Chính sách bảo vệ quyền lợi hợp pháp của giáo viên Hàn Quốc còn nhiều bất cập

Lam Linh
15:00 - 25/08/2023
Công dân & Khuyến học trên

Sau khi chính sách mới về bảo vệ quyền lợi hợp pháp của giáo viên được Bộ Giáo dục Hàn Quốc ban hành mới đây, nhiều chuyên gia đã chỉ ra lỗ hổng của chính sách và bày tỏ nghi ngại quy định mới sẽ không đáp ứng được yêu cầu trước đó của giáo viên.

Chính sách bảo vệ quyền lợi hợp pháp của giáo viên Hàn Quốc còn nhiều bất cập - Ảnh 1.

Theo Bộ Giáo dục Hàn Quốc, trong tình huống khẩn cấp, giáo viên được phép sử dụng vũ lực để kiềm chế học sinh gây rối nếu các em đe dọa thể chất giáo viên hoặc học sinh khác. Ảnh: 123rf

Hàn Quốc lo ngại về chính sách bảo vệ giáo viên 

Bộ Giáo dục Hàn Quốc mới đây đã ban hành chính sách mới nhằm bảo vệ quyền lợi của giáo viên và trao cho thầy cô quyền kiểm soát lớp học. Chính sách có hiệu lực từ tháng 9.

Theo chính sách, khi kỷ luật bằng lời nói không thành công hoặc học sinh đe dọa thể chất giáo viên hoặc học sinh khác, giáo viên được phép sử dụng vũ lực để kiềm chế học sinh gây rối. Họ cũng có thể tịch thu điện thoại của những học sinh ngỗ nghịch và yêu cầu học sinh đó ra khỏi lớp học.

Tuy nhiên, chính sách này cũng cho phép phụ huynh hoặc học sinh Hàn Quốc phản ánh về phương pháp giảng dạy của giáo viên với người đứng đầu nhà trường thay vì gửi trực tiếp khiếu nại cho giáo viên.

Các chuyên gia cho rằng những biện pháp này sẽ không hoàn toàn bảo vệ các nhà giáo dục khỏi sự can thiệp quá mức từ phía phụ huynh.

Luật sư Kim Ji-yeon tại công ty Young Lawyers for a Better Future nhận định: "Phạm vi của chính sách mới quá mơ hồ. Quy định như vậy vẫn không thể ngăn giáo viên khỏi sự can thiệp quá mức từ phụ huynh vì phụ huynh cũng được trao quyền can thiệp. Điều đó chỉ khiến phụ huynh lạm dụng quyền và quan tâm nhiều hơn vào lớp học".

Ông Kim Ji-yeon lưu ý cách thức kỷ luật học sinh cũng có thể là nguyên nhân gây ra bất đồng giữa giáo viên và hiệu trưởng. 

"Ngay cả khi giáo viên có quyền và nghĩa vụ kỷ luật học sinh vi phạm quy định, hiệu trưởng vẫn có thể yêu cầu giáo viên giảm nhẹ tội cho em này. Như vậy, giáo viên chịu áp lực phải làm theo lời cấp trên để nhà trường giảm nhẹ trách nhiệm trong các vụ việc gây ra hậu quả lớn", ông Kim phân tích.

Còn Giáo sư Park Nam-gi, Đại học Sư phạm Quốc gia Gwangju cho rằng, chính sách mới của Bộ Giáo dục Hàn Quốc đưa ra những quy định thiếu sự tôn trọng cơ bản của giáo viên.

"Nếu giáo viên Hàn Quốc có quyền tự quyết từ chính sách mới, họ sẽ vấp phải sự phản đối từ học sinh và phụ huynh vì bất cứ lý do gì. Cuối cùng, giáo viên sẽ gặp áp lực nhiều hơn, mất thời gian trong việc phải trình bày lại sự việc với hiệu trưởng về những gì đã xảy ra trong lớp học. Và điều này chỉ khiến giáo viên tiếp tục rơi vào tình thế bất lợi", Giáo sư Park Nam-gi nói.

Giáo sư Park Nam-gi cũng phân tích thêm, khi học sinh gây rối trong lớp học, giáo viên thường dễ tức giận và sẽ dẫn đến việc kỷ luật các em bằng cảm xúc. Và lúc này, học sinh thường cãi lại giáo viên hoặc thể hiện thái độ không tốt và có những ngôn từ thiếu chuẩn mực. Vậy trong trường hợp này, phụ huynh lạm dụng quyền được phản ảnh và nộp đơn khiếu nại lên nhà trường cho rằng con mình bị lạm dụng quyền trẻ em sẽ gây bất công với giáo viên.

Theo Giáo sư Park Nam-gi, Bộ Giáo dục Hàn Quốc nên đầu tư thêm nguồn lực tài chính và nhân lực nếu muốn tạo ra một môi trường học tập tốt hơn. Nếu không, các biện pháp mới sẽ một lần nữa đẩy giáo viên đến bờ vực thẳm. 

Các trường học Hàn Quốc cần tuyển dụng các cố vấn hướng dẫn nội bộ để có thể ứng phó với những hành vi gây rối của học sinh khi chúng phát sinh và giúp học sinh có ý thức học tập nghiêm chỉnh.

Sau khi chính sách này được ban hành vào tuần trước, hàng nghìn giáo viên Hàn Quốc đã tổ chức các cuộc biểu tình tại thủ đô Seoul để phản đối quy định mới. Họ cho rằng, Bộ Giáo dục Hàn Quốc cần đưa ra những biện pháp khả thi hơn vì quy định mới này không bảo vệ được quyền lợi hợp pháp của họ.

Trong khi đó, Quốc hội Hàn Quốc đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thông qua dự luật cho phép giáo viên miễn trừ khỏi các cáo buộc lạm dụng quyền trẻ em trong tháng 8.

Đồng thời, Bộ Giáo dục Hàn Quốc cũng phối hợp với Quốc hội, Chính phủ tổ chức chương trình gặp gỡ, trao đổi với các nhà giáo để thảo luận về việc sửa đổi Đạo luật Cải thiện Địa vị Giáo viên và Đạo luật Giáo dục Tiểu học và Trung học.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều quan điểm trái chiều đối với vấn đề có nên lưu giữ hồ sơ về việc học sinh vi phạm nội quy lớp học và có thái độ, hành vi không đúng chuẩn mực đối với giáo viên hay không.

Bên cạnh đó, Chính phủ Hàn Quốc và các đảng cầm quyền tại quốc gia này cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường và đề cao quyền của nhà giáo bằng cách cho phép họ được xử lý nghiêm khắc đối với những học sinh ngỗ ngược. Tuy nhiên, một số người phản đối điều này bày tỏ lo ngại rằng, quy định như vậy có thể làm xấu đi mối quan hệ giữa học sinh và giáo viên.

Nguồn: The Korea Herald