của dòng vốn ETF
Cập nhật đến ngày 11/11, số lượng chứng chỉ lưu ký (DR - Depositary Receipt) FUEVFVND01 do các nhà đầu tư nắm giữ trên sàn chứng khoán Thái Lan đã tăng lên 134,73 triệu đơn vị. Trong vỏn vẹn 3 tháng, quy mô lượng chứng chỉ lưu ký đã tăng hơn 71%.
Điểm đáng chú ý là động thái mua vào quyết liệt của nhà đầu tư trên sàn chứng khoán Thái Lan diễn ra khi giá chứng chỉ quỹ FUEVFVND liên tục lao dốc do loạt cổ phiếu thành phần chiếm tỷ trọng lớn trong rổ VNDiamond giảm sâu, nhất là MWG. Vốn hóa thị trường quỹ DR FUEVFVND01 tại ngày 11/11 đạt 4,11 tỷ baht (hơn 2.880 tỷ đồng), tăng 21,6% so với thời điểm 3 tháng trước. Đối với quỹ DR E1VFVN3001, lượng chứng chỉ quỹ tăng 25% lên gần 226,5 triệu đơn vị, nhưng vốn hóa thị trường giảm 12,7% cũng do giá chứng chỉ quỹ rơi sâu.
Bên cạnh làn sóng gom chứng chỉ quỹ ETF Việt Nam trên đất Thái, Fubon FTSE Vietnam ETF - quỹ hoán đổi danh mục từ Đài Loan (Trung Quốc) sử dụng chỉ số tham chiếu là FTSE Vietnam 30 Index cũng huy động được dòng tiền mới và đang giải ngân mạnh.
Theo thống kê của Bộ phận Phân tích Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research), dòng vốn ETF tháng 10 là một trong những tháng thành công của các quỹ ETF với tổng giá trị dòng vốn vào ròng lên đến 3.134 tỷ đồng, cao thứ hai kể từ đầu năm 2022. Lũy kế trong 10 tháng đầu năm, các quỹ ETF đã thu hút thêm 11.412 tỷ đồng.
Nhiều quỹ ETF lớn đã ghi nhận sự đảo chiều của dòng tiền sau nhiều tháng bị rút ròng và đón nhận lượng vốn vào khá tốt như VNDiamond (+835 tỷ đồng), VFM VN30 (+566 tỷ đồng), VanEck (+516 tỷ đồng). Bên cạnh đó, quỹ Fubon vẫn duy trì tốc độ giải ngân liên tục kể từ đầu năm 2022 và ghi nhận giá trị vào ròng 1.314 tỷ đồng trong tháng 10.
Không riêng giao dịch tại các quỹ ETF, khối ngoại cũng giải ngân mạnh vào một số mã cổ phiếu. Trong phiên giao dịch từ 7/11 đến 14/11, khối ngoại liên tục mua ròng với tổng giá trị gần 6.330 tỷ đồng.
Động lực mua ròng mạnh của khối ngoại mở ra hy vọng về khả năng tạo đáy ngắn hạn cho thị trường tại vùng điểm hiện tại. Cũng cần nhấn mạnh rằng dòng vốn khối ngoại gần đây có đóng góp không nhỏ từ các quỹ ETF, hàng nghìn tỷ đồng vẫn đang đổ vào chứng khoán Việt Nam qua kênh này.
Nổi bật là Fubon ETF khi mua ròng khoảng 2.500 tỷ đồng trong vòng nửa đầu tháng và tập trung vào các cổ phiếu trụ cho thấy dòng vốn đầu tư từ Đài Loan (Trung Quốc) vẫn đánh giá cao triển vọng đi lên trong dài hạn của chứng khoán Việt Nam. Ngoài ra, Diamond ETF và VN30 ETF cũng đã hút ròng hàng trăm tỷ đồng.
Thậm chí còn lạc quan hơn Fubon ETF, Jih Sun Vietnam Opportunity Fund - một "tân binh" đến từ Đài Loan (Trung Quốc) đánh giá Việt Nam như viên kim cương của châu Á, đang phát triển nhanh chóng một cách đáng kinh ngạc với 4 yếu tố vượt trội là tăng trưởng kinh tế, dân số, vốn nước ngoài và thị trường chứng khoán.
Một số cổ phiếu từng là "tâm điểm" bị bán ròng trước đây cũng đã được khối ngoại giải ngân trở lại như cổ phiếu Hòa Phát. Trong khi nhóm cổ phiếu bất động sản giao dịch tiêu cực, cổ phiếu KDH của Khang Điền lại là điểm sáng mua vào khối ngoại khi được quỹ thuộc VinaCapital mua thỏa thuận 10 triệu cổ phiếu. Dragon Capital cũng đã chính thức trở thành cổ đông lớn của FPT Retail khi sở hữu gần 6,2 triệu cổ phiếu FRT từ ngày 11/11.
Tỷ giá tăng, giá cổ phiếu lại về vùng hấp dẫn
Không chỉ mạnh tay giải ngân khi giá chứng khoán lao dốc, hoạt động mua vào của khối ngoại còn diễn ra trong bối cảnh đồng nội tệ của Việt Nam đã mất giá mạnh so với USD kể từ ngày 7/10 - thời điểm Ngân hàng Nhà nước quyết định nới biên độ tỷ giá từ 3% lên 5%.
Về lý thuyết, đồng USD tăng mạnh so với nội tệ sẽ có tác động tiêu cực tới dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng. Tuy nhiên, theo ông Đinh Quanh Hinh, Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô và Chiến lược thị trường (Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect), tỷ giá dù là một yếu tố quan trọng, nhưng không phải là yếu tố quyết định tới việc giải ngân của khối ngoại.
Thực tế, kể từ ngày 7/10, số phiên mua ròng của khối ngoại lại áp đảo, chiếm 2/3 tổng số phiên giao dịch. Nếu không kể lệnh bán ròng lớn nhất ở cổ phiếu Eximbank với riêng giao dịch thỏa thuận hôm 28/10 là hơn 2.900 tỷ đồng, nhiều cổ phiếu đón lực mua lớn của khối ngoại.
Theo nhận định của VNDirect, tâm lý của khối nội vẫn tương đối yếu trong bối cảnh một số doanh nghiệp phải đối mặt với khó khăn thanh khoản ngắn hạn và phiên đáo hạn phái sinh tháng 11 sẽ diễn ra vào ngày mai (17/11). Trước sức ép bán ra từ khối nội, lực mua ròng từ khối ngoại được kỳ vọng phần nào đỡ lại đà bán tháo hay lệnh bán giải chấp từ nhà đầu tư nội.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google