Viêm gan bí ẩn có phải do vaccine?

BS Nguyễn Văn
12:06 - 29/06/2022
Công dân & Khuyến học trên

Từ 1.10.2021, bang Alabama đã báo cáo Cơ quan phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Mỹ 9 ca viêm gan lạ, cấp tính, nặng đầu tiên ở trẻ 1 - 6 tuổi không phải do virus viêm gan A, B, C… Các ca này dương tính với Adenovirus - một trong những loại virus gây cảm cúm ở người.

Trước đó, các trẻ này khỏe mạnh, không có bệnh nền, sau viêm gan phục hồi tốt. 

Viêm gan bí ẩn có phải do vaccine? - Ảnh 1.

Trẻ khỏe mạnh bình thường và trẻ bị vàng da - Việt Nam chưa có ca viêm gan lạ nào nhưng phải cảnh giác.

Đến 27.4.2022, toàn cầu có khoảng 200 ca bệnh: Anh: 111 ca; Israel: 12 ca; Liên minh châu Âu có 55 ca bệnh, ở Áo, Bỉ, Pháp, Đức, Đan Mạch, Ireland, Ý, Hà Lan, Romania, Ba Lan, Tây Ban Nha, Na Uy. Cơ quan phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu nói các bệnh nhi trong độ 01 tháng - 16 tuổi và không ca nào dương tính với virus viêm gan A, B, C, D, E (các virus chính gây nhiều viêm gan nhất). 

Ngày 2.5, Indonesia thông báo trong tháng 4, 3 bệnh nhi nước này tử vong vì viêm gan lạ. Một bé 10 tháng tuổi ở Singapore viêm gan cấp, xét nghiệm âm tính với các virus viêm gan A, B, C, D, E. Ít nhất 7 bang của Mỹ có hơn 20 ca viêm gan lạ nặng... Đến 12.5, Mỹ đã có hơn 110 ca viêm gan lạ ở 25 bang, với trên 50% số ca do Adenovirus. Khoảng 90% ca viêm gan này phải nhập viện; 14% cần ghép gan và đã có 5 tử vong. 

Cùng thời điểm, ở Anh con số này là 176, có 10 trẻ cần ghép gan; cũng với hơn nửa dương tính với Adenovirus. Toàn cầu trên 450 ca và vẫn tăng, 26 ca phải ghép gan, 12 tử vong, với hơn nửa dương tính với Adenovirus. Nôn mửa, tiêu chảy, đau bụng thường là triệu chứng khởi đầu, sau đó xuất hiện vàng da, vàng mắt, gan to; có thể sốt hoặc không; xét nghiệm men gan tăng cao… 

Ngày 8.5, Indonesia thông báo ca tử vong thứ 4 do viêm gan lạ; 10.5, Hàn Quốc thông báo ca bệnh đầu tiên; 12.5 Nhật thông báo 7 ca…

Theo Tổ chức Y tế thế giới và Cơ quan kiểm soát dịch bệnh châu Âu, khoảng 75% ca bệnh ở Anh và 50% ở Scotland dương tính với Adenovirus. Có 6 ca dương tính với virus Epstein-Barr (Herpesvirus 4 - họ Herpesviridae - loại virus phổ biến nhất ở người, gây các nốt herpes (chứa dịch trong) ở miệng, môi, dương vật, bìu, âm đạo, hậu môn…) và 4 ca dương tính với Enterovirus (một chi virus gồm nhiều loài thuộc họ Picornaviridae, vào cơ thể bằng đường ruột, cư trú ở hầu họng và phân; gây bệnh đường ruột, hô hấp, não, màng não, tim, mắt…).

Adenovirus là một loài thuộc họ Adenoviridae, phát hiện từ năm 1953, có 2 nhóm chính gây bệnh ở chim và động vật có vú; với người là bệnh đường hô hấp, tiêu hoá, mắt (sốt, đau họng, viêm phế quản, mắt đỏ; tiêu chảy, đau bụng...). 

Như vậy, còn khoảng 25 - 50% các ca viêm gan lạ chưa rõ nguyên nhân! 

Từ trước chúng ta đã biết những virus này có thể gây viêm gan nhưng rất hiếm, chẳng hạn Adenovirus chỉ gây viêm gan ở người suy giảm miễn dịch, có thể làm suy gan nặng, phải ghép gan hoặc tử vong. 

Nhưng hiện trẻ khỏe mạnh cũng viêm gan do Adenovirus với tỷ lệ cao hơn trước đây; tỷ lệ bệnh nặng và phải ghép gan cũng cao hơn, trong khi viêm gan (mọi nguyên nhân) ở trẻ em thường rất hiếm - là những vấn đề chưa thể giải thích. 

Một nghi vấn là vaccine COVID-19 loại dùng Adenovirus làm vector (triệt tiêu khả năng nhân lên, gây bệnh… của Adenovirus, dùng nó như chiếc "xe" vận chuyển protein gai của COVID-19, để hệ miễn dịch cơ thể nhận diện protein gai, sinh kháng thể) là nguyên nhân gây viêm gan lạ. 

Tuy nhiên, Adenovirus dùng điều chế vaccine COVID-19 là chủng lấy từ Hắc tinh tinh, còn Adenovirus gây viêm gan lạ được xác định là chủng ở người (các ca viêm gan lạ ở Alabama đều dương tính với Adenovirus type 41 - Adenovirus có 57 type, type 40, 41 gây tiêu chảy cấp ở trẻ em). 

Mặt khác, vaccine vector không dùng tiêm cho trẻ nhỏ mà thường là vaccine của Pfizer-BioNTech hay Moderna - loại vaccine mRNA (ARN thông tin) hay vaccine acid Ribonucleic. Loại vaccine này chỉ cung cấp các bản sao mRNA của COVID-19 để hệ miễn dịch cơ thể nhận diện, sinh kháng thể. 

Chưa hết, với công nghệ hiện nay thì "vector" không thể hồi phục khả năng gây bệnh. Vì thế nghi ngờ vaccine gây viêm gan lạ là không có căn cứ. 

Nghi ngờ vaccine gây viêm gan lạ là không có căn cứ

Vương quốc Anh thì loại vaccine COVID-19 là nguyên nhân gây bệnh, vì họ không thấy bệnh nhi viêm gan lạ nào đã tiêm vaccine. Tổ chức Y tế thế giới cũng nói rằng đại đa số trẻ viêm gan lạ chưa được tiêm vaccine. Giáo sư Nhật Hiroshi Nisura còn nghi ngờ vai trò kích hoạt của COVID vì thấy nhiều trẻ nhỏ viêm gan lạ ở Anh, Mỹ trước đã nhiễm biến chủng Omicron. 

Một số nhà nghiên cứu thấy khoảng 10 - 20% số trẻ viêm gan lạ đã thống kê đã mắc COVID-19, nhưng với tỷ lệ thấp như vậy chưa thể nói rối loạn miễn dịch hậu COVID là nguyên nhân thuận lợi cắt nghĩa đầy đủ viêm gan lạ. 

Các nhà khoa học Israel đưa ra giả thuyết hệ miễn dịch phản ứng kém hoặc quá mức gây ra tự miễn (làm viêm đa hệ thống ở trẻ em) có thể là nguyên nhân viêm gan cấp. Giới chuyên môn hiện nghiêng về hướng Adenovirus đã đột biến, nhưng chưa thấy một nghiên cứu nào được công bố.

Việt Nam chưa có ca viêm gan lạ nào nhưng phải cảnh giác vì bệnh làm suy gan, phải ghép gan là không hề nhẹ.


Bình luận của bạn

Bình luận