Khánh thành dự án tu bổ di tích Chùa Cầu (Hội An)

Trần Vũ
00:03 - 04/08/2024
Công dân & Khuyến học trên

Chùa Cầu (Hội An) vừa chính thức hoàn thành một cách bài bản, khoa học sau 19 tháng thi công tu bổ di tích, tiếp tục mở cửa đón khách du lịch.

Sau hơn 19 tháng triển khai thi công, dự án tu bổ di tích Chùa Cầu đã được hoàn thành một cách bài bản, khoa học.

Nằm trong khuôn khổ Chương trình giao lưu văn hóa Hội An-Nhật Bản lần thứ 20, chiều 3/8, Ủy ban nhân dân thành phố Hội An (Quảng Nam) tổ chức Lễ khánh thành Dự án tu bổ di tích Chùa Cầu (Lai Viễn Kiều).
Khánh thành dự án tu bổ di tích Chùa Cầu (Hội An)- Ảnh 1.

Di tích Chùa Cầu (Lai Viễn Kiều) tại Hội An trước và sau khi tu bổ. Ảnh: MXH

Dự án tu bổ di tích Chùa Cầu có tổng mức đầu tư 20,2 tỷ đồng, khởi công ngày 28/12/2022

Tại buổi Lễ, Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hội An Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh, Chùa Cầu - Cầu Nhật Bản - Lai Viễn Kiều là công trình có giá trị đặc biệt về nhiều mặt: lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, trở thành biểu tượng, đặc trưng, là linh hồn của Đô thị cổ Hội An. 

Trong khoảng 400 năm tồn tại, kể từ khi khởi dựng, dù được bao thế hệ chính quyền và cư dân Hội An quan tâm gìn giữ, trùng tu, song Chùa Cầu cũng không thể tránh khỏi sự xuống cấp như bao công trình kiến trúc gỗ khác.

Theo ông Nguyễn Văn Sơn, trải qua nhiều giai đoạn của lịch sử, chịu tác động của thời gian, môi trường, nhất là ảnh hưởng của bão lũ hằng năm, công trình đã bị hư hỏng nghiêm trọng, cần phải được tu bổ khẩn cấp. 

Sau một thời gian nghiên cứu khá dài, kỹ càng với nhiều cuộc khảo sát, hội thảo, tọa đàm, trao đổi để thống nhất phương án trùng tu, ngày 13/01/2022, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam đã có Quyết định phê duyệt Dự án tu bổ di tích Chùa Cầu do Ủy ban nhân dân Thành phố Hội An làm chủ đầu tư; Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An được giao nhiệm vụ là đơn vị quản lý, tổ chức triển khai thực hiện. 

Ngày 28/12/2022, di tích Chùa Cầu được khởi công tu bổ.

Đây là lần đầu tiên công trình tu bổ di tích được “giải phẫu mở”, thực hiện giữa lòng một đô thị di sản du lịch nhộn nhịp, người dân, du khách được quan sát, tiếp cận và theo đõi, tìm hiểu toàn bộ quá trình thực hiện. 

Việc xây dựng nhà bao che nhằm đảm bảo quá trình nghiên cứu, thi công, tu bổ di tích không bị ảnh hưởng bởi yếu tố hạn chế mặt bằng, thời tiết cũng như các cấu kiện di tích sau khi tháo dỡ được bảo quản trong tình trạng tối ưu cũng là điểm đặc biệt đáng biểu dương của dự án này.

Lãnh đạo Thành phố Hội An cũng nhấn mạnh, với sự khảo sát tỉ mỉ hiện trạng, cân nhắc kỹ lưỡng quan điểm, giải pháp tu bổ cùng với sự tận tâm của đội ngũ trực tiếp tham gia dự án và ý kiến đóng góp của các chuyên gia về bảo tồn trong và ngoài nước - nhất là các chuyên gia đến từ Nhật Bán, của các ban ngành, đoàn thể liên quan, đặc biệt là sự quan tâm, khích lệ của công chúng, sau hơn 19 tháng triển khai thi công tu bổ, việc trùng tu Chùa Cầu đã hoàn thành một cách bài bản, khoa học.

Chùa Cầu chính thức khánh thành ngày 3/8 và tiếp tục đón khách du lịch

Sau khi hoàn thành tu bổ, dự án tu bổ di tích Chùa Cầu đã đạt được những thành quả tốt đẹp như mong đợi, bảo tồn tối đa các giá trị về kiến trúc, lịch sử, văn hóa của di tích, đáp ứng sự mong mỏi của những ai yêu mến và trân quý công trình kiến trúc có giá trị đặc biệt này. 

Việc hoàn thành tu bổ Di tích Chùa Cầu còn mang ý nghĩa to lớn trong dịp Chương trình giao lưu văn hóa Hội An-Nhật Bản lần thứ 20 đang diễn ra tại Thành phố Hội An.

Khánh thành dự án tu bổ di tích Chùa Cầu (Hội An)- Ảnh 3.

Khánh thành Dự án tu bổ di tích Chùa Cầu. Ảnh: dangcongsan.vn

Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam cũng bày tỏ kỳ vọng sau khi được tu bổ, Chùa Cầu sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn, mang lại nhiều giá trị văn hóa và kinh tế cho Hội An. 

Đây cũng là cơ hội để địa phương quảng bá hình ảnh một Hội An năng động, giàu truyền thống, luôn hướng tới tương lai; đặc biệt là dịp để đúc kết những kinh nghiệm thực tiễn về quy trình, kỹ thuật, giải pháp tu bổ nhằm phục vụ tham chiếu cho những công trình tu bổ di tích quan trọng ở trong và ngoài nước.

Trước đó, như Công dân và Khuyến học đã thông tin, sau trùng tu và sửa chữa, Chùa Cầu ở Hội An khoác lên mình "tấm áo mới" khiến dư luận xôn xao, tuy nhiên, các chuyên gia về di sản văn hóa đều cho rằng, các cơ quan chức năng đã làm đúng, làm tốt công tác trùng tu Chùa Cầu. Tuy nhiên, Trước những "xôn xao" của dư luận về Chùa Cầu sau tu bổ nhìn "như như mới" các chuyên gia về di sản văn hóa cho rằng, các cơ quan chức năng đã làm đúng, làm tốt công tác trùng tu Chùa Cầu. Di tích đã được tu bổ một cách bài bản, tuân thủ các quy tắc, quy định.

Khánh thành dự án tu bổ di tích Chùa Cầu (Hội An)- Ảnh 4.

Chùa Cầu chính thức khánh thành ngày 3/8 và tiếp tục đón khách du lịch. Ảnh: MXH

Theo Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An, một số kết quả cụ thể đáng ghi nhận như: hình dáng của kiến trúc, cấu trúc của kết cấu Chùa Cầu, từ tổng thể đến chi tiết được bảo tồn gần như nguyên vẹn;

Chùa Cầu sau khi tu bổ được bảo tồn tối đa các giá trị nguyên gốc; di tích Chùa Cầu đã được khắc phục gần như triệt để các khiếm khuyết, gia cường đáng kể sự chắc chắn, đảm bảo sự ổn định, bền vững để tiếp tục trường tồn cùng di sản văn hóa Hội An.

Cùng với bảo tồn, giữ gìn giá trị di tích, Dự án tu bổ di tích Chùa Cầu cũng đã thực hiện đồng bộ việc đầu tư nâng cấp hạ tầng cảnh quan, môi trường xung quanh cũng như cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo an ninh, an toàn và phục vụ phát huy hiệu quả, lâu dài giá trị di tích.

Bình luận của bạn

Bình luận