Khi doanh nghiệp thao túng chính sách

Thụy Văn
18:37 - 18/08/2022
Công dân & Khuyến học trên

Bộ Giao thông Vận tải vừa yêu cầu Cục Đăng kiểm Việt Nam nghiên cứu đề xuất sửa quy định theo hướng: Xe không dán thẻ thu phí không dừng sẽ không được đăng kiểm.

Việc này nằm trong chuỗi sự kiện liên quan đến yêu cầu của Chính phủ đối với các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị liên quan phải hoàn thiện và vận hành hệ thống thu phí điện tử không dừng trên 4 tuyến cao tốc mà Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý từ ngày 1/8/2022. 

Đáp ứng yêu cầu của Chính phủ, đơn vị kinh doanh đường cao tốc VEC cùng hai nhà cung cấp dịch vụ thu phí không dừng là  Công ty VETC và  Công ty VDTC buộc phải hoàn thiện hạ tầng và dán thẻ đầu cuối thực hiện thu phí điện tử sau rất nhiều năm lừng khừng viện ra đủ mọi lý do để chậm trễ, không làm.

Và khi Chính phủ đã ra hạn cuối, không còn cớ để "lùi" và "quay", là lúc hệ thống vận hành phát sinh lỗi chẳng chịt. Nguyên do chủ yếu cũng từ việc tốc độ dán thẻ cho xe ô tô thường xuyên chạy trên cao tốc quá ít. Vì vậy, vào thời điểm bỏ làn thu tay, dòng xe ùn tắc tại trạm vì phải xử lý sự cố. Chưa kể việc chạy đua dán thẻ E-tag và ePass, 2 nhà cung cấp thuộc 2 cơ quan khác nhau "chơi xấu" nhau, bóc dán vô tội vạ khiến hệ thống kỹ thuật không nhận diện. Phần mềm điện tử bị lỗi, cơ chế nạp tiền kém thông minh khiến việc lùm xùm của ETC "nói mãi không hết chuyện".

Đỉnh cao của sự bức xúc trong dư luận là thông tin được đưa ra từ Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu cục Đăng kiểm Việt Nam nghiên cứu đề xuất sửa quy định theo hướng: Xe không dán thẻ thu phí không dừng sẽ không được đăng kiểm.

Đây là biểu hiện của việc doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ dấn thêm một bước, ép lại nhà nước và nhân dân, thao túng hệ thống quản lý nhà nước không dựa trên cơ sở pháp lý nào, thậm chí là vi hiến.

Khi bị chất vấn bởi báo chí, ngay cả lãnh đạo Cục Đăng kiểm cũng phải thừa nhận, hiện nay chưa có quy định cụ thể bắt buộc phương tiện phải dán thẻ thu phí tự động không dừng khi đi đăng kiểm. Để thực hiện được việc này, cần xem xét nghiên cứu đánh giá các văn bản quy phạm pháp luật, lấy ý kiến của các đơn vị, sau đó Cục Đăng kiểm tổng hợp và đánh giá mới có thể trình Bộ Giao thông Vận tải.

Đăng kiểm là hoạt động kiểm tra, giám sát, xác nhận việc tuân thủ các tiêu chuẩn bảo đảm an toàn vận hành của phương tiện cơ giới đường bộ, an toàn của người và hàng hóa trên phương tiện. Trong khi đó, việc dán thẻ thu phí không dừng về bản chất là hình thức sử dụng dịch vụ do các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chứ chẳng liên quan gì đến an toàn phương tiện.

Hiện hệ thống đường bộ mới có 10 tuyến cao tốc thu phí tự động không dừng, gồm: Nội Bài - Lào Cai, Pháp Vân - Cầu Giẽ, Cầu Giẽ - Ninh Bình, Bắc Giang - Lạng Sơn, Hạ Long - Vân Đồn, Hà Nội - Hải Phòng, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Liên Khương - Đà Lạt, Long Thành - Dầu Giây, Trung Lương - Mỹ Thuận.

