Khám phá ẩm thực đặc sắc của Vân Nam, Trung Quốc
Chuyến du lịch tới Vân Nam, Trung Quốc của bạn chắc chắn sẽ chưa trọn vẹn nếu bạn bỏ qua việc khám phá ẩm thực vốn đặc sắc, đa dạng của vùng đất đẹp như mơ này.
Có dịp đến Vân Nam bằng tấm vé máy bay đi Lệ Giang du khách không chỉ ngỡ ngàng trước những cổ trấn đẹp như mơ, những phong cảnh nổi tiếng như núi tuyết Ngọc Long, thành cổ Lệ Giang, Đại Lý mà còn thú vị khi được khám phá ẩm thực nơi đây.
Nói đến ẩm thực Vân Nam là nói đến bún qua cầu. Tương truyền món ăn này có lịch sử hơn 100 năm và bắt nguồn từ huyện Mông Tự của tỉnh Vân Nam. Bún qua cầu được biết đến không chỉ vì độ ngon mà còn là câu chuyện có ý nghĩa về tình vợ chồng son sắt.
Trong chuyến đi đến Lệ Giang mới đây chúng tôi cũng là một thực khách của một quán bún qua cầu khá nổi tiếng ở nơi đây. Quán rất ấn tượng bởi không gian rất đẹp, khung nhà cùng mái đều bằng gỗ, khoảng sân rộng được cây xanh phủ bóng mát.
Theo chủ quán, món bún vẫn giữ nguyên phong cách ngày xưa, sử dụng các đĩa nguyên liệu riêng biệt nên người ăn có quyền lựa chọn sẽ cho gì vào bát nước dùng.
Còn chúng tôi, thực khách lần đầu thưởng thức thì ngỡ ngàng trước một một suất ăn quá phong phú cho mỗi người được nhân viên mang ra. Mỗi suất ăn là một tô nước dùng lớn có độ sôi vừa phải nhưng nhờ có lớp mỡ mỏng ở phía trên nên nước giữ được độ nóng khá lâu và một khay gỗ lớn với những chiếc bát nhỏ đựng thịt gà, thịt lợn, mực, đậu phụ, nấm, hành, hẹ, bún, trứng, rau...cùng các gia vị như nước tương, muối, gừng, tỏi…
Để thưởng thức món ăn này một cách đúng điệu, thực khách cũng phải theo một quy trình chặt chẽ. Trước tiên, phải thả trứng vào bát nước dùng, chờ đợi một vài phút rồi lần lượt cho thịt, rau, nấm vào và bún là nguyên liệu sau cùng được cho vào bát. Sau khi trộn đều vài lần, thực khách có thể tận hưởng vị nóng hổi, ngầy ngậy, ngọt mềm, dai dai tự nhiên của nấm, rau, thịt và trứng.
Ngoài ra, một nét thú vị khi thưởng thức món ăn này là người ta còn thêm hoa cúc vào tô bún qua cầu để làm tăng hương vị thơm ngon và bổ dưỡng cho món ăn. Bún qua cầu có thể tìm thấy dễ dàng ở Vân Nam, từ quán nhỏ đến nhà hàng hàng lớn hay cả vỉa hè. Và dù ở bất cứ đâu thì những tô bún này vẫn luôn giữ được hương vị thơm ngon vốn có của nó.
Quãng thời gian ở Lệ Giang, bánh bao cũng là một món ăn mà chúng tôi ưa thích. Đây là món ăn phổ biến nhất và được rất nhiều người yêu thích. Không giống như những nơi khác, bánh bao tại Lệ Giang được làm ngay tại chỗ và đặt trong các khay gỗ nhỏ nên rất tươi ngon và nóng hổi. Vỏ bánh làm từ bột mỳ gia truyền rất thơm, nhân bánh có thịt, rau đầy đủ dinh dưỡng đã được tẩm ướp gia vị. Người dân Lệ Giang thường dùng bánh bao trong mọi bữa ăn và đặc biệt là bữa sáng.
Trong cái thời tiết se lạnh của Lệ Giang mà được thưởng thức những chiếc bánh bao nhân thịt nóng hổi cùng một ly sữa đậu nành nóng do chính chị chủ quán nấu thì không có gì bằng.
Ở Vân Nam, bánh hoa cũng là món ăn gây thương nhớ cho du khách. Bánh hoa được coi là món ăn truyền thống, có nguồn gốc từ 300 năm trước. Được làm từ bột mỳ và cánh hoa hồng, nhân bánh mềm thơm, vỏ ngoài giòn rụm, ăn xong vẫn còn vị hoa hồng đọng lại nơi đầu lưỡi cực thơm. Đặc biệt bánh có vị ngọt rất thanh, người thưởng thức không có cảm giác bị ngấy.
Bánh hoa hồng được bày bán rất nhiều nơi, từ các cửa hàng tại các đường phố lớn ở Lệ Giang, đến các trấn cổ ở Đại Lý và cả những khu chợ sầm uất.
Vân Nam cũng là nơi sẽ không phụ lòng các tín đồ trà sữa với món trà sữa đất nung hay còn gọi là trà sữa nướng ngon quên lối về. Thay vì được pha chế bình thường thì trà sữa Vân nam lại được nấu trong một chiếc ấm làm bằng đất nung có kích thước nhỏ xinh. Thành phần của thức uống này cũng vô cùng "lạ" và bắt mắt gồm các loại hoa khô, thảo mộc, táo đỏ, kỷ tử có lợi cho sức khỏe, đặc biệt là chị em phái đẹp.
Do được nấu thủ công nên để có một cốc trà sữa bạn sẽ phải chờ đợi từ 5-7 phút. Trong thời gian này các nguyên liệu sẽ cho ra hương vị ngon hơn. Trà sữa nướng do được sên cùng với đường phèn và nấu cùng sữa tươi nên vị trà đậm, thơm các loại nguyên liệu. Vị ngọt vừa phải lại ngậy ấm mùi sữa.
Những ngày ở Lệ Giang, Đại Lý, ẩm thực ở những phố cổ cũng khiến những tín đồ ăn vặt như chúng tôi mê mẩn.
Dạo bước ở phố cổ, mua một thanh kẹo hồ lô hay gọi những thịt xương nướng cũng đủ ấm bụng trong cái thời tiết khá lạnh của nơi đây.
Thịt xiên ở đây thường thái lát thịt mỏng, dính sát vào xiên que nên một lần chỉ mua vài cây thì không đủ dính răng. Do đó, thực khách thích mua thật nhiều ăn cho đã miệng. Đủ loại thịt heo, bò, dê, gà và ruột vịt tẩm ướp sẵn. Khi có khách, đầu bếp mới cho lên bếp than hồng rực, rắc thêm bột ớt, tiêu, gia vị... rồi đảo nhanh. Nhờ vậy mà dù lửa lớn vẫn không làm miếng thịt bị cháy, thực khách lại được thưởng thức xiên thịt nóng hổi.
Có thể nói, chỉ với vài ngày lưu lại Lệ Giang, Đại Lý...chúng tôi không thể khám phá hết được ẩm thực của vùng đất này. Nhưng những gì đã thưởng thức cũng đã đủ gây thương nhớ và muốn quay trở lại.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google