Indonesia chặn 8 nền tảng trực tuyến lớn, trong đó có Yahoo, PayPal và Dota

PV
14:38 - 31/07/2022
Công dân & Khuyến học trên

Một quan chức Chính phủ Indonesia ngày 30/7 cho biết, nước này đã chặn việc truy cập 8 nền tảng trực tuyến lớn, trong đó có Yahoo, PayPal và Dota, do không đáp ứng thời hạn chót đăng kí cấp phép dịch vụ.

Indonesia chặn 8 nền tảng trực tuyến lớn, trong đó có Yahoo, PayPal, và Dota - Ảnh 1.

Theo giới chức trách Indonesia, việc chặn việc truy cập các nền tảng trực tuyến không tuân thủ quy tắc cấp phép nhằm bảo vệ người dùng Internet của Indonesia. Ảnh: Soyacincau

Bị chặn do không tuân thủ các quy tắc đăng ký cấp phép

Trong một tuyên bố bằng văn bản, ông Semuel Abrijani Pangerapan - Tổng vụ trưởng ứng dụng tin học thuộc Bộ Truyền thông và Công nghệ Thông tin Indonesia, cho biết 5 nền tảng khác cũng bị chặn là Steam, Counter-Strike, Epic Games, Origin .com và Xandr.com.

Theo ông Pangerapan, việc đăng kí cấp phép là yêu cầu bắt buộc đối với mọi nhà cung cấp dịch vụ điện tử (ESP) theo một chính sách được ban hành vào năm 2020.

Ông Pangerapan khẳng định, đây là biện pháp bảo vệ người dùng Internet của Indonesia. Các nhà chức trách sẽ bỏ chặn các trang web nếu tuân thủ các quy tắc đăng ký cấp phép.

Cho đến trước thời hạn chót vào ngày 29/7, khoảng 200 ESP nước ngoài ở Indonesia, gồm Google, Zoom, Netflix hay Facebook, đã vội vã đăng kí cấp phép dịch vụ với Bộ Truyền thông và Công nghệ Thông tin Indonesia. Trong khi đó, khoảng 8.000 ESP trong nước cũng tiến hành đăng kí với nhà chức trách trước thời hạn trên.

Không tuân thủ quy định đăng ký đồng nghĩa với việc không xem Indonesia là thị trường tiềm năng

Tính đến tháng 2/2022, với khoảng 191 triệu người dùng mạng xã hội (chỉ đứng sau Trung Quốc và Ấn Độ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương) và dân số trẻ, Indonesia là một thị trường quan trọng cho một loạt các nền tảng công nghệ. 

Đất nước này cũng nằm trong số 10 thị trường lớn nhất về số lượng người dùng của một số mạng xã hội lớn như Twitter, Facebook, TikTok.

Theo quy định được công bố cuối năm 2020, các công ty cung cấp dịch vụ điện tử tại Indonesia phải đăng ký giấy phép, hạn chót là ngày 20/7/2022.

Facebook và Google nằm trong số các nền tảng Internet cuối cùng nộp đăng ký kinh doanh chính thức tại Indonesia. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông Indonesia, Netflix, Spotify, Instagram và TikTok cũng đã đăng ký tại quốc gia này.

Luật pháp Indonesia cho phép Chính phủ chặn các dịch vụ không xóa nội dung có khả năng "kích động bất ổn" hay "gây rối trật tự công cộng" trong 24 giờ, chẳng hạn như những nội dung quảng bá khiêu dâm trẻ em hay ủng hộ khủng bố.

Theo quy định, Chính phủ Indonesia cũng được phép đánh thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động mua bán hàng hóa kỹ thuật số, từ nội dung đến vật phẩm ảo. Ngoài ra, Chính phủ Indonesia còn có thể buộc các công ty tiết lộ dữ liệu cá nhân và thông tin liên lạc của một số người dùng cụ thể theo yêu cầu của cơ quan hành pháp. Chính phủ nước này cho biết, các quy định mới nhằm đảm bảo nhà cung cấp dịch vụ Internet bảo vệ dữ liệu người dùng và nội dung trực tuyến được sử dụng theo cách "tích cực và hiệu quả".

Theo ông Semuel Abrijani Pangerapan, các công ty sẽ nhận được cảnh báo trước tiên, tiếp đó là các khoản phạt và cuối cùng là đóng cửa dịch vụ không đăng ký. Những công ty không tuân thủ đồng nghĩa với việc họ không xem Indonesia như thị trường tiềm năng của mình.

Nguồn: Tổng hợp