Khoảng 70.000 giáo viên Hàn Quốc dự định sẽ đình công, tham gia biểu tình vào ngày 4/9
Nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình khi tham gia giảng dạy, đồng thời tưởng nhớ nữ đồng nghiệp trẻ quá cố, khoảng 70.000 giáo viên Hàn Quốc dự định sẽ đình công để tham gia biểu tình vào ngày 4/9.
Lý do giáo viên Hàn Quốc dự định đình công để tham gia biểu tình
Bất chấp việc cảnh báo sẽ bị Chính phủ kỷ luật, khoảng 70.000 giáo viên Hàn Quốc đang chuẩn bị một cuộc biểu tình lớn vào ngày 4/9 với khẩu hiệu "1 ngày nghỉ làm giáo viên". Theo tờ The Korea Herald, cuộc biểu tình này nhằm yêu cầu Quốc hội Hàn Quốc thông qua dự luật cho phép giáo viên miễn trừ khỏi các cáo buộc lạm dụng quyền trẻ em.
Đồng thời, cuộc biểu tình cũng nhằm tưởng nhớ đến sự ra đi của một nữ giáo viên tiểu học (23 tuổi) đã tự tử trong lớp học của mình ở quận Seocho, Seoul (Hàn Quốc) vào tháng trước. Bởi cái chết của giáo viên trẻ này được cho là do là cô đã bị phụ huynh học sinh quấy rối và đe dọa trong thời gian dài.
Theo pháp luật Hàn Quốc, giáo viên là công chức nhà nước được quyền nghỉ phép hoặc nghỉ ốm và không được phép tiến hành đình công tập thể. Vì vậy, các giáo viên tại quốc gia này dự định sẽ lấy lý do bị ốm để nghỉ làm vào thứ 2 (ngày 4/9) và tổ chức đình công.
Trước động thái này của các giáo viên, Bộ Giáo dục Hàn Quốc mới đây đã khẳng định: "Tham gia biểu tình bằng cách xin nghỉ ốm là một cuộc đình công bất hợp pháp".
Theo Bộ Giáo dục Hàn Quốc, ngoài lý do bị ốm, nếu hiệu trưởng của các trường học đồng ý cho giáo viên trường mình nghỉ một ngày và để cuộc đình công diễn ra, họ sẽ có thể bị kỷ luật nghiêm khắc, bao gồm việc sa thải, thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự. Bên cạnh đó, những giáo viên nghỉ làm để tham gia biểu tình sẽ mặc nhiên được cho là tự ý bỏ làm.
Ngoài ra, Bộ Giáo dục Hàn Quốc cho rằng, việc tưởng niệm nữ giáo viên quá cố có thể được thực hiện vào buổi tối sau giờ học hoặc bằng cách gửi lời chia buồn trực tuyến. Đồng thời nhấn mạnh rằng, tất cả những giáo viên tham gia đình công sẽ bị xử lý nghiêm minh.
"Tôi đồng ý rằng chúng ta nên tưởng nhớ về sự ra đi của cô giáo. Nhưng cuộc biểu tình của giáo viên có thể được cho là hành động liên quan đến chính trị. Vì vậy, các giáo viên không nên tham gia đình công", Bộ trưởng Bộ Giáo dục Hàn Quốc Lee Ju-ho nói.
Thêm vào đó, ông Lee Ju-ho cũng bày tỏ lo ngại việc giáo viên nghỉ phép theo cách này có thể là hành động vi phạm đến quyền được học tập của học sinh.
Sau lời cảnh báo của Bộ trưởng Bộ Giáo dục Hàn Quốc, Liên đoàn giáo viên và nhân viên ngành Giáo dục của nước này cho biết họ sẽ nộp đơn khiếu nại Bộ trưởng Bộ Giáo dục lên Văn phòng Công tố quận ở Seoul hoặc Văn phòng Điều tra tham nhũng dành cho các quan chức cấp cao về hành vi lạm dụng quyền hạn để đe dọa kỷ luật giáo viên.
Trong khi đó, ông Cho Hee-yeon - Giám đốc Văn phòng Giáo dục Seoul hoan nghênh quyết định đình công của giáo viên và ủng hộ việc các trường học ở Seoul tưởng nhớ nữ giáo viên quá cố.
"Văn phòng Giáo dục Seoul sẽ luôn bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các giáo viên và đã quyết định chọn ngày 4/9 là ngày thiết lập lại hệ thống giáo dục công lập", ông Cho Hee-yeon cho hay.
Trước đó, Bộ Giáo dục Hàn Quốc đã ban hành chính sách mới nhằm bảo vệ quyền lợi của giáo viên và trao cho thầy cô quyền kiểm soát lớp học. Tuy nhiên, chính sách này đã vấp phải sự phản đối của nhiều chuyên gia giáo dục, luật sư và các giáo viên Hàn Quốc. Bởi theo chính sách, phụ huynh hoặc học sinh Hàn Quốc được phép phản ánh về phương pháp giảng dạy của giáo viên với người đứng đầu nhà trường thay vì gửi trực tiếp khiếu nại cho giáo viên.
Việc quy định như vậy được cho là vẫn không thể ngăn giáo viên khỏi sự can thiệp quá mức từ phụ huynh vì phụ huynh cũng được trao quyền can thiệp.
Như Giáo sư Park Nam-gi, Đại học Sư phạm Quốc gia Gwangju phân tích, khi học sinh gây rối trong lớp học, giáo viên thường dễ tức giận và sẽ dẫn đến việc kỷ luật các em bằng cảm xúc. Và lúc này, học sinh thường cãi lại giáo viên hoặc thể hiện thái độ không tốt và có những ngôn từ thiếu chuẩn mực. Vậy trong trường hợp này, phụ huynh lạm dụng quyền được phản ảnh và nộp đơn khiếu nại lên nhà trường cho rằng con mình bị lạm dụng quyền trẻ em sẽ gây bất công với giáo viên.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google