Khai mạc Lễ hội hoa Tam giác mạch "Sức sống cao nguyên đá"
Tối 26/11, tại huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, Lễ hội Hoa tam giác mạch lần thứ VIII năm 2022 đã chính thức khai mạc với sự tham dự của lãnh đạo tỉnh, các ban, ngành, đoàn thể và quân đội, lực lượng vũ trang tỉnh Hà Giang; nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước và đông đảo du khách thập phương.
Lễ hội hoa tam giác mạch - thương hiệu văn hóa, du lịch của Hà Giang
Mặc dù những ngày qua, khu vực diễn ra sự kiện thường xuyên có mưa nhưng điều này không làm giảm sức hút của lễ hội. Chủ đề năm nay là "Sức sống cao nguyên đá", nhằm quảng bá, xúc tiến du lịch Hà Giang.
Du khách đến với Hà Giang không chỉ được thưởng ngoạn vẻ đẹp của hoa tam giác mạch mà còn được tham quan, khám phá những nét đẹp văn hóa, nhân văn đặc sắc trên cao nguyên Đồng Văn hùng vĩ và thơ mộng.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh, đây là sự kiện văn hóa, du lịch quan trọng nhằm tôn vinh vẻ đẹp của loài hoa đặc trưng vùng cao nguyên đá và lan tỏa những giá trị đặc sắc, những hình ảnh đẹp về thiên nhiên, con người, văn hóa; khát vọng vươn lên của đồng bào các dân tộc tỉnh Hà Giang.
Để tôn vinh loài hoa biểu tượng của vùng cực Bắc Tổ quốc, từ năm 2015, tỉnh Hà Giang tổ chức Lễ hội hoa tam giác mạch vào tháng 11 hàng năm - khi hoa tam giác mạch nở rộ và đẹp nhất.
Sự kiện đã trở thành thương hiệu văn hóa, du lịch đặc trưng của Hà Giang, được đông đảo công chúng, du khách trong và ngoài nước đón nhận, yêu thích.
Chương trình nghệ thuật tại Lễ khai mạc Lễ hội hoa Tam Giác Mạch lần thứ 8. Ảnh: Nam Thái/TTXVN
Lễ hội năm nay được tổ chức công phu, kéo dài từ tháng 10 đến hết tháng 12 trên khắp cao nguyên đá, nổi bật là chương trình nghệ thuật đặc sắc trong đêm khai mạc. Xuyên suốt chương trình là các tiết mục văn nghệ, dân ca, dân vũ, vũ đạo… được chia làm 3 trường đoạn.
Xuyên suốt chương trình là những tiết mục văn nghệ, dân ca, dân vũ, vũ đạo… được chia thành 3 trường đoạn.
Trường đoạn thứ nhất mang chủ đề "Vũ điệu hoa trên đá" với những phần biểu diễn vũ đạo theo nội dung ca từ và lời bình kết hợp cùng những bài hát thể hiện nét đẹp nơi cao nguyên đá.
Trường đoạn thứ hai có tên gọi "Sắc màu cao nguyên" với nét nhấn bằng hình tượng cây khèn Mông và những nghệ nhân chơi khèn.
Nghệ thuật khèn của người Mông tỉnh Hà Giang năm 2015 đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Tiếng khèn không chỉ là sợi dây kết nối giữa thế giới thần linh với con người, người đang sống với tổ tiên dòng họ, mà còn là tiếng lòng, khúc tâm tình của các chàng trai, cô gái gửi tới người thương; tiếng khèn giúp họ kết đôi, xây dựng tổ ấm.
Cây khèn cũng luôn là người bạn đường chung thủy của các chàng trai Mông trên đường xuống chợ hay đi rừng, đi nương. Khèn là vật dụng linh thiêng không thể thiếu của đồng bào dân tộc Mông. Tiếng khèn đã được lưu truyền qua bao đời và đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Trường đoạn ba với chủ đề "Hà Giang đón bạn chốn sương mây" gồm những bài hát được kết hợp với vũ đạo, trình diễn thời trang.
Phát huy bản sắc văn hóa - thúc đẩy tiềm năng du lịch
Hà Giang có nhiều cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ với Cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu cùng các địa danh nổi tiếng như núi đôi Quản Bạ, phố cổ Đồng Văn, cột cờ Lũng Cú, đèo Mã Pì Lèng, chợ phiên Mèo Vạc, ruộng bậc thang Hoàng Su Phì… Đây là vùng đất có lịch sử văn hóa lâu đời, nơi hội tụ của 19 dân tộc như Mông, Dao, Pà Thẻn, Cờ Lao, Lô Lô, Bố Y, Phù Lá, Pu Péo, La Chí...
Mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa, phong tục riêng, độc đáo, khó nơi nào có được.
Bên cạnh đó, Hà Giang có Cao nguyên đá Đồng Văn là nơi cư trú của đông đồng bào dân tộc thiểu số.
Hiện 4 huyện trong vùng Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn nằm trong diện huyện nghèo được thụ hưởng các chính sách theo Nghị quyết 30a của Chính phủ.
Hà Giang thuận lợi để phát triển du lịch dựa trên những cảnh quang đặc sắc. Ảnh: T.M
Cao nguyên đá hoang sơ vốn hùng vĩ, tráng lệ như mềm mại duyên dáng hơn nhờ sắc hồng của hoa tam giác mạch, mùa hoa đã mang màu áo mới đến cho cả một vùng núi đá.
Một Hà Giang trọn vẹn trong sự hòa quyện của từng tầng cấu trúc địa hình và những màu sắc dịu dàng mà đất trời đã tô điểm trên vùng đất này.
Tỉnh Hà Giang đã đẩy mạnh công tác quy hoạch Cao nguyên đá Đồng Văn nhằm bảo vệ, phát triển và tạo sinh kế cho người dân thông qua các hoạt động du lịch, dịch vụ; khai thác tiềm năng, lợi thế của vùng như đẩy mạnh phát triển cây dược liệu, phát huy bản sắc đồng bào dân tộc thiểu số, mở rộng phát triển các sản phẩm đặc sắc, tạo cảnh quan du lịch trên cánh đồng hoa; phát triển các điểm du lịch như: Khu di tích nhà Vương, cột cờ Lũng Cú, đỉnh Mã Pì Lèng, núi đôi Quản Bạ...
Để chuẩn bị cho lễ hội năm nay, tỉnh Hà Giang đã tổ chức trồng và chăm sóc hoa từ sớm với hàng trăm ha hoa tam giác mạch, tập trung cho hoa nở rộ nhất vào đúng thời điểm tổ chức khai mạc lễ hội.
Đến với Lễ hội hoa tam giác mạch lần thứ VIII, du khách sẽ được tham gia, trải nghiệm nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ diễn ra xuyên suốt trong nhiều ngày ở trung tâm huyện Đồng Văn và các huyện lân cận.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google