Khám phá "căn cứ" bí mật của Biệt động Sài Gòn trong chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968
Trong mắt đối phương, Biệt động Sài Gòn vô cùng bí ẩn, có thể thực hiện những trận đánh chớp nhoáng rồi biến mất không để lại dấu vết. Đây cũng là một trong những bí ẩn của trận đánh trong đô thị cần được "giải mã".
Biệt động Sài Gòn - đội quân "xuất quỷ nhập thần"
Trước 1975, Biệt động Sài Gòn - Gia Định (gọi chung là Biệt động Sài Gòn) gồm 2 lực lượng: những chiến sĩ trực tiếp chiến đấu và những chiến sĩ làm công tác bảo đảm phục vụ chiến đấu, gọi là đơn vị A20 và A30. A20 phụ trách vận chuyển vũ khí từ căn cứ ở Tây Ninh, Củ Chi về nội thành; A30 xây dựng cơ sở hầm bí mật chứa vũ khí và ém quân.
Để tổ chức, thực hiện thành công những trận đánh "xuất quỷ nhập thần" ở một nơi có hệ thống cảnh sát, an ninh dày đặc như Sài Gòn, các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn được trang bị "3 hóa": nghề nghiệp hóa, quần chúng hóa và hợp pháp hóa. Một phần rất nhỏ trong "3 hóa" được đạo diễn Long Vân chuyển tải lên phim Biệt động Sài Gòn thông qua hình ảnh các mẹ, các chị bán hàng rong, các em bé bán báo… được A30 cung cấp những phương tiện, vật dụng, dụng cụ dùng để hóa trang, xâm nhập vào đời sống đô thành. Tất cả các hiện vật còn lưu giữ khá đầy đủ tại Bảo tàng Biệt động Sài Gòn nằm trên đường Trần Quang Khải, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, có thể hình dung bản đồ hoạt động của lực lượng A20 và A30 tại Sài Gòn - Gia Định vào thập niên 1960 đến nửa đầu thập niên 1970, như sau: Trụ sở Sở chỉ huy tiền phương đặc trách khu vực nội thành Sài Gòn được đặt tại số 7 đường Yên Đỗ, nay là đường Lý Chính Thắng, quận 3. Cơ sở này của lực lượng Biệt động thành với vỏ bọc là quán phở Bình khá nổi tiếng, nơi phát lệnh tổng tiến công trong chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968 tại Sài Gòn.
Ngoài Sở chỉ huy chính, còn có các Sở chỉ huy dự bị được đặt tại nhà 241/5 đường Bạch Đằng (nay là Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh) do vợ chồng ông Nguyễn Nông (Năm Bắc) cùng nữ đồng chí Nguyễn Thị Tý quản lý. Ngôi nhà 110 đường Kỳ Đồng, Quận 3 do bà Hồ Thị Ba và Nguyễn Thị Chi xây dựng và quản lý; Ngôi nhà 171 đường Bạch Đằng, quận Bình Thạnh, của gia đình Vũ Bá Tài; Ngôi nhà 42/82 Nguyễn Văn Thành, (nay Huỳnh Đình Hai, quận Bình Thạnh) gia đình bà Bùi Thị Hậu và ông Trần Văn Lai xây dựng, quản lý…
Trong khi đó điểm tập kết quân, kho và hầm chứa vũ khí phục vụ cho mục tiêu tấn công vào Đại sứ quán Mỹ được đặt tại Garage số 59 đường Phan Thanh Giản (nay Điện Biên Phủ), đây là nhà bà Đặng Thị Huê (Hai Phê).
Hầm chứa vũ khí để tấn công Bộ Tổng tham mưu quân lực Việt Nam Cộng Hoà đặt tại các số 246/25 Nguyễn Huỳnh Đức (nay Huỳnh Văn Bánh, quận Phú Nhuận), gia đình bà Bùi Thị Lý (thường gọi là Hai) xây dựng và bảo quản.
Số 99/1C Trương Minh Ký (nay Lê Văn Sỹ, quận Tân Bình) do gia đình ông Phan Văn Bảy (Bảy Sự) xây dựng.
Số 348/38B ấp Bắc Ái, xã Bình Hòa, Gia Định (nay Phan Văn Trị, quận Bình Thạnh) do gia đình ông Trần Văn Miêng (Ba bong bóng) xây dựng và bảo quản.
Hầm chứa vũ khí dùng tấn công Bộ tư lệnh Hải quân Việt Nam Cộng Hoà tại số 93/22 Cường Để (nay Bùi Đình Túy, quận Bình Thạnh) do gia đình ông Nguyễn Văn Lợi (Tô Minh Liêm) xây dựng.
