Hà Nội đẩy mạnh triển khai nhiều loại hình du lịch mới

PV
10:46 - 23/11/2022
Công dân & Khuyến học trên

Nhằm quảng bá hình ảnh, các điểm đến hấp dẫn, Hà Nội sẽ đẩy mạnh triển khai các loại hình du lịch mới như: du lịch thể thao mạo hiểm, du lịch trải nghiệm, du lịch sông Hồng, du lịch bay trực thăng/bay khinh khí cầu, du lịch ứng dụng thực tế ảo,...

Tổ chức các hoạt động, sự kiện đặc sắc, mang đậm bản sắc văn hóa Thủ đô

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, trong tháng 12 và cuối năm 2022, Hà Nội sẽ tổ chức các hoạt động liên kết với các tỉnh, thành phố, đặc biệt là các thị trường trọng điểm khu vực phía Bắc, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, khu vực miền Trung - Tây Nguyên... nhằm quảng bá hình ảnh điểm đến và xây dựng các tour du lịch hấp dẫn, có tính kết nối cao. Tổ chức các hoạt động, sự kiện, lễ hội chuyên nghiệp, tầm cỡ, đặc sắc, mang đậm bản sắc văn hóa Thủ đô, hướng đến hội nhập quốc tế.

Hà Nội đẩy mạnh triển khai nhiều loại hình du lịch mới - Ảnh 2.

Hà Nội sẽ triển khai nhiều loại hình du lịch mới. Ảnh: Meimeiontour

Thành phố sẽ đẩy mạnh triển khai nhiều loại hình du lịch mới như: du lịch thể thao mạo hiểm, du lịch trải nghiệm, du lịch sông Hồng, du lịch bay trực thăng/bay khinh khí cầu, du lịch ứng dụng thực tế ảo... thúc đẩy du lịch MICE tại các địa điểm có lợi thế về du lịch nghỉ dưỡng, du lịch golf gắn với việc tổ chức đăng cai các sự kiện văn hóa, thể thao, chính trị, xã hội, các chương trình lễ hội lớn của quốc gia và quốc tế.

MICE là loại hình du lịch kết hợp: Meeting (gặp gỡ, hội họp) + Incentive (khen thưởng) + Conference (hội nghị, hội thảo) + Event (sự kiện, triển lãm).

Đồng thời, Sở sẽ triển khai các nội dung tổ chức chương trình Festival Áo dài Hà Nội năm 2022; triển khai một số mô hình thí điểm phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022 - 2025; tổ chức tọa đàm “Kết nối các khu, điểm du lịch và các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn thành phố Hà Nội” năm 2022.

Công tác truyền thông cũng sẽ được đẩy mạnh nhằm tuyên truyền hình ảnh du lịch, các điểm đến, các sản phẩm mới của du lịch Thủ đô trên các kênh truyền thông, truyền hình trong nước và quốc tế. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, quảng bá thông qua các chương trình FM du lịch Hà Nội, các website, các nền tảng mạng xã hội... Sản xuất các phim, clip, poster card với nhiều ngôn ngữ về Hà Nội; đăng tải và phát hành tại sân bay Nội Bài, quầy hỗ trợ thông tin du lịch, khách sạn, doanh nghiệp lữ hành...

Thúc đẩy chuyển đổi số để phát triển du lịch làng nghề 

Thủ đô Hà Nội được mệnh danh là "mảnh đất trăm nghề", với trên 1.350 làng nghề và làng có nghề (chiếm gần 30% tổng số làng nghề và làng có nghề của cả nước), trong đó có tới gần 300 làng nghề truyền thống thuộc 23 quận, huyện, thị xã, trong đó có hơn 60% là làng nghề thủ công mỹ nghệ. Nhiều làng nghề có lịch sử lâu đời nhất nước.

Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống của Hà Nội đa dạng, phong phú về chủng loại, mẫu mã như gốm sứ Bát Tràng, dát vàng bạc quỳ Kiêu Kỵ (huyện Gia Lâm); gỗ mỹ nghệ Sơn Đồng (Hoài Đức); lụa Vạn Phúc (Hà Đông), đúc đồng Ngũ Xã (Ba Đình); tò he Xuân La (Phú Xuyên); sừng Thụy Ứng (Thường Tín),…

Hà Nội đẩy mạnh triển khai nhiều loại hình du lịch mới - Ảnh 3.

Hà Nội có gần 300 làng nghề truyền thống. Ảnh minh họa

Ngày 7/7/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 801/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030. Một trong những giải pháp quan trọng để phát triển du lịch làng nghề là tăng cường nghiên cứu, kết hợp, chuyển giao, ứng dụng công nghệ và công nghệ số, chuyển đổi số để nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, xúc tiến thương mại và phát triển du lịch làng nghề.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Du lịch thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Mai Anh, "các làng nghề truyền thống thực sự là nguồn tài nguyên du lịch văn hóa đặc sắc, là thế mạnh để phát triển loại hình du lịch làng nghề. Đặc biệt, sau khi Hà Nội chính thức trở thành thành viên mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO, thì làng nghề Việt Nam càng trở thành một phần không thể thiếu trong việc nâng cao giá trị thẩm mỹ, giá trị kinh tế góp phần đưa Hà Nội trở thành trung tâm hội tụ thiết kế và đổi mới ở khu vực - kinh đô sáng tạo của Đông Nam Á."

Để phát huy tiềm năng vốn có của các làng nghề, đưa các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đến gần với khách du lịch hơn, bên cạnh các giải pháp về chính sách, cơ sở vật chất, chất lượng dịch vụ thì việc thực hiện chuyển đối số trong lĩnh vực văn hóa - du lịch cũng được xúc tiến, tạo đà phát triển ngành thủ công mỹ nghệ, làng nghề truyền thống Hà Nội trở thành ngành "công nghiệp sáng tạo" mũi nhọn của Thủ đô trong tiến trình tham gia vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.

Trong thời gian tới, Sở Du lịch Hà Nội sẽ hoàn thiện bản đồ du lịch thành phố dưới dạng số hóa, nhằm giúp các đơn vị kinh doanh du lịch và du khách dễ dàng tra cứu điểm đến. Thành phố cũng chủ trương đẩy mạnh thương mại điện tử trong lĩnh vực này hướng tới mục tiêu đến năm 2030, du lịch thật sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO được thành lập năm 2004 với mục đích thúc đẩy hợp tác quốc tế giữa các thành phố được vinh danh quốc tế với việc lấy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị một cách bền vững.

Hà Nội gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO từ năm 2019.

Hà Nội đón hơn 17 triệu lượt khách du lịch trong 11 tháng  

Sở Du lịch Hà Nội cho biết, ước tính 11 tháng của năm 2022, tổng khách du lịch đến Hà Nội đạt 17,02 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 48,35 nghìn tỉ đồng, gấp hơn 5 lần so với cùng kỳ năm trước.

Tổng lượng khách quốc tế đến Hà Nội trong 11 tháng của năm 2022 đã đạt 1,27 triệu lượt khách, đạt chỉ tiêu tối thiểu đề ra của cả năm 2022 về đón khách quốc tế. 

Trước đó, trong kế hoạch phục hồi và phát triển du lịch Hà Nội trong năm 2022 sau đại dịch COVID-19, Hà Nội đặt mục tiêu đón 9-10 triệu lượt khách; trong đó, có 1,2-2 triệu lượt khách quốc tế.

Trong tháng 11/2022, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn trên địa bàn Hà Nội ước đạt 47%, tăng 3,2% so với tháng 10.2022 và tăng 20,4% so với cùng kỳ năm 2021. Ước tính, 11 tháng của năm 2022, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn 1-5 sao trên địa bàn Hà Nội ước đạt 36,1%, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm 2021.

Bình luận của bạn

Bình luận