Khoảng 7,8 triệu người Việt bị viêm gan B mạn tính và 1 triệu người bị viêm gan C

PV
10:23 - 22/07/2022
Công dân & Khuyến học trên

Ước tính có khoảng 7,8 triệu người Việt Nam bị viêm gan B mạn tính và 1 triệu người bị viêm gan C. Viêm gan diễn biến thầm lặng nhưng hậu quả khôn lường

Viêm gan: Hãy hành động ngay không thể chờ đợi

Việt Nam đứng thứ 5 trên toàn cầu và thứ 4 trong khu vực Tây Thái Bình Dương về tỉ lệ tử vong do ung thư gan. Đặc biệt, Việt Nam là một trong số ba quốc gia ở Khu vực Tây Thái Bình Dương có số người nhiễm virus viêm gan B và C mạn tính cao nhất.

Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo: "Viêm gan: Hãy hành động ngay không thể chờ đợi".

Viêm gan - căn bệnh diễn biến thầm lặng nhưng hậu quả nghiêm trọng - Ảnh 1.

Tiến sĩ Vương Ánh Dương cho biết, Bộ Y tế đã ban hành đầy đủ hướng dẫn chẩn đoán, điều trị các bệnh viêm gan virus B và C. Ảnh: Sức khỏe và Đời sống

Phát biểu tại buổi lễ Hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống viêm gan (28/7) tổ chức tại Hà Nội ngày 20/7, Tiến sĩ Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, viêm gan virus B đã có vaccine phòng bệnh và hiện nay đã có thuốc điều trị. Việc điều trị viêm gan B bằng thuốc kháng virus có hiệu quả cao để làm chậm tiến triển đến xơ gan và giảm tỉ lệ mắc ung thư gan và cải thiện tỉ lệ sống kéo dài. Đối với viêm gan virus C, tuy chưa có vaccine dự phòng, nhưng việc điều trị đã có những tiến bộ vượt bậc, có thể điều trị khỏi trong vòng 3 - 6 tháng.

Để phòng chống viêm gan virus B, C, Bộ Y tế đã ban hành đầy đủ hướng dẫn chẩn đoán, điều trị các bệnh viêm gan virus B (Quyết định số 3310/QĐ-BYT ngày 29/7/2019), viêm gan virus C (Quyết định số 2065/QĐ-BYT ngày 29/4/2021). Bên cạnh đó, vaccine phòng viêm gan virus B đã được đưa vào chương trình Tiêm chủng mở rộng từ những năm 1997.

Về khả năng tiếp cận với thuốc điều trị viêm gan virus B, C, Phó Cục trưởng Vương Ánh Dương cho biết, đối với viêm gan B, thuốc điều trị đã được Bảo hiểm y tế chi trả như các thuốc điều trị khác và tương đối phổ biến từ tuyến huyện trở lên.

Tiến sĩ Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế
Điều trị không chỉ để phòng ngừa diễn biến của viêm gan, ngăn ngừa xơ gan, ung thư gan và tử vong mà còn để ngăn ngừa lây truyền viêm gan B và C trong cộng đồng.

Thuốc kháng virus trực tiếp điều trị viêm gan C được quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán mức 50% tại tuyến tỉnh và Trung ương. Bên cạnh đó, khả năng tiếp cận xét nghiệm tải lượng virus để chỉ định điều trị cho người bệnh đã sẵn có tại cơ sở y tế từ tuyến tỉnh trở lên.

Hiện Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cùng các đơn vị liên quan đã và đang nỗ lực để dự phòng lây nhiễm viêm gan virus B, C và tham mưu cho lãnh đạo Bộ Y tế xây dựng các chính sách để giảm chi phí điều trị cho người bệnh viêm gan virus B, C. Đặc biệt là để người bệnh viêm gan virus C có thể tiếp cận với các loại thuốc mới có hiệu quả cao, nhanh chóng được chữa khỏi bệnh.

Viêm gan B và C là những bệnh diễn biến thầm lặng, kéo dài nhưng hậu quả lại rất nghiêm trọng. Vì vậy, người dân cần chủ động dự phòng, xét nghiệm để phát hiện sớm, đặc biệt là những người có nguy cơ cao.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo mỗi người dân Việt Nam cần biết bảo vệ mình và gia đình mình khỏi căn bệnh viêm gan virus, hãy đảm bảo thế hệ con cháu chúng ta không bị viêm gan B bằng việc đưa trẻ đi tiêm phòng viêm gan B đầy đủ, đúng lịch của chương trình tiêm chủng mở rộng. Hãy chủ động thực hiện xét nghiệm kiểm tra viêm gan virus để được điều trị sớm. 

Bệnh viêm gan virus

Bệnh viêm gan virus là bệnh truyền nhiễm phổ biến gây ra hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe và tử vong do các biến chứng của viêm gan virus. Nhiễm virus viêm gan cấp tính thường không có triệu chứng hoặc có thể biểu hiện không rõ ràng, những trường hợp nặng có thể gây ra suy gan cấp hoặc diễn biến kéo dài dẫn đến viêm gan mạn, xơ gan và ung thư gan. 

Viêm gan - căn bệnh diễn biến thầm lặng nhưng hậu quả nghiêm trọng - Ảnh 3.