Hầm chứa vũ khí dùng tấn công vào mục tiêu đài phát thanh Sài Gòn đặt tại số 65 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Quận 1, do gia đình ông Trần Phú Cương (Năm Mộc) xây dựng, bảo quản; Và, hầm trú ém quân số 30/77 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Quận 1 do gia đình ông Trần Văn Lai và ông bà Đỗ Miễn (tự Vượng) xây dựng, quản lý.
Hầm chứa vũ khí tấn công vào Dinh Độc Lập đặt tại số 436/58 Hoàng Đạo (nay Trần Văn Đang, Quận 3) do gia đình bà Nguyễn Thị Hảo (vợ Anh hùng Liệt sĩ Lê Tấn Quốc) xây dựng; 287/68-70-72 Phan Đình Phùng (nay Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3) do gia đình ông Trần Văn Lai và bà Đặng Thị Thiệp xây dựng và bảo quản…
Có thể nói cơ sở A20 và A30 được tổ chức rộng khắp đô thành và đặt rất gần các cơ quan đầu não của chính quyền Sài Gòn, đã lý giải phần nào những bí ẩn trong hoạt động của lực lượng Biệt động Sài Gòn. Thông qua mạng lưới hầm chứa vũ khí, ém quân cho thấy sự tài tình của Bộ Chỉ huy Quân khu Sài Gòn - Gia Định đã tổ chức được một "thế trận nhân dân" trong lòng đối phương. Những vị trí rất gần với các mục tiêu là cơ quan đầu não của địch để tạo ra yếu tố thuận lợi và bất ngờ.
Bí mật là nguyên tắc sống còn
Với đặc trưng phải hoạt động và sống công khai trong lòng địch nên bí mật chính là nguyên tắc sống còn của Biệt động Sài Gòn. Có tham quan các căn hầm mới thấy được sự sáng tạo của chiến sĩ biệt động. Mỗi căn hầm tùy vị trí, điều kiện xây dựng nhưng có điểm chung là bí mật, ẩn sâu trong lòng đất. Hầm ngầm có sức chứa nhiều người, có bậc lên xuống, có lỗ thông hơi, có đường cống ngầm ăn thông từ sau ra trước và từ trước ra sau, có nắp lỗ ga để tạm rút hoặc chiến đấu khi cần thiết…
Tại căn hầm nhà ông Trần Phú Cương (Năm Mộc), đào từ năm 1965, chứa vũ khí để chuẩn bị cho trận đánh Đài Phát thanh Sài Gòn trong chiến dịch Tết Mậu Thân 1968. Để giữ bí mật, mỗi khi đào hầm hay vận chuyển vũ khí về cất giấu ông khuyên vợ về nhà mẹ chơi, nên ròng rã suốt mấy năm trời vợ con không hề hay biết. Cho đến 1968, các chiến sĩ biệt động tập trung về khu hầm vũ khí đánh trận Mậu Thân thì bà mới biết.
Hay như một cơ sở hầm bí mật khác dùng chứa vũ khí đánh vào Dinh Độc Lập được vợ chồng ông Trần Văn Lai xây dựng ngay tại khu vực chợ Vườn Chuối. Vũ khí từ Củ Chi chuyển về được ngụy trang trong các giỏ cần xé trái cây. Theo anh Trần Vũ Bình – con trai Anh hùng Lực lượng Vũ trang Trần Văn Lai, không có điểm tập kết nào tốt hơn vị trí gần chợ. Mặt khác, chợ là nơi đủ sôi động và nhiều thành phần lui tới, thuận lợi cho các chiến sĩ biệt động hóa thân khi thâm nhập nội thành. Không riêng căn hầm này, nhiều căn nhà khác của ông Trần Văn Lai nằm ở nội đô Sài Gòn khi đó bên dưới đều có hầm và 2 lối đi trước và sau để thoát hiểm khi có "động".
Có thể thấy rằng, tính toán của ông Trần Văn Lai là rất kỹ, trong mọi tình huống để các chiến sĩ đến trú, thoát ra hay ém quân nhiều ngày trong cuộc chiến đấu trường kỳ giành độc lập. Căn hầm được thiết kế bí mật đến mức, sau đêm tổng tiến công Mậu Thân 1968, địch phát hiện ra địa điểm tập kết xuất quân và cất giấu vũ khí, thân phận ông Trần Văn Lai bị lộ, địch đã mở cuộc hành quân bao vây các đường phố xung quanh, có trực thăng yểm trợ, dùng súng bắn vào cửa sắt phía trước và cửa sau rồi vào lục soát bên trong căn nhà nhưng vẫn không phát hiện được các căn hầm.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google