Khó khăn chưa dừng lại, cần nhiều nỗ lực để phục hồi nền kinh tế

Vũ Nam
11:24 - 12/04/2023
Công dân & Khuyến học trên

GDP quý I của cả nước tăng thấp (tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước) cho thấy nền kinh tế Việt Nam đang đối mặt nhiều khó khăn, thách thức.

Bức tranh ảm đạm của nền kinh tế toàn cầu

Theo báo cáo mới nhất của Techcombank, kinh tế thế giới ngày càng khó đoán khi các Ngân hàng Trung ương đang gặp phải tình thế tiến thoái lưỡng nan giữa lạm phát cao và sự bất ổn tài chính. Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023 sẽ chủ yếu được dẫn dắt bởi lĩnh vực dịch vụ.

Đa số các nhà kinh tế dự báo rằng bức tranh kinh tế toàn cầu vẫn sẽ u ám. Ngân hàng Thế giới dự báo tốc độ tăng trưởng GDP thế giới năm 2023 là 1.7% - một trong những con số thấp nhất kể từ năm 2000, chỉ cao hơn cuộc Đại suy thoái năm 2009 và suy thoái do dịch bệnh COVID-19 năm 2020. Hiện tại, các ngân hàng trung ương tiếp tục ưu tiên chống lạm phát dù có những quan ngại về sự nhiễu loạn trong ngành tài chính. 

Dù vậy, thị trường đang lạc quan hơn so với Fed khi cho rằng sẽ có những đợt cắt lãi suất trong năm nay.

Trong khi đó, Việt Nam bị ảnh hưởng tiêu cực bởi suy thoái toàn cầu do mức độ mở cửa cao của nền kinh tế. Tổng cầu của nền kinh tế vẫn được duy trì nhờ vào sự hồi phục mạnh mẽ của các hoạt động du lịch. 

Khắc phục nhiều khó khăn để vươn lên

Theo chuyên gia, tăng trưởng GDP năm 2023 được dự báo sẽ tăng trong khoảng từ 4.3% đến 4.7%. Nếu nguồn vốn đầu tư công được giải ngân nhanh ngay từ đầu năm và mặt bằng lãi suất cho vay ra nền kinh tế giảm xuống đáng kể thì Chính phủ có thể tiến gần hơn đến con số mục tiêu tăng trưởng 6.5%. 

Dự báo, NHNN có khả năng cắt giảm thêm lãi suất để hỗ trợ hướng tới mục tiêu tăng trưởng GDP 6.5% do Chính phủ đặt ra, điều này có thể khiến cho lãi suất huy động giảm xuống mức trước COVID-19. 

Trong thời gian còn lại của năm, tiền đồng dự báo sẽ đi ngang hoặc thậm chí lên giá nhẹ nhờ cán cân thương mại tiếp tục thặng dư và dòng vốn lớn từ các thương vụ M&A.

Bên cạnh đó, giới phân tích nhận định, cùng với việc phục hồi nên kinh tế ở các ngành trọng yếu, Chính phủ cần sớm ban hành chính sách hỗ trợ mới để kích thích tăng trưởng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh. Đây cũng là mảng đang có tốc độ phục hồi khá chậm, và là một trong những nguyên nhân khiến GDP quý I/2023 tăng thấp (tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước, chỉ cao hơn tốc độ tăng 3,21% của quý I/2020 trong giai đoạn 2011-2023), khá áp lực để đạt mục tiêu tăng trưởng cho cả năm 2023.

Trong thời gian tới, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục vướng nhiều khó khăn từ ảnh hưởng của nền kinh tế thế giới vần còn nhiều biến động phức tạp và bất ổn, lạm phát toàn cầu tuy đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao. Theo dự đoán sự suy giảm có thể sẽ kéo đến hết quý II/2023 mới trở lại phục hồi.

Bên cạnh những khó khăn, các chuyên gia kinh tế cũng chỉ ra những điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam. Hoạt động giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh sẽ có tác dụng thúc đẩy nhiều ngành, lĩnh vực. Đây là nguồn vốn thúc đẩy đầu tư, thúc đẩy sản xuất, kích cầu nền kinh tế phát triển.

Động thái giảm lãi suất của các ngân hàng thời gian gần đây cũng mang lại chuyển biến tích cực giúp cho tiêu dùng nội địa tăng, kích thích sản xuất, kinh doanh, tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển kinh tế trong bối cảnh hoạt động xuất nhập khẩu có xu hướng giảm dần. 

Ngoài ra, ngành nông nghiệp do đặc thù không chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh, sẽ tiếp tục thể hiện vai trò là "trụ đỡ" vững chắc của nền kinh tế. 

Đặc biệt, việc Trung Quốc mở cửa biên giới và bỏ giới hạn đi lại quốc tế sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, kết nối nguồn cung nhập khẩu nguyên vật liệu bị gián đoạn do dịch bệnh, cũng là cơ hội để ngành du lịch xây dựng các chương trình chính sách thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.