Khai mạc Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng năm 2023

N.Cường
09:49 - 09/03/2023
Công dân & Khuyến học trên

Tối 8/3, Lễ khai mạc Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn thành phố Đà Nẵng năm 2023 đã diễn ra long trọng tại chùa Quán Thế Âm.

Kết tinh của văn hóa Phật giáo và con người, vùng đất Ngũ Hành Sơn

Theo Cổng TTĐT thành phố Đà Nẵng, sau 3 năm gián đoạn do dịch bệnh COVID-19, Lễ hội năm nay diễn ra trong không khí chuẩn bị chào đón các sự kiện văn hóa chào mừng Kỷ niệm 48 năm Ngày giải phóng thành phố Đà Nẵng (29/3); thành phố vừa đón nhận Bằng công nhận Ma Nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn là di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức thế giới Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Khai mạc Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng năm 2023 - Ảnh 1.

Khai mạc Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn năm 2023. Ảnh: Cổng TTĐT thành phố Đà Nẵng

Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn năm nay diễn ra từ ngày 8 đến 10/3 (từ ngày 17 đến 19/2 âm lịch) với các phần Lễ và Hội.

Phần Lễ với các nghi thức tôn giáo, cầu Quốc thái dân an.

Phần Hội với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao phong phú, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, các chương trình biểu diễn nghệ thuật của Đoàn nghệ thuật dân tộc đến từ các nước: Nhật Bản, Thái Lan, Ấn Độ…

Đồng thời, Ban Tổ chức cũng đưa vào chương trình lễ hội năm nay các hoạt động như: Triển lãm và diễn thuyết về giá trị Ma nhai Ngũ Hành Sơn; Diễn thuyết về văn hóa đọc.

Phát biểu khai mạc Lễ hội, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn thành phố Đà Nẵng năm 2023 Ngô Thị Kim Yến cho biết, khởi nguyên từ một lễ hội thuần túy tôn giáo, ngày nay, Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn đã trở thành một trong những lễ hội dân gian mang tín ngưỡng Phật giáo quan trọng nhất của thành phố Đà Nẵng; là lễ hội quan trọng của đời sống tinh thần của quý chư tôn đức tăng, ni bà con Phật tử nói riêng, người dân thành phố Đà Nẵng nói chung với những nét đặc trưng và độc đáo của mình.

Khai mạc Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng năm 2023 - Ảnh 3.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội Ngô Thị Kim Yến phát biểu khai mạc Lễ hội. Ảnh: Cổng TTĐT thành phố Đà Nẵng.

"Lễ hội Quán Thế Âm chính là sự kết tinh những giá trị của văn hóa Phật giáo và con người, vùng đất Ngũ Hành Sơn, biểu hiện rõ nét sự kết hợp hài hòa giữa Đạo pháp với Dân tộc, Dân tộc với Đạo pháp. Vì vậy, Lễ hội luôn là điểm đến hấp dẫn không chỉ của du khách thập phương trong nước và là dịp để du khách quốc tế trải nghiệm, tìm hiểu những giá trị tinh thần mang đậm nét lịch sử - văn hóa Phật giáo Việt Nam; đồng thời, là nơi hội tụ, giao lưu văn hóa và thưởng thức sự tinh tế, phong phú của các loại hình nghệ thuật văn hoá dân tộc trên thế giới", Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến nhấn mạnh.

"Hy vọng trong những ngày diễn ra Lễ hội, các vị khách quý trong và ngoài nước sẽ lưu lại những khoảnh khắc ấn tượng về một Lễ hội văn hóa tâm linh mang đậm tính nhân văn của một vùng non nước sơn thủy hữu tình của thành phố Đà Nẵng".
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội Ngô Thị Kim Yến

Trong suốt thời gian diễn ra lễ hội, chùa Quán Thế Âm mở cửa Bảo tàng Văn hóa Phật giáo để đón du khách đến tham quan, nghiên cứu. Xuyên suốt lễ hội còn có các hoạt động văn hóa nghệ thuật đặc sắc, hội thi điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước năm 2023; biểu diễn thả diều nghệ thuật, trình diễn khinh khí cầu; hội đua thuyền truyền thống, triển lãm mỹ thuật, tranh ảnh, đá cảnh…

Tại lễ khai mạc, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao chứng nhận kỷ lục cho độc bản 16 bức tranh sứ màu cẩn trên 4 tháp của chùa Quán Thế Âm; Viện sáng tạo độc bản trao xác lập độc bản cho lá Bồ Đề lớn nhất mạ vàng 24K của chùa Quán Thế Âm.

Khai mạc Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng năm 2023 - Ảnh 5.

Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao chứng nhận kỷ lục cho độc bản 16 bức tranh sứ màu cẩn trên 4 tháp của chùa Quán Thế Âm. Ảnh: Cổng TTĐT thành phố Đà Nẵng

Đôi nét về Lễ hội Quán Thế Âm, Ngũ Hành Sơn

Theo Hồ sơ tư liệu, Cục Di sản văn hóa: Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn (còn gọi là Lễ hội Quán Âm) được tổ chức tại phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng. Lễ hội được hình thành từ việc Hòa thượng Thích Pháp Nhãn (người khai sơn chùa Quán Thế Âm) phát hiện một pho tượng Quán Thế Âm bằng thạch nhũ, tay cầm bình Cam Lồ, hoàn toàn thiên tạo, rất hoàn chỉnh, cao bằng người thật trong một hang động tại núi Kim Sơn - một trong năm ngọn núi thuộc Ngũ Hành Sơn. Hòa thượng đặt tên là động Quan Âm, đồng thời, ngài cho lập một ngôi chùa ngay sát hang động, tựa lưng vào núi Kim Sơn và đặt tên là chùa Quán Thế Âm để xưng tụng quả vị Quán Thế Âm.

Khai mạc Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng năm 2023 - Ảnh 6.

Danh thắng Ngũ Hành Sơn nằm ở phía đông nam thành phố Đà Nẵng, cách trung tâm thành phố khoảng 8km. Ảnh: Sở Du lịch Đà Nẵng

Kể từ đó, vào các ngày lễ vía của Quán Thế Âm, nhân dân địa phương và khách thập phương về đây lễ bái rất đông. Nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của Phật tử và cộng đồng địa phương, các vị Chư Tôn Đức Phật giáo lúc bấy giờ đã thống nhất chọn ngày 19 tháng Hai (Âm lịch) hằng năm (Ngày Đản sanh của Ngài), các chùa trên địa bàn Ngũ Hành Sơn hội tụ tại chùa Quán Thế Âm cùng tổ chức Ngày lễ vía Đức Phật Quán Thế Âm và xem đây như một chốn tổ thờ tự Ngài.

Ngày 19/2/1956, nhân dịp tổ chức lễ khánh thành chùa Quán Thế Âm, để mở ra một sinh hoạt văn hóa tâm linh đồng thời khắc ghi một dấu mốc cho sự phát triển hoằng dương chánh pháp, Hòa thượng Thích Pháp Nhãn được sự cho phép của Giáo hội Phật Giáo lúc bấy giờ đã thành lập Hội phổ Quan Âm và trực tiếp làm trưởng ban tổ chức Ngày Lễ vía Quan Âm tại chùa, lấy tên gọi là Ngày hội Quan Âm, với sự tham gia của hàng chục ngàn Chư tăng ni tín đồ Phật giáo, nhân dân địa phương trong vùng và các nơi khác về tham dự. 

Từ đó, vào ngày 19 tháng Hai (Âm lịch) hàng năm, ngày hội lễ vía Quán Thế Âm được tổ chức. Đây chính là mốc đầu tiên tiên khởi nên Lễ hội Quán Thế Âm ngày nay.

Một thời gian dài do ảnh hưởng của chiến tranh và nhiều lý do khác, Ngày hội Quan Âm không tổ chức ở quy mô lớn mà chỉ gói gọn tại chùa Quán Thế Âm, cùng với sự tham gia của các chùa Phật giáo ở Ngũ Hành Sơn theo nghi lễ tôn giáo Phật giáo. Từ năm 1991, Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn được tổ chức quy mô, diễn ra trong ba ngày 17, 18 và 19 tháng Hai, trong đó ngày 19 là ngày lễ chính thức.

Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn mang đậm tín ngưỡng tôn giáo Phật giáo, gắn liền với di tích quốc gia đặc biệt - Di tích Danh thắng Ngũ Hành Sơn, là sự kết tinh những giá trị văn hóa Phật giáo với văn hóa truyền thống của dân tộc dân tộc Việt Nam.

Đồng thời, Lễ hội đáp ứng nhu cầu tâm linh của cộng đồng, hướng con người đến điều thiện, đoàn kết cùng nhau xây dựng cuộc sống an lành, hạnh phúc. Các nghi lễ dân gian thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, tưởng nhớ, tri ân người có công với nước, với cộng đồng. Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn tuy mang màu sắc Phật giáo nhưng lại tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.

Bên cạnh đó, Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn biểu dương, tôn vinh các giá trị văn hóa và sức mạnh cộng đồng của môi trường xã hội mà nó đang tồn tại, là chất keo kết dính tạo nên sự gắn kết cộng đồng, nuôi dưỡng ý thức gắn kết với quê hương, giáo dục và nâng cao nhận thức của người dân đối với các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Không chỉ vậy, Lễ hội là sự kết hợp hài hòa giữa thế giới tâm linh và cuộc sống thực tại của con người, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của đồng bào, góp phần bảo tồn, làm giàu và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, là kênh thông tin quan trọng, tạo cầu nối để quảng bá hình ảnh thành phố Đà Nẵng trong nước và quốc tế.

Với giá trị tiêu biểu trên, Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 601/QĐ-BVHTTDL ngày 3/2/2021.