Kết nối Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư và đất đai

HN
12:12 - 30/12/2022
Công dân & Khuyến học trên

Việc kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và đất đai là bước chuyển mình quan trọng trong sử dụng dữ liệu chung của Chính phủ; cụ thể hóa công cuộc chuyển đổi số quốc gia, hướng tới Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

Tạo thuận lợi cho công tác quản lý, đem lại tiện ích người dân, doanh nghiệp

Ngày 29/12, Bộ Tài nguyên Môi trường và Bộ Công an đã tổ chức Lễ Kết nối Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu Quốc gia về đất đai.

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, Đề án 06 của Chính phủ đã xác định 7 quan điểm chỉ đạo lớn; các mục tiêu hướng tới 5 nhóm tiện ích cụ thể là: Ứng dụng dữ liệu dân cư phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, trong đó ưu tiên hàng đầu là 25 thủ tục thiết yếu liên quan đến người dân; ứng dụng phục vụ phát triển kinh tế, xã hội; ứng dụng phục vụ xây dựng công dân số; hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; ứng dụng phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.

Kết nối Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư và đất đai - Ảnh 1.

Các đại biểu thực hiện nghi thức kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. (Từ trái qua: Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên). Ảnh: Bộ Tài nguyên và Môi trường

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhấn mạnh, việc kết nối cơ sở dữ liệu đất đai với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là bước chuyển mình quan trọng trong sử dụng dữ liệu chung của Chính phủ; là tiền đề thay đổi phương thức làm việc trên môi trường số; cụ thể hóa công cuộc chuyển đổi số quốc gia, hướng tới Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

Bộ trưởng Bộ Công an - Đại tướng Tô Lâm cũng khẳng định, cơ sở dữ liệu kết hợp giữa 2 Bộ có ý nghĩa quan trọng trong việc phục vụ xã hội số và công tác chuyển đổi số, không chỉ tạo ra thuận lợi công tác quản lý mà còn tạo ra tiện ích cho người dân, doanh nghiệp.

Tháo gỡ vướng mắc khi thực hiện thủ tục hành chính về đất đai

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, đến nay đã xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai tại 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó hết năm 2022 hoàn thành ở 309/705 huyện với trên 43 triệu thửa đất và đưa vào sử dụng thường xuyên tại văn phòng đăng ký đất đai.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã kết nối chia sẻ 18 trường thông tin cho 56/63 tỉnh thành; 309 đơn vị cấp huyện; 4.267 đơn vị cấp xã với hơn 24 triệu thửa đất và số lượng kết nối đang tiếp tục tăng.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Công an, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam rà soát, cập nhật, quản lý dữ liệu đất đai, nhà ở, địa chỉ... kết nối, xác thực với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ quản lý nhà nước và giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.

Bộ cũng vận hành hệ thống hồ sơ điện tử phục vụ chỉ đạo điều hành, xử lý hồ sơ, ký số hoàn toàn trên môi trường mạng đảm bảo văn bản xử lý theo thời gian thực (không còn tồn tại tình trạng lấy số trước). Hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ điện tử của Bộ đã xử lý, giải quyết 301.500 văn bản đến, 69.400 hồ sơ, văn bản đi; tỷ lệ văn bản điện tử gắn ký số đạt xấp xỉ 100%.

Trong khi đó, ngày 1/7/2021, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an xây dựng được vận hành với 17 trường thông tin của 98,7 triệu công dân được số hóa. Đây được xem là dữ liệu gốc, một trong các tài nguyên số của quốc gia.

Từ cơ sở dữ liệu quan trọng này, Bộ Công an đã cấp mã số định danh cá nhân cho 100% công dân, đồng thời đã triển khai thu nhận hơn 60 triệu hồ sơ cấp căn cước công dân có gắn chip điện tử với nhiều ưu điểm nổi bật cho công dân.

Việc kết nối cơ sở dữ liệu dân cư và cơ sở dữ liệu đất đai sẽ giúp người dân tra cứu được các thông tin về đất đai; cơ quan nhà nước quản lý được các biến động về dân cư và đất đai trên môi trường điện tử. Đây là những dữ liệu đầy đủ, sống, sạch phục vụ quản lý, người dân và an ninh quốc gia.

Trong bối cảnh Luật Cư trú có hiệu lực vào ngày 1/1/2023 tới đây, việc liên kết 2 cơ sở dữ liệu này sẽ góp phần tháo gỡ những vướng mắc khi thực hiện thủ tục hành chính về đất đai.

Đến năm 2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục đẩy mạnh xây dựng hệ thống hệ thống thông tin đất đai đa mục tiêu, tập trung, thống nhất, bảo đảm hỗ trợ nghiệp vụ quản lý đất đai và giải quyết thủ tục hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp. Tới tháng 6/2023, dự kiến sẽ hoàn thành cơ sở dữ liệu đất đai của 454/705 huyện tại các địa bàn đông dân, đến hết năm 2023 đạt 550 huyện.

Trên cơ sở đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành liên quan sẽ tiếp tục hình thành nền tảng dữ liệu phục vụ quản lý dữ liệu đất đai, nhà ở, địa chỉ số, kết nối, xác thực với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ công tác quản lý nhà nước về đất đai, nhà ở cũng như giao dịch bất động sản.

Bình luận của bạn

Bình luận