Biến chứng của bệnh viêm gan virus. Ảnh: Bệnh viện Minh Anh

Có 5 loại viêm gan virus, mặc dù chúng đều gây ra bệnh gan, nhưng chúng khác nhau ở những cách thức quan trọng bao gồm phương thức lây truyền, mức độ nghiêm trọng của bệnh, phân bố địa lý và cách phòng ngừa, trong đó viêm gan virus B và C lây truyền qua đường máu và dịch thể, tương tự với đường lây truyền HIV; viêm gan virus D chỉ lây truyền khi có mặt viêm gan B, và có đường lây truyền tương tự. Viêm gan virus A và E lây qua đường phân - miệng do thức ăn, nước uống và thực hành vệ sinh không đầy đủ. 

Tổ chức y tế thế giới ước tính có khoảng 325 triệu người trên toàn thế giới sống chung với bệnh viêm gan B và/hoặc C. Theo WHO, có khoảng 4,5 triệu ca tử vong sớm có thể được ngăn chặn ở các nước thu nhập thấp và trung bình vào năm 2030 thông qua tiêm chủng, xét nghiệm chẩn đoán, thuốc men và các chiến dịch giáo dục.

Viêm gan B hay C nguy hiểm hơn?

Xét về yếu tố truyền nhiễm, viêm gan B có khả năng phát tán cao hơn viêm gan C trong cộng đồng dẫn đến tỉ lệ người nhiễm virus viêm gan B cũng cao hơn. Trên thế giới ước tính có đến gần 1/3 dân số mắc bệnh viêm gan B, có khoảng 170 triệu người bình thường mang trong mình virus HCV và 3% dân số mắc bệnh viêm gan C mỗi năm.

Viêm gan - căn bệnh diễn biến thầm lặng nhưng hậu quả nghiêm trọng - Ảnh 4.

Virus viêm gan C (trái) và virus viêm gan B (phải). Ảnh: Medlatec

Về triệu chứng, viêm gan C khó nhận biết hơn viêm gan B do người bị viêm gan C da ít bị vàng hơn. Viêm gan C có những biểu hiện rất mơ hồ như sốt, mệt mỏi, chán ăn, đau vùng hạ sườn phải… Viêm gan C chỉ được phát hiện vô tình, hoặc khi tiến triển nặng.

Viêm gan - căn bệnh diễn biến thầm lặng nhưng hậu quả nghiêm trọng - Ảnh 5.

Triệu chứng thường gặp của viêm gan B. Ảnh: Ipreg

Khoảng hơn 80% người khi bị nhiễm virus viêm gan C tiến triển sang giai đoạn mạn tính, rất khó để miễn dịch cơ thể tự tiêu diệt virus.

Viêm gan - căn bệnh diễn biến thầm lặng nhưng hậu quả nghiêm trọng - Ảnh 6.

Triệu chứng của viêm gan C. Ảnh: Bệnh viện Thu Cúc

Nếu mắc viêm gan B có thể chủ động phòng tránh bằng tiêm vaccine và điều trị bằng thuốc. Trong khi đó, virus viêm gan C khu trú ở ARN (đây là tế bào đích của siêu vi C), có khả năng gây đột biến gen nên rất khó để tìm ra vaccine phòng ngừa. Viêm gan C chủ yếu điều trị bằng thuốc dạng tiêm dưới da Interferon rất tốn kém và khiến cơ thể mệt mỏi.

Như vậy, theo các chuyên gia, viêm gan C có mức độ nguy hiểm cao hơn so với viêm gan B.

Cách chủ động phòng tránh viêm gan B và C

- Không lạm dụng, uống nhiều rượu bia, thuốc lá, đồ uống có gas, có cồn.

- Không nên ăn thực phẩm chế biến sẵn, nhiều dầu mỡ, gây hại cho gan.

- Khi sử dụng thuốc bài tiết ở gan cần có sự tư vấn và hướng dẫn của bác sĩ.

- Tiến hành tiêm vaccine viêm gan B đầy đủ, đúng lịch.

- Quan hệ tình dục an toàn, lành mạnh, sử dụng biện pháp bảo vệ đầy đủ.

- Tuyệt đối không sử dụng chung các vật dụng sinh hoạt cá nhân như: Bàn chải, dao cạo râu, cắt móng, bông ngoáy tai..

- Nếu xăm hình, xăm môi, lông mày…nên tiến hành ở cơ sở uy tín, dụng cụ xăm được khử trùng tuyệt đối.

- Nên ăn nhiều rau xanh, hoa quả, dầu thực vật, uống nhiều nước.

- Thường xuyên tập thể dục thể thao, tham gia hoạt động ngoài trời, nâng cao sức đề kháng cho cơ thể.

- Hạn chế căng thẳng, giữ cho tinh thần luôn vui vẻ.

- Thăm khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm bệnh trong cơ thể.

Tại Việt Nam, vaccine viêm gan B liều sơ sinh được triển khai trong Chương trình tiêm chủng mở rộng từ năm 2005. Vaccine viêm gan B được đánh giá rất an toàn và đã được tiêm chủng ở nhiều nước trên thế giới.

Liều đầu tiên được khuyến cáo trong vòng 24 giờ sau khi sinh. Chủng ngừa viêm gan B cho cả những người có chức năng miễn dịch kém như: HIV/AIDS và những trường hợp sinh non.

Tiêm phòng vaccine viêm gan B được xem là biện pháp hữu hiệu và an toàn nhất phòng tránh những biến chứng nghiêm trọng do virus viêm gan B gây ra.

Nguồn: Tổng hợp
Bình luận của bạn

Bình luận