Nhiều tài xế không có nhu cầu đi cao tốc hay các công trình BOT giao thông thì không thể buộc họ phải dán ETC. Họ chỉ sở hữu xe ô tô đi trong nội đô, hoặc đi ở các cung đường miền núi, nông thôn, tại sao lại bắt buộc họ dán thẻ ETC mới được đăng kiểm?

Vì sao một đơn vị kinh doanh dịch vụ lại có thể dựa hơi cơ quan quản lý để đề ra các quy định chưa được thẩm định tính pháp lý? 

Hơn thế nữa, việc này diễn ra đã lâu nay trong hoạt động đăng kiểm xe. Chính Công ty VETC thừa nhận lỗi kỹ thuật hệ thống một phần do các thẻ E-tag đã dán trên phương tiện lâu không sử dụng nên hệ thống không nhận diện.

Những thẻ này dán khi chủ xe đi đăng kiểm xe mà họ không hề hay biết. Đến khi chủ động dán thẻ ETC theo lựa chọn của mình, chủ xe mới vỡ lẽ thông tin xe của mình đã được số điện thoại nào đó đăng ký ETC. Họ muốn hủy đăng ký lại phải ra trạm. Nhiều người buộc phải tiếp tục sử dụng tài khoản giao thông do bên dịch vụ tự đăng ký một cách mù mờ, không có tư vấn, giải thích.

Hưởng lợi từ chính sách là cách làm khôn ngoan của nhà đầu tư. Nhưng chiếm thế độc quyền đầu tư công nghệ, ép nhà nước, thao túng cơ quan quản lý của doanh nghiệp dường như đã nằm trong chiến lược kinh doanh bất chấp pháp lý của họ. 

Đáng lẽ, để thúc đẩy việc bán hàng, doanh nghiệp phải tập trung vào việc chỉnh sửa hệ thống kỹ thuật, khắc phục lỗi, ưu đãi về dịch vụ dán thẻ để khách hàng nhìn thấy sự thuận tiện khi sử dụng ETC. Đằng này, để chạy đua tiến độ và kiếm lợi nhuận, họ ép lại nhà nước và nhân dân. Người dân lâu nay đi đăng kiểm xe bị dán thẻ lúc nào không hay. Giờ muốn bóc ra để dùng tài khoản giao thông có định danh đàng hoàng, tự nguyện, lại chỉ nhận được câu trả lời: Ra trạm giải quyết. 

Đăng kiểm là một quan hệ pháp luật độc lập hoàn toàn với việc đi qua trạm thu phí. Trách nhiệm của cơ quan đăng kiểm là thực hiện việc đăng kiểm xe cơ giới, đảm bảo điều kiện an toàn cho người dân. Việc đăng kiểm xe bắt tay với lợi ích của các công ty dịch vụ thu phí đi đến ép buộc người dân có đúng với quy định luật pháp hay không?  

Xét về khía cạnh khác, khi đơn vị kinh doanh nói tài khoản giao thông sau này sẽ được sử dụng để thu nhiều loại phí khác tích hợp. Vậy việc thao túng chính sách đã được tính đến theo kiểu cầm đèn chạy trước ô tô, đưa nhà quản lý vào sự đã rồi, không phải bây giờ mà còn dẫn đến hệ quả lâu dài. 

Mỗi một chính sách mà nhà quản lý ban hành có tác động rất sâu rộng đến tất cả các chủ thể trong xã hội. Lật lại cam kết của các nhà đầu tư ETC khi cân bằng quyền lợi 3 bên (Nhà quản lý, nhà đầu tư và người sử dụng) thì thấy nhà đầu tư đang muốn sử dụng cả quyền quản lý trong kinh doanh khai thác BOT.  

Điều đó trái với chủ trương chuyển đổi số, nỗ lực đạt được cuộc sống số văn minh mà Chính phủ đề ra.

Bình luận của bạn

Bình luận